BỘ VĂN HOÁ-THÔNG TIN
********
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số: 08/2000/TT-BVHTT
|
Hà Nội, ngày 28 tháng 4 năm 2000
|
THÔNG TƯ
CỦA BỘ VĂN HOÁ - THÔNG TIN SỐ 08/2000/TT-BVHTT NGÀY 28 THÁNG 4 NĂM 2000 HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ TRÒ CHƠI ĐIỆN TỬ
Căn cứ Điều 58 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 12/11/1996;
Căn cứ Nghị định 81/CP ngày 8/11/1993 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Văn hoá - Thông tin;
Nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước về Văn hoá - Thông tin, đảm bảo quyền chủ động trong kinh doanh của các doanh nghiệp theo quy định tại Luật Doanh nghiệp, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vui chơi giải trí lành mạnh của nhân dân, Bộ Văn hoá - Thông tin ban hành Thông tư này hướng dẫn quản lý trò chơi điện tử.
I- QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Trò chơi điện tử bao gồm:
1. Máy có cài sẵn nội dung trò chơi điện tử hoặc nội dung vui chơi giải trí khác bằng kỹ thuật điện tử;
2. Băng, đĩa, linh kiện có nội dung trò chơi điện tử;
3. Đầu máy, thiết bị phát trò chơi điện tử.
4. Máy tính, mạng máy tính có nội dung trò chơi điện tử.
Điều 2.
Đối tượng hoạt động trò chơi điện tử bao gồm:
1. Hộ kinh doanh cá thể quy định tại Nghị định 02/2000/NĐ-CP ngày 3/2/2000 của Chính phủ kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử;
2. Doanh nghiệp, công ty có đăng ký kinh doanh các ngành nghề khác kinh doanh thêm dịch vụ trò chơi điện tử;
3. Doanh nghiệp, công ty chuyên kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử;
4. Tổ chức là đơn vị sự nghiệp có thu kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử;
5. Cá nhân, tổ chức sử dụng trò chơi điện tử không nhằm mục đích kinh doanh;
6. Đối tượng quy định tại khoản 2 và 3 Điều này bao gồm cả hợp đồng hợp tác kinh doanh và liên doanh với nước ngoài.
Điều 3.
Cá nhân, tổ chức sử dụng hoặc kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử chỉ được phép sử dụng máy hoặc băng, đĩa có nội dung vui chơi giải trí lành mạnh, góp phần phát triển thể chất, nâng cao nhận thức thẩm mỹ cho con người.
Điều 4.
Nghiêm cấm các hành vi sau:
1. Tổ chức trò chơi điện tử, sản xuất, xuất nhập khẩu máy, thiết bị, băng, đĩa, linh kiện trò chơi điện tử, đưa vào máy tính hoặc mạng máy tính trò chơi điện tử có nội dung:
a/ Chống lại Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
b/ Kích động bạo lực, chia rẽ giữa các dân tộc và nhân dân các nước, truyền bá tư tưởng, văn hoá phản động, lối sống dâm ô, đồi truỵ, các hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục Việt Nam;
c/ Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, xúc phạm vĩ nhân, anh hùng dân tộc; vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của công dân;
2. Tổ chức trò chơi điện tử có giải thưởng bằng tiền hoặc mang tính chất đánh bạc.
3. Kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử ở địa điểm cách cổng ra vào của các trường học (từ mẫu giáo đến phổ thông trung học) dưới 200m, không phân biệt trường đó thuộc địa phương nào.
II- ĐIỀU KIỆN, THỦ TỤC KINH DOANH
Điều 5.
Điều kiện kinh doanh.
Đối tượng kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử quy định tại Thông tư này phải có các điều kiện sau:
1. Địa điểm thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp của mình đảm bảo vệ sinh, mùa hè phải thoáng, mùa đông phải ấm; không gây cản trở trật tự an toàn giao thông;
2. Thiết bị đảm bảo thẩm mỹ lành mạnh; đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật: Âm thanh rõ, mầu sắc đẹp, hình ảnh nét;
3. Đối tượng là cá nhân phải tuân theo quy định tại khoản 5 và 6 Điều 9 Luật Doanh nghiệp;
4. Đối tượng muốn hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc liên doanh với nước ngoài để kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử phải có vốn, luận chứng kinh tế kỹ thuật theo quy định của pháp luật về hợp tác đầu tư với nước ngoài.
Điều 6.
Thủ tục đăng ký kinh doanh:
1. Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư này đăng ký kinh doanh tại Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Uỷ ban nhân dân cấp huyện.
2. Đối tượng quy định tại khoản 2 và 3 Điều 2 Thông tư này đăng ký kinh doanh tại phòng đăng ký kinh doanh trong Sở Kế hoạch và Đầu tư.
3. Đối với đối tượng muốn hợp tác kinh doanh hoặc liên doanh với nước ngoài kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử (bao gồm cả đối tượng chuyên kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử và đối tượng kinh doanh ngành nghề khác có kinh doanh thêm dịch vụ trò chơi điện tử) mà thuộc thẩm quyền cấp giấy phép đầu tư của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có văn bản thẩm định của Sở Văn hoá - Thông tin. Văn bản thẩm định của Sở Văn hoá - Thông tin đồng thời gửi Bộ Văn hoá - Thông tin (Vụ Kế hoạch) để báo cáo.
4. Đối với đối tượng muốn hợp tác kinh doanh hoặc liên doanh với nước ngoài kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử (bao gồm cả đối tượng chuyên kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử và đối tượng kinh doanh ngành nghề khác có kinh doanh thêm dịch vụ trò chơi điện tử) mà thuộc thẩm quyền cấp giấy phép đầu tư của Bộ Kế hoạch - Đầu tư phải có văn bản thẩm định của Bộ Văn hoá - Thông tin.
5. Đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 2 Thông tư này khi kinh doanh phải đăng ký nộp thuế tại cơ quan thuế địa phương.
III. HOẠT ĐỘNG DỊCH VỤ TRÒ CHƠI ĐIỆN TỬ
Điều 7.
Sau khi được cấp giấy phép đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử, các đối tượng được phép kinh doanh; đối với đối tượng hợp tác kinh doanh hoặc liên doanh với nước ngoài khi hoạt động phải gửi văn bản đăng ký với Sở Văn hoá - Thông tin sở tại. Văn bản đăng ký phải ghi rõ số giấy phép đầu tư, ngày cấp giấy phép, cơ quan cấp, trụ sở của đơn vị, số điện thoại, địa điểm kinh doanh trò chơi điện tử và phải thực hiện những quy định có liên quan tại Thông tư này.
Điều 8.
Tổ chức, cá nhân sử dụng hoặc kinh doanh trò chơi điện tử phải chịu trách nhiệm về nội dung, không được vi phạm các quy định cấm tại Điều 4 Thông tư này; Các điểm kinh doanh dịch vụ không được hoạt động quá 12 giờ đêm.
Trường hợp không tự xác định được nội dung thuộc quy định cấm hay không cấm, cá nhân, tổ chức sử dụng trò chơi điện tử phải đề nghị Sở Văn hoá - Thông tin sở tại thẩm định để xác định và phải nộp lệ phí thẩm định. Sở Văn hoá - Thông tin phải có dấu hiệu để xác định băng, đĩa, linh kiện đã được Sở thẩm định và cho phép phổ biến.
Điều 9.
1. Việc đưa nội dung trò chơi điện tử vào mạng máy tính phải được phép của Bộ Văn hoá - Thông tin theo quy định hiện hành.
2. Các đối tượng kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử nhập khẩu máy đã cài đặt nội dung trò chơi điện tử, băng đĩa, linh kiện có nội dung trò chơi điện tử phải được phép của Sở Văn hoá - Thông tin.
Các Sở Văn hoá - Thông tin tổ chức việc dán tem hoặc ký hiệu trên các máy có cài đặt sẵn nội dung đã được Sở cho phép sử dụng .
IV- KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 10.
1. Đối tượng hoạt động trò chơi điện tử vi phạm quy định tại Thông tư này thì tuỳ theo tính chất, mức độ mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Người có công phát hiện, tố cáo vi phạm hoặc có thành tích trong việc quản lý dịch vụ trò chơi điện tử được khen thưởng theo quy định của Nhà nước.
V- TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 11.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 6 năm 2000 và thay thế Thông tư số 03/1998/TT-BVHTT ngày 22 tháng 6 năm 1998 của Bộ Văn hoá - Thông tin.
Điều 12.
Các Sở Văn hoá - Thông tin có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể để thực hiện Thông tư này tại địa phương mình và thường xuyên kiểm tra, xử lý vi phạm theo đúng thẩm quyền.
Điều 13.
Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các ông, bà Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng, Cục trưởng các Vụ, Cục thuộc Bộ Văn hoá - Thông tin có liên quan chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra thực hiện Thông tư này.