• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 22/12/1997
  • Ngày hết hiệu lực: 13/11/2014
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI
Số: 21/CT-UB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lào Cai, ngày 22 tháng 12 năm 1997

CHỈ THỊ CỦA UBND TỈNH LÀO CAI

Về việc tăng cường công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động

____________________________

Qua 5 năm thực hiện Pháp lệnh bảo hộ lao động và 3 năm thực hiện Bộ Luật lao động, các ngành, các huyện, thị xã, các doanh nghiệp và cá nhân có sử dụng lao động vào hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh, bước đầu đã tham gia vào công tác bảo hộ lao động, nhờ đó giảm được ốm đau, tai nạn lao động, sự cố và bệnh nghề nghiệp, nhất là các sự cố lớn và tai nạn lao động chết người đã giảm hẳn. Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị, cơ sở và cá nhân chưa thực sự quan tâm đến công tác này, còn để xảy ra nhiều vi phạm và tồn tại, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân, HTX và cá nhân có sử dụng lao động, hàng năm khi lập kế hoạch sản xuất kinh doanh của đơn vị không lập kế hoạch bảo hộ lao động; không lập luận chứng về các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động cho các công trình xây dựng mới, cải tạo, mở rộng, không huấn luyện an toàn, vệ sinh cho người lao động để họ biết phương pháp làm việc an toàn; không thực hiện nghiêm chỉnh chế độ kiểm tra và tự kiểm tra về an toàn lao động, vệ sinh lao động để kịp thời phát hiện, sửa chữa, khắc phục những thiếu sót, tồn tại; nhiều vụ tai nạn lao động xảy ra chưa kịp thời điều tra, kết luận và đưa ra xử lý. Một số đơn vị chưa có tổ chức hoặc không bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác bảo hộ lao động. Việc tuyên truyền giáo dục về bảo hộ lao động chưa quan tâm đúng mức.

Để đưa công tác bảo hộ lao động ngày càng đi vào nề nếp, bảo đảm pháp luật về an toàn lao động - vệ sinh lao động được thực hiện nghiêm chỉnh, nâng cao tác dụng ngăn ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, giảm tai nạn và sự cố xuống mức thấp nhất, bảo vệ được tính mạng, sức khỏe và tài sản của người lao động, người sử dụng lao động và của Nhà nước, UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp, HTX, các cá nhân có sử dụng lao động phải thực hiện nghiêm chỉnh một số nội dung sau :

l. Khi thiết kế, cải tạo, mở rộng, xây dựng mới các công trình, nhà máy, các cơ sở sản xuất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động đều phải lập luận chứng về các biện pháp bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ, độc, hại, vv... luận chứng đó phải được các cơ quan chức năng thỏa thuận theo quy định của pháp luật, đồng thời hàng năm khi lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh phải lập kế hoạch bảo hộ lao động.

2. Phải tổ chức huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người lao động các phương pháp làm việc an toàn, vệ sinh lao động, phải kiểm tra sát hạch và cấp thẻ an toàn lao động theo quy định.

3. Thực hiện tốt chế độ kiểm tra và tự kiểm tra về bảo hộ lao động, kịp thời phát hiện và khắc phục những sự cố, tai nạn lao động có thể xảy ra trong quá trình sản xuất

4. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn lao động, vệ sinh lao động đối với mọi đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật lao động, mọi hành vi vi phạm Luật lao động đều được lập biên bản và ra quyết định xử phạt theo quy định của Nghị định 38/CP ngày 25/6/1996 của Chính phủ.

5. Thực hiện tốt chế độ khai báo, điều tra, thống kê và báo cáo tai nạn lao động theo quy định của pháp luật lao động. Những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, những sự cố lớn có dấu hiệu và đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì thanh tra lao động cùng các cơ quan điều tra phải làm rõ và đưa ra xử lý, truy cứu trách nhiệm hình sự. Những đơn vị, tập thể và cá nhân có thành tích trong công tác an toàn lao động và vệ sinh lao động được xét khen thưởng kịp thời.

6. Các cơ quan tuyên truyền như báo chí, phát thanh truyền hình... phải quan tâm đến công tác này, luôn có những tin, bài, ảnh và băng hình phát trên các phương tiện thông tin đại chúng về những cơ sở và cá nhân làm tốt, phê phán, góp ý những cơ sở, cá nhân có nhiều vi phạm để làm bài học kinh nghiệm cho mọi người sử dụng lao động và người lao động.

7. Tổ chức thực hiện: Giao cho Sở Lao động TBXH, cơ quan thường trực của tỉnh về công tác bảo hộ lao động, có sự phối hợp của Sở Y tế, Công an tỉnh có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật lao động về an toàn lao động, vệ sinh lao động của các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp và cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế. Định kỳ tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện công tác này về UBND tỉnh.

Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, các doanh nghiệp và cá nhân có liên quan khẩn trương triển khai và nghiêm chỉnh thực hiện nhằm đưa công tác bảo hộ lao động trên địa bàn tỉnh đi vào nề nếp, đúng pháp luật.

Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Giàng Seo Phử

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.