• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 19/09/2007
  • Ngày hết hiệu lực: 15/06/2017
BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
Số: 05/2007/TT-BKH
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 9 tháng 8 năm 2007
THÔNG TƯ
Ban hành các biểu mẫu báo cáo và hướng dẫn thực hiện Quyết định số 52/2007/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2007
của Thủ tướng Chính phủ về chế độ báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước
_______________________________________
Căn cứ Nghị định số 61/2003/NĐ-CP ngày 6 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
Căn cứ Quyết định số 52/2007/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về Chế độ báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch vốn đầu tư nhà nước;
Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành các biểu mẫu báo cáo và hướng dẫn thực hiện chế độ báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước như sau.
Phn 1
QUY ĐỊNH CHUNG
Thông tư này hướng dẫn các đơn vị sử dụng vốn đầu tư nhà nước báo cáo việc phân bổ và tình hình thực hiện kế hoạch vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn ngân sách nhà nước, vốn công trái, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, vốn tín dụng chính sách và các nguồn vốn đầu tư khác của Nhà nước.
1. Vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn ngân sách nhà nước quy định báo cáo trong Thông tư này là vốn đầu tư phát triển theo chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao, không bao gồm: vốn đầu tư đi vay theo khoản 3, Điều 8 quy định tại Luật Ngân sách nhà nước số 01/2002/QH11 ngày 16/12/2002, vốn vay Kho bạc, đầu tư từ nguồn thu xổ số kiến thiết, phí, lệ phí, quảng cáo truyền hình; đầu tư từ nguồn vốn công trái, trái phiếu Chính phủ,…
2. Vốn công  trái, vốn  trái  phiếu Chính  phủ  gồm đầu tư từ nguồn  vốn công trái, trái phiếu Chính phủ trong nước, trái phiếu quốc tế của Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra thị trường vốn quốc tế, trái phiếu của các doanh nghiệp phát hành được Chính phủ bảo lãnh.
3. Vốn tín dụng đầu tư phát triển nhà nước gồm các khoản vay đầu tư phát triển, vay xuất khẩu, đầu tư từ nguồn vốn ODA cho vay lại của Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các quỹ đầu tư của địa phương.
4. Vốn tín dụng chính sách xã hội bao gồm các khoản cho vay hộ nghèo, cho vay giải quyết việc làm, cho vay học sinh sinh viên, cho vay xuất khẩu lao động, cho vay trả chậm nhà ở, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho vay trồng rừng,…
5. Các nguồn vốn đầu tư khác của nhà nước gồm các khoản đi vay đầu tư theo khoản 3, Điều 8 của Luật NSNN, vay Kho bạc, đầu tư từ nguồn xổ số kiến thiết, các khoản phí, lệ phí, quảng cáo truyền hình đầu tư của khu vực doanh nghiệp nhà nước (bao gồm: vốn tự có, vốn vay thương mại trong nước và nước ngoài, vốn khác),…
II. Các đơn vị sử dụng vốn đầu tư nhà nước phải thực hiện chế độ báo hàng tháng, quý, năm tình hình thực hiện các nguồn vốn trên theo các nội dung quy định tại Thông tư này.
Phn 2
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
I. BÁO CÁO KẾT QUẢ PHÂN BỔ VỐN ĐẦU TƯ NHÀ NƯỚC HÀNG NĂM
1. Báo cáo việc phân bổ kế hoạch vốn đầu tư nhà nước của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan Trung ương khác, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Tập đoàn Kinh tế, Tổng công ty Nhà nước và các tổ chức khác theo quy định tại khoản II Phần I Thông tư này, căn cứ vào kế hoạch vốn đầu tư nhà nước hàng năm, báo cáo:
- Phân bổ kế hoạch theo từng nguồn vốn ;
- Phân bổ kế hoạch của từng nguồn vốn cho các chương trình, dự án cụ thể;
- Từng nguồn vốn phân bổ theo ngành, lĩnh vực;
- Mức vốn và nguồn vốn để thanh toán nợ các công trình, dự án hoàn thành đúng trong quy hoạch, kế hoạch được duyệt, sử dụng nguồn vốn NSNN, nhưng chưa được bố trí vốn (gọi tắt là thanh toán nợ khối lượng xây dựng cơ bản);
- Thanh toán các khoản chi ứng trước và các khoản tạm ứng kế hoạch các năm sau.
Các báo cáo phải có thuyết minh cụ thể về phương án phân bổ và các văn bản phê duyệt kế hoạch phân bổ vốn đầu tư nhà nước của Bộ, ngành, địa phương quản lý.
2. Báo cáo kế hoạch của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, gồm:
a) Vốn điều lệ của Ngân hàng đến thời điểm báo cáo;
b) Kế hoạch huy động vốn hàng năm;
c) Kế hoạch vốn tín dụng đầu tư nhà nước, tín dụng xuất khẩu, bao gồm: tín dụng đầu tư trong nước, cho vay đầu tư, bảo lãnh tín dụng đầu tư, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư và cho vay lại nguồn vốn ODA theo ngành, lĩnh vực, theo từng chương trình và dự án cụ thể;
d) Kế hoạch bù lãi suất tín dụng đầu tư.
3. Báo cáo kế hoạch của Ngân hàng Chính sách xã hội, gồm:
a) Vốn điều lệ của Ngân hàng đến thời điểm báo cáo;
b) Kế hoạch huy động vốn hàng năm;
c) Kế hoạch vốn tín dụng chính sách theo từng chương trình và dự án cụ thể;
d) Kế hoạch bù lãi suất tín dụng chính sách;
4. Bộ Tài chính
Bộ Tài chính báo cáo tình hình đăng ký kế hoạch để cấp phát vốn đầu tư thuộc nguồn vốn Ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, công trái và các nguồn vốn khác có tính chất NSNN; tình hình thu hồi các khoản ứng trước kế hoạch của các cơ quan Trung ương, các Tập đoàn Kinh tế, Tổng công ty nhà nước; tình hình thu hồi các khoản ứng trước từ nguồn hỗ trợ có mục tiêu từ NSTW cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
II. BÁO CÁO THỰC HIỆN KẾ HOẠCH VỐN ĐẦU TƯ NHÀ NƯỚC.
1. Báo cáo hàng tháng
a) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan Trung ương khác, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Tập đoàn Kinh tế, Tổng công ty Nhà nước và các tổ chức khác theo quy định tại khoản II Phần I Thông tư này, báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư hàng tháng, bao gồm:
- Tổng thể tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn NSNN, trái phiếu Chính phủ, công trái trong tháng và lũy kế đến thời điểm báo cáo;
- Tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư theo nguồn vốn của các dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A trong tháng và lũy kế đến tháng báo cáo.
b) Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội: Báo cáo tình hình thực hiện và giải ngân nguồn vốn tín dụng đầu tư nhà nước, tín dụng chính sách trong tháng báo cáo và lũy kế đến tháng báo cáo.
c) Bộ Tài chính:
- Báo cáo hàng tháng và lũy kế đến tháng báo cáo về tình hình giải ngân vốn đầu tư NSNN, trái phiếu Chính phủ, công trái, vốn vay và viện trợ;
- Báo cáo tình hình sử dụng dự phòng ngân sách Trung ương và Quỹ dự trữ tài chính của Trung ương;
- Tình hình tạm ứng và chi ứng trước vốn kế hoạch các năm tiếp theo cho đầu tư phát triển trong tháng báo cáo và lũy kế đến tháng báo cáo...
2. Báo cáo hàng quý và báo cáo 6 tháng
a) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan Trung ương khác, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Tập đoàn Kinh tế, Tổng công ty nhà nước và các tổ chức khác quy định tại khoản II Phần I Thông tư này, báo cáo:
- Kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư theo từng nguồn vốn quy định tại khoản I Phần I Thông tư này theo quý và lũy kế đến quý báo cáo;
- Báo cáo tiến độ thực hiện và giải ngân của các dự án nhóm A, các dự án quan trọng quốc gia. Chi tiết khối lượng thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư theo từng nguồn vốn quy định tại khoản I Phần I Thông tư này theo quý và lũy kế đến quý báo cáo. Dự kiến khả năng thực hiện và giải ngân các dự án này so với kế hoạch năm;
- Báo cáo tổng hợp khối lượng thực hiện và giải ngân của các dự án nhóm B, nhóm C, bao gồm: tổng số dự án nhóm B, C; khối lượng thực hiện và giải ngân theo từng nguồn vốn quy định tại khoản I Phần I Thông tư này theo quý và lũy kế đến quý báo cáo.
b) Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội báo cáo:
- Tình hình huy động vốn hàng quý, 6 tháng;
- Vốn điều lệ của Ngân hàng tại thời điểm báo cáo;
- Tổng dư nợ nguồn vốn tín dụng nhà nước, tín dụng xuất khẩu, tín dụng chính sách đến thời điểm báo cáo;
- Tổng hợp khối lượng thực hiện và kết quả giải ngân nguồn vốn tín dụng đầu tư nhà nước, tín dụng xuất khẩu, tín dụng chính sách hàng quý, 6 tháng;
- Chi tiết khối lượng thực hiện, giải ngân nguồn vốn tín dụng đầu tư nhà nước, bao gồm tín dụng trong nước, cho vay lại nguồn vốn ODA theo quý, 6 tháng của các dự án nhóm A.
c) Bộ Tài chính báo cáo
- Báo cáo tình hình cấp phát và giải ngân vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn NSNN, trái phiếu Chính phủ, công trái, vốn vay và viện trợ và các nguồn vốn khác có tính chất NSNN,...
- Báo cáo tình hình sử dụng dự phòng Ngân sách Trung ương; tạm ứng và chi ứng trước kế hoạch các năm sau;
- Báo cáo tình hình huy động nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, công trái,...
3. Báo cáo kết quả tình hình thực hiện kế hoạch vốn đầu tư nhà nước hàng năm
a) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan Trung ương khác, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Tập đoàn Kinh tế, Tổng công ty nhà nước và các tổ chức khác quy định tại khoản II Phần I tại Thông tư này báo cáo:
- Tình hình thực hiện kế hoạch vốn đầu tư nhà nước theo từng nguồn vốn;
- Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch theo ngành, lĩnh vực của từng nguồn vốn quy định tại khoản I Phần I tại Thông tư này;
- Chi tiết khối lượng thực hiện và kết quả giải ngân của các dự án nhóm A theo từng nguồn vốn quy định tại khoản I Phần I tại Thông tư này;
- Tổng hợp khối lượng thực hiện và giải ngân của các dự án  nhóm B, nhóm C, bao gồm: tổng số dự án, tổng số chi theo từng nguồn vốn quy định tại khoản I Phần I tại Thông tư này.
b) Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội báo cáo:
- Tình hình huy động vốn;
- Vốn điều lệ của Ngân hàng tính đến ngày 31/12 hàng năm;
- Tổng dư nợ nguồn vốn tín dụng nhà nước, tín dụng xuất khẩu, tín dụng chính sách đến ngày 31/12 hàng năm;
- Tổng hợp tình hình thực hiện kế hoạch vốn tín dụng đầu tư nhà nước, tín dụng xuất khẩu, tín dụng chính sách;
- Khối lượng thực hiện và giải ngân nguồn vốn tín dụng đầu tư nhà nước, tín dụng xuất khẩu, tín dụng chính sách theo ngành, lĩnh vực;
- Chi tiết khối lượng và giải ngân nguồn vốn tín dụng đầu tư nhà nước, bao gồm vốn vay trong nước và vốn vay ODA của các dự án nhóm A.
c) Báo cáo của Bộ Tài chính:
- Tình hình cấp phát và giải ngân vốn đầu tư nguồn NSNN cả năm của từng đơn vị sử dụng vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN;
- Tình hình cấp phát và giải ngân vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN theo ngành, lĩnh vực;
- Tình hình cấp phát và giải ngân vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN của các dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A;
- Tình hình huy động và sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, công trái;
- Tình hình giải ngân nguồn vốn vay và viện trợ của nước ngoài (ODA);
- Tình hình sử dụng dự phòng ngân sách Trung ương và Quỹ dự trữ tài chính của Trung ương;
- Tình hình tạm ứng và chi ứng trước kế hoạch các năm tiếp theo cho đầu tư phát triển;
- Tình hình đầu tư của Trung ương và địa phương từ các nguồn vốn khác có tính chất NSNN, như phí, lệ phí, nguồn thu quảng cáo, phát thanh truyền hình, xổ số kiến thiết,...
4. Các báo cáo trên đây, ngoài việc tổng hợp số liệu cần có phân tích thuyết minh cụ thể việc phân bổ kế hoạch và tình hình thực hiện. Nêu cụ thể các tồn tại, hạn chế, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế; đề xuất các giải pháp thúc đẩy thực hiện kế hoạch;…
III. CÁC MẪU BIỂU BÁO CÁO
Ban hành các mẫu biểu báo cáo kế hoạch, thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển hàng tháng, hàng quý, hàng năm. Các bộ, ngành, địa phương tổ chức thu thập, tổng hợp phản ánh đầy đủ thông tin theo quy định tại các mẫu biểu kèm theo Thông tư này và gửi kèm theo báo cáo kế hoạch và báo cáo thực hiện kế hoạch theo định kỳ đã quy định tại Thông tư này.
IV. HÌNH THỨC GỬI BÁO CÁO, THỜI HẠN VÀ CƠ QUAN NHẬN BÁO CÁO
Các báo cáo quy định tại khoản I, II, III Phần II Thông tư này được gửi theo thời hạn và cơ quan nhận báo cáo quy định tại Điều 4 tại Quyết định 52/2007/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2007.
Báo cáo gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo đường bưu điện; thư điện tử địa chỉ: vutonghop@mpi.gov.vn; hoặc fax số: 04.8234453,… Riêng báo cáo của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị gửi thêm theo đường thư điện tử địa chỉ: diaphuong@mpi.gov.vn.
Phần 3
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan Trung ương khác, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Tập đoàn Kinh tế, Tổng giám đốc các Tổng công ty nhà nước và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị sử dụng vốn đầu tư nhà nước phải triển khai thực hiện chế độ báo cáo tại Thông tư này.
3. Trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư này, nếu có những khó khăn, vướng mắc, các đơn vị phản ánh kịp thời về Bộ Kế hoạch và Đầu tư./

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Võ Hồng Phúc

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.