• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 16/02/2005
  • Ngày hết hiệu lực: 24/08/2008
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 105/2005/TT-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 30 tháng 11 năm 2005

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 137/2005/NĐ-CP ngày 09/11/2005

của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản

Căn cứ Nghị định số 137/2005/NĐ-CP ngày 09/11/2005 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản;

Căn cứ Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí;

Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản là các khoáng sản quy định tại Điều 2 Nghị định số 137/2005/NĐ-CP ngày 09/11/2005 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản (sau đây gọi tắt là Nghị định 137/2005/NĐ-CP), bao gồm: đá, tràng thạch, sỏi, sét, thạch cao, cát, đất, than, nước khoáng thiên nhiên và sa khoáng titan (ilmenit).

2. Đối tượng nộp phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản là các tổ chức, cá nhân (trong nước và nước ngoài) khai thác các loại khoáng sản quy định tại điểm 1 mục này.

II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Cách tính và mức thu phí

a) Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản phải nộp trong kỳ nộp phí được tính như sau:

 

 

Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản phải nộp trong kỳ (đồng)

=

Số lượng từng loại khoáng sản khai thác

(tấn hoặc m3)

x

Mức thu tương ứng

(đồng/tấn hoặc m3)

 

 

b) Mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản (theo quy định tại Điều 4 Nghị định 137/2005/NĐ-CP) được quy định bằng một số tiền nhất định trên một đơn vị sản phẩm khoáng sản tại nơi khai thác, như sau:

 

 

 

Số TT

Loại khoáng sản

Đơn vị tính

Mức thu

(đồng)

1

Đá:

 

 

a)

Đá làm xi măng, khoáng chất công nghiệp, vật liệu xây dựng

m3

2.000

b)

Đá ốp lát, làm mỹ nghệ (granit, gabro, đá hoa...)

m3

50.000

2

Tràng thạch

m3

20.000

3

Sỏi

m3

4.000

4

Sét

Tấn

1.500

5

Thạch cao

Tấn

2.000

6

Cát:

 

 

a)

Cát xây dựng (cát san lấp), cát vàng (cát xây tô)

m3

2.000

b)

Cát thuỷ tinh

m3

5.000

7

Đất:

 

 

a)

Đất để san lấp

m3

1.000

b)

Đất làm cao lanh

m3

5.000

8

Than:

 

 

a)

Than đá

Tấn

6.000

b)

Than bùn

Tấn

2.000

9

Nước khoáng thiên nhiên

m3

2.000

10

Sa khoáng Titan (ilmenit)

Tấn

30.000

c) Số lượng khoáng sản khai thác để xác định số phí bảo vệ môi trường phải nộp là số lượng khoáng sản khai thác thực tế trong kỳ nộp phí, không phân biệt mục đích khai thác (để bán ngay, đem trao đổi, tiêu dùng nội bộ, dự trữ đưa vào sản xuất tiếp theo...) và công nghệ khai thác (thủ công, cơ giới) hoặc vùng, miền, điều kiện khai thác (vùng núi, trung du, đồng bằng, điều kiện khai thác khó khăn, phức tạp...).

 

d) Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản được thu bằng đồng Việt Nam. Trường hợp đối tượng nộp phí đề nghị nộp bằng ngoại tệ thì được thu bằng ngoại tệ trên cơ sở quy đổi ngoại tệ ra đồng Việt Nam theo tỷ giá trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm thu phí.

2. Đăng ký, kê khai, thu, nộp phí

a) Đối tượng nộp phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản có nghĩa vụ:

- Đăng ký nộp phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản với cơ quan thuế trực tiếp quản lý theo mẫu quy định (mẫu 1 ban hành kèm theo Thông tư này) trong thời gian chậm nhất là 10 ngày làm việc, kể từ ngày được phép hoạt động khai thác khoáng sản. Trường hợp sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản, chuyển đổi sở hữu; giao, bán, khoán, cho thuê doanh nghiệp nhà nước hoặc có sự thay đổi trong hoạt động khai thác, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải khai báo với cơ quan thuế chậm nhất là 5 ngày làm việc, trước khi sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản, chuyển đổi sở hữu; giao, bán, khoán, cho thuê doanh nghiệp nhà nước hoặc có sự thay đổi trong hoạt động khai thác.

- Kê khai phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản hàng tháng theo mẫu quy định (mẫu 2 ban hành kèm theo Thông tư này) cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý trong 10 ngày đầu của tháng tiếp theo; trường hợp trong tháng không phát sinh phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản vẫn phải kê khai và nộp tờ khai cho cơ quan thuế. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải kê khai đầy đủ, đúng mẫu tờ khai và chịu trách nhiệm về tính chính xác của việc kê khai.

- Tự tính và nộp phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản vào ngân sách nhà nước tại Kho bạc nhà nước nơi khai thác khoáng sản theo đúng số liệu đã kê khai với cơ quan thuế, chậm nhất không quá ngày 25 của tháng tiếp theo. Quy trình nộp phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản vào Kho bạc nhà nước thực hiện theo quy định tại Thông tư số 80/2003/TT-BTC ngày 13/8/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn tập trung, quản lý các khoản thu ngân sách nhà nước qua Kho bạc nhà nước.

- Trong thời hạn 60 ngày sau khi kết thúc năm (là năm dương lịch, bắt đầu từ ngày 1 tháng 1, kết thúc vào ngày 31 tháng 12 cùng năm hoặc năm tài chính khác với năm dương lịch nếu được phép của cơ quan có thẩm quyền), đối tượng nộp phí phải quyết toán việc nộp phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản với cơ quan thuế. Trong thời hạn 10 ngày sau khi cơ quan thuế kiểm tra và ra thông báo, đối tượng nộp phí phải nộp đủ số phí còn thiếu (nếu có) vào ngân sách; số phí đã nộp thừa sẽ được hoàn trả hoặc tính vào số phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản phải nộp của kỳ tiếp theo.

- Đối với trường hợp kết thúc hợp đồng khai thác khoáng sản; sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản, chuyển đổi sở hữu; giao, bán, khoán, cho thuê doanh nghiệp nhà nước, đối tượng nộp phí phải nộp đủ số phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản còn thiếu trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày kết thúc hợp đồng khai thác khoáng sản hoặc ngày có quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản, chuyển đổi sở hữu hoặc giao, bán, khoán, cho thuê; nếu số phí nộp thừa thì được cơ quan thuế hoàn trả hoặc chuyển sang cơ sở kinh doanh mới theo các quy định hiện hành.

b) Đối với đối tượng nộp phí chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ chế độ chứng từ, hoá đơn, sổ kế toán thì cơ quan thuế căn cứ vào tình hình khai thác khoáng sản của từng đối tượng nộp phí, có văn bản ấn định số lượng khoáng sản được khai thác của từng đối tượng để xác định số phí phải nộp của từng đối tượng nộp phí theo đúng quy định của Nghị định 137/2005/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này. Căn cứ để ấn định số lượng khoáng sản được khai thác của từng đối tượng là tài liệu điều tra của cơ quan thuế hoặc số lượng khoáng sản khai thác được của cơ sở khai thác có cùng quy mô. Trường hợp qua khảo sát tình hình khai thác khoáng sản ở địa phương (căn cứ vào tờ khai của cơ sở khai thác khoáng sản kết hợp với tài liệu điều tra thực tế về nguồn khoáng sản, vốn, lao động, phương tiện khai thác), Cục Thuế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xác định được số lượng khoáng sản khai thác trung bình của các cơ sở khai thác khoáng sản chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ chế độ chứng từ, hoá đơn, sổ kế toán thì phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản ấn định chung cho các cơ sở này theo công thức sau:

 

Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản phải nộp trong kỳ (đồng)

=

Số lượng khoáng sản khai thác trung bình (tấn hoặc m3)

x

Mức thu tương ứng

(đồng/tấn hoặc m3)

 

Việc ấn định số lượng khoáng sản khai thác trung bình của các cơ sở khai thác khoáng sản phải đảm bảo công khai, dân chủ, sát đúng với khả năng hoạt động khai thác khoáng sản.

c) Trường hợp cơ sở khai thác nhỏ, phân tán, số phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản phải nộp nhỏ và ở nơi xa Kho bạc nhà nước thì cơ quan thuế được trực tiếp thu, sau đó định kỳ nộp vào Kho bạc nhà nước theo quy định tại Thông tư số 80/2003/TT-BTC ngày 13/8/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn tập trung, quản lý các khoản thu ngân sách nhà nước qua Kho bạc nhà nước; nếu loại khoáng sản khai thác được tập trung vào đầu mối thu mua và được cơ sở thu mua cam kết chấp thuận thì Cục Thuế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thể quyết định (bằng văn bản) để tổ chức, cá nhân thu mua khoáng sản nộp thay phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản cho đối tượng nộp phí. Cơ sở thu mua khoáng sản có nghĩa vụ kê khai theo mẫu quy định (mẫu 3 ban hành kèm theo Thông tư này), tự tính, tự nộp và quyết toán việc nộp phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản theo quy định tại tiết a điểm 2 mục này.

d) Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản được nộp vào Kho bạc nhà nước tại địa phương nơi khai thác khoáng sản và được phản ánh, quyết toán vào ngân sách nhà nước theo chương, loại, khoản tương ứng, mục 042, tiểu mục 06 của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.

3. Quản lý, sử dụng tiền phí thu được

a) Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản là khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100% (một trăm phần trăm) để hỗ trợ cho nguồn kinh phí thực hiện công việc bảo vệ môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản, theo các nội dung cụ thể sau đây:

- Phòng ngừa và hạn chế các tác động xấu đối với môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản;

- Khắc phục suy thoái, ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra;

- Giữ gìn vệ sinh, bảo vệ và tôn tạo cảnh quan môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản.

b) Việc lập dự toán, cấp phát và quyết toán nguồn thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản để chi cho các nội dung nêu tại điểm a mục này được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và pháp luật về ngân sách nhà nước hiện hành.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Cơ quan thuế có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản thực hiện đăng ký, kê khai, nộp phí theo đúng quy định của Nghị định 137/2005/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này;

b) Kiểm tra, thanh tra việc kê khai, nộp, quyết toán tiền phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản; ấn định số lượng khoáng sản được khai thác để tính phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản đối với các đối tượng nộp phí chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ chế độ chứng từ, hoá đơn, sổ kế toán theo hướng dẫn tại Thông tư này;

c) Xử lý vi phạm hành chính về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản theo thẩm quyền quy định của pháp luật;

d) Lưu giữ và sử dụng số liệu, tài liệu mà cơ sở khai thác khoáng sản và đối tượng khác cung cấp theo chế độ quy định.

2. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2006.

3. Các nội dung khác liên quan đến việc thu, nộp, quản lý, sử dụng và công khai chế độ thu phí, lệ phí không đề cập tại Thông tư này được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí và lệ phí.

4. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu gặp khó khăn vướng mắc đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Trương Chí Trung

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.