• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 10/12/2012
  • Ngày hết hiệu lực: 16/05/2016
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 177/2012/TT-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 23 tháng 10 năm 2012

 THÔNG TƯ

Hướng dẫn chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng phí, lệ phí áp dụng tại Cảng vụ đường thủy nội địa
 ___________________________________
 
Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa;
Căn cứ Pháp lệnh Phí và lệ phí;
Căn cứ Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 3/6/2002 và Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06/3/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Phí và lệ phí;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế;
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng phí, lệ phí áp dụng tại Cảng vụ đường thủy nội địa như sau:
Điều 1. Đối tượng chịu phí, lệ phí
Các phương tiện thủy ra, vào hoạt động tại các cảng, bến thủy nội địa (kể cả cảng, bến chuyên dùng) đã được cơ quan nhà nước công bố cấp phép hoạt động phải chịu phí, lệ phí áp dụng tại Cảng vụ đường thủy nội địa theo quy định tại Thông tư này (trừ trường hợp quy định tại Điều 2 của Thông tư này).
Trường hợp điều ước quốc tế mà Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định về phí, lệ phí áp dụng tại Cảng vụ đường thủy nội địa khác với quy định tại Thông tư này thì thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế đó.
Điều 2. Các trường hợp không chịu phí, lệ phí
Những trường hợp sau đây không phải chịu phí, lệ phí áp dụng tại Cảng vụ đường thủy nội địa:
1. Phương tiện sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an (trừ các phương tiện sử dụng vào hoạt động kinh tế); phương tiện của cơ quan Hải quan đang làm nhiệm vụ (trừ các phương tiện sử dụng vào hoạt động kinh tế); phương tiện của các cơ quan thanh tra giao thông, Cảng vụ đường thủy nội địa;
2. Phương tiện tránh bão, cấp cứu;
3. Phương tiện vận chuyển hàng hóa có trọng tải toàn phần dưới 10 tấn hoặc chở khách dưới 13 ghế;
4. Phương tiện vận chuyển phòng chống lụt bão.
Điều 3. Mức thu
Mức thu phí, lệ phí áp dụng tại Cảng vụ Đường thủy nội địa quy định như sau:
1. Mức thu
TT
Nội dung các khoản thu
Mức thu
1
Phí trọng tải
 
a)
Lượt vào (kể cả có tải, không tải)
165 đồng/tấn trọng tải toàn phần
b)
Lượt ra (kể cả có tải, không tải)
165 đồng/tấn trọng tải toàn phần
2
Lệ phí ra, vào cảng, bến thủy nội địa
 
a)
Phương tiện chở hàng có trọng tải toàn phần từ 10 tấn đến 50 tấn
5.000 đồng /chuyến
b)
Phương tiện chở hàng có trọng tải toàn phần từ 51 tấn đến 200 tấn hoặc chở khách có sức chở từ 13 ghế đến 50 ghế
10.000 đồng/chuyến
c)
Phương tiện chở hàng, đoàn lai có trọng tải toàn phần từ 201 đến 500 tấn hoặc chở khách có sức chở từ 51 ghế đến 100 ghế
20.000 đồng/chuyến
d)
Phương tiện chở hàng, đoàn lai có trọng tải toàn phần từ 501 tấn đến 1.000 tấn hoặc chở khách từ 101 ghế trở lên.
30.000 đồng/chuyến
đ)
Phương tiện chở hàng, đoàn lai có trọng tải toàn phần từ 1.001 tấn đến 1.500 tấn.
40.000 đồng/chuyến
e)
Phương tiện chở hàng, đoàn lai có trọng tải toàn phần từ 1.501 tấn trở lên.
50.000 đồng/chuyến
2. Đối với tàu biển vào, ra cảng bến thủy nội địa phải chịu phí, lệ phí theo quy định của Bộ Tài chính ban hành mức thu phí, lệ phí Hàng hải.
3. Trường hợp trong cùng một chuyến đi phương tiện, tàu biển vào, ra nhiều cảng bến thủy nội địa trong cùng một đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa quản lý thì chỉ phải chịu một lần phí, lệ phí theo quy định tại khoản 1 Điều này.
4. Phương tiện vào, ra cảng không nhằm mục đích bốc dỡ hàng hóa, không nhận trả khách áp dụng mức thu phí trọng tải bằng 70% (bảy mươi phần trăm) mức thu phí trọng tải quy định tại khoản 1 Điều này.
5. Đối với các phương tiện không phải là phương tiện chở hàng hóa được quy đổi khi tính phí trọng tải như sau:
a) Phương tiện chuyên dùng: 01 mã lực tương đương với 01 tấn trọng tải toàn phần;
b) Phương tiện chở khách: 01 giường nằm tương đương với 06 ghế hành khách hoặc tương đương với 6 tấn trọng tải toàn phần; 01 ghế hành khách tương đương với 01 tấn trọng tải toàn phần.
6. Phí, lệ phí áp dụng tại Cảng vụ đường thủy nội địa thu bằng đồng Việt Nam. Trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài có nhu cầu nộp phí, lệ phí bằng ngoại tệ thì thu bằng đô la Mỹ (USD) theo tỷ giá ngoại tệ do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm thu tiền.
Điều 4. Quản lý, sử dụng
1. Cơ quan thu phí, lệ phí áp dụng tại Cảng vụ đường thủy nội địa là các Cảng vụ đường thủy nội địa theo quy định tại Luật Giao thông đường thủy nội địa. Cơ quan thu phí, lệ phí có trách nhiệm đăng ký, kê khai nộp phí, lệ phí vào ngân sách nhà nước theo quy định của Bộ Tài chính tại Thông tư số 28/2011/TT-BTC ngày 28/2/2011 của Bộ tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế, hướng dẫn thi hành Nghị định số 85/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 và Nghị định số 106/2010/NĐ-CP ngày 28/10/2010 của Chính phủ.
2. Phí, lệ phí áp dụng tại Cảng vụ đường thủy nội địa là khoản thu thuộc ngân sách nhà nước. Cơ quan thu phí, lệ phí được trích để lại tiền phí, lệ phí thu được để trang trải chi phí cho hoạt động của Cảng vụ theo quy định tại khoản 3 Điều này theo tỷ lệ như sau:
- Đối với cơ quan thu phí, lệ phí là Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực II và khu vực IV: Được trích lại toàn bộ (100%) số tiền phí, lệ phí thu được.
- Đối với cơ quan thu phí, lệ phí là Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực I và khu vực III, các Cảng vụ đường thủy nội địa do địa phương quản lý: Được trích lại 95% (chín mươi lăm phần trăm) trên tổng số tiền phí, lệ phí thu được trước khi nộp ngân sách nhà nước và thực hiện nộp 5% (năm phần trăm) số tiền phí, lệ phí thu được vào ngân sách nhà nước theo chương, loại, khoản, mục, tiểu mục tương ứng của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.
3. Nội dung chi cho hoạt động của Cảng vụ đường thủy nội địa:
a) Chi thường xuyên
- Chi trả các khoản tiền lương hoặc tiền công, các khoản phụ cấp, các khoản đóng góp theo tiền lương, tiền công, theo chế độ hiện hành.
- Chi phí trực tiếp: văn phòng phẩm, vật tư văn phòng, điện thoại, điện, nước, công tác phí, công vụ phí theo tiêu chuẩn, định mức hiện hành.
- Chi bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên tài sản, máy móc, thiết bị.
- Chi đặc thù: Chi bảo hộ lao động hoặc đồng phục theo chế độ quy định; chi mua biên lai, ấn chỉ phục vụ công tác thu phí, lệ phí; chi mua nhiên liệu phục vụ hoạt động nghiệp vụ của cảng vụ; chi hoạt động đặc thù khác.
- Các khoản chi thường xuyên khác theo quy định của pháp luật.
b) Chi không thường xuyên
- Chi thuê trụ sở đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa, tổ cảng vụ đường thủy nội địa (nếu có).
- Chi cho công tác tìm kiếm cứu nạn người, hàng hóa, phương tiện, tàu biển bị tai nạn; chỉ xử lý công việc có liên quan đến phòng ngừa ô nhiễm môi trường trong vùng nước cảng, bến thủy nội địa.
- Chi bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn.
- Chi mua sắm, sửa chữa lớn phương tiện, thiết bị, trụ sở làm việc.
c) Chi cho việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành về giao thông vận tải đường thủy nội địa tại cảng, bến thủy nội địa nhằm bảo đảm việc chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa và phòng ngừa ô nhiễm môi trường theo phương án tự chủ tài chính được cấp có thẩm quyền giao.
- Trường hợp số tiền được trích để lại không đủ chi thì được ngân sách nhà nước cấp bổ sung từ nguồn sự nghiệp kinh tế đường thủy nội địa.
- Trường hợp số thực thu phí, lệ phí cao hơn dự toán được giao, cơ quan thu phí, lệ phí được sử dụng số tiền phí, lệ phí được để lại để chi khen thưởng, phúc lợi cho cán bộ, nhân viên trực tiếp thực hiện thu phí, lệ phí trong đơn vị, tổng mức trích lập 2 quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi, bình quân một năm, một người tối đa không quá 3 tháng lương. Bổ sung chi cho hoạt động thường xuyên và không thường xuyên của đơn vị, số còn lại không sử dụng hết được chuyển sang năm sau để bố trí chi hoạt động của đơn vị sau khi có ý kiến thống nhất của cơ quan tài chính cùng cấp.
4. Hàng năm, cơ quan thu phí, lệ phí thực hiện quyết toán việc sử dụng biên lai thu phí, lệ phí; số tiền phí, lệ phí thu được; số tiền phí, lệ phí để lại cho đơn vị; số tiền phí, lệ phí phải nộp ngân sách; số tiền phí, lệ phí đã nộp và còn phải nộp ngân sách nhà nước với cơ quan thuế. Quyết toán việc sử dụng số tiền được trích để lại với cơ quan tài chính cùng cấp theo đúng quy định hiện hành.
Điều 5. Tổ chức thực hiện
1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 10/12/2012. Bãi bỏ Thông tư số 101/2008/TT-BTC ngày 11/11/2008 và Thông tư số 55/2009/TT-BTC ngày 20/3/2009 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 101/2008/TT-BTC ngày 11/11/2008 của Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng phí, lệ phí áp dụng tại Cảng vụ đường thủy nội địa.
2. Các nội dung khác liên quan đến việc thu, nộp, quản lý, sử dụng, công khai chế độ thu phí, lệ phí không hướng dẫn tại Thông tư này được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 và Thông tư số 45/2006/TT-BTC ngày 25/5/2006 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí và lệ phí; Thông tư số 28/2011/TT-BTC ngày 28/2/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế, hướng dẫn thi hành Nghị định số 85/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 và Nghị định số 106/2010/NĐ-CP ngày 28/10/2010 của Chính phủ.
3. Tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng phải nộp phí, lệ phí áp dụng tại Cảng vụ đường thủy nội địa và các cơ quan liên quan có trách nhiệm thực hiện đúng quy định tại Thông tư này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để xem xét, hướng dẫn./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Vũ Thị Mai

 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.