• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/07/2004
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2019
QUỐC HỘI
Số: 17/2003/QH11
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 26 tháng 11 năm 2003

LUẬT

Thủy sản

Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10;

Luật này quy định về hoạt động thuỷ sản.

CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

 Điều 1.Đối tượng, phạm vi áp dụng

Luật này áp dụng đối với hoạt động thuỷ sản của tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài trên đất liền, hải đảo, vùng nội thuỷ, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng điều ước quốc tế đó.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Nguồn lợi thuỷ sản là tài nguyên sinh vật trong vùng nước tự nhiên, có giá trị kinh tế, khoa học để phát triển nghề khai thác thuỷ sản, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thuỷ sản.

2. Hoạt động thuỷ sản là việc tiến hành khai thác, nuôi trồng, vận chuyển thuỷ sản khai thác; bảo quản, chế biến, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu thuỷ sản; dịch vụ trong hoạt động thuỷ sản; điều tra, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản.

3. Tái tạo nguồn lợi thuỷ sảnlà quá trình tự phục hồi hoặc hoạt động làm phục hồi, gia tăng nguồn lợi thuỷ sản.

4.Khai thác thuỷ sảnlà việc khai thác nguồn lợi thuỷ sản trên biển, sông, hồ, đầm, phá và các vùng nước tự nhiên khác.

5. Ngư trường là vùng biển có nguồn lợi thuỷ sản tập trung được xác định để tàu cá đến khai thác.

6. Đất đểnuôi trồng thuỷ sảnlà đất có mặt nước nội địa, bao gồm ao, hồ, đầm, phá, sông, ngòi, kênh, rạch; đất có mặt nước ven biển; đất bãi bồi ven sông, ven biển; bãi cát, cồn cát ven biển; đất sử dụng cho kinh tế trang trại; đất phi nông nghiệp có mặt nước được giao, cho thuê để nuôi trồng thuỷ sản.

7.Mặt nước biển để nuôi trồng thuỷ sản là vùng nước biển được quy hoạch để nuôi trồng thuỷ sản.

8. Giống thuỷ sản mới là giống thuỷ sản lần đầu tiên được nhập vào hoặc lần đầu tiên được tạo ra ở Việt Nam.

9.Tàu cálà tàu, thuyền và các cấu trúc nổi khác chuyên dùng cho khai thác, nuôi trồng, bảo quản, chế biến thuỷ sản.

10.Cảng cá là cảng chuyên dùng cho tàu cá, bao gồm vùng đất cảng và vùng nước đậu tàu. Vùng đất cảng bao gồm cầu cảng, kho bãi, nhà xưởng, khu hành chính, dịch vụ hậu cần, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu thuỷ sản.

11. Cá nhân trong Luật này là người trực tiếp hoạt động thuỷ sản hoặc người đại diện của hộ gia đình đăng ký kinh doanh hoạt động thuỷ sản.

Điều 3. Sở hữu nguồn lợi thuỷ sản

Nguồn lợi thuỷ sản là tài nguyên thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý. Tổ chức, cá nhân có quyền khai thác thuỷ sản theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Nguyên tắc hoạt động thuỷ sản

1. Bảo đảm hiệu quả kinh tế gắn với bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thuỷ sản, tính đa dạng sinh học; bảo vệ môi trường và cảnh quan thiên nhiên. Việc phát triển các lĩnh vực trong hoạt động thuỷ sản phải theo quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành Thuỷ sản trong phạm vi cả nước và của từng địa phương.

2. Chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ tác hại của thiên tai và dịch bệnh thuỷ sản; bảo đảm an toàn cho người, tàu cá, công trình và thiết bị trong hoạt động thuỷ sản.

3. Hoạt động thuỷ sản phải kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên sông, biển; tuân theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 5. Phát triển thuỷ sản bền vững

1. Nhà nước có chính sách bảo đảm phát triển thuỷ sản bền vững; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khai thác và sử dụng hợp lý nguồn lợi thuỷ sản; bảo đảm tái tạo nguồn lợi thuỷ sản và phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên biển, sông, hồ, đầm, phá và các vùng nước tự nhiên khác.

2. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư, nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ tiên tiến, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng kết cấu hạ tầng trong hoạt động thuỷ sản; phát triển nuôi trồng thuỷ sản sạch; đẩy mạnh hoạt động khuyến ngư để phục vụ có hiệu quả hoạt động thuỷ sản, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản; khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm về người và tài sản trong hoạt động thuỷ sản, trừ trường hợp bắt buộc mua bảo hiểm theo quy định của pháp luật.

3. Nhà nước phát triển kinh tế thuỷ sản trên cơ sở quy hoạch phát triển ngành Thuỷ sản phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội trong phạm vi cả nước và của từng địa phương; bảo đảm việc xây dựng các công trình ven sông, ven biển hoặc gần khu vực nuôi trồng thuỷ sản không làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thuỷ sản.

4. Chính phủ xác định ranhgiới vùng biển ven bờ trên cơ sở căn cứ vào độ sâu, khoảng cách từ bờ biển và một số đặc điểm khác ở vùng biển ven bờ để phân cấp cho địa phương có bờ biển tổ chức quản lý tổng hợp vùng biển ven bờ gắn với phát triển sản xuất, kinh doanh.

Điều 6. Những hành vi bị cấm trong hoạt động thuỷ sản

1. Khai thác, huỷ hoại trái phép các rạn đá ngầm, rạn san hô, các bãi thực vật ngầm, rừng ngập mặn và hệ sinh cảnh khác; phá huỷ, cản trở trái phép đường di chuyển tự nhiên của các loài thuỷ sản ở sông, hồ, đầm, phá, eo, vịnh.

2. Khai thác các loài thuỷ sản thuộc danh mục cấm kể cả cấm có thời hạn, trừ trường hợp vì mục đích nghiên cứu khoa học được Chính phủ cho phép; khai thác thuỷ sản nhỏ hơn kích cỡ quy định, trừ trường hợp được phép khai thác để nuôi trồng.

3. Lấn, chiếm, xâm hại các khu bảo tồn vùng nước nội địa, khu bảo tồn biển đã được quy hoạch và công bố; vi phạm các quy định trong quy chế quản lý khu bảo tồn.

4. Vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với môi trường sống của các loài thuỷ sản.

5. Khai thác thuỷ sản ở khu vực cấm, khu vực đang trong thời gian cấm;khai thác quá sản lượng cho phép.

6. Sản xuất, lưu hành, sử dụng ngư cụ bị cấm; sử dụng loại nghề bị cấm để khai thác thuỷ sản; sử dụng các loại chất nổ, chất độc, xung điện và các phương pháp có tính huỷ diệt khác.

7. Sử dụng các ngư cụ làm cản trở hoặc gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác đang khai thác; thả neo, đậu tàu tại nơi có ngư cụ của tổ chức, cá nhân khác đang khai thác hoặc nơi tàu cá khác ra dấu hiệu đang khai thác, trừ trường hợp bất khả kháng.

8. Vứt bỏ ngư cụ xuống vùng nước tự nhiên, trừ trường hợp bất khả kháng.

9. Vi phạm các quy định về an toàn giao thông, an toàn của các công trình theo quy định của pháp luật về hàng hải, về giao thông đường thuỷ nội địa và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

10. Vi phạm các quy định về quy hoạch phát triển nuôi trồng thuỷ sản.

11. Chuyển mục đích sử dụng đất, mặt nước biển để nuôi trồng thuỷ sản đã được giao, cho thuê mà không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

12. Nuôi trồng giống thuỷ sản mới khi chưa được Bộ Thuỷ sản cho phép vàcác loài thuỷ sản thuộc danh mục cấm nuôi trồng.

13. Nuôi trồng thuỷ sản không theo quy hoạch làm cản trở dòng chảy, cản trởhoạt động khai thác thuỷ sản, ảnh hưởng xấu đến hoạt động của các ngành, nghề khác.

14. Sử dụng thuốc, phụ gia, hoá chấtthuộc danh mục cấm sử dụngđể nuôi trồng thủy sản, sản xuất thức ăn nuôi trồng thủy sản, chế biến, bảo quản thuỷ sản; đưa tạp chất vào nguyên liệu, sản phẩm thuỷ sản.

15. Thả thuỷ sản nuôi trồng bị nhiễm bệnh vào nơi nuôi trồng hoặc vào các vùng nước tự nhiên.

16. Xả thải nước, chất thải từ cơ sở sản xuất giống thuỷ sản, cơ sở nuôi trồng thuỷ sản, cơ sở bảo quản, chế biến thuỷ sản mà chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn quy định vào môi trường xung quanh.

17. Chế biến, vận chuyển hoặc đưa ra thị trường các loài thuỷ sản thuộc danh mục cấm khai thác; thuỷ sản có xuất xứ ở vùng nuôi trồng trong thời gian bị cấm thu hoạch; thuỷ sản có dư lượng các chất độc hại vượt quá giới hạn cho phép; thuỷ sản có độc tố tự nhiên gây nguy hiểm đến tính mạng con người, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

18. Xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá thuỷ sản thuộc danh mục cấm xuất khẩu, nhập khẩu.

CHƯƠNG II
BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN LỢI THUỶ SẢN

 Điều 7. Bảo vệ môi trường sống của các loài thuỷ sản

1. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ môi trường sống của các loài thuỷ sản.

2. Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động thuỷ sản hoặc có các hoạt động khác ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống, di cư, sinh sản của các loài thuỷ sản phải tuân theo quy định của Luật này, pháp luật về bảo vệ môi trường, pháp luật về tài nguyên nước và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Tổ chức, cá nhân khi xây dựng mới, thay đổi hoặc phá bỏ các công trình có liên quan đến môi trường sống, di cư, sinh sản của các loài thuỷ sản phải thực hiện việc đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

4. Tổ chức, cá nhân khai thác thuỷ sản bằng đặt đăng, đáy hoặc bằng phương pháp ngăn, chắn khác ở các sông, hồ, đầm, phá phải dành hành lang cho các loài thuỷ sản di chuyển theo quy định của Uỷ ban nhân dân địa phương.

Điều 8. Bảo tồn, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thuỷ sản

1. Nhà nước có chính sách bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, đặc biệt là các loài thuỷ sản đang có nguy cơ tuyệt chủng, các loài quý hiếm, các loài có giá trị kinh tế cao và các loài có ý nghĩa khoa học; khuyến khích nghiên cứu khoa học để có các biện pháp phù hợp nhằm phát triển nguồn lợi thuỷ sản; đầu tư sản xuất giống thuỷ sản để thả vào môi trường sống tự nhiên và tạo ra các vùng cư trú nhân tạo nhằm tái tạo và phát triển nguồn lợi thuỷ sản.

2. Tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ thực hiện việc bảo tồn, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thuỷ sản theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Bộ Thuỷ sản định kỳ công bố:

A) Danh mục các loài thuỷ sản đã được ghi trong sách đỏ Việt Nam và các loài thuỷ sản khác bị cấm khai thác; danh mục các loài thuỷ sản bị cấm khai thác có thời hạn và thời gian cấm khai thác;

B) Các phương pháp khai thác, loại nghề khai thác, ngư cụ bị cấm sử dụng hoặc bị hạn chế sử dụng;

C) Chủng loại, kích cỡ tối thiểu các loài thuỷ sản được phép khai thác, mùa vụ khai thác;

D) Khu vực cấm khai thác và khu vực cấm khai thác có thời hạn.

4. Trong trường hợp cần thiết và được sự đồng ý của Bộ Thuỷ sản, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) công bố bổ sung những nội dung quy định tại khoản 3 Điều này cho phù hợp vớithực tế hoạt động khai thác nguồn lợi thuỷ sản tại địa phương.

Điều 9. Quy hoạch và quản lý khu bảo tồn vùng nước nội địa, khu bảo tồn biển

1. Căn cứ vào mức độ đa dạng sinh học điển hình theo tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, các khu bảo tồn vùng nước nội địa, khu bảo tồn biển được phân loại thành vườn quốc gia; khu bảo tồn loài, sinh cảnh; khu dự trữ tài nguyên thiên nhiên thuỷ sinh.

2. Chính phủ ban hành tiêu chuẩn để phân loại và công bố các khu bảo tồn; quy hoạch, xây dựng và phân cấp quản lý các khu bảo tồn vùng nước nội địa, khu bảo tồn biển; ban hành quy chế quản lý khu bảo tồn có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế.

Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quy chế quản lý khu bảo tồn được phân cấp cho địa phương quản lý theo hướng dẫn của Bộ Thuỷ sản.

3. Nhà nước đầu tư để bảo tồn quỹ gen và đa dạng sinh học thuỷ sản; có chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng và tham gia quản lý các khu bảo tồn; có chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, tái định cư, bảo đảm lợi ích cho dân cư trong khu bảo tồn.

4. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ các khu bảo tồn vùng nước nội địa, khu bảo tồn biển theo Quy chế quản lý khu bảo tồn.

 Điều 10. Nguồn tài chính để tái tạo nguồn lợi thuỷ sản

1. Nguồn tài chính để tái tạo nguồn lợi thuỷ sản bao gồm:

A) Ngân sách nhà nước cấp;

B) Quỹ tái tạo nguồn lợi thuỷ sản được hình thành từ sự đóng góp của tổ chức, cá nhân khai thác, nuôi trồng, chế biến, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu thuỷ sản; sự đóng góp của tổ chức, cá nhân hoạt động trong các ngành, nghề có ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn lợi thuỷ sản; tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài; các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.

2. Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng nguồn tài chính để tái tạo nguồn lợi thuỷ sản; quy định cụ thể đối tượng, mức đóng góp và trường hợp được miễn, giảm đóng góp vào quỹ tái tạo nguồn lợi thuỷ sản.

CHƯƠNG III
KHAI THÁC THUỶ SẢN

Điều 11. Nguyên tắc khai thác thuỷ sản

1. Khai thác thuỷ sản ở vùng biển, sông, hồ, đầm, phá và các vùng nước tự nhiên khác phải bảo đảm không làm cạn kiệt nguồn lợi thuỷ sản; phải tuân theo quy định về mùa vụ khai thác, thời hạn khai thác, vùng khai thác, chủng loại và kích cỡ thuỷ sản được khai thác, sản lượng cho phép khai thác hàng năm và phải tuân theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Sử dụng các loại ngư cụ, phương tiện khai thác thuỷ sản có kích cỡ phù hợp với các loài thuỷ sản được phép khai thác.

Điều 12. Khai thác thuỷ sản xa bờ

1. Nhà nước có chính sách đồng bộ về đầu tư, đào tạo nghề, xây dựng hệ thống thông tin liên lạc, điều tra nguồn lợi, dự báo ngư trường, dịch vụ hậu cần, tổ chức các hình thức sản xuất phù hợp để khuyến khích tổ chức, cá nhân phát triển khai thác thuỷ sản xa bờ.

2. Tổ chức, cá nhân đầu tư vào hoạt động khai thác thuỷ sản xa bờ được áp dụng theo Luật khuyến khích đầu tư trong nước và được hưởng các chính sách ưu đãi khác của Nhà nước.

3. Tổ chức, cá nhân khai thác thuỷ sản xa bờ phải có trang thiết bị bảo đảm thông tin liên lạc, phương tiện cứu sinh trên tàu cá; tuân theo các quy định của pháp luật về hàng hải.

4. Chủ tàu có trách nhiệm mua bảo hiểm bắt buộc đối với thuyền viên làm việc trên tàu cá khai thác thuỷ sản xa bờ. Nhà nước có chính sách khuyến khíchđối với chủ tàu tự nguyện mua bảo hiểm thân tàu.

Điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với thuyền viên được thực hiện theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.

Điều 13. Khai thác thuỷ sản ven bờ

1. Nhà nước có chính sách tổ chức lại sản xuất, chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp trong hoạt động khai thác thuỷ sản ở vùng biển ven bờ và cơ cấu nghề nghiệp giữa các nghề khai thác, nuôi trồng, chế biến thuỷ sản, nghề nông, nghề rừng, nghề dịch vụ.

2. Tổ chức, cá nhân khai thác thuỷ sản ven bờ khi chuyển đổi sang khai thác thuỷ sản xa bờ, nuôi trồng thuỷ sản thì được hướng dẫn, đào tạo, hỗ trợ vốn, giao đất, mặt nước biển để nuôi trồng thuỷ sản theo chính sách của Nhà nước.

3. Tổ chức, cá nhân khai thác thuỷ sản ven bờ phải có phương tiện cứu sinh, phương tiện theo dõi dự báo thời tiết; tuân theo các quy định của pháp luật về giao thông đường thuỷ nội địa và pháp luật về hàng hải.

Điều 14. Điều tra, nghiên cứu nguồn lợi thuỷ sản

1. Nhà nước đầu tư cho điều tra, nghiên cứu, đánh giá nguồn lợi thuỷ sản và xây dựng bản đồ về nguồn lợi thuỷ sản.

2. Bộ Thuỷ sản chủ trì phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức việc điều tra, đánh giá nguồn lợi thuỷ sản ở từng vùng biển, ngư trường, vùng sông, hồ lớn; công bố ngư trường, vùng khai thác thuỷ sản, xác định sản lượng khai thác cho phép hàng năm ở từng vùng biển, ngư trường.

3. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức đánh giá nguồn lợi thuỷ sản trong phạm vi địa phương theo hướng dẫn của Bộ Thuỷ sản.

Điều 15. Quản lý vùng khai thác thuỷ sản

1. Tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác thuỷ sản trên các vùng biển, sông, hồ, đầm, phá và các vùng nước tự nhiên khác phải tuân theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Chính phủ có trách nhiệm phân vùng biển, phân tuyến khai thác thuỷ sản; phân công, phân cấp quản lý cho các bộ, ngành hữu quan và địa phương để bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các lực lượng kiểm tra, kiểm soát hoạt động thuỷ sản trên các vùng biển, tuyến khai thác thuỷ sản.

3. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành quy chế vùng khai thác thuỷ sản ở sông, hồ, đầm, phá và các vùng nước tự nhiên khác thuộc phạm vi quản lý của mình theo hướng dẫn của Bộ Thuỷ sản; tổ chức cho nhân dân địa phương thực hiện quyền giám sát, phát hiện, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về thuỷ sản trong vùng khai thác thuỷ sản.

Điều 16. Giấy phép khai thác thuỷ sản

1. Tổ chức, cá nhân khai thác thuỷ sản phải có Giấy phép khai thác thuỷ sản, trừ trường hợp cá nhân khai thác thuỷ sản bằng tàu cá có trọng tải dưới 0,5 tấn hoặc không sử dụng tàu cá.

2. Nội dung chủ yếu của Giấy phép khai thác thuỷ sản bao gồm:

A) Nghề khai thác, ngư cụ khai thác;

B) Vùng, tuyến được phép khai thác;

C) Thời gian hoạt động khai thác;

D) Thời hạn của Giấy phép;

Đ) Các nội dung cần thiết khác theo quy định của pháp luật.

3. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục, phân cấp thẩm quyền cấp, thu hồi Giấy phép khai thác thuỷ sản.

Điều 17. Điều kiện cấp Giấy phép khai thác thuỷ sản

Tổ chức, cá nhân khai thác thuỷ sản được cấp Giấy phép khai thác thuỷ sản phải có các điều kiện sau đây:

1. Có đăng ký kinh doanh khai thác thuỷ sản;

2. Có tàu cá đã đăng ký, đăng kiểm;

3. Có ngư cụ, phương tiện khai thác phù hợp;

4. Thuyền trưởng, máy trưởng trên tàu cá phải có văn bằng, chứng chỉ phù hợp theo quy định của pháp luật.

Điều 18. Thu hồi Giấy phép khai thác thuỷ sản

Tổ chức, cá nhân khai thác thuỷ sản bị thu hồi Giấy phép khai thác thuỷ sản trong trường hợp sau đây:

1. Không còn đủ điều kiện quy định tại Điều 17 của Luật này;

2. Vi phạm nghiêm trọng các quy định của Luật này về khai thác thuỷ sản hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động thuỷ sản ba lần trong thời hạn của Giấy phép khai thác thuỷ sản;

3. Tẩy xoá, sửa chữa nội dung Giấy phép khai thác thuỷ sản;

4. Có hành vi vi phạm khác mà pháp luật quy định phải thu hồi Giấy phép khai thác thuỷ sản.

Điều 19. Báo cáo khai thác thuỷ sản và ghi nhật ký khai thác thủy sản

1. Tổ chức, cá nhân có Giấy phép khai thác thuỷ sản phải báo cáo khai thác thuỷ sản với cơ quan quản lý thuỷ sản ở địa phương nơi đăng ký tàu cá.

2. Đối với loại tàu cá mà theo quy định của Bộ Thuỷ sản thuyền trưởng phải có bằng thuyền trưởng, thì khi hoạt động khai thác thuỷ sản thuyền trưởng có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc ghi nhật ký khai thác thuỷ sản.

3. Bộ Thuỷ sản ban hành mẫu sổ, chế độ quản lý và nội dung của nhật ký khai thác thuỷ sản; nội dung, chế độ báo cáo khai thác thuỷ sản.

Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức việc báo cáo khai thác thuỷ sản trong phạm vi địa phương theo hướng dẫn của Bộ Thuỷ sản.

Điều 20. Quyền của tổ chức, cá nhân khai thác thuỷ sản

1. Khai thác thuỷ sản theo nội dung ghi trong Giấy phép khai thác thuỷ sản.

2. Được cơ quan chuyên môn thông báo kịp thời về tình hình diễn biến thời tiết; được thông báo về nguồn lợi thuỷ sản, thông tin về hoạt động thuỷ sản, thị trường thuỷ sản và hướng dẫn về kỹ thuật khai thác thuỷ sản.

3. Được Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp do thành quả lao động và kết quả đầu tư trong khai thác thuỷ sản.

4. Có các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Điều 21. Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khai thác thuỷ sản

1. Thực hiện các quy định ghi trong Giấy phép khai thác thuỷ sản.

2. Nộp thuế, phí, lệ phí theo quy định của pháp luật.

3. Đánh dấu ngư cụ đang được sử dụng tại ngư trường bằng dấu hiệu dễ nhận biết theo quy định của Bộ Thuỷ sản.

4. Tuân thủ sự kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng, cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

5. Phải cứu nạn khi gặp người, tàu thuyền bị nạn.

6. Tuân theocác quy định về quản lý vùng khai thác, bảo vệ trật tự, an ninh trên địa bàn khai thác.

7. Phát hiện, tố giác, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về thuỷ sản.

8. Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 22. Phòng, tránh và giảm nhẹ tác hại của thiên tai trong khai thác thuỷ sản

1. Tổ chức, cá nhân khai thác thuỷ sản phải tuân theo quy định của pháp luật về phòng, tránh thiên tai; phải có đủ trang thiết bị an toàn theo quy định của pháp luật; chủ động thực hiện các biện pháp phòng, tránh, giảm nhẹ tác hại của thiên tai; tham gia cứu hộ, cứu nạn.

2. Các cơ quan nhà nước có liên quan phải kịp thời tổ chức, áp dụng các biện pháp để cứu người, tàu thuyền và các tài sản khác bị tai nạn, sự cố, thiên tai trong khai thác thuỷ sản.

CHƯƠNG IV
NUÔI TRỒNG THỦY SẢN

Điều 23. Quy hoạch phát triển nuôi trồng thuỷ sản

1. Quy hoạch phát triển nuôi trồng thuỷ sản là một bộ phận của quy hoạch tổng thể phát triển ngành Thuỷ sản đã được Chính phủ phê duyệt.

2. Bộ Thuỷ sản chủ trì phối hợp với các bộ có liên quan và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng quy hoạch phát triển nuôi trồng thuỷ sản trong phạm vi cả nước và trong phạm vi từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Căn cứ vào quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt và theo hướng dẫn của Bộ Thuỷ sản, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng quy hoạch chi tiết để trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua và báo cáo Bộ Thuỷ sản.

Căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch phát triển nuôi trồng thuỷ sản của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã được phê duyệt và theo sự chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Uỷ ban nhân dân cấp dưới xây dựng quy hoạch chi tiết các vùng nuôi trồng thuỷ sản trong phạm vi quản lý của mình để trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua và báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp trên trực tiếp.

3. Việc thay đổi, bổ sung quy hoạch phát triển nuôi trồng thuỷ sản phải do cơ quan có thẩm quyền thông qua, phê duyệt quy hoạch quyết định.

Điều 24. Điều kiện nuôi trồng thuỷ sản

1. Tổ chức, cá nhân nuôi trồng thuỷ sản phải có các điều kiện sau đây:

A) Địa điểm xây dựng cơ sở nuôi trồng thuỷ sản theo quy hoạch;

B) Cơ sở nuôi trồng thuỷ sản phải bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật về nuôi trồng thuỷ sản; tiêu chuẩn vệ sinh thú y và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;

C) Sử dụng các loại thức ăn, thuốc thú y bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật về thú y.

2. Bộ Thuỷ sản ban hành tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm nuôi trồng đối với cơ sở nuôi trồng thuỷ sản; chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trong việc hướng dẫn, tổ chức kiểm tra vàcông nhận cơ sở nuôi trồng thuỷ sản theo phương thức bán thâm canh, thâm canh đạt tiêu chuẩn bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Điều 25. Quyền của tổ chức, cá nhân nuôi trồng thuỷ sản

1. Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để nuôi trồng thuỷ sản, mặt nước biển để nuôi trồng thuỷ sản.

2. Được Nhà nước bảo vệ khi bị người khác xâm hại đến quyền sử dụng đất để nuôi trồng thuỷ sản, mặt nước biển để nuôi trồng thuỷ sản hợp pháp của mình; được bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi vì mục đích công cộng, quốc phòng, an ninh trước khi hết thời hạn được giao, cho thuê theo quy định của pháp luật.

3. Được cơ quan chuyên ngành thuỷ sản phổ biến, đào tạo, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật mới về nuôi trồng thuỷ sản, kỹ thuật sản xuất giống thuỷ sản mới, kỹ thuật phòng trừ và phát hiện dịch bệnh thuỷ sản, thông báo về tình hình môi trường và dịch bệnh vùng nuôi trồng thuỷ sản, thông tin về thị trường thuỷ sản.

Điều 26. Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân nuôi trồng thuỷ sản

1. Sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả diện tích đất, mặt nước biển được giao, cho thuê để nuôi trồng thuỷ sản và bảo vệ các công trình phục vụ chung cho nuôi trồng thuỷ sản.

2. Thực hiện nghĩa vụ tài chính về sử dụng đất để nuôi trồng thuỷ sản, mặt nước biển để nuôi trồng thuỷ sản theo quy định của pháp luật.

3. Báo cáo thống kê nuôi trồng thuỷ sản theo quy định của pháp luật về thống kê.

4. Giao lại đất để nuôi trồng thuỷ sản, mặt nước biển để nuôi trồng thuỷ sản khi có quyết định thu hồi theo quy định của pháp luật.

5. Thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Điều 27. Giao, cho thuê, thu hồi đất để nuôi trồng thuỷ sản

1. Việc giao, cho thuê, thu hồi đất để nuôi trồng thuỷ sản phải tuân theo quy định của pháp luật về đất đai và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Tổ chức, cá nhân được giao, cho thuê đất để nuôi trồng thuỷ sản phải thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật này, pháp luật về đất đai và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 28. Giao, cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thuỷ sản

1. Việc giao, cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thuỷ sản phải thực hiện theo quy hoạch phát triển nuôi trồng thuỷ sản.

2. Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh giao mặt nước biển không thu tiền sử dụng mặt nước biển cho cá nhân sinh sống tại địa phương trực tiếp nuôi trồng thuỷ sản mà nguồn sống chủ yếu dựa vào thu nhập từ nuôi trồng thuỷ sản được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn sở tại xác nhận hoặc phải chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 13 của Luật này.

3. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thuỷ sản trong các trường hợp sau đây:

A) Tổ chức, cá nhân thuê mặt nước biển để nuôi trồng thuỷ sản theo dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt;

B) Tổ chức, cá nhân nước ngoài thuê mặt nước biển để nuôi trồng thuỷ sản theo dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam xét duyệt.

4. Đối với tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản trước khi Luật này có hiệu lực thì được chuyển sang thuê khi hết thời hạn được giao, trừ đối tượng quy định tại khoản 2 Điều này.

5. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh giao mặt nước biển cho cơ quan nghiên cứu khoa học về thuỷ sản theo quy hoạch, chương trình được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

6. Thời hạn giao, cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thuỷ sản không quá 20 năm. Khi hết thời hạn giao, cho thuê mặt nước biển, người sử dụng có nhu cầu tiếp tục sử dụng để nuôi trồng thuỷ sản mà Nhà nước không có nhu cầu thu hồi thì người sử dụng được quyền tiếp tục sử dụng theo quyết định giao mặt nước biển hoặc hợp đồng thuê mặt nước biển mới.

7. Chính phủ quy định chi tiết việc giao, cho thuê và hạn mức diện tích mặt nước biển được giao, cho thuê để nuôi trồng thuỷ sản.

Điều 29. Thu hồi mặt nước biển đã giao, cho thuê để nuôi trồng thuỷ sản

1. Nhà nước thực hiện việc thu hồi toàn bộ hoặc một phần mặt nước biển đã giao, cho thuê để nuôi trồng thuỷ sản trong các trường hợp sau đây:

A) Sử dụng không đúng mục đích;

B) Quá 24 tháng liền mà không sử dụng để nuôi trồng thuỷ sản, trừ trường hợp có lý do chính đáng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận;

C) Người sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng thuỷ sản không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ quy định tại Điều 26 và Điều 31 của Luật này;

D) Người sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng thuỷ sản tự nguyện trả lại diện tích được giao, thuê;

Đ) Nhà nước có nhu cầu thu hồi vì mục đích công cộng, quốc phòng và an ninh.

2. Cơ quan nào có thẩm quyền giao, cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thuỷ sản thì có quyền thu hồi mặt nước biển để nuôi trồng thuỷ sản đã giao, cho thuê theo quy định của pháp luật.

Điều 30. Quyền của tổ chức, cá nhân được giao, cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thuỷ sản

Tổ chức, cá nhân được giao, cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thuỷ sản ngoài các quyền quy định tại Điều 25 của Luật này còn có các quyền sau đây:

1. Cá nhân được giao mặt nước biển để nuôi trồng thuỷ sản được để thừa kế; được thế chấp tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với quyền sử dụng mặt nước biển để vay vốn sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật;

2. Tổ chức, cá nhân được Nhà nước cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thuỷ sản mà trả tiền thuê mặt nước biển hàng năm có các quyền sau đây:

A) Thế chấp tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với mặt nước biển được thuê tại tổ chức tín dụng Việt Nam để vay vốn sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật;

B) Chuyển nhượng tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với mặt nước biển được thuê; người nhận tài sản đó nếu có yêu cầu được Nhà nước tiếp tục cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thuỷ sản thì vẫn có các quyền quy định tại khoản này.

3. Tổ chức, cá nhân được Nhà nước cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thuỷ sản đã trả trước tiền thuê mặt nước biển ít nhất là 10 năm có các quyền sau đây:

A) Thế chấp giá trị quyền sử dụng mặt nước biển được thuê và tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với mặt nước biển được thuê trong thời hạn thuê tại tổ chức tín dụng Việt Nam để vay vốn sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật;

B) Chuyển nhượng quyền sử dụng mặt nước biển cùng với tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với mặt nước biển được thuê. Cá nhân được để thừa kế quyền sử dụng mặt nước biển được thuê trong thời hạn thuê theo quy định của pháp luật. Người nhận chuyển nhượng, người được thừa kế quyền sử dụng mặt nước biển đã thuê để nuôi trồng thuỷ sản có các quyền quy định tại khoản này;

C) Góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng mặt nước biển được thuê cùng với tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với mặt nước biển đã thuê để hợp tác sản xuất, kinh doanh với tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài theo quy định của pháp luật;

D) Cho thuê lại quyền sử dụng mặt nước biển trong thời hạn thuê mặt nước biển. Việc cho thuê lại chỉ được thực hiện khi mặt nước biển đó đã được đầu tư theo dự án và người thuê lại phải sử dụng mặt nước biển đó đúng mục đích.

Điều 31. Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng thuỷ sản

Tổ chức, cá nhân sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng thuỷ sản ngoài các nghĩa vụ quy định tại Điều 26 của Luật này còn có các nghĩa vụ sau đây:

1. Sử dụng đúng ranh giới khu vực nuôi trồng, tuân theo quy định của pháp luật về nuôi trồng thuỷ sản, pháp luật về bảo vệ môi trường và các quy định khác của pháp luật có liên quan;

2. Không làm tổn hại đến lợi ích hợp pháp của người sử dụng mặt nước biển xung quanh; thực hiện các quy định về an toàn cho người và tài sản.

Điều 32. Vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung

1. Nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung theo quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành Thuỷ sản; đầu tư xây dựng trạm quan trắc môi trường thuỷ sản, trạm kiểm soát dịch bệnh thủy sản.

2. Tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản ở vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung phải tuân theo các quy định của vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung; tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành của công trình nuôi trồng thuỷ sản, kỹ thuật nuôi trồng thuỷ sản và môi trường nuôi trồng thuỷ sản.

3. Bộ Thuỷ sản quy định tiêu chuẩn chất lượng nước cho nuôi trồng thuỷ sản, tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành của công trình nuôi trồng thuỷ sản; ban hành quy chế tổ chức, hoạt động của vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung và thời gian cấm thu hoạch để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

4. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc quản lý vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung.

Điều 33. Giống thủy sản

1. Giống thủy sản để nuôi trồng, tái tạo, phát triển nguồn lợi thuỷ sản phải bảo đảm chất lượng theo hệ thống tiêu chuẩn của Việt Nam.

2. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống thủy sản phải có đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của Chính phủ; phải bảo đảm sản xuất giống theo quy định của tiêu chuẩn ngành.

3. Giống thủy sản mới, giống thuỷ sản lần đầu đưa vào nuôi trồng phải được Bộ Thuỷ sản công nhận và cho phép đưa vào sản xuất, kinh doanh.

4. Nhà nước có chính sách khuyến khích nghiên cứu giống thuỷ sản quý hiếm, tạo giống thuỷ sản mới; đầu tư xây dựng các trung tâm giống thuỷ sản quốc gia. Bộ Thuỷ sản phối hợp với Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức kiểm tra chất lượng giống thuỷ sản ở các cơ sở sản xuất giống.

Điều 34. Nhập khẩu, xuất khẩu giống thủy sản

1. Giống thủy sản nhập khẩu phải qua kiểm dịch theo quy định của pháp luật về thú y và pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

2. Giống thuỷ sản mới nhập khẩu lần đầu phải được Bộ Thuỷ sản cho phép bằng văn bản.

3. Giống thuỷ sản quá cảnh Việt Nam phải thực hiện theo quy định của pháp luật về thú y, pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

4. Giống thuỷ sản xuất khẩu phải thuộc danh mục hàng hoá xuất khẩu chuyên ngành thuỷ sản, trừ trường hợp trao đổi giống, hợp tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật, quà tặng và trường hợp đặc biệt khác do Bộ Thuỷ sản quy định.

Điều 35. Thức ăn nuôi trồng thuỷ sản; thuốc, hoá chất dùng trong nuôi trồng thủy sản

1. Thức ăn, nguyên liệu làm thức ăn nuôi trồng thuỷ sản; thuốc, hoá chất dùng trong nuôi trồng thủy sản phải bảo đảm đạt tiêu chuẩn ngành, tiêu chuẩn Việt Nam.

2. Tổ chức, cá nhân khi nhập khẩu thức ăn, nguyên liệu làm thức ăn nuôi trồng thủy sản; thuốc, hoá chất dùng trong nuôi trồng thuỷ sản thuộc danh mục hàng hoá nhập khẩu chuyên ngành thuỷ sản phải tuân theo quy định của pháp luật về thú y, chất lượng hàng hoá, thương mại và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Trường hợp không thuộc danh mục hàng hoá nhập khẩu chuyên ngành thuỷ sản, trước khi nhập khẩu thương mại lần đầu phải qua khảo nghiệm, kiểm nghiệm theo quy định của Bộ Thuỷ sản.

3. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thức ăn nuôi trồng thuỷ sản; thuốc, hoá chất dùng trong nuôi trồng thủy sản phải có đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của Chính phủ; phải tuân theo các quy định của pháp luật về thú y, chất lượng hàng hoá, bảo vệ môi trường, nhãn hiệu hàng hoá và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

4. Bộ Thuỷ sản có trách nhiệm:

A) Công bố danh mục và tiêu chuẩn thức ăn, nguyên liệu làm thức ăn nuôi trồng thủy sản; thuốc, hoá chất dùng trong nuôi trồng thuỷ sản thuộc danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu chuyên ngành thuỷ sản;

B) Quy định tiêu chuẩn vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn nuôi trồng thuỷ sản, thuốc thú y dùng trong nuôi trồng thuỷ sản;

C) Công bố danh mục thuốc, hoá chất được dùng trong nuôi trồng thuỷ sản; cấm sử dụng, hạn chế sử dụng trong nuôi trồng thuỷ sản.

Điều 36. Phòng trừ dịch bệnh thủy sản

1. Tổ chức, cá nhân sản xuất giống thuỷ sản, nuôi trồng thuỷ sản phải áp dụng các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh thuỷ sản. Khi dịch bệnh thuỷ sản phát sinh phải kịp thời có biện pháp xử lý và phải thông báo cho chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn.

Thuỷ sản nuôi trồng bị nhiễm bệnh phải được xử lý theo quy định của pháp luật về thú y, pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

2. Bộ Thuỷ sản, Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổ chức thực hiện phòng trừ dịch bệnh thuỷ sản. Việc quyết định công bố, bãi bỏ quyết định công bố dịch bệnh thuỷ sản; công bố danh mục các bệnh thuỷ sản, dịch bệnh thuỷ sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về thú y.

CHƯƠNG V
TÀU CÁ VÀ CƠ SỞ DỊCH VỤ HOẠT ĐỘNG THUỶ SẢN

Điều 37. Phát triển tàu cá

1. Việc phát triển tàu cá phải phù hợp với quy hoạch phát triển ngành Thuỷ sản.

2. Nhà nước có chính sách khuyến khích phát triển tàu cá phù hợp với chiến lược khai thác thuỷ sản xa bờ.

3. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu tàu cá phải thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Điều 38. Đóng mới, cải hoán tàu cá

1. Tổ chức, cá nhân đóng mới, cải hoán tàu cá thuộc diện đăng kiểm phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép và phê duyệt hồ sơ thiết kế tàu; tàu cá được đóng mới, cải hoán phải bảo đảm các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn kỹ thuật; tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường.

Bộ Thuỷ sản cho phép và phê duyệt hồ sơ thiết kế đóng mới, cải hoán tàu cá có chiều dài đường nước thiết kế từ 20 mét trở lên; cơ quan quản lý nhà nước về thuỷ sản cấp tỉnh cho phép và phê duyệt hồ sơ thiết kế đóng mới, cải hoán tàu cá có chiều dài đường nước thiết kế dưới 20 mét.

2. Cơ sở sản xuất, kinh doanh đóng mới, cải hoán tàu cá phải có đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của Chính phủ.

3. Bộ Thuỷ sản ban hành tiêu chuẩn chất lượng, an toàn kỹ thuật; tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường của tàu cá.

Điều 39. Đăng kiểm tàu cá

1. Tàu cá phải được đăng kiểm, trừ các tàu cá có chiều dài đường nước thiết kế dưới 15 mét mà không lắp máy hoặc có lắp máy mà tổng công suất dưới 20 sức ngựa.

2. Bộ Thuỷ sản tổ chức thống nhất thực hiện việc đăng kiểm tàu cá trong phạm vi cả nước; thực hiện việc đăng kiểm đối với tàu cá có chiều dài đường nước thiết kế từ 20 mét trở lên. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện việc đăng kiểm theo sự hướng dẫn thống nhất của Bộ Thuỷ sản đối với tàu cá có chiều dài đường nước thiết kế dưới 20 mét.

3. Cơ quan đăng kiểm tàu cá khi kiểm tra an toàn kỹ thuật tàu cá phải tuân theo hệ thống tiêu chuẩn ngành, tiêu chuẩn Việt Nam.

Điều 40. Đăng ký tàu cá và đăng ký thuyền viên tàu cá

1. Tàu cá phải được đăng ký; tên tàu, số đăng ký tàu phảiđược ghi trên thân tàu theo quy định của Bộ Thuỷ sản.

2. Chủ tàu cá phải đăng ký thuyền viên làm việc trên tàu, có sổ danh bạ thuyền viên và sổ thuyền viên theo quy định của Bộ Thuỷ sản.

3. Bộ Thuỷ sản thống nhất quản lý việc đăng ký tàu cá và đăng ký thuyền viên tàu cá, quy định chức danh thuyền viên tàu cá trong phạm vi cả nước; thực hiện việc đăng ký tàu cá, thuyền viên tàu cá của đơn vị trực thuộc Bộ Thuỷ sản, đơn vị thuộc các bộ, ngành khác, đơn vị vũ trang nhân dân làm kinh tế; tàu cá của Việt Nam khai thác thuỷ sản ở ngoài vùng biển của Việt Nam.

4. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện việc đăng ký tàu cá, thuyền viên tàu cá của địa phương theo hướng dẫn của Bộ Thuỷ sản, trừ tàu cá, thuyền viên tàu cá quy định tại khoản 3 Điều này.

Điều 41. Cảng cá, bến cá, khu neo đậu trú bão của tàu cá

1. Việc phát triển cảng cá, bến cá, khu neo đậu trú bão của tàu cá phải phù hợp với quy hoạch phát triển ngành Thuỷ sản.

2. Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của cảng cá, khu neo đậu trú bão của tàu cá và hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của bến cá; khuyến khích tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng các công trình phục vụ sản xuất, kinh doanh của cảng cá, bến cá, khu neo đậu trú bão của tàu cá.

3. Bộ Thuỷ sản chủ trì phối hợp với các bộ có liên quan và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quy chế mẫu về quản lý cảng cá, bến cá, khu neo đậu trú bão của tàu cá; ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật của cảng cá, khu neo đậu trú bão của tàu cá.

4. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức và phân cấp quản lý cảng cá, bến cá, khu neo đậu trú bão của tàu cá thuộc phạm vi quản lý của địa phương.

 Điều 42. Chợ thuỷ sản đầu mối

1. Chợ thuỷ sản đầu mối là nơi giao dịch bán buôn thuỷ sản, được đặt ở vùng sản xuất thuỷ sản tập trung hoặc nơi tiêu thụ thuỷ sản với khối lượng lớn. Việc phát triển chợ thuỷ sản đầu mối phải phù hợp với quy hoạch phát triển ngành Thuỷ sản.

2. Nhà nước có chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ thuỷ sản đầu mối; khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng, kinh doanh khai thác và quản lý chợ thuỷ sản đầu mối.

3. Bộ Thuỷ sản phối hợp với các bộ có liên quan và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quy chế mẫu về quản lý chợ thuỷ sản đầu mối; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy chế quản lý chợ thuỷ sản đầu mối; xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật của chợ thuỷ sản đầu mối.

4. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm phê duyệt quy chế, tổ chức quản lý hoạt động của chợ thuỷ sản đầu mối; kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ thuỷ sản đầu mối.

CHƯƠNG VI
CHẾ BIẾN, MUA BÁN, XUẤT KHẨU,

NHẬP KHẨU THUỶ SẢN

Điều 43. Chế biến thuỷ sản

1. Việc phát triển cơ sở chế biến thuỷ sản phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành Thuỷ sản và địa phương.

2. Cơ sở chế biến thuỷ sản phải bảo đảm các điều kiện sau đây:

A) Địa điểm xây dựng phải theo quy hoạch;

B) Nhà xưởng, kho chứa, trang thiết bị, dụng cụ chế biến, dụng cụ vệ sinh, hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn và khí thải, trang thiết bị kiểm tra chất lượng sản phẩm phải bảo đảm đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;

C) Trường hợp chế biến thuỷ sản theo phương thức công nghiệp phải có cán bộ, nhân viên kỹ thuật có chuyên môn và trình độ phù hợp;

D) Phải áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, thực hiện các quy định về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm;

Đ) Phải bảo đảm chất lượng đã công bố đối với sản phẩm xuất xưởng; phải tự kiểm tra và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm đã công bố; thực hiện quy chế ghi nhãn hàng hoá theo quy định của pháp luật;

E) Không được sử dụng các loại phụ gia, hoá chất thuộc danh mục cấm sử dụng để bảo quản và chế biến thuỷ sản.

3. Nguyên liệu thuỷ sản đưa vào chế biến phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

4. Bộ Thuỷ sản phối hợp với các bộ có liên quan và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức kiểm tra, công nhận cơ sở chế biến thuỷ sản đạt tiêu chuẩn; ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn vệ sinh môi trường trong chế biến thuỷ sản.

Điều 44. Bảo quản nguyên liệu thuỷ sản, sản phẩm thuỷ sản

1. Trên tàu cá, phương tiện vận tải thuỷ sản; cảng cá, bến cá, chợ thuỷ sản đầu mối; cơ sở thu gom thuỷ sản, kho thuỷ sản, cơ sở chế biến thuỷ sản phải áp dụng các biện pháp kỹ thuật phù hợp để bảo quản nguyên liệu thuỷ sản và sản phẩm thuỷ sản bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; không sử dụng phụ gia, hoá chất thuộc danh mục cấm sử dụng để bảo quản nguyên liệu thuỷ sản, sản phẩm thuỷ sản.

2. Bộ Thuỷ sản có trách nhiệm:

A) Ban hành tiêu chuẩn, quy phạm kỹ thuật bảo quản nguyên liệu thuỷ sản, sản phẩm thuỷ sản;

B) Công bố danh mục phụ gia, hoá chất được sử dụng trong bảo quản nguyên liệu thuỷ sản, sản phẩm thuỷ sản.

Điều 45. Chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm thuỷ sản

1. Tổ chức, cá nhân khai thác, nuôi trồng, bảo quản, vận chuyển, chế biến, xuất khẩu, nhập khẩu thuỷ sản phải tuân theo quy định của pháp luật về chất lượng hàng hoá, pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm.

2. Bộ Thuỷ sản phối hợp với các bộ có liên quan tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm thuỷ sản xuất khẩu, nhập khẩu và thực phẩm thuỷ sản tiêu dùng trong nước.

3. Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về kiểm tra chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm thuỷ sản, xử lý kịp thời tổ chức, cá nhân sản xuất và đưa ra thị trường sản phẩm thuỷ sản không bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của địa phương.

Điều 46. Xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá thuỷ sản

1. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá thuỷ sản, phát triển thị trường xuất khẩu thuỷ sản.

2. Tổ chức, cá nhân hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá thuỷ sản phải tuân theo các quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Bộ Thuỷ sản phối hợp với các bộ có liên quan xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu thuỷ sản; tổ chức cung cấp thông tin về thị trường, công nghệ chế biến, pháp luật về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá thuỷ sản cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh thuỷ sản.

CHƯƠNG VII
HỢP TÁC QUỐC TẾ VỀ HOẠT ĐỘNG THUỶ SẢN

Điều 47. Nguyên tắc hợp tác quốc tế về hoạt động thuỷ sản

Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện hợp tác quốc tế về hoạt động thuỷ sản với các nước, vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền, pháp luật của mỗi bên và pháp luật quốc tế.

Điều 48. Phát triển hợp tác quốc tế về hoạt động thuỷ sản

1. Nhà nước có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân Việt Nam tham gia hợp tác kinh tế quốc tế trong hoạt động thuỷ sản với tổ chức, cá nhân nước ngoài theo quy định của pháp luật; thu hút người Việt Nam định cư ở nước ngoài và tổ chức, cá nhân nước ngoài, các tổ chức quốc tế đầu tư, tham gia vào hoạt động thuỷ sản ở Việt Nam theo quy định của Luật này, Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Chính phủ thống nhất quản lý tàu cá Việt Nam hoạt động ở ngoài vùng biển của Việt Nam và tàu cá nước ngoài hoạt động trong vùng biển của Việt Nam.

Điều 49. Khai thác thuỷ sản ở ngoài vùng biển của Việt Nam

1. Tổ chức, cá nhân Việt Nam khai thác thuỷ sản ở vùng biển quốc tế, vùng biển của quốc gia khác phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; phải tuân theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập, tuân theo các quy định của Luật này, các quy định khác của pháp luật có liên quan của Việt Nam và pháp luật của quốc gia mà tàu cá đến khai thác.

2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép tổ chức, cá nhân khai thác thuỷ sản ở ngoài vùng biển của Việt Nam có trách nhiệm phổ biến pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế và pháp luật của quốc gia mà tàu cá đến khai thác.

3. Chính phủ quy định cơ quan cấp phép, điều kiện, thủ tục cho tàu cá Việt Nam đi khai thác thuỷ sản ở ngoài vùng biển của Việt Nam.

Điều 50. Tàu cá nước ngoài vào hoạt động trong vùng biển của Việt Nam

1. Tàu cá nước ngoài được xem xét cho vào hoạt động trong vùng biển của Việt Nam dựa trên khả năng sản lượng khai thác cho phép hàng năm, theo các hiệp định song phương mà Việt Nam đã ký kết và tuân theo các điều khoản của Công ước quốc tế về luật biển, điều ước quốc tế khác mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.

2. Tàu cá nước ngoài vào hoạt động trong vùng biển của Việt Nam phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp Giấy phép hoạt động thuỷ sản và phải tuân theo các quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Tàu cá nước ngoài được cấp Giấy phép hoạt động thuỷ sản trong vùng biển của Việt Nam mà vi phạm quy định của Luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan và tàu cá nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam thì bị xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam.

4. Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục, thẩm quyền cấp, thu hồi Giấy phép hoạt động thuỷ sản cho tàu cá nước ngoài hoạt động trong vùng biển của Việt Nam.

 

CHƯƠNG VIII
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ THUỶ SẢN

 

Điều 51. Nội dung quản lý nhà nước về thuỷ sản

1. Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và các chính sách phát triển ngành Thuỷ sản.

2. Ban hành, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về thuỷ sản.

3. Tổ chức điều tra, đánh giá và quản lý, bảo vệ sự phát triển bền vững nguồn lợi thuỷ sản; nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động thuỷ sản; quy hoạch và quản lý các khu bảo tồn vùng nước nội địa, khu bảo tồn biển; thực hiện thống kê, thông tin về hoạt động thuỷ sản.

4. Xác định và phân cấp quản lý vùng biển ven bờ trong hoạt động thuỷ sản; quản lý và phân cấp quản lý vùng biển để khai thác; phân tuyến khai thác; công bố ngư trường khai thác; quản lý việc giao, cho thuê, thu hồi đất để nuôi trồng thủy sản, mặt nước biển để nuôi trồng thuỷ sản.

5. Quản lý việc cấp, thu hồi các loại giấy phép, giấy chứng nhận trong lĩnh vực thuỷ sản theo quy định của pháp luật; đào tạo, sát hạch, cấp bằng thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá; cấp, thu hồi Giấy phép hoạt động thuỷ sản cho tàu cá nước ngoài.

6. Quản lý việc thẩm định và công nhận giống thuỷ sản mới, thuốc thú y thuỷ sản, thức ăn nuôi trồng thuỷ sản; kiểm tra và tổ chức phòng, trừ dịch bệnh thuỷ sản; quản lý việc bảo vệ môi trường trong hoạt động thuỷ sản.

7. Quản lý và phân cấp quản lý tàu cá, cảng cá, chợ thuỷ sản đầu mối.

8. Thực hiện hợp tác quốc tế về hoạt động thuỷ sản.

9. Quản lý tổ chức bộ máy, đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Thuỷ sản; hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành cho các hội nghề nghiệp thuỷ sản.

10. Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về thuỷ sản, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thuỷ sản; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo trong hoạt động thuỷ sản theo quy định của pháp luật.

 

Điều 52. Trách nhiệm quản lý nhà nước về thuỷ sản

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về thuỷ sản trong phạm vi cả nước.

2. Bộ Thuỷ sản chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thuỷ sản trong phạm vi cả nước.

3. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các bộ, cơ quan ngang bộ khác trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình phối hợp với Bộ Thuỷ sản thực hiện quản lý nhà nước về thuỷ sản theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

4. Uỷ ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về thuỷ sản tại địa phương theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 53. Thanh tra thuỷ sản

1. Thanh tra thuỷ sản là thanh tra chuyên ngành về hoạt động thuỷ sản.

2. Thanh tra thuỷ sản được trang bị đồng phục, phù hiệu và những phương tiện cần thiết để hoạt động.

3. Chính phủ quy định cụ thể tổ chức và hoạt động của thanh tra thuỷ sản.

Điều 54. Nhiệm vụ của thanh tra thuỷ sản

1. Thanh tra việc thi hành pháp luật về thuỷ sản; phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về thuỷ sản.

2. Phối hợp với thanh tra chuyên ngành, các lực lượng kiểm tra, kiểm soát của các bộ, ngành và địa phương trong việc phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về thuỷ sản.

3. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về hậu quả của quyết định thanh tra.

Điều 55. Thẩm quyền của thanh tra thuỷ sản

Cơ quan thanh tra, thanh tra viên thuỷ sản khi tiến hành thanh tra có các quyền sau đây:

1. Yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp tài liệu và trả lời những vấn đề cần thiết cho việc thanh tra;

2. Thu thập, xác minh chứng cứ, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra và tiến hành những biện pháp kiểm tra kỹ thuật tại hiện trường;

3. Quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc những hoạt động có nguy cơ gây tác hại nghiêm trọng trong hoạt động thuỷ sản;

4. Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm pháp luật về thuỷ sản.

 Điều 56. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đối với hoạt động của thanh tra thuỷ sản

1. Tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra có nghĩa vụ thực hiện yêu cầu và chấp hành quyết định của cơ quan thanh tra, thanh tra viên thuỷ sản; được quyền khiếu nại quyết định của cơ quan thanh tra, thanh tra viên thuỷ sản theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức, cá nhân khác có trách nhiệm tạo điều kiện để thanh tra thuỷ sản thi hành nhiệm vụ.

CHƯƠNG IX
KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 57. Khen thưởng

Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện Luật này được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Điều 58. Xử lý vi phạm

1. Người nào có hành vi vi phạm quy định của Luật này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm hoặc bao che cho người có hành vi vi phạm quy định của Luật này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 59. Khiếu nại, tố cáo

1. Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại; cá nhân có quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về thuỷ sản với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khi nhận được khiếu nại, tố cáo có trách nhiệm giải quyết kịp thời theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

CHƯƠNG X
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 60. Quy định chuyển tiếp

Các loại giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh các ngành, nghề thuỷ sản; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để nuôi trồng thuỷ sản, giao, cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thuỷ sản đã cấp trước ngày Luật này có hiệu lực mà các loại giấy tờ đó vẫn còn thời hạn và không thuộc các trường hợp cấm theo quy định của Luật này thì vẫn có giá trị thi hành.

Điều 61. Hiệu lực thi hành

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2004.

Bãi bỏ Pháp lệnh bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản năm 1989 của Hội đồng Nhà nước.

Điều 62. Hướng dẫn thi hành

Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật này./.

____________________________________________________________

Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003.

Chủ tịch Quốc hội

(Đã ký)

 

Nguyễn Văn An

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.