• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 11/11/2009
QUỐC HỘI
Số: 37/2009/QH12
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 11 tháng 11 năm 2009

NGHỊ QUYẾT

Về dự toán ngân sách nhà nước năm 2010

_______________

 

QUỐC HỘI
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;

Căn cứ Luật ngân sách nhà nước;

Sau khi xem xét Báo cáo số 13/BC-CP ngày 16 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ trình Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2010; Báo cáo thẩm tra số 1041/BC-UBTCNS12 ngày 16 tháng 10 năm 2009 của Ủy ban Tài chính - Ngân sách;

Báo cáo tiếp thu, giải trình số 287/BC-UBTVQH12 ngày 10 tháng 11 năm 2009 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2010 và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 2010:

- Tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 461.500 tỷ đồng (bốn trăm sáu mươi mốt nghìn năm trăm tỷ đồng), bằng 23,9% tổng sản phẩm trong nước; tính cả 1.000 tỷ đồng thu chuyển nguồn năm 2009 sang năm 2010 thì tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 462.500 tỷ đồng (bốn trăm sáu mươi hai nghìn năm trăm tỷ đồng);

- Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 582.200 tỷ đồng (năm trăm tám mươi hai nghìn hai trăm tỷ đồng);

- Mức bội chi ngân sách nhà nước là 119.700 tỷ đồng (một trăm mười chín nghìn bảy trăm tỷ đồng), bằng 6,2% tổng sản phẩm trong nước.

(Kèm theo các phụ lục số 1, 2, 3, 4 và 5)

Điều 2. Tán thành các giải pháp thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2010 do Chính phủ trình và kiến nghị của Ủy ban Tài chính - Ngân sách trong Báo cáo thẩm tra, đồng thời nhấn mạnh những giải pháp trọng tâm dưới đây:

1. Tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa linh hoạt có kiểm soát chặt chẽ, phấn đấu tăng thu, triệt để tiết kiệm và nâng cao hiệu quả chi, phấn đấu giảm bội chi ngân sách nhà nước năm 2010 xuống dưới 6,2% tổng sản phẩm trong nước và giảm dần trong các năm sau. Phối hợp đồng bộ chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách khác để góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu tổng quát về kinh tế - xã hội năm 2010.

2. Chính phủ tổ chức thực hiện tốt các luật thuế, chỉ đạo kiên quyết công tác thu ngân sách nhà nước, hạn chế tối đa tình trạng nợ đọng thuế, gian lận thuế, nhất là trong kê khai tính thuế. Tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các luật thuế cho phù hợp với tình hình thực tế và cam kết hội nhập kinh tế quốc tế. Dừng việc miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 32/2009/QH12 của Quốc hội; thực hiện giãn thời hạn nộp thuế một quý đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sản xuất, gia công dệt may, da, giầy.

3. Quản lý chặt chẽ chi ngân sách nhà nước theo đúng Luật ngân sách nhà nước và các Nghị quyết của Quốc hội; khắc phục tình trạng chi ngoài dự toán, chi vượt dự toán không đúng thẩm quyền và sai quy định của Luật ngân sách nhà nước. Rà soát, sắp xếp đầu tư khu vực công theo hướng xác định thứ tự ưu tiên đầu tư; giảm dần tỷ trọng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước đi đôi với đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư trong các lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác có thể tham gia. Tiếp tục cải cách tiền lương, tăng mức lương tối thiểu từ 650.000 đồng/tháng lên 730.000 đồng/tháng từ ngày 01 tháng 5 năm 2010; tăng khả năng bảo đảm chi an sinh xã hội, nông nghiệp và nông thôn, quốc phòng, an ninh; ưu tiên bố trí vốn cho các dự án, công trình trọng điểm, cấp bách, hoàn thành trong năm 2010 - 2011, nhất là ở các địa phương nghèo, chưa cân đối được ngân sách.

Trường hợp tăng thu ngân sách nói chung, tăng thu từ dầu thô nói riêng và tăng số chuyển nguồn so với dự toán ngân sách nhà nước, Chính phủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến theo quy định của pháp luật theo hướng ưu tiên trước hết và chủ yếu cho việc giảm bội chi ngân sách nhà nước, tiếp đó là một số nhu cầu cấp bách phát sinh về đầu tư phát triển và bảo đảm an sinh xã hội; trường hợp chỉ đạo quyết liệt và nỗ lực phấn đấu mà hụt thu, không bảo đảm chi đầu tư phát triển thì Chính phủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về phương án xử lý.

4. Năm 2010 phát hành trái phiếu chính phủ 56.000 tỷ đồng để đầu tư các dự án, công trình thuộc lĩnh vực và danh mục đã được quyết định đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ theo Nghị quyết của Quốc hội; điều chỉnh tổng mức vốn đầu tư đối với các dự án, công trình do nguyên nhân khách quan cho phù hợp với thực tế; điều chuyển vốn giữa các dự án, công trình cho phù hợp với tiến độ và khả năng hoàn thành. Chính phủ xây dựng phương án phân bổ vốn trái phiếu chính phủ năm 2010, báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trước khi thực hiện.

5. Tăng cường quản lý các khoản chi ngoài cân đối ngân sách nhà nước, vay về cho vay lại, bảo lãnh vay của Chính phủ, các quỹ tài chính ngoài ngân sách, các khoản vay của chính quyền địa phương, các khoản tạm ứng ngân sách theo đúng quy định của pháp luật. Rà soát lại các khoản tạm ứng, thu hồi số vốn tạm ứng ngân sách đúng hạn, theo nguyên tắc hoàn tạm ứng vào cuối năm ngân sách hoặc trừ vào dự toán ngân sách năm sau. Khắc phục tình trạng tạm ứng vốn quá lớn và thời gian tạm ứng vốn quá dài. Đồng thời, bố trí, cân đối các nguồn vốn để xử lý dứt điểm các khoản tạm ứng hợp lý đầu tư cho các dự án, công trình trong kế hoạch do cấp có thẩm quyền quyết định mà chưa xử lý được trong các năm qua.

6. Tổng kết, đánh giá và rà soát các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình mục tiêu khác; thực hiện bố trí tổng số vốn cho các chương trình và phân giao cho các địa phương. Căn cứ vào tình hình thực tế mà địa phương quyết định việc lồng ghép các chương trình và phân bổ cụ thể cho các chương trình, tập trung cho các chương trình có khả năng hoàn thành trong năm 2010.

7. Tiếp tục giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp và thực hiện xã hội hóa các loại hình sự nghiệp, nhất là y tế, giáo dục với mức độ cao hơn; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư cung ứng dịch vụ công.

8. Tổ chức tổng kết thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước 5 năm 2006 - 2010 và 10 năm 2001 - 2010; định hướng phát triển tài chính - ngân sách nhà nước 5 năm 2011 - 2015 và chiến lược 10 năm 2011 - 2020.

Điều 3. Giám sát việc thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2010.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội giám sát việc thực hiện dự toán ngân sách nhà nước một cách thiết thực, hiệu quả trên các lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Nghị quyết này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ sáu thông qua ngày 11 tháng 11 năm 2009./.

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Phú Trọng

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.