• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 26/08/2008
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2016
CHÍNH PHỦ
Số: 83/2008/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 31 tháng 7 năm 2008

NGHỊ ĐỊNH

Điều chỉnh tiền lương, tiền công đã đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động

thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định

_______________________________ 

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 23 tháng 6 năm 1994; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động ngày 02 tháng 4 năm 2002; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động ngày 29 tháng 11 năm 2006;

Căn cứ Luật Bảo hiểm xã hội ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Điều chỉnh tiền lương, tiền công đã đóng bảo hiểm xã hội để làm căn cứ tính mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định.

Điều 2. Đối tượng áp dụng là người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội hoặc đang bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, từ ngày 01 tháng 01 năm 2007 trở đi hưởng lương hưu, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, bảo hiểm xã hội một lần hoặc bị chết mà thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần.

Điều 3. Mức điều chỉnh tiền lương, tiền công đã đóng bảo hiểm xã hội áp dụng đối với đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định này được quy định như sau:

1. Mức điều chỉnh tiền lương, tiền công đã đóng bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm do Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố hàng năm và được xác định bằng biểu thức sau:

Mức điều chỉnh tiền lương, tiền công đã đóng BHXH của năm t

=

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm của năm liền kề trước năm người lao động hưởng BHXH tính theo gốc so sánh bình quân của năm 1994 bằng 100%

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm của năm t tính theo gốc so sánh bình quân của năm 1994 bằng 100%

Trong đó:

- t là năm bất kỳ trong giai đoạn điều chỉnh;

- Mức điều chỉnh tiền lương, tiền công đã đóng bảo hiểm xã hội của năm t được lấy tròn hai số lẻ và mức thấp nhất bằng một.

2. Mức điều chỉnh tiền lương, tiền công đã đóng bảo hiểm xã hội của các năm trước năm 1995 có mức điều chỉnh chung và bằng mức điều chỉnh tiền lương, tiền công đã đóng bảo hiểm xã hội của năm 1994.

Điều 4. Kinh phí thực hiện điều chỉnh tiền lương, tiền công đã đóng bảo hiểm xã hội để làm căn cứ tính mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động quy định tại Điều 2 Nghị định này do quỹ bảo hiểm xã hội bảo đảm.

Điều 5.

1. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành Nghị định này.

2. Hằng năm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định cụ thể mức điều chỉnh tiền lương, tiền công đã đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Tài chính về mức điều chỉnh tiền lương, tiền công đã đóng bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở quy định tại Điều 3 Nghị định này.

3. Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức thực hiện các quy định tại Nghị định này.

Điều 6.

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo

2. Các quy định tại Nghị định này được thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2007.

Điều 7. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.