• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 15/01/2008
BỘ CÔNG THƯƠNG
Số: 19/2007/QĐ-BCT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Toàn quốc, ngày 31 tháng 12 năm 2007

QUYẾT ĐỊNH

Phê duyệt qui hoạch phát triển một số kết cấu hạ tầng thương mại chủ yếu

 Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2010 và định hướng đến 2020

______________________________

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Nghị quyết số 01/2007/QH12 ngày 31 tháng 7 năm 2007 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XII, kỳ họp thứ nhất về cơ cấu tổ chức của Chính phủ và số Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ khoá XII;  

Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 3 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ; 

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 7 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội;

Căn cứ Quyết định số 27/2007/QĐ-TTg ngày 15 tháng 2 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án” Phát triển thương mại trong nước đến năm 2010, định hướng đến 2020;

Được uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ trưởng Bộ Công Thương thẩm định, phê duyệt các dự án qui hoạch phát triển kết cấu hạ tầng thương mại tại công văn số 6428/VPCP-KTTH ngày 7 tháng 11 năm 2007 của Văn phòng Chính phủ;

Xét Tờ trình số 345/VNCTM-TTr ngày 3 tháng 12 năm 2007 của Viện Nghiên cứu Thương mại về việc phê duyệt dự án “Quy hoạch phát triển một số kết cấu hạ tầng thương mại chủ yếu Vùng kinh tế trọng Bắc Bộ đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Phê duyệt “Qui hoạch phát triển một số kết cấu hạ tầng thương mại chủ yếu Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2010 và định hướng đến 2020” với các nội dung chủ yếu sau:

1.Quan điểm phát triển

- Phát triển các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (sau đây gọi là Vùng) phù hợp với sự phát triển kinh tế- xã hội của cả Vùng nói chung, của từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là tỉnh) trong Vùng nói riêng, thời kỳ đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

- Phát triển hài hoà, phân bố hợp lý các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; tăng dần tỷ trọng các loại hình kết cấu thương mại hiện đại, từng bước câng cao trình độ văn minh thương mại các loại hình kết cấu thương mại truyền thống.

- Tập trung phát triển các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại với qui mô vừa và được phân bố trải rộng theo các địa phương trong Vùng. Đối với loại hình kết cấu hạ tầng thương mại có qui mô lớn, trước hết phát triển tại các thành phố lớn để tạo “điểm nhấn” nhằm thúc đẩy liên kết Vùng, cả nước và quốc tế. 

- Nhà nước chú trọng tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại theo hướng từng bước hoàn thiện chính sách phát triển và quản lý phù hợp với cơ chế thị trường và những cam kết quốc tế của Việt Nam nhằm khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn lực của các tỉnh trong Vùng, của cả nước và nguồn lực từ nước ngoài theo quy định của pháp luật; đồng thời có chính sách khuyến khích, hỗ trợ và ưu đãi đầu tư  đối với một số loại hình kết cấu hạ tầng thương mại trọng yếu.

2. Mục tiêu phát triển

- Phát triển các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại tương xứng và phù hợp với sự gia tăng nhu cầu và tính đa dạng của các hoạt động thương mại của toàn Vùng nói chung và từng địa phương trong Vùng nói riêng.

- Giai đoạn 2011- 2015, tập trung phát triển các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại qui mô lớn và các trung tâm hội chợ triển lãm, kho bãi và các kho cảng xăng dầu tại các địa bàn trọng yếu trong Vùng, trước hết là thành phố Hà Nội, thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh; đồng thời chú trọng nâng cấp, cải tạo nhằm nâng cao hiệu quả hoạt cộng của các công trình thuộc kết cấu hạ tầng thương mại hiện có tại các tỉnh trong Vùng.

- Giai đoạn 2016- 2020, tập trung phát triển các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại trong Vùng theo hướng hiện đại, trong đó, có một số công trình có qui mô ngang tầm với các nước trong khu vực và quốc tế.

3. Qui hoạch phát triển một số kết cấu hạ tầng thương mại chủ yếu

3.1 Qui hoạch phát triển chợ loại I và chợ đầu mối

3.1.1 Mục tiêu phát triển 

- Phát triển các chợ loại I và chợ đầu mối trong Vùng theo hướng hoàn thiện công nghệ tổ chức lưu thông hàng hoá và cung cấp dịch vụ tại các chợ, nâng cao trình độ phục vụ và văn minh thương nghiệp.

- Đảm bảo duy trì tốc độ tăng doanh thu bán hàng hoá và dịch vụ qua chợ đạt bình quân từ 16-18%/năm trong giai đoạn 2006- 2010, từ 14- 16%/năm trong giai đoạn 2011- 2015 và từ 12- 14%/năm trong giai đoạn 2016 -2020.

- Đảm bảo giải quyết việc làm cho một bộ phận lao động tại các khu đô thị trong Vùng  đang trong quá trình đô thị hoá nhanh.

3.1.2 Nguyên tắc phân bố qui hoạch

a. Nguyên tắc phân bố qui hoạch chợ loại I

- Mật độ dân số bình quân của khu vực phục vụ chợ loại I phải đạt tối thiểu 600 người/km2. Khu vực phục vụ của chợ loại 1 có diện tích khoảng 40 km2

- Trong khu vực qui hoạch chợ loại I, tổng sản phẩm trong nước tính bình quân đầu người/năm ở mức từ 500 đến dưới 1000 USD hay từ 8 triệu đến dưới 16 triệu đồng.

- Có vị trí và các điều kiện cơ sở hạ tầng tương đối phát triển đảm bảo thuận tiện cho việc mua sắm thường xuyên của dân cư.

b.Nguyên tắc phân bố qui hoạch chợ đầu mối

- Sản xuất nông nghiệp hàng hóa đã bước sang giai đoạn phát triển nhanh về qui mô, nhu cầu phân công lao động theo các khâu trong quá trình lưu thông các sản phẩm nông nghiệp từ sản xuất đến tiêu dùng đã hình thành rõ nét.

- Quá trình đô thị hoá trong vùng phát triển nhanh cả về qui mô và trình độ đòi hỏi phải có những cơ sở đảm bảo sẵn sàng cung cấp hàng hoá, nhất là các sản phẩm nông nghiệp cho mạng lưới các cơ sở bán lẻ ngày càng chuyên nghiệp, văn minh và hiện đại trong khu đô thị.

- Các thương nhân có khả năng và sẵn sàng tham gia cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho quá trình lưu thông hàng hoá từ sản xuất đến tiêu dùng. Trình độ tổ chức lao động của các thương nhân đảm bảo khả năng mở rộng qui mô hoạt động và đa dạng hoá lĩnh vực hoạt động.

- Các điều kiện về cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông tương đối phát triển, cước phí vận chuyển hợp lý đảm bảo thuận lợi cho quá trình phát triển giao lưu hàng hoá, dịch vụ.

- Khoảng cách giữa các chợ đầu mối cùng loại (thu hút, phát luồng các sản phẩm tương tự nhau): từ 30- 50 km.

3.1.3 Phương án qui hoạch 

a. Quy hoạch chợ loại I:

- Tại thành phố Hà Nội: Nâng cấp chợ Đồng Xuân, Quận Hoàn Kiếm với kinh phí đầu tư là 33,66 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2007- 2010 là 13,66 tỷ đồng, giai đoạn 2011- 2015 là 10,0 tỷ đồng và giai đoạn 2016- 2020 là 10,0 tỷ đồng.

- Tại tỉnh Vĩnh Phúc:  Xây mới các chợ Vĩnh Yên, chợ Đồng Tâm (thành phố Vĩnh Yên), chợ Phúc Yên (thị xã Phúc Yên),  chợ Lập Thạch (thị trấn Lập Thạch), chợ Giang (huyện Vĩnh Tường) với tổng kinh phí đầu tư là 73,0 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2007- 2010 là 45,2 tỷ đồng, giai đoạn 2011- 2015 là 21,8 tỷ đồng và giai đoạn 2016- 2020 là 6,0 tỷ đồng.

- Tại tỉnh Bắc Ninh:

+ Xây mới các chợ: Chợ thị trấn Phố Mới, chợ thị trấn Lim, chợ thị trấn Thuận Thành, chợ thị trấn Yên Phong, chợ thị trấn Gia Bình với kinh phí đầu tư là 151,0 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2007- 2010 là  54,0 tỷ đồng, giai đoạn 2011- 2015 là 75,0 tỷ đồng và giai đoạn 2016- 2020 là 22,0 tỷ đồng.

+ Nâng cấp, mở rộng chợ thị trấn Lương Tài, chợ Giàu (huyện Từ Sơn), chợ Nhớn (thành phố Bắc Ninh) với kinh phí đầu tư là 61,0 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2007- 2010 là 33,0 tỷ đồng, giai đoạn 2011- 2015 là 21,0 tỷ đồng và giai đoạn 2016- 2020 là 7,0 tỷ đồng.

- Tại tỉnh Hà Tây:

+ Xây mới các chợ: Chợ Hà Đông (thành phố Hà Đông), chợ Nghệ (thị xã Sơn Tây), chợ Xuân Mai (huyện Chương Mỹ), chợ Kim Bài (huyện Thanh Oai) với kinh phí đầu tư là 104,4 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2007- 2010 là 62,0 tỷ đồng, giai đoạn 2011- 2015 là 32,0 tỷ đồng và giai đoạn 2016- 2020 là 10,4 tỷ đồng.

+ Nâng cấp, mở rộng các chợ:  Chợ Phủ (huyện Quốc Oai), chợ Tế Tiêu (huyện Mỹ Đức), chợ Trôi Giang (huyện Hoài Đức), chợ Vồi (huyện Thường Tín), chợ Quảng Oai (huyện Ba Vì), chợ Phúc Thọ (huyện Phúc Thọ), chợ Săn (huyện Thạch Thất), chợ Phùng (huyện Đan Phượng), chợ Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) với kinh phí đầu tư là 110,4 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2007- 2010 là 39,4 tỷ đồng và giai đoạn 2011- 2015 là 71,0 tỷ đồng.

+ Giữ nguyên các chợ: Chợ Lịm- huyện Phú Xuyên (diện tích 5.460 m2), chợ Khang-huyện Phú Xuyên (diện tích 4.674 m2).

- Tại tỉnh Hưng Yên:

+ Xây mới các chợ: Chợ  Phố Hiến (thị xã Hưng Yên), chợ thị trấn Mỹ Hào (huyện Mỹ Hào), chợ thị trấn Văn Giang (huyện Văn Giang), chợ Giai Phạm ( huyện Yên Mỹ) với kinh phí đầu tư là 82,0 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2007- 2010 là 62,0 tỷ đồng và giai đoạn 2011- 2015 là 20,0 tỷ đồng. 

+ Giữ nguyên các chợ: Chợ Bình Phú- huyện Yên Mỹ (diện tích 5.000 m2), chợ Cống Tráng- huyệnYên Mỹ (diện tích 4.000 m2), chợ Nôm- huyện Văn Lâm (diện tích 4.500 m2).

- Tại tỉnh Hải Dương:

+ Xây mới chợ Kẻ Sặt (huyện Bình Giang) và chợ Sao Đỏ (huyện Chí Linh) với kinh phí đầu tư là 48,3 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2007- 2010 là 29,3 tỷ đồng, giai đoạn 2011- 2015 là 13,0 tỷ đồng và giai đoạn 2016- 2020 là 6,0 tỷ đồng.

+ Nâng cấp, mở rộng chợ thành phố Hải Dương với kinh phí đầu tư là 12,18 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2007- 2010 là 8,0 tỷ đồng và giai đoạn 2011- 2015 là 4,18 tỷ đồng.

- Tại thành phố Hải Phòng:

+ Xây mới các chợ: Chợ Trần Quang Khải, chợ Quán Toan, chợ Cát Bi với kinh phí đầu tư là 76,0 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2007- 2010 là 30,0 tỷ đồng và giai đoạn 2011- 2015 là 46,0 tỷ đồng.

+ Giữ nguyên các chợ: Chợ Tam Bạc (diện tích 3.486 m2), chợ An Dương (diện tích 6.038 m2), chợ Núi Đèo (diện tích 6.000 m2).

- Tại tỉnh Quảng Ninh:

+ Xây mới các chợ: Chợ Cửa ông, chợ Mạo Khê, chợ thị trấn Hải Hà (huyện Hải Hà) với kinh phí đầu tư là 90,8 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2007- 2010 là 34,4 tỷ đồng, giai đoạn 2011-2015 là 49, 4 tỷ đồng và giai đoạn 2016-2020 là 7, 0 tỷ đồng.

+ Nâng cấp, mở rộng 02 chợ cửa khẩu: Chợ cửa khẩu 1 và chợ cửa khẩu 2 tại thị xã Móng Cái với kinh phí là 24,0 tỷ đồng.

+ Giữ nguyên các chợ: Chợ Hạ Long I (diện tích 32.000 m2), chợ Hạ Long II (diện tích 8.700 m2), chợ thị trấn Cẩm Phả (diện tích 9.400 m2), chợ thị xã Uông Bí (diện tích 5.000 m2) và chợ Trung tâm thị xã Móng Cái (diện tích 7.800 m2).

b. Quy hoạch chợ đầu mối:

- Tại thành phố Hà Nội:

+ Xây mới chợ đầu mối nông sản tổng hợp phía Đông, huyện Gia Lâm, diện tích đất xây dựng là 72,0 ha, kinh phí đầu tư là 720,0 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2007- 2010 là  240,0 tỷ đồng và giai đoạn 2011- 2015 là 480,0 tỷ đồng.

+ Xây mới chợ đầu mối nông sản tổng hợp phía Tây, huyện Thanh Trì, diện tích đất xây dựng là 72,0 ha, kinh phí đầu tư là 720,0 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2007- 2010 là  240,0 tỷ đồng và giai đoạn 2011- 2015 là 480,0 tỷ đồng.

+ Xây mới chợ đầu mối rau quả xã Minh Khai, huyện Từ Liêm, diện tích đất xây dựng là 3,0 ha, kinh phí đầu tư là 30,0 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2007- 2010 là  10,0 tỷ đồng và giai đoạn 2011- 2015 là 20,0 tỷ đồng.

- Tại tỉnh Vĩnh Phúc:

+ Xây mới chợ đầu mối rau quả huyện Mê Linh, diện tích đất xây dựng là 1,5 ha, kinh phí đầu tư là 15,0 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2007- 2010 là  10,0 tỷ đồng và giai đoạn 2011- 2015 là 5,0 tỷ đồng.

+ Nâng cấp, mở rộng chợ đầu mối nông sản tổng hợp Thổ Tang, diện tích đất xây dựng là 3,0 ha, kinh phí đầu tư giai đoạn 2007- 2010 là 30,0 tỷ đồng.

- Tại tỉnh Bắc Ninh:

Xây mới chợ đầu mối nông sản tổng hợp thành phố Bắc Ninh, diện tích đất xây dựng là 3,0 ha, kinh phí đầu tư là 30,0 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2007- 2010 là  10,0 tỷ đồng và giai đoạn 2011- 2015 là 20,0 tỷ đồng.

- Tại tỉnh Hà Tây:

+ Nâng cấp, mở rộng chợ đầu mối nông sản tổng hợp Vân Đình- huyện Ứng Hoà, diện tích đất xây dựng là 3,0 ha, kinh phí giai đoạn 2007- 2010 là 30,0 tỷ đồng.

+ Nâng cấp, mở rộng chợ đầu mối nông sản tổng hợp Hoà Lạc- huyện Thạch Thất, diện tích đất là 3,0 ha, kinh phí giai đoạn 2007- 2010 là  30,0 tỷ đồng.

- Tại tỉnh Hưng Yên:

+ Xây mới chợ đầu mối nông sản tổng hợp Trần Cao, huyện Phù Cừ, diện tích đất xây dựng là 3,0 ha, kinh phí đầu tư là 30,0 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2007- 2010 là  10,0 tỷ đồng và giai đoạn 2011- 2015 là 20,0 tỷ đồng.

+ Xây mới chợ đầu mối nông sản tổng hợp huyện Văn Giang, diện tích đất xây dựng là 3,0 ha, kinh phí đầu tư là 30,0 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2007- 2010 là  10,0 tỷ đồng và giai đoạn 2011- 2015 là 20,0 tỷ đồng.

+ Xây mới chợ đầu mối lúa gạo huyện Yên Mỹ, diện tích đất xây dựng là 3,0 ha, kinh phí đầu tư là 30,0 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2007- 2010 là  10,0 tỷ đồng và giai đoạn 2011- 2015 là 20,0 tỷ đồng.

+ Nâng cấp, mở rộng chợ đầu mối rau quả Đông Tảo, huyện Khoái Châu, diện tích đất xây dựng là 1,5 ha, kinh phí đầu tư giai đoạn 2007- 2010 là 15,0 tỷ đồng.

- Tại tỉnh Hải Dương:

+ Nâng cấp, mở rộng chợ đầu mối rau quả Gia Xuyên, huyện Gia Lộc, diện tích đất xây dựng là 3,0 ha, kinh phí đầu tư  giai đoạn 2007- 2010 là  30,0 tỷ đồng.

+ Nâng cấp, mở rộng chợ đầu mối rau quả Đồng Gia, huyện Kim Thành, diện tích đất xây dựng là 3,0 ha, kinh phí đầu tư  giai đoạn 2007- 2010 là 30,0 tỷ đồng.

+ Nâng cấp, mở rộng chợ đầu mối nông sản tổng hợp Nam Đồng, huyện Nam Sách, diện tích đất xây dựng là 3,0 ha, kinh phí đầu tư giai đoạn 2007- 2010 là 30,0 tỷ đồng.

- Tại thành phố Hải Phòng:

+ Xây mới chợ đầu mối rau quả quận Hồng Bàng, diện tích đất xây dựng là 1,5 ha, kinh phí đầu tư là 15,0 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2007- 2010 là 5,0 tỷ đồng và giai đoạn 2011- 2015 là 10,0 tỷ đồng.

+ Xây mới chợ đầu mối nông sản tổng hợp huyện Kiến Thụy, diện tích đất xây dựng là 3,0 ha, kinh phí đầu tư là 30,0 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2007- 2010 là  10,0 tỷ đồng và giai đoạn 2011- 2015 là 20,0 tỷ đồng.

+ Xây mới chợ đầu mối thuỷ sản thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải, diện tích đất xây dựng là 1,5 ha, kinh phí đầu tư là 15,0 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2007- 2010 là 5,0 tỷ đồng và giai đoạn 2011- 2015 là 10,0 tỷ đồng.

- Tại tỉnh Quảng Ninh:

   + Xây mới chợ đầu mối thuỷ sản tại cảng cá Cửa ông, thị xã Cẩm Phả, diện tích đất xây dựng là 1,5 ha, kinh phí đầu tư giai đoạn 2007- 2010 là 15,0 tỷ đồng.

 + Xây mới chợ đầu mối thuỷ sản Đại Yên- thành phố Hạ Long, diện tích đất xây dựng là 1,5 ha, kinh phí đầu tư giai đoạn 2016- 2020 là 15,0 tỷ đồng.

+ Xây mới chợ đầu mối rau quả Hưng Đạo- huyện Đông Triều, diện tích đất xây dựng là 1,5 ha, kinh phí đầu tư giai đoạn 2011- 2015 là 15,0 tỷ đồng.

3.2 Qui hoạch phát triển siêu thị và trung tâm thương mại

3.2.1 Mục tiêu phát triển 

- Nâng tỷ trọng doanh thu bán lẻ và dịch vụ của các siêu thị, trung tâm thương mại trong tổng mức lưu chuyển hàng hoá và doanh thu dịch vụ của Vùng từ mức dưới 5% vào 2005 lên 10% vào 2010, 20% vào 2015 và 30% vào 2020.

- Trong giai đoạn 2007- 2015 sẽ tập trung phát triển các siêu thị hạng  II và III tại các khu đô thị, các khu công nghiệp đang được đầu tư phát triển theo qui hoạch phát triển kinh tế- xã hội. Trong giai đoạn 2016- 2020 sẽ phát triển các đại siêu thị và trung tâm thương mại tại các vùng đô thị lớn.

3.2.2 Nguyên tắc phân bố qui hoạch 

- Trong khu vực qui hoạch siêu thị, tổng sản phẩm trong nước tính bình quân đầu người/năm phải đạt trên 1.000 USD hay trên 16 triệu đồng. Đối với khu vực qui hoạch phát triển đại siêu thị, tổng sản phẩm trong nước bình quân đầu người/năm cần phải đạt mức trên 2.000 USD hay trên 32 triệu đồng.

- Mật độ và qui mô của các siêu thị, trung tâm thương mại được xác định phù hợp với qui mô đô thị. Các đại siêu thị, trung tâm thương mại lớn chủ yếu được qui hoạch tại các đô thị loại 2 trở lên.

- Việc xác định vị trí xây dựng các siêu thị, trung tâm thương mại lớn cần phải tính đến những ảnh hưởng của nó đối với trật tự, môi trường đô thị và khu vực tập trung thương nghiệp truyền thống.

3.2.3 Phương án qui hoạch 

            - Tại thành phố Hà Nội:

+ Xây dựng trung tâm thương mại quốc tế tại khu đô thị Tây Hồ Tây, diện tích khoảng 100.000 m2, kinh phí là 520,0 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2007-2010 là 150,0 tỷ đồng, giai đoạn 2011- 2015 là 300,0 tỷ đồng và giai đoạn 2016-2020 là 70,0 tỷ đồng.

+ Xây dựng 10 trung tâm thương mại trên cơ sở các chợ hiện có, như sau:

Trung tâm thương mại Cửa Nam: diện tích 1.299 m2, kinh phí giai đoạn 2007- 2010 là 80,0 tỷ đồng.

Trung tâm thương mại 19/12: diện tích 3.080 m2, kinh phí giai đoạn 2007- 2010 là 200,0 tỷ đồng.

Trung tâm thương mại Hàng Da: diện tích 3.367 m2, kinh phí giai đoạn 2007- 2010 là 91,0 tỷ đồng.          

Trung tâm thương mại Ngã Tư Sở: diện tích 8.000 m2, kinh phí giai đoạn 2007- 2010 là 86,0 tỷ đồng.       

Trung tâm thương mại Mơ: diện tích 14.715 m2, kinh phí giai đoạn 2007- 2010 là 1.055,0 tỷ đồng.

Trung tâm thương mại Hôm- Đức Viên: diện tích 11.211 m2, kinh phí giai đoạn 2007- 2010 là 80,0 tỷ đồng.

Trung tâm thương mại Gia Thuỵ: diện tích 49.900 m2, kinh phí giai đoạn 2007- 2010 là 250,0 tỷ đồng.

Trung tâm thương mại Việt Hưng: diện tích 5.091 m2, kinh phí giai đoạn 2007- 2010 là 30,0 tỷ đồng.

Trung tâm thương mại Xuân La: diện tích 7.000 m2, kinh phí là 50,0 tỷ đồng.

Trung tâm thương mại Đuôi Cá: diện tích 9.390 m2, kinh phí là 65,0 tỷ đồng.

+ Xây dựng 30 siêu thị tại các khu đô thị mới và khu vực tập trung mua sắm hàng hoá với tổng kinh phí là 450,0 tỷ đồng.

- Tại tỉnh Vĩnh Phúc:      

+ Xây dựng trung tâm thương mại tại thành phố Vĩnh Yên có diện tích 15.000 m2, kinh phí là 75,0 tỷ đồng.

+ Xây dựng 10 siêu thị tại thành phố Vĩnh Yên, thị xã Phúc Yên và các thị trấn huyện lỵ trong tỉnh.

- Tại tỉnh Bắc Ninh:

+ Xây dựng Trung tâm lưu chuyển hàng hoá quốc tế tại Bắc Ninh với quy mô diện tích 300 ha và kinh phí đầu tư xây dựng dự kiến là 700,0 tỷ đồng.  

+ Xây dựng 02 siêu thị tại thành phố Bắc Ninh và sau năm 2010 sẽ xây dựng 7 siêu thị tại các thị trấn huyện lỵ trong tỉnh với tổng kinh phí là 100,0 tỷ đồng.

- Tại tỉnh Hà Tây:

+ Xây dựng trung tâm thương mại tại thành phố Hà Đông có diện tích 15.000m2, kinh phí là 75,0 tỷ đồng.

+ Xây dựng 14 siêu thị tại thành phố Hà Đông, thị xã Sơn Tây và các thị trấn huyện lỵ trong tỉnh với tổng kinh phí là 165,0 tỷ đồng.

- Tại tỉnh Hưng Yên:

+ Xây dựng trung tâm thương mại tại thị xã Hưng Yên có diện tích 10.000 m2, kinh phí là 50,0 tỷ đồng.

+ Xây dựng 10 siêu thị tại thị xã Hưng Yên và các thị trấn huyện lỵ trong tỉnh với tổng kinh phí là 125,0 tỷ đồng.

- Tại tỉnh Hải Dương:

+ Xây dựng trung tâm thương mại tại thành phố Hải Dương có diện tích 15.000 m2, kinh phí là 75,0 tỷ đồng.

+ Xây dựng 13 siêu thị tại thành phố Hải Dương và các thị trấn huyện lỵ trong tỉnh với tổng kinh phí là 150,0 tỷ đồng.

- Tại thành phố Hải Phòng:

+ Xây dựng 2 trung tâm thương mại tại đường Hoàng Văn Thụ và Nguyễn Tri Phương, diện tích mỗi trung tâm từ 15.000- 20.000 m2, kinh phí từ 75,0- 100,0 tỷ đồng.

+ Xây dựng 10 siêu thị tại nội thành, thị xã Đồ Sơn và tại trung tâm các huyện ngoại thành với tổng kinh phí là 150,0 tỷ đồng.

- Tại tỉnh Quảng Ninh:

+ Xây dựng trung tâm thương mại tại thành phố Hạ Long có diện tích 15.000 m2, kinh phí là 75,0 tỷ đồng.

            + Xây dựng 15 siêu thị tại thành phố Hạ Long, thị xã Móng Cái, thị xã Uông Bí, thị xã Cẩm Phả và tại một số huyện lỵ, tổng kinh phí là 200,0 tỷ đồng.

3.3 Qui hoạch phát triển trung tâm hội chợ triển lãm

3.3.1 Mục tiêu phát triển 

- Tăng qui mô hội chợ đạt mức trung bình 500 doanh nghiệp/hội chợ vào 2010 và 1000 doanh nghiệp/hội chợ vào giai đoạn 2011- 2020.

- Nâng tỷ lệ các doanh nghiệp nước ngoài tham gia hội chợ lên 20- 25% vào năm 2010 và khoảng 30- 35% vào 2011-2015 vào giai đoạn tiếp theo để đến giai đoạn 2016- 2020 vùng này sẽ trở thành một trong những đầu mối giao lưu kinh tế, thương mại lớn của cả nước và ở tầm khu vực, thế giới.

3.3.2 Nguyên tắc phân bố qui hoạch

- Khu vực đã có sự phát triển nhanh của doanh nghiệp cả về số lượng và qui mô doanh nghiệp.

- Thị trường khu vực đang phát triển nhanh và có sức hấp dẫn các doanh nghiệp cả ở trong và ngoài vùng, cả về phương diện cung ứng và tiêu thụ hàng hoá.

- Có vị trí địa kinh tế hay khả năng phát triển các mối quan hệ giao lưu kinh tế, thương mại giữa các vùng, khu vực.

- Việc xác định vị trí xây dựng trung tâm hội chợ triển lãm cần tính đến những ảnh hưởng của nó đối với an ninh trật tự, văn hóa địa phương và bảo vệ môi trường.

3.3.3 Phương án qui hoạch 

- Tại thành phố Hà Nội: Xây dựng trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế tại huyện Đông Anh với quy mô diện tích đất là 50,0 ha và kinh phí dự kiến là 400,0 tỷ đồng.

- Tại tỉnh Bắc Ninh: Xây dựng khu  hội chợ triển lãm trong Trung tâm lưu chuyển hàng hoá quốc tế tại thành phố Bắc Ninh.

Ngoài ra, tuỳ theo tình hình phát triển kinh tế và thương mại cụ thể của các địa phương trong thời kỳ quy hoạch, có thể xây dựng thêm một số trung tâm hội chợ triển lãm tại các tỉnh Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Tây, Quảng Ninh.

3.4 Qui hoạch phát triển hệ thống kho bãi

3.4.1 Mục tiêu phát triển 

- Phát triển các cơ sở kinh doanh dịch vụ kho vận và giao nhận hàng hoá  thực hiện cung cấp đồng bộ các dịch vụ hậu cần theo mô hình hoạt động của trung tâm logistic.

- Phấn  đấu đến sau năm 2015 tất cả các địa phương trong Vùng đều có cơ sở cung cấp đồng bộ các dịch vụ hậu cần, trong đó Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh là các địa phương có vai trò trung tâm Vùng và khu vực.

3.4.2 Nguyên tắc phân bố qui hoạch

- Qui mô và phạm vi của thị trường hàng hoá, bao gồm cả thị trường nguyên liệu đầu vào cho sản xuất và thị trường hàng tiêu dùng khá phát triển.

- Phân công lao động trong quá trình lưu thông hàng hoá cả trên thị trường nội địa và cho hoạt động xuất nhập khẩu đã phát triển ở trình độ khá cao.

- Khu vực có các điều kiện về giao thông và mức độ hội tụ hay tập trung của các khu vực thị trường tiêu thụ.

3.4.3 Phương án qui hoạch 

            - Tại thành phố Hà Nội: Đầu tư nâng cấp hệ thống kho tại khu vực Đức Giang và Đông Anh; Xây dựng mới hệ thống kho thông thường và kho chuyên dùng tại huyện Thanh Trì.

            - Tại tỉnh Vĩnh Phúc: Xây dựng hệ thống kho chuyên dùng và kho thông thường tại thị xã Vĩnh Yên.

            - Tại tỉnh Bắc Ninh: Xây dựng hệ thống kho chuyên dùng và kho thông thường tại Trung tâm lưu chuyển hàng hoá quốc tế Bắc Ninh.

            - Tại tỉnh Hà Tây: Xây dựng hệ thống kho chuyên dùng và kho thông thường tại khu vực Hoà Lạc.

            - Tại tỉnh Hưng Yên: Xây dựng hệ thống kho chuyên dùng và kho thông thường tại khu vực Phố Nối.

- Tại tỉnh Hải Dương: Đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống kho của Công ty cổ phần giao nhận kho vận Hải Dương.

            - Tại thành phố Hải Phòng: Đầu tư nâng cấp các cơ sở giao nhận kho vận hiện có để đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp trong thời kỳ quy hoạch.

            - Tại tỉnh Quảng Ninh: Xây dựng hệ thống kho thông thường và chuyên dùng tại khu vực kho cảng Cái Lân.

3.5 Qui hoạch phát triển hệ thống kho cảng xăng dầu

3.5.1 Mục tiêu phát triển 

- Điều chỉnh, bổ sung qui hoạch hệ thống kho cảng xăng dầu phù hợp với qui hoạch phát triển kinh tế- xã hội trong vùng và yêu cầu bảo vệ môi trường sinh thái.

- Bổ sung sức chứa của các cơ sở kho cảng xăng dầu trong Vùng tương đương với tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của Vùng.

3.5.2 Nguyên tắc phân bố qui hoạch

- Khu vực tương đối cách biệt với các khu dân cư, các công trình công cộng và các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng khác.

- Có khả năng phát triển một hay nhiều phương thức vận tải xăng dầu (đường ống, đường biển, đường sông, đường bộ...).

- Có vị trí thuận lợi trong việc tiếp nhận và trung chuyển xăng dầu trong vùng và tới các vùng phụ cận với chi phí thấp.

- Đáp ứng được các điều kiện về đảm bảo vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn cho các kho xăng dầu.

- Không vi phạm các qui hoạch khác của các bộ, ngành và địa phương.

3.5.3 Phương án qui hoạch 

            - Thực hiện hoàn chỉnh các dự án đầu tư hiện có: Tiếp tục triển khai, hoàn chỉnh 9 dự án đầu tư hiện có với tổng sức chứa của các kho đầu mối là 142.000 m3 và tổng sức chứa kho trung chuyển là 135.000 m3.

            - Mở rộng và nâng cấp các kho hiện có: Từ nay đến năm 2020 sẽ mở rộng và nâng cấp 6 kho xăng dầu hiện có, nâng sức chứa lên 110.000 m3, trong đó giai đoạn 2008- 2015 là 50.000 m3 và giai đoạn 2016- 2020 là 60.000 m3

                - Xây dựng mới kho cảng tại các địa điểm thích hợp: Từ nay đến năm 2020, dự kiến xây dựng mới một số kho xăng dầu trong Vùng như sau: Kho xăng dầu Lạch Huyện (để thay thế cụm kho cảng B12), tổng kho xăng dầu Phú Thị- Gia Lâm- Hà Nội, kho Ninh Dương- Tiên Yên- Quảng Ninh và xây dựng một số kho xăng dầu tại các địa phương khác trong vùng.

            4. Vốn đầu tư và nhu cầu sử dụng đất

4.1. Đối với chợ loại I, chợ đầu mối

- Nhu cầu sử dụng đất để xây mới chợ loại I và chợ đầu mối là 1.997.362 m2, trong đó nhu cầu sử dụng đất để xây mới chợ loại I là 287.362 m2 và chợ đầu mối là 1.710.000 m2.

- Nhu cầu vốn đầu tư để xây mới chợ loại I và chợ đầu mối là 2.771,74 tỷ đồng, trong đó nhu cầu vốn đầu tư để xây mới chợ loại I là 866,74 tỷ đồng và chợ đầu mối là 1.905,0 tỷ đồng.

4.2. Đối với siêu thị, trung tâm thương mại

- Nhu cầu sử dụng đất để xây mới siêu thị và trung tâm thương mại là 3.613.053  m2.

- Nhu cầu vốn đầu tư để xây mới siêu thị và trung tâm thương mại là  5.197 tỷ đồng.

4.3. Đối với trung tâm hội chợ, triển lãm thương mại

- Nhu cầu sử dụng đất để xây mới trung tâm hội chợ, triển lãm thương mại là 1.500.000 m2.

- Nhu cầu vốn đầu tư để xây mới trung tâm hội chợ, triển lãm thương mại là 1.650,0 tỷ đồng.

4.4. Đối với hệ thống kho bãi

- Nhu cầu sử dụng đất để xây mới hệ thống kho bãi là 1.200.000 m2.

- Nhu cầu vốn đầu tư để xây mới hệ thống kho bãi là 1.200,0 tỷ đồng.

4.5. Đối với kho cảng xăng dầu

- Nhu cầu sử dụng đất xây mới kho cảng xăng dầu là 1.500.000 m2.

- Nhu cầu vốn đầu tư để xây mới, mở rộng và nâng cấp kho cảng xăng dầu là 2.229,5 tỷ đồng.

5. Danh mục các dự án đầu tư

(Phụ lục kèm theo Quyết địnhnày)

6. Các giải pháp và chính sách chủ yếu

6.1 Giải pháp về tổ chức quản lý

- Rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới một số văn bản qui phạm pháp luật nhằm hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh và quản lý chợ, siêu thị,  trung tâm thương mại, kho cảng xăng dầu và đặc biệt là hoạt động của các trung tâm hội chợ triển lãm thương mại và hệ thống kho bãi theo mô hình hoạt động của trung tâm logicstic.

- Khẩn trương xây dựng và ban hành các qui chuẩn, tiêu chuẩn đối với các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại, tạo điều kiện để các tỉnh xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung qui hoạch và lập các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại trên địa bàn.

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đổi mới nội dung và phương pháp  quản lý nhà nước đối với phát triển và hoạt động của các loại hình và cấp độ của kết cấu hạ tầng thương mại.

6.2 Giải pháp và chính sách về đầu tư

- Nhà nước cần sửa đổi, bổ sung chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn tự có và các nguồn vốn khác để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại tại các địa phương.

- Đồng thời với việc thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư đối với các dự án đầu tư thuộc danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư theo Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về Qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, các cơ quan chức năng cần sớm xây dựng, trình Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với các dự án phát triển kết cấu hạ tầng thương mại như dự án đầu tư vào các ngành sản xuất, kinh doanh khác theo qui định tại Quyết định số 27/2007/QĐ-TTg ngày 15 tháng 02 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thương mại trong nước đến năm 2010 và định hướng đến 2020.

- Nhà nước tiếp tục sử dụng vốn ngân sách để hỗ trợ đầu tư phát triển chợ theo các qui định tại Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ, Quyết định số 559/2004/QĐ-TTg ngày 31 tháng 5 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển chợ đến năm 2010 và các văn bản pháp luật có liên quan.

6.3 Giải pháp và chính sách về đất đai

Khi xây dựng qui hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, Uỷ ban nhân dân các tỉnh cần dành quĩ đất hợp lý cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, vừa bảo đẩm nhu cầu hiện tại, vừa phù hợp với sự  gia tăng của các dự án đầu tư và mở rộng qui mô hoạt động của các loại hình hình kết cấu hạ tầng thương mại trong tương tại. Đồng thời, có giải pháp và chính sách tích cực, đồng bộ trong việc giải phóng mặt bằng nhằm tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư khi xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại trên địa bàn.

6.4 Giải pháp và chính sách về nguồn nhân lực

- Khai thác nguồn vốn trong và ngoài nước để hỗ trợ cho công tác đào tạo, phát triển  nguồn nhân lực của các doanh nghiệp thương mại.

- Phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước nhằm nâng cấp cơ sở vật chất- kỹ thuật, xây dựng đội ngũ giáo viên, chương trình và nội dung đào tạo, bồi dưỡng về lĩnh vực phân phối cho hệ thống các trường cao đẳng, trung cấp và dạy nghề thương mại trực thuộc Bộ Công Thương.

- Có chính sách khuyến khích doanh nghiệp và các địa phương tổ chức đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực tham gia hoạt động thương mại với các hình thức và phương pháp phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp và từng địa phương.

 6.5 Giải pháp và chính sách về bảo vệ môi trường

- Các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại phải thực hiện đầy đủ các qui định của pháp luật về môi trường.

- Các doanh nghiệp và các địa phương cần dành đủ nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý chất thải phát sinh do hoạt động của các cơ sở thương mại.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các qui định của pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở kinh doanh thương mại trong Vùng để ngăn chặn và xử lý kịp thời những tổ chức, cá nhân vi phạm nhằm phát triển thương mại trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ theo hướng nhanh và bền vững.

 Điều 2: Tổ chức thực hiện

1. Trách nhiệm của các Bộ, ngành

1.1 Bộ Công Thương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn Uỷ ban nhân dân các tỉnh thực hiện Quyết định này, tập trung vào những công việc chủ yếu sau:

a. Chỉ đạo, hướng dẫn các tỉnh rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoặc xây dựng mới  qui hoạch phát triển kết cấu hạ tầng của các tỉnh trong Vùng phù hợp với  những qui định của Quyết định này và các văn bản pháp luật có liên quan.

b. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các tỉnh trong Vùng trong việc lập và tổ chức thực hiện các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại trên địa bàn phù hợp với các qui định  của  Quyết định này và các văn bản pháp luật có liên quan.

d. Rà soát để kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung hoặc sửa đổi, bổ sung  theo thẩm quyền các văn bản qui phạm pháp luật có liên quan đến cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển và quản lý kết cấu hạ tầng thương mại được qui định tại Quyết định này.

1.2 Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính,  Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan khác theo chức năng, nhiệm vụ của mình phối hợp với Bộ Công Thương triển khai thực hiện các giải pháp nêu trong Quyết định này.

2.Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các tỉnh

Chỉ đạo các Sở Thương mại/Thương mại - Du lịch phối hợp với cơ quan liên quan thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu sau:

a. Đối với các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đã có qui hoạch kết cấu hạ tầng thương mại trước thời điểm Quyết định này có hiệu lực, tiến hành rà soát, nếu chưa phù hợp với qui định của Quyết định này và văn bản qui phạm pháp luật khác có liên quan phải lập dự án điều chỉnh qui hoạch phát triển kết cấu hạ tầng thương mại  trên địa bàn, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

b. Đối với các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ chưa có qui hoạch phát triển kết cấu hạ tầng thương mại: khẩn trương xây dựng qui hoạch phát triển kết cấu hạ tầng thương mại trên địa bàn phù hợp với qui hoạch tổng thể phát triển thương mại của tỉnh, tình hình kinh tế-xã hội  của địa phương, định hướng qui hoạch tổng thể của Vùng và phù hợp với các qui định của Quyết định này.

c. Trong quá trình tổ chức thực hiện Quyết định này, phương án qui hoạch và danh mục dự án kết cấu hạ tầng thương mại của từng tỉnh nằm trong danh mục dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại kèm theo Quyết định này có thể được điều chỉnh để phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội và sự phát triển thương mại của từng địa phương. Tuy vậy, trước khi quyết định điều chỉnh phương án qui hoạch và phát triển các dự án qui mô lớn, Uỷ ban nhân dân tỉnh cần trao đổi và thống nhất với Bộ Công Thương.

d. Xây dựng kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng thương mại hàng năm trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

đ. Tham mưu cho Uỷ ban nhân dân  tỉnh trong việc xây dựng, thẩm định và hướng dẫn thực hiện các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại trên địa bàn theo qui hoạch và kế hoạch đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

e. Tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh phân bổ và sử dụng các nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, trong đó có nguồn vốn hỗ trợ đầu tư từ ngân sách nhà nước theo hướng hiệu quả, thiết thực và đúng mục đích.

f. Xây dựng, trình Uỷ ban nhân dân  tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách (phù hợp với qui định của pháp luật) và giải pháp nhằm huy động, khai thác các nguồn lực của địa phương, nhất là nguồn lực của các doanh nghiệp, hộ  kinh doanh để phát triển kết cấu hạ tầng thương mại trên địa bàn.

g. Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện qui hoạch phát triển kết cấu hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh để kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý các trường hợp sai phạm trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại. 

h. Định kỳ hàng năm, báo cáo Bộ Công Thương và Uỷ ban nhân dân tỉnh tình hình và kết quả thực hiện Quyết định này. 

Điều 3: Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 4: Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Lê Danh Vĩnh

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.