• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 02/12/1998
  • Ngày hết hiệu lực: 31/10/2006
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 07/2000/TT-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 18 tháng 1 năm 2000

THÔNG TƯ

Hướng dẫn việc cấp, quản lý, hạch toán, quyết toán

 kinh phí thôi việc và nộp ngân sách tiền bồi thường chi phí

đào tạo, bồi dưỡng của cán bộ, công chức

_________________

 

Thi hành Nghị định số 96/1998/ CP- NĐ ngày 17/11/1998 của Chính phủ về chế độ thôi việc đối với cán bộ, công chức; tiếp theo Thông tư số 28/1999/TT-BTCCBCP ngày 31/7/1999 của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Bộ Tài chính hướng dẫn việc cấp, quản lý, hạch toán, quyết toán kinh phí thôi việc và nộp ngân sách tiền bồi thường chi phí đào tạo, bồi dưỡng của cán bộ, công chức như sau:

I. THỦ TỤC CẤP KINH PHÍ TRỢ CẤP THÔI VIỆC

1. Thủ tục cấp kinh phí trợ cấp cho các đối tượng thôi việc do sắp xếp lại tổ chức, giảm biên chế

a. Sau khi được Ban Tổ chức Cán bộ - Chính phủ thẩm định và xác nhận phương án sắp xếp tổ chức, giảm biên chế, các Bộ, ngành, (sau đây gọi chung là Bộ), hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ( sau đây gọi chung là tỉnh) thực hiện việc kiểm tra, đối chiếu, điều chỉnh dự toán chi đã lập theo các mẫu số 2 và số 3 ( qui định tại Thông tư số 28/ 1999/ TT - BTCCBCP) phù hợp với kết quả xét duyệt và gửi cơ quan tài chính đồng cấp để xem xét cấp kinh phí. Kinh phí chi trả trợ cấp thôi việc cho cán bộ, công chức hưởng lương thuộc cấp nào quản lý sẽ do ngân sách cấp đó chi trả.

b. Căn cứ phương án sắp xếp tổ chức, giảm biên chế do Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ thẩm định, xác nhận, cơ quan tài chính thực hiện việc kiểm tra, đối chiếu bảo đảm sự khớp đúng giữa dự toán với kết quả xét duyệt để cấp kinh phí cho các cơ quan, tổ chức trong danh sách được duyệt, cụ thể như sau:

- Đối với các cơ quan, tổ chức do Trung ương quản lý, Bộ Tài chính cấp trực tiếp cho các Bộ bằng Lệnh chi tiền (Chương Trung ương tương ứng, loại 15, khoản 21, mục 140, tiểu mục 06).

- Đối với các cơ quan, tổ chức do tỉnh quản lý, Sở Tài chính cấp trực tiếp cho các cơ quan bằng Lệnh chi tiền hoặc cấp về phòng tài chính huyện để cấp cho các cơ quan, tổ chức do huyện quản lý (Chương địa phương tương ứng, loại 15, khoản 21, mục 140, tiểu mục 06).

c. Các Bộ, tỉnh sau khi nhận được kinh phí từ cơ quan tài chính thực hiện ngay việc chi trả hoặc chuyển kinh phí đến các cơ quan, tổ chức hành chính sự nghiệp cơ sở trong danh sách được duyệt để chi trả cho các đối tượng. Việc chi trả đến các đối tượng thực hiện theo chế độ quản lý tài chính hiện hành.

d. Các Bộ, tỉnh phải quản lý chặt chẽ khoản kinh phí được cấp, sử dụng đúng mục đích giải quyết sắp xếp biên chế, theo đúng chế độ quy định và kết quả được duyệt. Các trường hợp sử dụng không đúng mục đích, sai chế độ đều phải xuất toán và thu hồi về ngân sách Nhà nước.

Sau khi kết thúc đợt chi trả, đơn vị hành chính sự nghiệp cơ sở phải thực hiện việc quyết toán kinh phí trợ cấp thôi việc tương ứng với số đối tượng đã được giải quyết thôi việc gửi về cơ quan cấp kinh phí để tổng hợp quyết toán với cơ quan tài chính theo qui định về phân cấp. Kinh phí không sử dụng hết phải được thu hồi hoàn trả Ngân sách Nhà nước.

2. Kinh phí chi trợ cấp tìm việc do sắp xếp tổ chức, giảm biên chế và kinh phí chi trợ cấp thôi việc cho các đối tượng xin thôi việc theo nguyện vọng

Kinh phí chi trợ cấp tìm việc cho đối tượng thôi việc do sắp xếp tổ chức, giảm biên chế và kinh phí chi trợ cấp thôi việc cho các đối tượng có nguyện vọng xin thôi việc được cấp có thẩm quyền chấp thuận, đơn vị được sử dụng kinh phí hành chính sự nghiệp hàng năm để chi trả theo đúng chế độ qui định. Cơ quan, tổ chức hành chính sự nghiệp thực hiện quyết toán khoản chi này khi quyết toán kinh phí hành chính sự nghiệp hàng năm với cơ quan tài chính theo qui định về phân cấp.

II. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC NỘP NGÂN SÁCH TIỀN BỒI THƯỜNG CHI PHÍ ĐÀO TẠO BỒI DƯỠNG CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC

a. Trong thời hạn 3 tháng kể từ khi có quyết định bồi thường chi phí đào tạo, bồi dưỡng của cấp có thẩm quyền, cán bộ, công chức phải hoàn thành việc nộp đủ số tiền phải bồi thường theo đúng quyết định xử lý cho kế toán, thủ quỹ của cơ quan, tổ chức để nộp ngân sách Nhà nước.

b. Kế toán cơ quan, tổ chức khi nhận tiền bồi thường chi phí đào tạo, bồi dưỡng do cán bộ, công chức nộp phải lập các chứng từ thu tiền theo chế độ hiện hành và lập bảng kê nộp vào Kho bạc Nhà nước.

c. Tiền bồi thường chi phí đào tạo, bồi dưỡng của cán bộ, công chức do cấp nào quản lý nộp ngân sách cấp đó và hạch toán như sau:

- Nếu đơn vị nộp tiền bồi thường chi phí đào tạo, bồi dưỡng cho những năm trước: nộp theo chương, loại, khoản tương ứng mà cơ quan, tổ chức đã chi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; Mục 062 "Thu khác", tiểu mục 02 "Thu hồi các khoản chi năm trước"

- Nếu đơn vị nộp tiền bồi thường chi phí đào tạo, bồi dưỡng trong năm: nộp giảm cấp phát theo chương, loại, khoản, mục đã chi.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành thống nhất với thời điểm hiệu lực của Nghị định số 96/1998/CP-NĐ ngày 17 tháng 11 năm 1998 của Chính phủ

2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm tổ chức, thực hiện Thông tư này;

3. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ảnh về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Trần Văn Tá

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.