• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 02/06/2005
BỘ NỘI VỤ
Số: 57/2005/QĐ-BNV
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 18 tháng 5 năm 2005

QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ

Ban hành quy chế giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân của Bộ Nội vụ

_______________________________

Căn cứ Luật Khiếu nại, tố cáo ngày 02 tháng 12 năm 1998;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo ngày 15 tháng 6 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 53/2005/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khiếu nại, tố cáo và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo;

Căn cứ Nghị định số 89/CP ngày 07 tháng 8 năm 1997 của Chính phủ ban hành Quy chế tổ chức tiếp công dân;

Căn cứ Nghị định số 45/2003/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu, tổ chức của Bộ Nội vụ;

Theo đề nghị của Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân của Bộ Nội vụ.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ và Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức thuộc Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

                                                                                              BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ

                                                                                               (Đã ký)

                                                                                                    Đỗ Quang Trung

 

QUY CHẾ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI,

TỐ CÁO, TIẾP CÔNG DÂN CỦA BỘ NỘI VỤ

Ban hành kèm theo Quyết định số: 57 /2005/QĐ-BNV

ngày 18 tháng 5 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ

___________________

 

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng

Quy chế này quy định thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức thuộc Bộ Nội vụ (sau đây viết tắt là Bộ) trong việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn, thư đề nghị và tiếp công dân liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ.

Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến hợp đồng lao động tại các cơ quan, tổ chức thuộc Bộ được thực hiện theo Nghị định số 04/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về khiếu nại, tố cáo.

Điều 2. Áp dụng pháp luật trong giải quyết đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn, thư đề nghị và tiếp công dân  

Việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn, thư đề nghị và tiếp công dân của cơ quan, tổ chức thuộc Bộ được thực hiện theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành; Quyết định của Bộ trưởng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của các cơ quan, tổ chức thuộc Bộ và Quy chế này.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Quy chế này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. “Khiếu nại” là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức, viên chức đề nghị Bộ xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình;

2. “Tố cáo” là việc công dân báo cho Bộ biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức;

3. “Đơn, thư đề nghị” là đơn, thư do công dân, cơ quan, tổ chức gửi đến đề nghị giải đáp chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức hoặc góp ý, kiến nghị về những nội dung khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

Điều 4. Trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc Bộ trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tiếp người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; tiếp nhận và giải quyết kịp thời, đúng pháp luật khiếu nại, tố cáo; xử lý nghiêm minh người vi phạm; áp dụng biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra; bảo đảm cho quyết định giải quyết được thi hành nghiêm chỉnh và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

2. Người có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo mà không giải quyết, thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết hoặc cố tình giải quyết trái pháp luật phải bị xử lý nghiêm minh, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Việc phối hợp giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân

Cơ quan, tổ chức và cá nhân thuộc Bộ có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp công dân; cung cấp thông tin tài liệu có liên quan đến việc khiếu nại, tố cáo theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó.

Chương II

THẨM QUYỀN VÀ TRÁCH NHIỆM GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI

Mục 1

Thẩm quyền và trách nhiệm giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng

Điều 6. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng

1. Đối với khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính

a. Giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của cán bộ, công chức, viên chức do mình quản lý trực tiếp;

b. Giải quyết khiếu nại mà Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia đã giải quyết nhưng còn có khiếu nại;

c. Giải quyết khiếu nại về những nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ mà Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh đã giải quyết lần đầu nhưng còn có khiếu nại;

d. Chủ trì, tham gia giải quyết hoặc xem xét, kết luận và kiến nghị việc giải quyết đối với các khiếu nại có nội dung liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của Bộ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ;

đ. Yêu cầu Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ nếu phát hiện có tình tiết mới hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. Trong trường hợp yêu cầu không được thực hiện thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

2. Đối với khiếu nại quyết định kỷ luật

a. Giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật do mình ký ban hành;

b. Giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật mà Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia đã giải quyết lần đầu nhưng còn có khiếu nại;

c. Giải quyết khiếu nại đối với khiếu nại quyết định kỷ luật do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh đã giải quyết lần đầu nhưng còn có khiếu nại.  

Điều 7. Trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc giải quyết khiếu nại

1. Ra quyết định giải quyết khiếu nại căn cứ vào kết quả gặp gỡ, đối thoại, báo cáo xác minh, kết luận và kiến nghị việc giải quyết khiếu nại của Chánh Thanh tra Bộ hoặc Thủ trưởng cơ quan, tổ chức thuộc Bộ trong thời hạn quy định tại Luật Khiếu nại, tố cáo;

2. Tham khảo ý kiến của Bộ, ngành có liên quan và của ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra vụ việc khiếu nại trước khi ký quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng đối với những vụ việc phức tạp;

3. Gặp gỡ, trực tiếp đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và lợi ích liên quan khi giải quyết khiếu nại lần đầu; đối với những vụ việc phức tạp, có nhiều người khiếu nại về một nội dung trước khi ký quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng phải trực tiếp đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người giải quyết khiếu nại trước đó, người có quyền và lợi ích liên quan;

4. Chỉ đạo Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Học viện Hành chính Quốc gia giải quyết kịp thời các khiếu nại thuộc thẩm quyền. Khi nhận được khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia nhưng quá thời hạn quy định mà chưa được giải quyết thì yêu cầu Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Học viện Hành chính Quốc gia phải giải quyết, đồng thời áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền để xử lý đối với người thiếu trách nhiệm hoặc cố tình trì hoãn việc giải quyết khiếu nại đó;

5. Ra quyết định tạm đình chỉ thi hành quyết định giải quyết khiếu nại của Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia khi phát hiện việc giải quyết có vi phạm pháp luật;

6. Ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý cố tình cản trở hoặc không chấp hành quyết định giải quyết khiếu nại hoặc không chấp hành yêu cầu của cơ quan Thanh tra nhà nước;

7. Xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng của mình có vi phạm pháp luật gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức theo kiến nghị của Tổng thanh tra.

Mục 2

Thẩm quyền và trách nhiệm giải quyết khiếu nại

của Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước,

Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia

Điều 8. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại của Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia

1. Giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của cán bộ, công chức, viên chức do mình quản lý trực tiếp;

2. Giải quyết lần đầu đối với khiếu nại quyết định kỷ luật do mình ký ban hành.

Điều 9. Trách nhiệm giải quyết khiếu nại của Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia

1. Gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và lợi ích liên quan khi giải quyết khiếu nại lần đầu;

2. Ra quyết định giải quyết khiếu nại bằng văn bản trong thời hạn quy định tại Luật Khiếu nại, tố cáo;

3. Gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền vàc lợi ích liên quan và Chánh Thanh tra Bộ; khi cần thiết thì công bố công khai quyết định giải quyết khiếu nại;

4. Thi hành, tổ chức thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật trong phạm vi trách nhiệm của mình.

Chương III

THẨM QUYỀN VÀ TRÁCH NHIỆM GIẢI QUYẾT TỐ CÁO

Điều 10. Thẩm quyền giải quyết tố cáo của Bộ trưởng

Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm quy định về nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức thuộc Bộ và những người khác do mình bổ nhiệm và quản lý trực tiếp.

Điều 11. Thẩm quyền giải quyết tố cáo của Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia 

Giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật mà người bị tố cáo thuộc thẩm quyền quản lý của mình. Giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm về nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức do mình quản lý.

Điều 12. Trách nhiệm giải quyết tố cáo

1. Bộ trưởng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia có trách nhiệm giải quyết tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và Quy chế này.

2. Chánh Thanh tra Bộ xem xét, kết luận nội dung tố cáo, kiến nghị biện pháp xử lý tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ trưởng khi được giao; xem xét, kết luận nội dung tố cáo mà Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia đã giải quyết nhưng có vi phạm pháp luật; trong trường hợp kết luận việc giải quyết tố cáo có vi phạm pháp luật thì kiến nghị người đã giải quyết xem xét, giải quyết lại.

Chương IV

TIẾP CÔNG DÂN

Điều 13. Việc tiếp công dân của Bộ và các cơ quan, tổ chức thuộc Bộ

1. Bộ tổ chức tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, đưa đơn khiếu nại, tố cáo được tiến hành tại nơi tiếp công dân của Bộ.

2. Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, đưa đơn khiếu nại, tố cáo tại nơi tiếp công dân của cơ quan, tổ chức mình.

3. Chánh Thanh tra Bộ chủ trì phối hợp với Chánh Văn phòng Bộ và Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức thuộc Bộ tổ chức việc tiếp công dân của Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng được uỷ quyền, cử công chức tham gia việc tiếp công dân.

Điều 14. Trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc tiếp công dân

1. Bộ trưởng định kỳ tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh vào ngày thứ năm của tuần đầu tiên trong tháng. Trường hợp không thể trực tiếp tiếp công dân theo lịch do bận công tác, Bộ trưởng uỷ quyền cho một Thứ trưởng tiếp công dân.

2. Ngoài việc tiếp công dân theo định kỳ, Bộ trưởng trực tiếp tiếp công dân khi thấy cần thiết.

Điều 15. Trách nhiệm tiếp công dân của Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia

1. Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Giám đốc Học viên Hành chính Quốc gia định kỳ tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh mỗi tháng một ngày; lịch tiếp công dân phải được thông báo công khai cho công dân biết. 

2. Ngoài việc tiếp công dân theo định kỳ, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Giám đốc Học viên Hành chính Quốc gia trực tiếp tiếp công dân khi thấy cần thiết.

Điều 16. Trách nhiệm của Thanh tra Bộ trong việc tiếp công dân

1. Xây dựng trình Bộ trưởng ban hành, sửa đổi, bổ sung và tổ chức thực hiện nội quy tiếp công dân của Bộ;

2. Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Bộ và các tổ chức thuộc Bộ trong việc tiếp công dân tại cơ quan Bộ vào buổi sáng ngày thứ ba và buổi sáng ngày thứ năm hàng tuần;

3. Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Học viện Hành chính Quốc gia trong việc tiếp công dân;

4. Phân công công chức thường trực tiếp công dân tại nơi tiếp công dân của Bộ. Tiếp nhận chuyển Văn phòng Bộ vào sổ văn thư đơn, thư khiếu nại, tố cáo, đề nghị do công dân, cơ quan, tổ chức trực tiếp đưa tại nơi tiếp công dân của Bộ theo quy định tại Điều 22 của Quy chế này;

5. Thông báo cho Văn phòng Bộ danh sách những người không được tiếp tục đến khiếu nại, tố cáo tại cơ quan Bộ.

Điều 17. Trách nhiệm tiếp công dân của các tổ chức thuộc Bộ

Các tổ chức thuộc Bộ cử đại diện có thẩm quyền phối hợp với Thanh tra Bộ tiếp công dân về những vấn đề có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức mình theo lịch tiếp công dân của Bộ. Trong trường hợp các tổ chức thuộc Bộ không cử đại diện phối hợp tiếp công dân theo yêu cầu của Thanh tra Bộ thì báo cáo Bộ trưởng xem xét, quyết định.  

Điều 18. Trách nhiệm tổ chức tiếp công dân của Văn phòng Bộ

1. Chủ trì, phối hợp với Thanh tra Bộ tổ chức và quản lý nơi tiếp công dân của cơ quan Bộ; bố trí nơi tiếp công dân tại địa điểm thuận tiện; bảo đảm các điều kiện vật chất cần thiết để công dân đến trình bày khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến khiếu nại, tố cáo;

2. Chủ trì phối hợp với Thanh tra Bộ hướng dẫn công dân đến khiếu nại, tố cáo trật tự, đúng pháp luật; không cho phép những người có tên trong danh sách theo thông báo của Thanh tra Bộ đến khiếu nại, tố cáo tại cơ quan Bộ;

3. Yêu cầu cơ quan công an phụ trách địa bàn có biện pháp xử lý đối với những người vi phạm nội quy tiếp dân, gây mất trật tự công cộng ở nơi tiếp dân, vu cáo, xúc phạm uy tín, danh dự của cơ quan nhà nước, người thi hành nhiệm vụ, công vụ.

Điều 19. Trách nhiệm của công chức tiếp dân

1. Yêu cầu công dân đến khiếu nại, tố cáo xuất trình giấy tờ tuỳ thân, trình bày trung thực sự việc, cung cấp tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo; trong trường hợp có nhiều người đến khiếu nại, tố cáo về cùng một nội dung thì yêu cầu họ cử đại diện trực tiếp trình bày nội dung vụ việc;

2. Hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo;

3. Tiếp nhận đơn, thư khiếu nại, tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh liên quan đến khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ; chuyển văn thư của Bộ vào sổ đăng ký theo dõi theo quy định; 

4. Ghi chép, theo dõi việc tiếp công dân;

5. Giữ bí mật, họ tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo khi người tố cáo yêu cầu.

Điều 20. Việc xử lý đơn khiếu nại, tố cáo tại nơi tiếp công dân

1. Đối với đơn khiếu nại thì xử lý theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và Quy chế này; trong trường hợp công dân đến khiếu nại trực tiếp mà vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ thì công chức tiếp công dân hướng dẫn họ viết thành đơn hoặc ghi lại nội dung khiếu nại và yêu cầu công dân ký tên hoặc điểm chỉ; nếu vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức mình thì hướng dẫn công dân đến đúng cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết.

2. Đối với tố cáo thì công chức tiếp công dân phải tiếp nhận, phân loại và xử lý theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và Quy chế này.

Chương V

THẨM QUYỀN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁ NHÂN, CƠ QUAN,

TỔ CHỨC THUỘC BỘ TRONG VIỆC THAM MƯU GIẢI QUYẾT

KHIẾU NẠI, TỐ CÁO, ĐỀ NGHỊ VÀ TIẾP CÔNG DÂN

Điều 21. Trách nhiệm của lãnh đạo Bộ

Đối với những đơn, thư gửi trực tiếp lãnh đạo Bộ có nội dung khiếu nại, tố cáo, đề nghị, sau khi xem xét lãnh đạo Bộ chuyển cho Thanh tra Bộ để xử lý, giải quyết theo quy định tại Quy chế này.

Điều 22. Trách nhiệm của Văn phòng Bộ

Tiếp nhận, vào sổ văn thư và chuyển cho Thanh tra Bộ tất cả đơn, thư khiếu nại, tố cáo, đề nghị do công dân, cơ quan, tổ chức gửi đến Bộ để xử lý, giải quyết theo thẩm quyền.

Điều 23. Thẩm quyền và trách nhiệm của Thanh tra Bộ

1. Làm đầu mối trong việc xử lý đơn khiếu nại, tố cáo và đơn, thư đề nghị do lãnh đạo Bộ và Văn phòng Bộ chuyển đến; Phân loại, vào sổ theo dõi đơn, thư và xử lý như sau:

a. Đối với đơn, thư khiếu nại tố cáo: Xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và quy định tại Điều 24, Điều 25 Quy chế này;

b. Đối với đơn, thư đề nghị: Chuyển cho cơ quan, tổ chức thuộc Bộ những đơn, thư đề nghị liên quan đến lĩnh vực công tác thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức đó để xem xét, giải quyết theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Quy chế này.

2. Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, tổ chức thuộc Bộ trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo, đơn, thư đề nghị và tiếp công dân;

3. Tham khảo ý kiến của các cơ quan, tổ chức thuộc Bộ về những vấn đề liên quan đến chức năng của cơ quan, tổ chức đó để tham mưu cho Bộ trưởng trong việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo phức tạp có liên quan;

4. Theo dõi, tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, đơn, thư đề nghị và tiếp công dân của Bộ.

Điều 24. Thẩm quyền của Chánh Thanh tra Bộ

1. Trình Bộ trưởng quyết định việc thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo;

2. Quyết định thành lập hoặc kiến nghị Bộ trưởng thành lập các Đoàn thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo;

3. Kiến nghị Bộ trưởng tạm đình chỉ việc thi hành quyết định sai trái về giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan, tổ chức thuộc quyền quản lý trực tiếp của Bộ;

4. Kiến nghị Bộ trưởng xem xét trách nhiệm, xử lý người thuộc quyền quản lý của Bộ trưởng có hành vi vi phạm pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân;

5. Phối hợp với người đứng đầu cơ quan, tổ chức thuộc Bộ trong việc xem xét trách nhiệm, xử lý người có hành vi vi phạm thuộc quyền quản lý của cơ quan, tổ chức đó;

6. Kiến nghị Bộ trưởng giải quyết những vấn đề về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, đơn, thư đề nghị và tiếp công dân.

Điều 25. Trách nhiệm của Chánh Thanh tra Bộ

1. Trách nhiệm trong việc tham mưu giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính

a. Xác minh, kết luận và kiến nghị Bộ trưởng giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của cán bộ, công chức, viên chức do Bộ trưởng quản lý trực tiếp được Bộ trưởng giao;

b. Xác minh, kết luận và kiến nghị Bộ trưởng giải quyết khiếu nại mà Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước và Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia đã giải quyết nhưng còn có khiếu nại;

c. Xác minh, kết luận và kiến nghị Bộ trưởng giải quyết khiếu nại về những nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ mà Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh đã giải quyết lần đầu nhưng còn có khiếu nại;

d. Chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan thuộc Bộ tham mưu, đề xuất cho Bộ trưởng về việc yêu cầu Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng có nội dung liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của Bộ nếu phát hiện có tình tiết mới hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức; nếu yêu cầu đó không được thực hiện thì tiến hành xác minh, kết luận và tham mưu cho Bộ trưởng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định;

đ. Chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan thuộc Bộ tham mưu cho Bộ trưởng trong việc giải quyết các khiếu nại có nội dung liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của Bộ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

2. Trách nhiệm trong việc tham mưu giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật

a. Chủ trì, phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ tổ chức xác minh, kết luận và kiến nghị Bộ trưởng giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật do Bộ trưởng ký ban hành;

b. Tổ chức xác minh, kết luận và kiến nghị Bộ trưởng giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật mà Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia đã giải quyết lần đầu nhưng còn có khiếu nại;

c. Tổ chức xác minh, kết luận và kiến nghị Bộ trưởng giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh đã giải quyết lần đầu nhưng còn có khiếu nại.

3. Trách nhiệm trong việc tham mưu giải quyết tố cáo

a. Xem xét, kết luận nội dung tố cáo, kiến nghị biện pháp xử lý tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ trưởng khi được giao; 

b. Xem xét, kết luận nội dung tố cáo mà Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia đã giải quyết nhưng có vi phạm pháp luật; trong trường hợp kết luận việc giải quyết tố cáo có vi phạm pháp luật thì kiến nghị người đã giải quyết xem xét, giải quyết lại.

Điều 26. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức khác thuộc Bộ

1. Tiếp nhận những đơn, thư đề nghị do Thanh tra Bộ chuyển đến để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đã được quy định tại Quyết định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức mình;

2. Phối hợp theo đề nghị của Thanh tra Bộ xác minh, kết luận và kiến nghị việc giải quyết đối với những khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ trưởng; cử đại diện có thẩm quyền tham gia các Đoàn thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo do Thanh tra Bộ chủ trì;

3. Phối hợp với Thanh tra Bộ tham mưu, đề xuất cho Bộ trưởng về việc yêu cầu Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng có nội dung liên quan đến chức năng tham mưu của cơ quan, tổ chức mình; phối hợp với Thanh tra Bộ tham mưu cho Bộ trưởng trong việc giải quyết các khiếu nại có nội dung liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của Bộ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ;

4. Tham gia ý kiến bằng văn bản theo đề nghị của Thanh tra Bộ về những vấn đề liên quan đến chức năng tham mưu của cơ quan, tổ chức mình để Thanh tra Bộ tham mưu cho Bộ trưởng trong việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo có liên quan. Thời hạn trả lời là 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của Thanh tra Bộ;

5. Báo cáo kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, đơn, thư đề nghị và tiếp công dân theo định kỳ hàng quý, 6 tháng, 1 năm về Thanh tra Bộ để tổng hợp báo cáo Bộ trưởng và Tổng Thanh tra.  

Chương VI

QUẢN LÝ CÔNG TÁC GIẢI QUYẾT

KHIẾU NẠI, TỐ CÁO, TIẾP CÔNG DÂN

Điều 27. Thẩm quyền quản lý công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân của Bộ trưởng

1. Ban hành các văn bản pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân của Bộ;

2. Tổ chức tuyên truyền và hướng dẫn thực hiện các quy định về khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân;

3. Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân;

4. Tổng hợp tình hình khiếu nại, tố cáo và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân của ngành tổ chức nhà nước.

Điều 28. Thẩm quyền quản lý công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân của Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước

Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước thực hiện quản lý nhà nước về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân của ngành văn thư và lưu trữ nhà nước theo quy định của pháp luật.

Điều 29. Trách nhiệm của Thanh tra Bộ

1. Thanh tra Bộ giúp Bộ trưởng thống nhất quản lý công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân của Bộ và của các cơ quan, tổ chức thuộc Bộ;

2. Xây dựng, trình Bộ trưởng ban hành, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân của Bộ;

3. Kiến nghị với Bộ trưởng các biện pháp nhằm chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân của Bộ;

3. Giúp Bộ trưởng thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ trưởng. Khi phát hiện có vi phạm pháp luật về khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân thì xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị Bộ trưởng xử lý;

4. Hướng dẫn các cơ quan, tổ chức thuộc Bộ trong việc giải quyết hoặc tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo và tổ chức thi hành quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo;

5. Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra trách nhiệm của Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Học viện Hành chính Quốc gia trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân; trong trường hợp cần thiết, đề nghị Bộ trưởng triệu tập Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia họp để đề xuất biện pháp tổ chức chỉ đạo, xử lý đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp;

6. Theo dõi, tổng hợp và định kỳ báo cáo Bộ trưởng về tình hình khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân của các cơ quan, tổ chức thuộc Bộ; thực hiện chế độ báo cáo Tổng Thanh tra theo quy định.

Chương VII

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 30. Khen thưởng và xử lý vi phạm

1. Các cơ quan, tổ chức và cán bộ, công chức, viên chức thuộc Bộ có thành tích trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

2. Các cơ quan, tổ chức và cán bộ, công chức, viên chức của Bộ có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân mà xâm phạm, cản trở đến quyền, lợi ích hợp pháp về khiếu nại, tố cáo của công dân thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 31. Điều khoản thi hành

1. Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia căn cứ vào các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo, và tiếp công dân và Quy chế này quy định việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân của cơ quan, tổ chức mình.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc hoặc kiến nghị cần sửa đổi, bổ sung Quy chế này đề nghị các cơ quan, tổ chức thuộc Bộ phản ánh về Thanh tra Bộ để tổng hợp báo cáo Bộ trưởng xem xét, quyết định./.

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.