• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/07/1989
  • Ngày hết hiệu lực: 26/06/2002
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Số: 59/HĐBT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 5 tháng 6 năm 1989

 

 

 

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 59/HĐBT NGÀY 5-6-1989

VỀ CHẾ ĐỘ NHUẬN BÚT ĐỐI VỚI CÁC TÁC PHẨM

CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI,

VĂN HOÁ - GIÁO DỤC, VĂN HỌC - NGHỆ THUẬT,

KHOA HỌC - KỸ THUẬT

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4-7-1981;

Căn cứ Nghị định số 142-HĐBT ngày 14-11-1986 về quyền tác giả;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Bộ trưởng Bộ Văn hoá,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. - Quy định chế độ nhuận bút cho các tác phẩm chính trị - xã hội, văn hoá - giáo dục, văn học - nghệ thuật, khoa học - kỹ thuật nhằm bảo đảm quyền lợi cho các tác giả, khuyến khích sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị cao.

Điều 2. - Nhuận bút và đối tượng hưởng nhuận bút:

1. Nhuận bút là khoản tiền do bên sử dụng tác phẩm chính trị - xã hội, văn hoá - giáo dục, văn học - nghệ thuật, khoa học - kỹ thuật (dưới đây gọi chung là tác phẩm) trả cho tác giả hoặc các tác giả), theo quy định tại Nghị định số 142-HĐBT ngày 14-11-1986 về quyền tác giả.

2. Đối tượng hưởng nhuận bút là tác giả của tác phẩm được sử dụng dưới một trong các hình thức xuất bản, báo, tạp chí, công diễn, sản phẩm điện ảnh, vidéo; chương trình phát thanh, truyền hình.

3. Tác giả các tác phẩm đơn chiếc hoặc có đặc thù riêng như tranh, tượng nghệ thuật... không hưởng chế độ nhuận bút, mà được bên sử dụng trả tiền về quyền sử dụng tác phẩm, thông qua hợp đồng kinh tế.

Điều 3. - Những nguyên tắc của chế độ nhuận bút:

1. Việc trả nhuận bút phải bảo đảm hợp lý giữa lợi ích của tác giả, lợi ích của bên sử dụng tác phẩm và lợi ích của người hưởng thụ tác phẩm, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước.

2. Mức nhuận bút căn cứ vào chất lượng, khối lượng, hiệu quả kinh tế - xã hội của tác phẩm và thông qua hợp đồng kinh tế giữa tác giả và bên sử dụng tác phẩm.

3. Nhuận bút của một tác phẩm gồm:

a) Nhuận bút cơ bản trả công lao động sáng tạo ra tác phẩm, tương xứng với chất lượng, khối lượng của tác phẩm đó.

b) Nhuận bút số lượng trả thêm cho những tác phẩm được sử dụng với lượng xuất bản vượt quá số lượng chuẩn.

c) Nhuận bút tái bản trả cho những tác phẩm có giá trị được tái bản.

4. Tác phẩm thuộc các thể loại sáng tác, nghiên cứu được trả nhuận bút cơ bản cao hơn những tác phẩm biên soạn, dịch thuật, chuyển thể, cải biên, phóng tác, sưu tầm, tuyển chọn. Tác phẩm được dịch, chuyển thể, phóng tác, cải biên thì tác giả của tác phẩm nguyên bản được hưởng một phần trong tổng số nhuận bút.

Tác giả phần lời trong tranh truyện, ảnh truyện, bài hát, được hưởng một phần trong tổng số nhuận bút.

Tác giả sáng tác cho thiếu nhi, cho các dân tộc ít người được hưởng thêm nhuận bút khuyến khích.

Những đoạn trích không phải là tác phẩm hoàn chỉnh thì không hưởng nhuận bút.

5. Tác phẩm lưu hành nội bộ, không kinh doanh hưởng nhuận bút cơ bản thấp hơn tác phẩm tương đương có kinh doanh và không hưởng nhuận bút số lượng, nhuận bút tái bản. Mức nhuận bút do bên sử dụng tác phẩm thoả thuận với tác giả.

6. Tác phẩm được sử dụng ở thể loại nào được trả nhuận bút theo thể loại đó.

Điều 4. - Phương thức tính nhuận bút và quỹ nhuận bút:

a) Nhuận bút xuất bản phẩm:

- Nhuận bút cơ bản của xuất bản phẩm căn cứ vào chất lượng, thể loại tác phẩm và tính theo tỷ lệ phần trăm (%) của giá bán lẻ nhân với số lượng chuẩn.

- Nhuận bút số lượng của tác phẩm tính theo tỷ lệ phần trăm (%) của nhuận bút cơ bản của tác phẩm đó.

- Nhuận bút tái bản tính theo tỷ lệ phần trăm (%) của nhuận bút cơ bản lần đầu. Khi tái bản, tác giả được hưởng nhuận bút số lượng.

b) Nhuận bút cho các tác phẩm được sử dụng dưới các hình thức báo chí, phát thanh, truyền hình căn cứ vào thể loại, chất lượng và tính theo tỷ lệ phần trăm (%) của quỹ nhuận bút.

- Quỹ nhuận bút báo chí tính theo tỷ lệ phần trăm (%) doanh số (giá bán lẻ nhân với số lượng phát hành).

- Quỹ nhuận bút chương trình phát thanh, truyền hình tính theo đơn giá nhuận bút báo in cộng với nhuận bút phần thể hiện hoặc căn cứ vào nguồn ngân sách được phân bố.

Tác phẩm sử dụng phát thanh và truyền hình không hưởng nhuận bút số lượng.

Tác giả là phóng viên trong biên chế của cơ quan báo chí, đài phát thanh truyền hình được hưởng nhuận bút sau khi hoàn thành định mức được giao.

c) Nhuận bút tác phẩm được sử dụng thông qua công diễn được tính theo tỷ lệ phần trăm (%) của doanh thu đêm diễn. Nhuận bút của các tác phẩm điện ảnh và vidéo tính theo tỷ lệ phần trăm (%) của giá bán hợp lý sản phẩm điện ảnh và vidéo, theo hợp đồng kinh tế giữa tác giả và bên sử dụng tác phẩm.

Đối với các tác phẩm nghệ thuật thể nghiệm, phục vụ các đối tượng đặc biệt hoặc không kinh doanh, tuỳ theo chất lượng và khối lượng, bên sử dụng tác phẩm trả nhuận bút thấp hơn hoặc bằng tác phẩm tương đương có kinh doanh.

d) Nhuận bút thoả thuận.

Đối với những tác phẩm phức tạp như gồm quá nhiều tác giả, in trên giấy đặc chủng hoặc với kỹ thuật in đặc biệt, có thể áp dụng cách trả theo thoả thuận giữa tác giả với bên sử dụng tác phẩm thông qua hợp đồng kinh tế.

Điều 5. - Thời hạn trả nhuận bút:

Bên sử dụng tác phẩm phải thanh toán và trả nhuận bút cho tác giả theo đúng hợp đồng kinh tế đã ký kết và không chậm quá 60 ngày kể từ ngày nộp lưu chiểu thực tế đối với xuất bản phẩm và sản phẩm điện ảnh, vidéo hoặc kết thúc chương trình biểu diễn.

Điều 6. - Bộ trưởng Bộ Thông tin, Bộ trưởng Bộ Văn hoá phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội hướng dẫn chi tiết thi hành Nghị định này.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 1989. Nghị quyết số 125-CP ngày 20-5-1974 và các văn bản hướng dẫn theo đó không còn hiệu lực thi hành.

Điều 7. - Bộ trưởng các Bộ, Chủ nhiệm các Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

 

Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Võ Văn Kiệt

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.