SẮC LỆNH
SỐ: 150/SL NGÀY 29 THÁNG 3 NĂM 1948
CỦA CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Chiểu sắc lệnh số 63 ngày 22-11-45 qui định các Hội đồng nhân dân;
Chiểu sắc lệnh số 77/SL ngày 21-12-1945 qui định các Hội đồng nhân dân thành phố,
Chiểu sắc lệnh số 22/A/NVPC ngày 18-2-1946 sửa đổi điều thứ 65 sắc lệnh số 63/SL ngày 22-11-1945,
Chiểu sắc lệnh số 68/SL ngày 14-5-1946 bổ khuyết các điều 43 và 45 trong sắc lệnh 77/AL ngày 21-12-1946,
Chiểu sắc lệnh số 117/SL ngày 2-7-1946 qui định việc triệu tập Hội đồng nhân dân,
Chiểu sắc lệnh số 3/NV/SL ngày 28-12-1946 tạm hoãn các cuộc tuyển cử vào Hội đồng nhân dân,
Chiểu sắc lệnh số 129/SL ngày 5 tháng 2 năm 1948 thêm 1 khoản vào điều 1 sắc lệnh số 3/NVSL ngày 28-12-1946,
Chiểu đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ,
Sau khi Hội đồng Chính phủ và ban Thường trực Quốc hội đã thoả thuận,
RA SẮC LỆNH:
Điều 1
Đặc biệt trong những vùng địch kiểm soát hoặc uy hiếp:
1- Trong một Hội đồng nhân dân khi số hội viên còn lại là quá nửa số đã định, thì Hội đồng nhân dân đó vẫn đủ thẩm quyền làm việc,
2- Nếu số hội viên Hội đồng nhân dân còn lại không được quá nửa số đã định thì có thể chỉ định thêm hội viên cho đủ quá nửa. Thủ tục chỉ định theo như sau:
- Cấp xã: các hội viên Hội đồng nhân dân còn lại (kể cả những hội viên là uỷ viên trong Uỷ ban kháng chiến hành chính) đề nghị lên huyện, huyện đề nghị lên tỉnh quyết định.
- Cấp tỉnh: các hội viên Hội đồng nhân dân còn lại (kể cả những hội viên là uỷ viên Uỷ ban kháng chiến hành chính) đề nghị lên liên khu, liên khu đề nghị lên Bộ Nội vụ quyết định.
3- Nơi nào chưa có Hội đồng nhân dân, thì có thể thành lập Hội đồng nhân dân theo lối chỉ định:
- Cấp xã: Uỷ ban kháng chiến hành chính đề nghị lên huyện, huyện lên tỉnh, tỉnh quyết định.
- Cấp tỉnh: Uỷ ban kháng chiến hành chính đề nghị lên liên khu, liên khu đề nghị lên Bộ Nội vụ, Bộ Nội vụ quyết định.
Điều 2
Bộ trưởng Bộ Nội vụ chiểu sắc lệnh thi hành.