• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 13/09/2008
CHÍNH PHỦ
Số: 91/2008/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 18 tháng 8 năm 2008

NGHỊ ĐỊNH

Về công khai kết quả kiểm toán và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước

________________________________

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Kiểm toán nhà nước ngày 14 tháng 6 năm 2005; Luật Phòng, chống tham nhũng ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Nghị quyết số 1011/2006/NQ-UBTVQH11 ngày 30 tháng 3 năm 2006 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kiểm toán theo quy định riêng đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh;

Xét đề nghị của Tổng Kiểm toán Nhà nước,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Nghị định này quy định về công khai kết quả kiểm toán, kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước (sau đây gọi tắt là công khai kết quả kiểm toán) và trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước; các cơ quan, đơn vị, tổ chức đã được kiểm toán; các Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan trong việc tổ chức công khai kết quả kiểm toán.

Điều 2. Mục đích công khai kết quả kiểm toán

Công khai kết quả kiểm toán nhằm phục vụ cho việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước, đoàn thể, tổ chức xã hội và nhân dân đối với hoạt động quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; góp phần thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước.

Điều 3. Nguyên tắc công khai kết quả kiểm toán

1. Cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác và đúng pháp luật các thông tin về kết quả kiểm toán.

2. Kiểm toán Nhà nước, các cơ quan, đơn vị, tổ chức đã được kiểm toán chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ đối với kết quả kiểm toán đã công bố công khai.

3. Không được lợi dụng việc công khai kết quả kiểm toán để làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 4. Đối tượng và phạm vi công khai kết quả kiểm toán

1. Đối tượng công khai kết quả kiểm toán gồm:

a) Báo cáo kiểm toán năm;

b) Báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán;

c) Báo cáo kiểm toán của cuộc kiểm toán;

d) Biên bản kiểm toán.

2. Phạm vi công khai kết quả kiểm toán bao gồm: tài liệu và số liệu về kết quả kiểm toán, kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán và các phụ biểu kèm theo, trừ các nội dung sau đây:

a) Tài liệu và số liệu thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật;

b) Bí mật nghề nghiệp của đơn vị được kiểm toán theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 12 Luật Kiểm toán nhà nước.

3. Đối với lĩnh vực quốc phòng, an ninh, phạm vi công khai kết quả kiểm toán bao gồm: tài liệu và số liệu về kết quả kiểm toán, kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán và các phụ biểu kèm theo, trừ các nội dung quy định tại điểm a và b khoản 2 Điều này và báo cáo kiểm toán một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh theo quy định tại Nghị quyết số 1011/2006/NQ-UBTVQH11 ngày 30 tháng 3 năm 2006 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Điều 5. Thẩm quyền công khai kết quả kiểm toán

1. Kiểm toán Nhà nước tổ chức công khai đối tượng quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 4 Nghị định này.

Nội dung, hình thức và thời hạn công khai kết quả kiểm toán được thực hiện theo quy định của Nghị định này.

2. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức đã được kiểm toán phải tổ chức công khai đối tượng quy định tại điểm c và d khoản 1 Điều 4 Nghị định này.

Hình thức và thời hạn công khai kết quả kiểm toán được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 32 của Luật Kế toán và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Điều 6. Hình thức công khai kết quả kiểm toán

Việc công khai kết quả kiểm toán theo quy định của Nghị định này được thực hiện bằng các hình thức sau đây:

1. Họp báo;

2. Công bố trên Công báo và các phương tiện thông tin đại chúng;

3. Đăng tải trên Trang thông tin điện tử và các ấn phẩm của Kiểm toán Nhà nước;

4. Cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Điều 7. Trách nhiệm trong việc đưa tin về công khai kết quả kiểm toán

Tổ chức, cá nhân đưa tin, bài phản ánh về công khai kết quả kiểm toán phải bảo đảm chính xác, trung thực, khách quan và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tin, bài đã đưa theo quy định của pháp luật về báo chí.

Chương II

CÔNG KHAI KẾT QUẢ KIỂM TOÁN VÀ KẾT QỦA THỰC HIỆN KẾT LUẬN, KIẾN NGHỊ KIỂM TOÁN

Điều 8. Nội dung công khai báo cáo kiểm toán năm

1 Kết quả kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước và tổng hợp kết quả kiểm toán trong năm của Kiểm toán Nhà nước.

2. Kết luận và kiến nghị kiểm toán.

Điều 9. Nội dung công khai báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán

1. Kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.

2. Kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét và xử lý về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân không thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Điều 10. Nội dung công khai báo cáo kiểm toán của cuộc kiểm toàn, biên bản kiểm toán

Tuỳ thuộc loại hình kiểm toán của từng cuộc kiểm toán, nội dung công khai báo cáo kiểm toán của cuộc kiểm toán, biên bản kiểm toán bao gồm công khai đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị về những nội dung đã kiểm toán, trừ những nội dung quy định tại khoản 2 Điều 4 của Nghị định này và báo cáo kiểm toán một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh theo quy định tại Nghị quyết số 1011/2006/NQ-UBTVQH11 ngày 30 tháng 3 năm 2006 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Điều 11. Hình thức và thời hạn công khai báo cáo kiểm toán năm, báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán

1. Việc công bố công khai báo cáo kiểm toán năm, báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán được thực hiện bằng các hình thức quy định tại Điều 6 của Nghị định này.

2. Báo cáo kiểm toán năm, báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán phải được công khai trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày Quốc hội thông qua Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm.

Điều 12. Hình thức và thời hạn công khai báo cáo kiểm toán của cuộc kiểm toán

1. Việc công bố công khai báo cáo kiểm toán của cuộc kiểm toán được thực hiện bằng các hình thức quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 6 của Nghị định này.

Căn cứ nội dung và tính chất của cuộc kiểm toán, việc công khai báo cáo kiểm toán của cuộc kiểm toán có thể được thực hiện bằng hình thức họp báo.

2. Báo cáo kiểm toán của cuộc kiểm toán được công khai trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được phát hành. Trường hợp có kiến nghị của đơn vị được kiểm toán về báo cáo kiểm toán thì thời hạn công khai là 30 ngày, kể từ ngày kiến nghị được giải quyết.

Điều 13. Trách nhiệm tổ chức công khai kết quả kiểm toán và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán

1. Trách nhiệm của Tổng Kiểm toán Nhà nước:

a) Tổ chức công bố công khai báo cáo kiểm toán năm; báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán và báo cáo kiểm toán của cuộc kiểm toán theo quy định của Nghị định này;

b) Quyết định hình thức công khai cụ thể báo cáo kiểm toán năm, báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán và báo cáo kiểm toán của cuộc kiểm toán;

c) Chủ trì họp báo hoặc uỷ quyền cho người phát ngôn của Kiểm toán Nhà nước chủ trì họp báo công khai kết quả kiểm toán và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.

2. Trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của đơn vị được kiểm toán:

a) Kiểm tra việc thực hiện công khai kết quả kiểm toán của các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của mình;

b) Xử lý theo thẩm quyền đối với tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước; không thực hiện công khai kết quả kiểm toán theo quy định.

3. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức đã được kiểm toán:

a) Thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước ghi trong biên bản kiểm toán, báo cáo kiểm toán theo quy định tại khoản 6 Điều 65 Luật Kiểm toán nhà nước;

b) Khi công khai tài chính phải kèm theo báo cáo kiểm toán, biên bản kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước theo quy định tại khoản 3 Điều 32 của Luật Kế toán và các văn bản quy phạm pháp luật về công khai tài chính.

4. Trong trường hợp có sai sót về số liệu hoặc lỗi kỹ thuật làm thay đổi cơ bản nội dung kết quả kiểm toán thì Kiểm toán Nhà nước, cơ quan, đơn vị, tổ chức đã công khai kết quả kiểm toán phải kịp thời đính chính, chỉnh sửa những sai sót đó và thông báo công khai trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày phát hiện ra sai sót.

Chương III

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 14. Khen thưởng

Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc công khai kết quả kiểm toán được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.

Điều 15. Xử lý vi phạm

1. Các hành vi vi phạm về công khai kết quả kiểm toán bao gồm:

a) Công khai không đầy đủ, không đúng nội dung, hình thức, thời hạn quy định;

b) Công khai tài liệu, số liệu sai sự thật;

c) Công khai tài liệu, số liệu thuộc bí mật nhà nước, bí mật nghề nghiệp của cơ quan, đơn vị, tổ chức được kiểm toán theo quy định của pháp luật;

d) Đưa tin, bài phản ánh về công khai kết quả kiểm toán không chính xác, không trung thực, không khách quan.

2. Cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về công khai kết quả kiểm toán theo quy định của Nghị định này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật về xử lý kỷ luật; xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 16. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Quyết định số 03/2007/QĐ-KTNN ngày 26 tháng 7 năm 2007 của Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành Quy chế công khai kết quả kiểm toán và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.

Điều 17. Trách nhiệm thi hành

1. Tổng Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm thi hành và hướng dẫn thực hiện Nghị định này.

2. Các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm phối hợp với Kiểm toán Nhà nước tổ chức công khai kết quả kiểm toán và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán theo quy định của pháp luật và Nghị định này./.

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.