• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/07/1997
BỘ THƯƠNG MẠI
Số: 03/TM-CSTTTN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 11 tháng 3 năm 1997
Thông tư

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thực hiện Quy định của Chính phủ

về hoạt động mua bán, xuất nhập khẩu và gia công chế tác đá quý

 

Căn cứ Nghị định của Chính phủ số 65/CP ngày 13/10/1995 ban hành "Quy chế quản lý các hoạt động trong lĩnh vực đá quý";

Căn cứ Nghị định của Chính phủ số 02/CP ngày 5/1/1995 quy định về hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh thương mại và hàng hoá, dịch vụ kinh doanh thương mại có điều kiện ở thị trường trong nước;

Bộ Thương mại hướng dẫn và quy định cụ thể về các hoạt động mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu và gia công chế tác đá quý, như sau:

 

CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Các hoạt động sau đây về lĩnh vực đá quý: mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu và gia công chế tác đá quý (bao gồm cả làm trang sức có gắn đá quý và hàng mỹ nghệ bằng đá quý) đều phải thực hiện đúng các quy định cụ thể tại Thông tư này.

2. Đá quý được hiểu như quy định tại Điều 1 "Quy chế quản lý các hoạt động trong lĩnh vực đá quý" ban hành kèm theo Nghị định của Chính phủ số 65/CP ngày 13/10/1995, gồm 2 nhóm: Nhóm 1: kim cương, ruby, saphia và emơrôt;

Nhóm 2: Các loại đá quý khác;

và tồn tại dưới các dạng: nguyên liệu thô, đã được gia công, chế tác hoặc được gắn vào hàng trang sức, hàng mỹ nghệ.

3. Nhà nước thừa nhận quyền sở hữu hợp pháp của các tổ chức, cá nhân có dán quý dưới dạng nguyên liệu thô, sản phẩm đã gia công chế tác. Tổ chức, cá nhân có đá quý sở hữu hợp pháp được lưu giữ, vận chuyển, cầm cố, chuyển nhượng, mua bán, ký gửi tại ngân hàng hoặc kho bạc Nhà nước.

4. Các doanh nghiệp được thành lập theo các quy định của pháp luật nếu có đủ các điều kiện quy định tại Thông tư này đều được phép hoạt động mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu và gia công chế tác đá quý.

Doanh nghiệp thành lập theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực đá quý theo phạm vi Giấy phép đầu tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp.

5. Cá nhân và nhóm kinh doanh được cấp giấy phép kinh doanh theo Nghị định 66/HĐBT ngày 2/3/1992, các trường đại học, trường dạy nghề, cơ sở nghiên cứu khoa học nếu có đủ điều kiện quy định tại thông tư này được phép gia công chế tác đá quý.

 

CHƯƠNG II
QUY ĐỊNH VỀ MUA BÁN VÀ GIA CÔNG CHẾ TÁC ĐÁ QUÝ

 

I. MUA BÁN ĐÁ QUÝ TRONG NƯỚC:

1. Doanh nghiệp có nhu cầu về hoạt động mua bán đá quý phải xin Giấy phép kinh doanh mua bán đá quý theo quy định của Nghị định số 02/CP ngày 5/1/1995 và quy định cụ thể tại Thông tư này; phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật và trong quá trình kinh doanh phải thực hiện đúng các điều kiện kinh kinh doanh mua bán đá quý.

2. Việc mua bán đá quý (nguyên liệu thô, đã gia công, chế tác hoặc được gắn vào hàng trang sức, hàng mỹ nghệ) được Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho mọi tổ chức và cá nhân thực hiện tại:

a. Trụ sở doanh nghiệp và các trung tâm, cửa hàng kinh doanh đá quý và trang sức của Tổng công ty đá quý và vàng Việt Nam và của các đơn vị thành viên của Tổng công ty.

b. Trụ sở các doanh nghiệp khác và cửa hàng có Giấy phép và đăng ký kinh doanh mua bán đá quý.

c. Chợ đá quý ở vùng mỏ đá quý do chính quyền địa phương quản lý có sự tham gia của Tổng công ty Đá quý và vàng Việt Nam.

Riêng đá quý do các đơn vị trúng thầu khai thác có giá trị từ 100 (một trăm) triệu đồng một viên trở lên, sau khi định giá được niêm phong, bảo quản ở Tổng công ty Đá quý và vàng Việt Nam để bán đấu giá theo quy định.

3. Các doanh nghiệp kinh doanh đá quý khi mua bán, vận chuyển đá quý phải tiến hành lập đầy đủ hoá đơn, chứng từ như đối với các loại hàng hoá khác theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính.

Riêng việc mua bán đá tại chợ đá quý quy định tại điểm 2c trên đây được cơ quan trực tiếp quản lý chợ đá quý xác nhận.

4. Đá quý mua bán tại các trung tâm, cửa hàng kinh doanh đá quý của các doanh nghiệp phải đúng chủng loại, chất lượng, khối lượng, giá ghi trên hoá đơn, chứng từ và khi cần thiết phải chịu sự kiểm tra của, giám định của cơ quan quản lý tiêu chuẩn đo lường - chất lượng hàng hoá và cơ quan kiểm tra thị trường.

Các trung tâm, cửa hàng kinh doanh đá quý nếu có kinh doanh đá quý nhân tạo (kể cả được gắn vào hàng trang sức, hàng mỹ nghệ) phải niêm yết rõ về chủng loại, chất lượng, khối lượng, giá của đá quý nhân tạo để phân biệt với đá quý thiên nhiên và phải ghi rõ trong hoá đơn, chứng từ mua bán, vận chuyển.

5. Đá quý các loại khi mua bán trong nước không bắt buộc phải giám định, việc giám định do người mua và người bán thoả thuận.

6. Điều kiện để được cấp giấy phép kinh doanh mua bán đã quý gồm:

6.1. Điều kiện về chủ thể kinh doanh:

Theo quy định tại Điều 21 Quy chế quản lý các hoạt động trong lĩnh vực đá quý ban hành kèm theo Nghị định số 65/CP "Mọi tổ chức kinh tế, cá nhân Việt Nam muốn gia công chế tác, buôn bán đá quý và làm hàng trang sức, mỹ nghệ bằng đá quý phải thành lập cơ sở sản xuất - kinh doanh , đăng ký hoạt động theo pháp luật"; theo quy định tại Nghị định số 02/CP tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh mua bán đá quý phải thành lập doanh nghiệp.

Doanh nghiệp thành lập để hoạt động kinh doanh mua bán đá quý là các doanh nghiệp được thành lập theo các quy định của Luật doanh nghiệp Nhà nước, Luật Doanh nghiệp tư nhân, Luật Công ty. Hợp tác xã thành lập theo Luật Hợp tác xã muốn kinh doanh đá quý phải được Uỷ ban nhân dân tỉnh cấp đăng ký kinh doanh.

Vốn pháp định để thành lập doanh nghiệp kinh doanh mua bán đá quý đối với doanh nghiệp Nhà nước thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định của Chính phủ số 50/CP ngày 28/8/1996; các doanh nghiệp khác trong khi chờ Chính phủ bổ sung các Nghị định 221/HĐBT và 222/HĐBT được tạm thời quy định như sau:

Công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty cổ phần và hợp tác xã:

Một nghìn (1.000) triệu đồng.

Doanh nghiệp tư nhân: Năm trăm (500) triệu đồng.

Các doanh nghiệp đã thành lập trước đây kinh doanh các ngành nghề khác, nay muốn kinh doanh mua bán đá quý phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép bổ sung ngành nghề kinh doanh đá quý và phải có đủ vốn pháp định để kinh doanh mua bán đá quý theo năm quy định trên.

6.2. Điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật:

a. Phải có ít nhất một cửa hàng hoặc trung tâm kinh doanh đá quý. b. Phải có các phương tiện đo lường thích hợp và tuân thủ các quy định của Nhà nước về kiểm định đo lường.

6.3. Điều kiện về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ:

Phải có cán bộ hoặc thợ chuyên môn am hiểu về đá quý có bằng cấp hoặc giấy chứng nhận đã qua trường, lớp (được cơ quan có thẩm quyền cho phép đào tạo, bồi dưỡng về ngọc học 3 tháng trở lên).

Trường hợp thợ chuyên môn đã hành nghề lâu năm về đá quý thì chỉ cần có giấy xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp phường, xã. Cơ quan xét cấp giấy phép kinh doanh mua bán đá quý có quyền kiểm tra lại tay nghề.

7. Sở thương mại là cơ quan có trách nhiệm xem xét cấp giấy phép kinh doanh mua bán đá quý.

8. Hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh mua bán đá quý gửi về Sở Thương mại tỉnh, thành phố, gồm có:

Đơn xin cấp Giấy phép kinh doanh mua bán đá quý (theo mẫu số 1 kèm theo Thông tư này).

Quyết định thành lập doanh nghiệp.

Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (nếu đã hoạt động kinh doanh) .

Giấy xác nhận về vốn pháp định (đối với doanh nghiệp Nhà nước là quyết định cấp hoặc bổ sung vốn của cơ quan có thẩm quyền, đối với các doanh nghiệp khác là xác nhận vốn có tại Ngân hàng doanh nghiệp mở tài khoản).

Giấy xác nhận địa điểm kinh doanh của Uỷ ban nhân dân phường, xã.

Bản kê phương tiện đo lường hợp chuẩn (ghi rõ cấp chính xác của từng loại).

Giấy chứng nhận trình độ chuyên môn của cán bộ, nhân viên doanh nghiệp (bằng tốt nghiệp hoặc chứng chỉ được đào tạo, bồi dưỡng về ngọc học, đối với người hành nghề lâu năm là giấy xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã, phường).

Đối với doanh nghiệp đang kinh doanh các ngành nghề khác, nay muốn kinh doanh mua bán đá quý, ngoài các giấy tờ trên còn phải có quyết định cho phép bổ sung ngành nghề kinh doanh đá quý của cơ quan ra quyết định thành lập doanh nghiệp.

Riêng các doanh nghiệp kinh doanh vàng (có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh vàng do Ngân hàng Nhà nước cấp và đăng ký kinh doanh vàng) nếu kinh doanh thêm đá quý gắn vào hàng trang sức - không kinh doanh đá quý chưa chế tác và đá quý rời, thì hồ sơ chỉ gồm: Đơn xin cấp giấy phép kinh doanh mua bán đá quý, quyết định thành lập doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh vàng, Đăng ký kinh doanh vàng. Cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh mua bán đá quý trong trường hợp này phải ghi rõ trong giấy phép chỉ được kinh doanh đá quý gắn vào hàng trang sức.

Doanh nghiệp sau khi được Sở Thương mại thẩm định các điều kiện kinh doanh và cấp giấy phép kinh doanh mua bán đá quý phải đăng ký kinh doanh hoặc bổ sung đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật trước khi hoạt động kinh doanh mua bán đá quý.

9. Doanh nghiệp xin cấp giấy phép kinh doanh mua bán đá quý phải nộp phí thẩm định điều kiện kinh doanh và lệ phí cấp giấy phép theo quy định của Thông tư liên bộ Tài chính - Thương mại số 72- TT/LB ngày 08/11/1996.

 

II. GIA CÔNG CHẾ TÁC ĐÁ QUÝ:

(Bao gồm cả hàng trang sức, hàng mỹ nghệ hàng đá quý)

1. Doanh nghiệp, Hợp tác xã, cá nhân và nhóm kinh doanh hoạt động gia công chế tác đá quý (không kinh doanh mua bán đá quý) phải có đủ các điều kiện dưới đây để được cấp giấy phép gia công chế tác đá quý.

Các trường đại học, trường dạy nghề, các cơ sở nghiên cứu khoa học nếu trong chương trình đào tạo, nghiên cứu có gắn với lĩnh vực đá quý và có đủ các điều kiện quy định tại thông tư này đều có thể gia công chế tác đá quý (không kinh doanh mua, bán đá quý) sau khi được cấp giấy phép gia công chế tác đá quý.

2.Điều kiện gia công chế tác đá quý:

2.1 Điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật:

a) Phải có cơ sở gia công chế tác đá quý riêng biệt có các trang thiết bị, dụng cụ để gia công chế tác đa quý.

b) Phải có các phương tiện đo lường thích hợp và tuân thủ các qui định của nhà nước về kiểm định đo lường.

2.2 Điều kiện chuyên môn, nghiệp vụ:

Phải có cán bộ hoặc thợ chuyên môn am hiểu về đá quý có bằng cấp hoặc giấy chứng nhận đã qua trường, lớp đào tạo, bồi dưỡng về ngọc học ba tháng trở lên.

Trường hợp thợ chuyên môn hành nghề lâu năm về đá quý thì chỉ cần có giấy xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp phường, xã. Cơ quan cấp giấy phép gia công chế tác đá quý có quyền kiểm tra lại tay nghề.

3. Hồ sơ và thủ tục xin cấp Giấy phép gia công chế tác đá quý thực hiện theo quy định tại các điểm 8, 9 - Phần I Chương này (trừ giấy xác nhận vốn kinh doanh; đơn theo mẫu số 2; đối với cá nhân và nhóm kinh doanh theo nghị định 66/HĐBT, các trường đại học, trường dạy nghề, cơ sở nghiên cứu khoa học trong hồ sơ không cần quyết định thành lập).

Trường hợp các doanh nghiệp và hợp tác xã nói ở phần I vừa kinh doanh mua bán đá quý vừa làm gia công chế tác đá quý thì chỉ cần lập một bộ hồ sơ chung và Sở thương mại xem xét cấp chung một Giấy phép kinh doanh và gia công chế tác đá quý.

Sau khi được Sở thương mại thẩm định các điều kiện và cấp Giấy phép gia công chế tác đá quý, doanh nghiệp phải đăng ký kinh doanh hoặc bổ sung đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; cá nhân, nhóm kinh doanh phải được Uỷ ban nhân dân huyện (quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh) cấp Giấy phép kinh doanh theo quy định của Nghị định 66/HĐBT; các trường đại học, trường dạy nghề, cơ sở nghiên cứu khoa học phải đăng ký nộp thuế với cơ quan thuế.

4. Các tổ chức, cá nhân trên đây nếu gia công chế tác đá quý cho nước ngoài còn phải thực hiện các quy định về gia công hàng xuất khẩu và các quy định về xuất nhập khẩu đá quý tại chương III của Thông tư này.

 

CHƯƠNG III
QUY ĐỊNH VỀ XUẤT NHẬP KHẨU ĐÁ QUÝ

1. Chỉ các doanh nghiệp sau đây mới được xét cho phép xuất nhập khẩu đá quý:

Doanh nghiệp có giấy phép khai thác đá quý do Bộ Công nghiệp cấp.

Doanh nghiệp có giấp phép đầu tư nước ngoài về đá quý do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp.

Doanh nghiệp có giấy chứng nhận Đăng ký kinh doanh đá quý.

Về vốn: Các doanh nghiệp chuyên kinh doanh hoặc vừa khai thác vừa kinh doanh đá quý phải có vốn pháp định tối thiểu là năm tỷ đồng Việt nam, hoặc bằng ngoại tệ tương đương 5 trăm ngàn USD mới được cấp giấy phép xuất nhập khẩu đá quý.

Sau khi được cấp giấy phép nếu trong 2 năm liền doanh nghiệp không đạt doanh số xuất nhập khẩu đá quý năm trăm ngàn USD trở lên thì Bộ Thương mại sẽ căn cứ vào kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp đối chiếu với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đá quý và kim ngạch xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp khác để quyết định doanh nghiệp có được tiếp tục xuất nhập khẩu trực tiếp đá quý hay không.

Các doanh nghiệp kinh doanh đá quý không đủ điều kiện để được cấp Giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu nếu có nhu cầu xuất nhập khẩu đá quý được uỷ thác xuất nhập khẩu đá quý qua các doanh nghiệp có Giấy phép xuất nhập khẩu đá quý.

2. Hồ sơ xin cấp Giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu đá quý gửi về Bộ Thương mại, gồm có:

Đơn xin giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu đá quý (Mẫu số 3).

Quyết định thành lập doanh nghiệp.

Giấy chứng nhận Đăng ký kinh doanh đá quý (đối với doanh nghiệp mới thành lập chưa đăng ký kinh doanh là Giấy phép kinh doanh mua bán đá quý do Sở Thương mại cấp).

Giấy phép khai thác đá quý do Bộ Công nghiệp cấp đối với doanh nghiệp khai thác đá quý.

Văn bằng chứng nhận trình độ ngoại thương, ngoại ngữ của cán bộ nghiệp vụ ngoại thương.

Các doanh nghiệp được cấp Giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu đá quý phải nộp lệ phí theo quy định tại văn bản số 1043-TM/XNK ngày 16/11/1992 của Bộ Thương mại.

3. Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, việc xuất nhập khẩu đá quý phải theo đúng phạm vi cho phép trong Giấy phép đầu tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp và kế hoạch xuất nhập khẩu đá quý hàng năm đã được Bộ Thương mại duyệt.

4. Thủ tục Hải quan xuất nhập khẩu đá quý theo quy định dưới đây:

4.1. Xuất nhập khẩu quý:

a. Việc xuất nhập khẩu đá quý có giá trị từ mười ngàn (10.000) USD trở lên các doanh nghiệp phải xuất trình với Hải quan cửa khẩu bộ hồ sơ gồm có:

Giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu đá quý do Bộ Thương mại cấp.

Hợp đồng hoặc văn bản có giá trị như hợp đồng mua bán đá quý (hợp đồng ngoại thương).

Giấy giám định đá quý.

Hoá đơn mua bán đá quý do Bộ Tài chính phát hành.

b. Xuất khẩu lô hàng có giá trị dưới mười ngàn (10.000) USD thì chỉ cần xuất trình với Hải quan cửa khẩu Giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu đá quý và hoá đơn mua bán đá quý do Bộ Tài chính phát hành.

4.2. Nhập khẩu đá quý:

Doanh nghiệp phải xuất trình với hải quan cửa khẩu bộ hồ sơ gồm có:

Giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu đá quý do Bộ Thương mại cấp.

Hợp đồng hoặc văn bản có giá trị như hợp đồng mua bán đá quý (hợp đồng ngoại thương).

Giấy giám định đá quý.

Tất cả các đá quý nhập khẩu đều phải giám định. Việc giám định được thực hiện theo một trong hai cách sau:

a. Có Giấy giám định lô hàng đá quý của cơ quan giám định hoạt động hợp pháp tại thị trường doanh nghiệp mua bán đá quý do người nhập khẩu lựa chọn và được Bộ Thương mại chấp nhận trước.

b. Hải quan cửa khẩu cho doanh nghiệp tạm nhập lô đá quý sau khi đã niêm phong để doanh nghiệp đưa đi giám định tại tổ chức giám định hoạt động hợp pháp trong nước. Tổ chức giám định chỉ giám định lô đá quý nhập khẩu còn nguyên vẹn niêm phong của Hải quan, sau đó doanh nghiệp xuất trình giấy giám định lô đá quý với Hải quan để được xét cho nhập khẩu chính thức.

Khi có nghi vấn về kết quả giám định, Hải quan có quyền yêu cầu tái giám định, mặt khác khi có tranh chấp về kết quả giám định, cơ quan Nhà nước hoặc doanh nghiệp có quyền yêu cầu tái giám định.

5. Việc xuất nhập khẩu phi mậu dịch đá quý theo quy định của Tổng cục Hải quan.

6. Quy định về việc mang đá quý đi bán ở nước ngoài (gồm tham gia bán đấu giá, bán tại các cửa hàng của doanh nghiệp Việt nam ở nước ngoài hoặc gửi bán tại các cửa hàng của Công ty nước ngoài):

6.1. Chỉ các doanh nghiệp có Giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu đá quý mới được mang đá quý đi bán ở nước ngoài. Lô hàng đá quý mang đi bán ở nước ngoài hoặc tái nhập khi không bán được không phân biệt giá trị đều phải giám định.

6.2. Các doanh nghiệp có nhu cầu mang đá quý đi bán ở nước ngoài phải gửi hồ sơ về Bộ Thương mại để được xem xét cấp giấy phép xuất nhập khẩu chuyến. Hồ sơ gồm:

Đơn xin phép mang đá quý đi bán ở nước ngoài.

Giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu đá quý do Bộ Thương mại cấp.

Giấy phép mở chi nhánh, cửa hàng của doanh nghiệp ở nước ngoài (do nước ngoài cấp) trong trường hợp mang đá quý bán tại các cửa hàng của doanh nghiệp ở nước ngoài.

Hợp đồng gửi bán đá quý tại cửa hàng của Công ty nước ngoài trong trường hợp doanh nghiệp gửi bán đá quý.

6.3. Khi mang đá quý đi bán ở nước ngoài doanh nghiệp phải xuất trình với Hải quan cửa khẩu bộ hồ sơ gồm:

Giấy phép xuất nhập khẩu chuyến do Bộ Thương mại cấp.

Giấy giám định đá quý.

Phiếu xuất kho.

6.4. Doanh nghiệp phải chuyển về nước toàn bộ số ngoại tệ bán đá quý ở nước ngoài theo quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước và phải nộp thuế xuất khẩu. Phần không bán được phải tái nhập được thoái thu thuế xuất khẩu theo giá trị hàng tương ứng.

7. Doanh nghiệp đem đá quý đi tham gia triển lãm, hội chợ ở nước ngoài phải thực hiện đúng quy chế về Hội chợ, triển lãm ban hành theo Quyết định số 390-TTg/XNK ngày 1/8/1994 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư hướng dẫn số 05-TM/XNK ngày 25/2/1995 của Bộ Thương mại. Trong trường hợp này, đá quý tạm xuất và tái nhập sau khi tham gia hội chợ, triển lãm ở nước ngoài không phân biệt giá trị đều phải giám định theo các quy định của Thông tư này.

8. Quy định về việc kinh doanh tạm nhập tái xuất đá quý (mua đá quý của một nước để tạm nhập và tái xuất bán cho nước khác):

8.1. Các doanh nghiệp có Giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu đá quý được kinh doanh theo phương thức tạm nhập tái xuất phải thực hiện đúng quy chế kinh doanh theo phương thức tạm nhập tái xuất ban hành theo Quyết định số 1064-TM/PC ngày 18/8/1994 của Bộ Thương mại.

Tất cả đá quý các loại khi tạm nhập và khi tái xuất không phân biệt giá trị lô hàng đều phải giám định. Việc giám định đá quý tạm nhập được thực hiện theo Điểm 4.2 trên đây.

8.2 Khi tạm nhập và khi tái xuất đá quý, doanh nghiệp phải xuất trình với Hải quan cửa khẩu bộ hồ sơ gồm:

Giấy phép kinh doanh tạm nhập, tái xuất đá quý do Bộ Thương mại cấp.

Giấy giám định đá quý.

9. Quy định về gia công chế tác đá quý cho nước ngoài: Việc gia công chế tác đá quý cho nước ngoài nói trong Thông tư này là việc nhận đá quý của doanh nghiệp nước ngoài về gia công chế tác ở trong nước để hưởng tiền thuê gia công chế tác của doanh nghiệp nước ngoài.

9.1. Điều kiện được làm gia công chế tác đá quý cho nước ngoài:

Các doanh nghiệp có Giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu đá quý, các tổ chức, cá nhân có cơ sở gia công chế tác đá quý theo quy định tại Phần II-chương II Thông tư này được phép gia công chế tác đá quý cho nước ngoài. Hồ sơ gửi về Bộ Thương mại để được xét cấp giấy phép gia công chế tác đá quý cho nước ngoài, gồm:

Đơn xin cấp Giấy phép gia công chế tác đá quý cho nước ngoài.

Giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu đá quý hoặc giấy Đăng ký kinh doanh gia công chế tác đá quý (đối với các trường đại học, trường dạy nghề, cơ sở nghiên cứu khoa học là Giấy phép gia công chế tác đá quý do Sở Thương mại tỉnh, thành phố cấp).

Hợp đồng gia công, chế tác đá quý cho nước ngoài kèm theo bản thoả thuận về định mức tiêu hao nguyên liệu gia công nếu không quy định trong hợp đồng.

9.2. Các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân có đủ điều kiện quy định tại Điểm 9.1 trên đây, sau khi được Bộ Thương mại cấp Giấy phép gia công chế tác đá quý cho nước ngoài, được trực tiếp tạm nhập đá quý nguyên liệu và tái xuất đá quý thành phẩm theo quy định.

Tất cả đá quý nguyên liệu khi tạm nhập để gia công, chế tác và đá quý thành phẩm khi tái xuất không phân biệt giá trị của lô hàng đều phải giám định. Khi tạm nhập nguyên liệu, việc giám định được thực hiện theo một trong hai cách nói tại Điểm 4.2. trên đây.

9.3. Khi tạm nhập hoặc tái xuất đá quý gia công, chế tác cho nước ngoài phải xuất trình với Hải quan cửa khẩu bộ hồ sơ gồm:

Giấy phép gia công chế tác đá quý cho nước ngoài do Bộ Thương mại cấp.

Hợp đồng gia công, chế tác đá quý cho nước ngoài kèm theo bản thoả thuận về định mức tiêu hao nguyên liệu nếu không quy định trong hợp đồng.

Giấy giám định đá quý.

10. Về cơ quan giám định đá quý:

Trong khi chờ Chính phủ ban hành "Quy chế giám định và kiểm tra các tổ chức giám định hàng hoá" việc giám định đá quý xuất nhập khẩu nói trong Thông tư này sẽ do các doanh nghiệp có chức năng giám định hàng hoá xuất nhập khẩu và các cơ quan giám định đá quý đang hoạt động đến trước thời điểm ban hành Thông tư này thực hiện.

Việc giám định đá quý gắn với hàng trang sức bằng vàng bạc hoặc kim loại đá quý khác có thể được tiến hành đồng thời với giám định vàng bạc hoặc kim loại quý khác tại các Trung tâm giám định vàng xuất nhập khẩu theo quy định của Nhà nước.

Khi Chính phủ ban hành "Quy chế giám định và kiểm tra các tổ chức giám định hàng hoá" thì thực hiện theo Quy chế.

11. Thuế xuất nhập khẩu đá quý được thực hiện theo quy định của pháp luật.

 

CHƯƠNG IV
KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

1. Các tổ chức, cá nhân hoạt động mua bán, xuất nhập khẩu gia công chế tác và làm hàng trang sức, hàng mỹ nghệ bằng đá quý nếu vi phạm các quy định của Thông tư này và các quy định khác của Nhà nước có liên quan thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

2. Bộ thương mại, Sở thương mại tỉnh, thành phố và các cơ quan có thẩm quyền khác của Nhà nước có trách nhiệm kiểm tra, xử lý các vi phạm của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực đá quý theo quy định của Nghị định 65/CP và của Thông tư này.

 

CHƯƠNG V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/7/1997, các quy định khác trái với Thông tư này đều bãi bỏ.

2. Từ nay đến hết ngày 1/7/1997 tất cả các tổ chức, cá nhân đang kinh doanh mua bán, xuất nhập khẩu, gia công chế tác đá quý và làm hàng trang sức, hàng mỹ nghệ bằng đá quý phải làm lại thủ tục theo quy định của Thông tư này. Sau ngày 1/7/1997 tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện kinh doanh mua bán, xuất nhập khẩu, gia công chế tác đá quý và làm hàng trang sức, hàng mỹ nghệ bằng đá quý hoặc không làm lại thủ tục theo quy định của Thông tư này đều không được phép hoạt động về đá quý.

Các doanh nghiệp trước đây đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp Giấy phép xuất nhập khẩu đá quý từ nay đến hết ngày 1/7/1997 khi xuất nhập khẩu đá quý kể cả tạm nhập tái xuất hoặc đem đá quý đi tham gia hội chợ, triển lãm, bán đấu giá ở nước ngoài gửi hồ sơ về Bộ Thương mại để được xét cấp giấy phép xuất khẩu từng chuyến.

3. Các doanh nghiệp được Bộ Thương mại cấp Giấy phép xuất nhập khẩu đá quý phải báo cáo định kỳ từng quý tình hình hoạt động xuất nhập khẩu đá quý của doanh nghiệp về Bộ Thương mại (Vụ Quản lý xuất nhập khẩu)

4. Các đơn vị được Sở Thương mại tỉnh, thành phố cấp Giấy phép kinh doanh mua bán hoặc gia công chế tác đá quý phải báo cáo định kỳ từng quý tình hình hoạt động kinh doanh của đơn vị về Sở Thương mại để tổng hợp báo cáo về Bộ Thương mại (Vụ chính sách thị trường trong nước)./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Trương Đình Tuyển

 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.