• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/10/2012
BỘ QUỐC PHÒNG-BỘ CÔNG AN-TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO-VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
Số: 09/2012/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 16 tháng 8 năm 2012
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Hướng dẫn việc giảm, miễn thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ
và miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại
____________________________

 

Để thi hành đúng và thống nhất quy định của Luật Thi hành án hình sự về giảm, miễn thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ và miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn việc giảm, miễn thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ và miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư liên tịch này hướng dẫn về điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền đề nghị, quyết định giảm, miễn thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ và miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại cho người phải chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư liên tịch này áp dụng với người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế; các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thi hành án phạt cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư liên tịch này những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Có nhiều tiến bộ là việc người chấp hành án có nhiều nỗ lực, cố gắng và đạt nhiều thành tích trong việc chấp hành án và thực hiện nghiêm chỉnh chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, cơ quan, đơn vị nơi cư trú, làm việc.
2. Lập công là trường hợp người chấp hành án có thành tích xuất sắc trong lao động, học tập, công tác, chiến đấu được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định khen thưởng hoặc xác nhận.
3. Lập công lớn là trường hợp người chấp hành án đã có hành động giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện, truy bắt, điều tra tội phạm; cứu được người khác trong tình thế hiểm nghèo hoặc cứu được tài sản (có giá trị từ ba mươi triệu đồng trở lên) của nhà nước, tập thể, của công dân trong thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn; có những phát minh, sáng chế hoặc sáng kiến có giá trị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khen thưởng hoặc xác nhận.
4. Mắc bệnh hiểm nghèo là trường hợp người chấp hành án đang bị những căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng, khó có phương thức chữa trị, như: Ung thư giai đoạn cuối, xơ gan cổ chướng, lao nặng độ 4 kháng thuốc, bại liệt, suy tim độ 3, suy thận độ 4 trở lên; HIV giai đoạn AIDS đang có các nhiễm trùng cơ hội không có khả năng tự chăm sóc bản thân và có nguy cơ tử vong cao.
5. Người quá già yếu là người từ 70 tuổi trở lên hoặc người từ 60 tuổi trở lên nhưng thường xuyên ốm đau.
6. Người bị kết án không còn nguy hiểm cho xã hội là trường hợp người bị kết án đã hoàn lương, chấp hành đúng quy định pháp luật, chăm chỉ lao động, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, các phong trào thi đua của địa phương, tự giác thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo quyết định của bản án.
Điều 4. Nguyên tắc xét giảm, miễn thời hạn chấp hành án
1. Tuân thủ quy định của pháp luật.
2. Bảo đảm chính sách khoan hồng, nhân đạo xã hội chủ nghĩa và bình đẳng trước pháp luật.
3. Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế.
4. Khuyến khích người chấp hành án tự giác phấn đấu, tích cực học tập, lao động, chấp hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định thi hành án và nghĩa vụ của người chấp hành án.
Điều 5. Các mẫu văn bản ban hành kèm theo
Ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này các mẫu văn bản sau:
1. Văn bản đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc giảm, miễn thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế.
2. Văn bản đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện về việc giảm, miễn thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế.
3. Quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ.
4. Quyết định không chấp nhận giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ.
5. Quyết định miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ.
6. Quyết định không chấp nhận miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ.
7. Quyết định miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú quản chế còn lại.
8. Quyết định không chấp nhận miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú còn lại.
9. Quyết định miễn chấp hành thời hạn quản chế còn lại.
10. Quyết định không chấp nhận miễn-chấp hành thời hạn quản chế còn lại.
Điều 6. Điều kiện giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ
Người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ có thể được Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án quân sự khu vực quyết định giảm thời hạn chấp hành án khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Đã chấp hành được một phần ba thời hạn án phạt; đối với người chưa thành niên là một phần tư thời hạn án phạt.
2. Có nhiều tiến bộ.
Điều 7. Mức giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ
1. Người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ mỗi năm được xét giảm thời hạn chấp hành án một lần, mỗi lần có thể được giảm từ ba tháng đến chín tháng. Trường hợp trong năm đó, sau khi được giảm thời hạn chấp hành án mà có lý do đặc biệt đáng được khoan hồng như lập công mới hoặc bị mắc bệnh hiểm nghèo thì có thể được xét giảm tiếp nhưng tối đa là hai lần trong một năm.
2. Người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ có thể được giảm nhiều lần nhưng phải đảm bảo thời gian thực tế chấp hành án là một phần hai mức án, đối với người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ là người chưa thành niên thì phải đảm bảo thời gian thực tế chấp hành án phạt là hai phần năm mức án.
Điều 8. Giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ trong trường hợp đặc biệt
1. Người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ đã lập công, đã quá già yếu hoặc bị bệnh hiểm nghèo đã chấp hành được một phần tư thời hạn án phạt thì có thể được xét giảm thời hạn chấp hành án, mức giảm mỗi lần cao nhất là một năm, nhưng phải đảm bảo thời gian thực tế chấp hành án là hai phần năm mức án.
2. Người chưa thành niên chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ nếu lập công hoặc bị bệnh hiểm nghèo thì được xét giảm ngay. Trường hợp đã chấp hành được hai phần năm mức án mà sau khi được xét giảm, thời hạn chấp hành án còn lại không quá một năm thì có thể được giảm hết thời hạn còn lại.
Điều 9. Thủ tục đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ
1. Khi người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ có đủ điều kiện được hướng dẫn tại Điều 6 hoặc Điều 8 Thông tư liên tịch này thì Trưởng Công an cấp xã nơi người chấp hành án cư trú có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức cuộc họp hoặc Thủ trưởng đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ phải tổ chức cuộc họp để lập hồ sơ và đề nghị Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ cư trú hoặc đề nghị Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ làm việc để xem xét, đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ cho họ.
2. Cuộc họp xét, đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ của Ủy ban nhân dân cấp xã do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chủ trì với thành phần tham gia gồm: đại diện Mặt trận tổ quốc, Công an, Tư pháp cấp xã và sự có mặt của người được giao trực tiếp giám sát, giáo dục người chấp hành án. Cuộc họp xét, đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ của đơn vị quân đội do Thủ trưởng hoặc phó Thủ trưởng đơn vị quân đội chủ trì, thành phần tham gia gồm: Đại diện các tổ chức đoàn thể trong đơn vị quân đội và người được giao trực tiếp giám sát, giáo dục người chấp hành án.
3. Hồ sơ đề nghị xem xét việc giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội, gồm có:
a) Bản sao bản án. Đối với trường hợp xét giảm từ lần thứ hai trở đi thì bản sao bản án được thay bằng bản sao quyết định thi hành án;
b) Quyết định giảm thời hạn chấp hành án (nếu người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ đã được giảm án);
c) Văn bản đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc đơn vị quân đội;
d) Quyết định khen thưởng hoặc giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc người chấp hành án lập công (nếu có);
đ) Kết luận của bệnh viện cấp tỉnh, bệnh viện cấp quân khu trở lên về tình trạng bệnh tật (nếu người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ bị bệnh hiểm nghèo). Trường hợp người quá già yếu thì phải có xác nhận của y tế cấp xã trở lên hoặc quân y của đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người chấp hành án;
e) Đơn xin giảm án của người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ (nếu họ có đơn đề nghị).
4. Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị xem xét việc giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc đơn vị quân đội, Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện hoặc cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu phải lập hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều 77 của Luật Thi hành án hình sự và có văn bản đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ gửi Tòa án nhân dân cùng cấp hoặc Tòa án quân sự khu vực để xem xét, quyết định. Đồng thời, sao gửi hồ sơ đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ cho Viện kiểm sát cùng cấp biết.
Điều 10. Thủ tục xét, quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ
1. Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ cư trú hoặc Chánh án Tòa án quân sự khu vực nơi người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ làm việc phải thành lập Hội đồng xét giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ và phân công Thẩm phán nghiên cứu hồ sơ đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ. Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý hồ sơ, Thẩm phán được phân công phải ấn định ngày mở phiên họp xét giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ và thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp biết để cử Kiểm sát viên tham dự phiên họp. Thời hạn mở phiên họp không quá mười lăm ngày, kể từ ngày Tòa án nhận được hồ sơ đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ.
Trường hợp cần bổ sung tài liệu hoặc tài liệu chưa rõ thì Thẩm phán yêu cầu cơ quan đề nghị bổ sung hoặc làm rõ thêm. Trong trường hợp này, thời hạn mở phiên họp được tính từ ngày Tòa án nhận được tài liệu bổ sung hoặc ý kiến bằng văn bản về vấn đề cần làm rõ thêm.
2. Hội đồng xét giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ gồm ba Thẩm phán hoặc hai Thẩm phán và một Hội thẩm (đối với Tòa án cấp huyện, Tòa án quân sự khu vực không có đủ ba Thẩm phán), có sự tham gia của Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp.
3. Trình tự, thủ tục xét giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ:
a) Một thành viên của Hội đồng trình bày hồ sơ đề nghị;
b) Đại diện Viện kiểm sát phát biểu;
c) Hội đồng thảo luận và quyết định.
4. Trên cơ sở hồ sơ và ý kiến của đại diện Viện kiểm sát, Hội đồng xét giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ quyết định:
a) Chấp nhận toàn bộ hoặc một phần đề nghị giảm thời hạn chấp hành án.
Trường hợp chấp nhận toàn bộ đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, mà thời hạn chấp hành án còn lại dưới một tháng thì Hội đồng có thể quyết định giảm hết thời hạn còn lại.
b) Không chấp nhận đề nghị giảm thời hạn chấp hành án;
5. Nội dung quyết định về việc giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ:
a) Ngày, tháng, năm ra quyết định;
b) Tên Tòa án ra quyết định;
c) Thành phần của Hội đồng xét giảm thời hạn chấp hành án;
d) Họ và tên người được đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành án, nơi chấp hành án;
đ) Nhận định của Tòa án và những căn cứ để chấp nhận hoặc không chấp nhận. Trường hợp không chấp nhận đề nghị giảm thời hạn chấp hành án thì phải nêu rõ lý do.
Điều 11. Điều kiện miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ
Người bị phạt cải tạo không giam giữ có thể được Tòa án cấp huyện hoặc Tòa án quân sự khu vực quyết định miễn chấp hành án phạt khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Đã lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo.
2. Không còn nguy hiểm cho xã hội.
Điều 12. Thủ tục đề nghị miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ
1. Trường hợp người bị kết án cải tạo không giam giữ đã có quyết định thi hành án, nhưng chưa chấp hành án mà có đủ các điều kiện quy định tại Điều 11 Thông tư liên tịch này thì Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện hoặc Viện kiểm sát quân sự khu vực nơi người chấp hành án cư trú hoặc làm việc tự mình hoặc theo đề nghị của Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu xem xét, lập hồ sơ đề nghị Toà án cùng cấp xét miễn chấp hành án.
2. Trường hợp người bị kết án cải tạo không giam giữ đang chấp hành án nếu có đủ các điều kiện quy định tại Điều 11 Thông tư liên tịch này và có đơn xin miễn chấp hành án thì Trưởng Công an cấp xã có nhiệm vụ giúp Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức cuộc họp hoặc Thủ trưởng đơn vị quân đội phải tổ chức cuộc họp để lập hồ sơ và đề nghị Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện hoặc cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ cư trú hoặc làm việc xem xét, đề nghị miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ cho họ.
Cuộc họp xét, đề nghị miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ của Ủy ban nhân dân cấp xã do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chủ trì với thành phần tham gia gồm: Đại diện Mặt trận tổ quốc, Công an, Tư pháp cấp xã và sự có mặt của người được giao trực tiếp giám sát, giáo dục người chấp hành án; Cuộc họp xét, đề nghị miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ của đơn vị quân đội do Thủ trưởng hoặc phó Thủ trưởng đơn vị quân đội chủ trì với thành phần tham gia gồm đại diện các tổ chức đoàn thể trong đơn vị quân đội và sự có mặt của người được giao trực tiếp giám sát, giáo dục người chấp hành án.
3. Hồ sơ đề nghị miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ bao gồm:
a) Bản sao bản án đã có hiệu lực pháp luật;
b) Đơn xin miễn chấp hành án của người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ hoặc người đại diện hợp pháp theo quy định pháp luật;
c) Văn bản đề nghị miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc đơn vị quân đội;
d) Quyết định khen thưởng hoặc giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền đối với trường hợp lập công (nếu có);
đ) Văn bản kết luận của bệnh viện cấp tỉnh hoặc bệnh viện cấp quân khu trở lên về tình trạng bệnh tật đối với trường hợp bị bệnh hiểm nghèo (nếu có).
4. Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị xem xét việc miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc đơn vị quân đội, Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện hoặc Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu có trách nhiệm xem xét, đề nghị bằng văn bản kèm theo hồ sơ đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc đơn vị quân đội gửi Viện kiểm sát cấp huyện hoặc Viện kiểm sát quân sự khu vực để xem xét, đề nghị miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ.
Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự, Viện kiểm sát cùng cấp phải xem xét, lập hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều 78 Luật Thi hành án hình sự đề nghị Tòa án cùng cấp xem xét, quyết định.
Điều 13. Thủ tục xét, quyết định miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ
1. Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị, Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện hoặc Chánh án Tòa án quân sự khu vực nơi người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ cư trú hoặc làm việc phải thành lập Hội đồng xét miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ và phân công Thẩm phán nghiên cứu hồ sơ đề nghị miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ. Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý hồ sơ, Thẩm phán được phân công phải ấn định ngày mở phiên họp xét miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ và thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp biết để cử Kiểm sát viên tham dự phiên họp. Thời hạn mở phiên họp không quá mười lăm ngày, kể từ ngày Tòa án nhận được hồ sơ đề nghị miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ.
Trường hợp cần phải bổ sung tài liệu hoặc tài liệu chưa rõ thì Thẩm phán yêu cầu cơ quan đề nghị bổ sung tài liệu hoặc làm rõ thêm. Trong trường hợp này, thời hạn mở phiên họp được tính từ ngày Tòa án nhận được tài liệu bổ sung hoặc ý kiến bằng văn bản về vấn đề cần làm rõ thêm.
2. Hội đồng xét miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ gồm ba Thẩm phán hoặc hai Thẩm phán và một Hội thẩm (đối với Tòa án cấp huyện Tòa án quân sự khu vực không có đủ ba Thẩm phán), có sự tham gia của Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp.
3. Trình tự xét miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ:
a) Một thành viên của Hội đồng trình bày hồ sơ đề nghị;
b) Đại diện Viện kiểm sát phát biểu;
c) Hội đồng thảo luận và quyết định.
4. Trên cơ sở xem xét hồ sơ và ý kiến của đại diện Viện kiểm sát, Hội đồng xét miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ quyết định:
a) Chấp nhận đề nghị miễn chấp hành án;
b) Không chấp nhận đề nghị miễn chấp hành án;
5. Nội dung quyết định miễn hoặc không chấp nhận miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ:
a) Ngày, tháng, năm ra quyết định;
b) Tên Tòa án ra quyết định;
c) Thành phần của Hội đồng xét miễn chấp hành án;
d) Họ và tên người được đề nghị xét miễn chấp hành án, nơi chấp hành án;
đ) Nhận định của Tòa án và các căn cứ để chấp nhận hoặc không chấp nhận đề nghị miễn chấp hành án. Trường hợp không chấp nhận đề nghị miễn chấp hành án thì phải nêu rõ lý do.
Điều 14. Điều kiện miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại
Người chấp hành án phạt cấm cư trú, quản chế có thể được Tòa án nhân dân cấp huyện quyết định miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Đã chấp hành được một phần hai thời hạn án phạt.
2. Cải tạo tiến bộ.
Điều 15. Thủ tục đề nghị miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại
1. Người chấp hành án phạt cấm cư trú hoặc quản chế có đủ các điều kiện quy định tại Điều 14 Thông tư liên tịch này và có đơn xin miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại, thì Trưởng Công an cấp xã nơi người bị phạt cấm cư trú hoặc quản chế chấp hành án có nhiệm vụ giúp Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức cuộc họp để lập hồ sơ và đề nghị Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện xem xét, đề nghị miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú hoặc quản chế còn lại cho họ.
2. Hồ sơ đề nghị xem xét việc miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú hoặc quản chế còn lại bao gồm:
a) Bản sao bản án; bản sao quyết định thi hành án;
b) Văn bản đề nghị miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú hoặc quản chế còn lại của Ủy ban nhân dân cấp xã;
c) Đơn xin miễn chấp hành án của người chấp hành án phạt cấm cư trú hoặc quản chế;
d) Tài liệu liên quan khác (nếu có).
3. Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã, nếu thấy việc miễn chấp hành thời hạn án phạt cấm cư trú, quản chế còn lại cho người chấp hành án không ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện lập hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều 86 hoặc khoản 1 Điều 95 của Luật Thi hành án hình sự và làm văn bản đề nghị miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại gửi Tòa án cùng cấp nơi người chấp hành án cư trú xem xét, quyết định. Đồng thời, sao gửi hồ sơ đề nghị miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại cho Viện kiểm sát cùng cấp biết.
Điều 16. Thủ tục xét, quyết định miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại
1. Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị, Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người chấp hành án cư trú phải thành lập Hội đồng xét miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại và phân công Thẩm phán nghiên cứu hồ sơ đề nghị miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại. Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý hồ sơ, Thẩm phán được phân công phải ấn định ngày mở phiên họp xét miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại và thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp biết để cử Kiểm sát viên tham dự phiên họp. Thời hạn mở phiên họp không quá mười lăm ngày, kể từ ngày Tòa án nhận được hồ sơ đề nghị. Trường hợp cần phải bổ sung hồ sơ hoặc hồ sơ chưa rõ thì Thẩm phán yêu cầu cơ quan đề nghị bổ sung hoặc làm rõ thêm. Trong trường hợp này, thời hạn mở phiên họp được tính từ ngày Tòa án nhận được tài liệu bổ sung hoặc ý kiến bằng văn bản về vấn đề cần làm rõ thêm.
2. Hội đồng xét miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú hoặc quản chế còn lại gồm ba Thẩm phán hoặc hai Thẩm phán và một Hội thẩm (đối với Tòa án cấp huyện không có đủ ba Thẩm phán), có sự tham gia của Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp.
3. Trình tự xét miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú hoặc quản chế còn lại:
a) Một thành viên của Hội đồng trình bày hồ sơ đề nghị;
b) Đại diện Viện kiểm sát phát biểu;
c) Hội đồng thảo luận và quyết định.
4. Trên cơ sở xem xét hồ sơ và ý kiến của đại diện Viện kiểm sát, Hội đồng xét miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú hoặc quản chế còn lại quyết định:
a) Chấp nhận đề nghị miễn chấp hành thời hạn án phạt còn lại;
b) Không chấp nhận đề nghị miễn chấp hành thời hạn án phạt còn lại;
5. Nội dung quyết định miễn hoặc không chấp nhận miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú hoặc quản chế còn lại:
a) Ngày, tháng, năm ra quyết định;
b) Tên Tòa án ra quyết định;
c) Thành phần của Hội đồng xét miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú hoặc quản chế còn lại;
d) Họ và tên người được đề nghị xét miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú hoặc quản chế còn lại, nơi chấp hành án;
đ) Nhận định của Tòa án và các căn cứ để chấp nhận hoặc không chấp nhận đề      nghị miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú hoặc quản chế còn lại; trường hợp quyết định không chấp nhận thì phải nêu rõ lý do.
Điều 17. Gửi quyết định giảm, miễn thời hạn chấp hành án
1. Quyết định của Tòa án về giảm, miễn thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ được gửi các cơ quan theo quy định tại khoản 3 Điều 77 và khoản 3 Điều 78 của Luật Thi hành án hình sự.
2. Quyết định của Tòa án về việc miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại được gửi các cơ quan theo quy định tại khoản 3 Điều 86 và khoản 3 Điều 95 của Luật Thi hành án hình sự.
Điều 18. Kháng nghị và phúc thẩm quyết định giảm, miễn thời hạn chấp hành án phạt
1. Quyết định của Tòa án về việc giảm, miễn thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ và miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại có thể bị Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp là bảy ngày, của Viện kiểm sát cấp trên là mười lăm ngày, kể từ ngày Tòa án ra quyết định.
2. Việc phúc thẩm quyết định của Tòa án về việc giảm, miễn thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ và miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại được thực hiện theo quy định tại Điều 253 của Bộ luật Tố tụng hình sự.
3. Quyết định của Tòa án về việc giảm, miễn thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ và miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại không bị kháng nghị có hiệu lực thi hành kể từ ngày hết thời hạn kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
Điều 19. Hiệu lực thi hành
Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2012.
Những văn bản hướng dẫn trước đây của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao trái với Thông tư liên tịch này đều bãi bỏ.
Điều 20. Trách nhiệm thi hành
Cơ quan thi hành án hình sự các cấp thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng; các cơ quan thuộc Tòa án và Viện kiểm sát các cấp chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư liên tịch này. Trong quá trình thực hiện Thông tư liên tịch, nếu có vướng mắc, các cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao để có hướng dẫn kịp thời./.

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Quốc phòng
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Công an
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Thượng tướng Nguyễn Thành Cung

Trung tướng Lê Quý Vương

KT. VIỆN TRƯỞNG Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Phó Viện trưởng

KT. CHÁNH ÁN Toà án nhân dân tối cao
Phó Chánh án

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Trần Công Phàn

Đặng Quang Phương

 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.