• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 31/12/2008
THANH TRA CHÍNH PHỦ
Số: 2957/2008/QĐ-TTCP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Toàn quốc, ngày 31 tháng 12 năm 2008

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành quy định việc tiếp nhận, xử lý và theo dõi, tổng hợp, báo cáo công tác xử lý đơn thư của cơ quan Thanh tra Chính phủ

___________________________

TỔNG THANH TRA

Căn cứ Luật Khiếu nại, tố cáo số 09/1998/QH10; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo số 26/2004/QĐ11; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo số 58/2005/QH11; Nghị định 136/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo;

Căn cứ Nghị định số 65/2008/NĐ-CP ngày 20 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ;

Theo đề nghị của Chánh Văn phòng và Vụ trưởng Vụ Pháp chế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về việc tiếp nhận, xử lý và theo dõi, tổng hợp, báo cáo công tác xử lý đơn thư của cơ quan Thanh tra Chính phủ.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng các Vụ, Cục trưởng các Cục và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ và cán bộ, công chức, viên chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

TỔNG THANH TRA




Trần Văn Truyền

QUY ĐỊNH

VỀ VIỆC TIẾP NHẬN, XỬ LÝ VÀ THEO DÕI, TỔNG HỢP, BÁO CÁO CÔNG TÁC XỬ LÝ ĐƠN THƯ CỦA CƠ QUAN THANH TRA CHÍNH PHỦ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2957/2008/QĐ-TTCP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Tổng Thanh tra)

___________________________

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng.

1. Quy định này quy định chi tiết việc tiếp nhận, xử lý và theo dõi, tổng hợp, báo cáo công tác xử lý đơn thư của cơ quan Thanh tra Chính phủ.

2. Đối tượng áp dụng của Quy định này là các Vụ, Cục, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thanh tra Chính phủ có liên quan đến việc tiếp nhận và xử lý đơn thư gửi đến Thanh tra Chính phủ, Tổng Thanh tra và các Phó Tổng Thanh tra.

3. Trong Quy định này, cụm từ “đơn thư” được hiểu bao gồm đơn khiếu nại, đơn tố cáo và đơn phản ánh, kiến nghị của công dân, cơ quan, tổ chức.

Điều 2. Nguyên tắc xử lý.

Đơn thư từ tất cả các nguồn chuyển đến Thanh tra Chính phủ phải được nghiên cứu, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Chương II

TIẾP NHẬN, PHÂN LOẠI VÀ XỬ LÝ ĐƠN THƯ

Điều 3. Tiếp nhận và phân loại đơn thư.

1. Đơn từ các nguồn chuyển đến tập trung về Văn phòng để nghiên cứu, phân loại và xử lý theo quy định của pháp luật, bao gồm:

- Đơn do các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Uỷ ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các cơ quan báo chí v.v… chuyển đến.

- Đơn do công dân gửi trực tiếp cho lãnh đạo Thanh tra Chính phủ.

- Đơn do công dân gửi đến Thanh tra Chính phủ qua đường bưu điện.

- Đơn do các Vụ, Cục, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ nhận được (trừ đơn liên quan đến các vụ việc Vụ, Cục, đơn vị đang giải quyết).

- Đơn do các Đoàn thanh tra nhận được (trừ đơn liên quan trực tiếp đến các vụ việc do Đoàn thanh tra đang giải quyết).

2. Đơn gửi đích danh lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, xử lý như sau:

Thư ký của lãnh đạo bóc phong bì, nếu là thư riêng hoặc đơn tố cáo thuộc nội bộ cơ quan Thanh tra Chính phủ, thư ký báo cáo lãnh đạo Thanh tra Chính phủ. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, thư ký chuyển cho Văn phòng để xử lý tiếp theo.

3. Các Vụ, Cục, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ chỉ xử lý đơn khi trực tiếp tiếp dân và những đơn thư liên quan đến vụ việc các Vụ, Cục, đơn vị đã hoặc đang thẩm tra, xác minh.

Điều 4. Xử lý đơn khiếu nại.

1. Đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền của Tổng Thanh tra, đơn do các cơ quan khác chuyển đến, Văn phòng phân loại và xử lý như sau:

a). Nếu vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tổng Thanh tra, vụ việc phát sinh có nội dung thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý của Vụ, Cục, đơn vị được phân công, Văn phòng nghiên cứu, phân loại báo cáo lãnh đạo Thanh tra Chính phủ chuyển các Vụ, Cục, đơn vị chức năng xem xét xử lý theo ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Thanh tra Chính phủ.

b). Những vụ việc các Vụ, Cục, đơn vị đã hoặc đang xem xét giải quyết, Văn phòng chuyển đến các Vụ, Cục, đơn vị đó để nghiên cứu xử lý.

c). Đối với đơn của các cơ quan khác chuyển đến: Nếu thuộc thẩm quyền của Tổng Thanh tra, Văn phòng xử lý theo quy định tại điểm a, b – khoản 1 Điều này; nếu không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tổng Thanh tra, Văn phòng xử lý theo quy định tại khoản 2 Điều này; đồng thời, Văn phòng thông báo bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân chuyển đơn biết theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo.

2. Đơn khiếu nại không thuộc thẩm quyền của Tổng Thanh tra:

Văn phòng xử lý theo khoản 5 – Điều 6 Nghị định 136/2006/NĐ-CP (trả lại đơn và hướng dẫn công dân trình đơn đến đúng cơ quan có thẩm quyền và trách nhiệm xem xét giải quyết).

4. Đơn khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân do các cơ quan, tổ chức khác chuyển đến Thanh tra Chính phủ thì xử lý theo quy định tại Điều 7 - Nghị định 136/2006/NĐ-CP.

Điều 5. Xử lý đơn khiếu nại các quyết định giải quyết đã có hiệu pháp luật.

1. Đối với đơn khiếu nại các quyết định giải quyết lần 2 (vụ việc phát sinh sau ngày 01/6/2006) theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo, Văn phòng hướng dẫn công dân khởi kiện ra Tòa án theo quy định tại Điều 39 Luật Khiếu nại, tố cáo.

2. Đối với đơn khiếu nại các quyết định giải quyết cuối cùng (vụ việc phát sinh trước ngày 01/6/2006) theo quy định của Luật khiếu nại, tố cáo không xem xét xử lý. Trong trường hợp nghiên cứu, nếu thấy quyết định giải quyết có dấu hiệu vi phạm pháp luật, Văn phòng trình lãnh đạo Thanh tra Chính phủ đề xuất chuyển cho các Vụ, Cục chức năng quản lý địa bàn, lĩnh vực nghiên cứu, đề xuất biện pháp xử lý.

3. Những vụ việc đã có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; vụ việc Thanh tra Chính phủ đã kiểm tra, kết luận; vụ việc các Bộ, ngành, địa phương giải quyết đúng chính sách pháp luật nhưng chưa được thực hiện; vụ việc thuộc thẩm quyền của các Bộ, ngành, địa phương nhưng chậm giải quyết, Văn phòng báo cáo trình lãnh đạo Thanh tra Chính phủ và đề xuất hướng xử lý.

Điều 6. Xử lý đơn tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

1. Đối với đơn tố cáo cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý, Văn phòng xử lý theo Quyết định số 190-QĐ/TW ngày 29/9/2008 của Ban Chấp hành Trung ương; đơn tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Tổng Thanh tra, Văn phòng tóm tắt nội dung trình Tổng Thanh tra cho ý kiến xử lý.

2. Đối với đơn tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tổng Thanh tra và đơn kiến nghị, phản ánh, Văn phòng chuyển đơn tố cáo, kiến nghị, phản ánh và các tài liệu, chứng cứ liên quan (nếu có) cho người có thẩm quyền giải quyết theo điểm b khoản 1 – Điều 38 Nghị định 136/2006/NĐ-CP.

3. Đối với đơn tố cáo giấu tên, mạo tên, không rõ địa chỉ, không có chữ ký trực tiếp hoặc những tố cáo đã được các cấp có thẩm quyền giải quyết mà tố cáo lại nhưng không có bằng chứng mới thì xử lý theo quy định tại điểm c, khoản 1 – Điều 38 Nghị định 136/2006/NĐ-CP.

Điều 7. Xử lý đơn thuộc lĩnh vực tư pháp.

Đơn thuộc lĩnh vực tư pháp, Văn phòng xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 8. Sự phối hợp giữa các Cục, Vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ.

1. Các Cục, Vụ, đơn vị chức năng khi thẩm tra, xác minh, xem xét, nghiên cứu đề xuất các vụ việc khiếu nại, tố cáo do Thủ tướng Chính phủ và Tổng Thanh tra giao, hàng tháng phải thông báo kịp thời tình hình kết quả cho Văn phòng để tổng hợp, báo cáo.

2. Văn phòng Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm:

a). Hàng tháng, quý gửi danh sách đơn đã xử lý thuộc các Bộ, ngành, địa phương cho các Vụ, Cục, đơn vị quản lý địa bàn, lĩnh vực để theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện.

b). Tổng hợp báo cáo kết quả tiếp nhận và xử lý đơn gửi đến Thanh tra Chính phủ, làm báo cáo theo định kỳ (tuần, tháng, quý, năm) và báo cáo đột xuất theo yêu cầu của lãnh đạo Thanh tra Chính phủ.

Điều 9. Thẩm quyền ký các văn bản xử lý đơn.

1. Công văn đôn đốc, công văn phúc đáp, phiếu chuyển đơn gửi Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Văn phòng thảo văn bản trình lãnh đạo Thanh tra Chính phủ ký.

2. Văn bản gửi Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan, đoàn thể, Đoàn Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Quốc hội, công dân,… Chánh Văn phòng ký thừa lệnh Tổng Thanh tra.

3. Phiếu hướng dẫn khiếu nại của công dân và giấy báo tin cho người gửi đơn do Trưởng phòng Xử lý đơn thư ký, đóng dấu Văn phòng Thanh tra Chính phủ.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10. Trách nhiệm tổ chức thi hành.

Chánh Văn phòng có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Quy định này. Trong quá trình thực hiện nếu thấy mâu thuẫn, khó khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo đề xuất Tổng Thanh tra xem xét bổ sung, sửa đổi cho phù hợp.

Điều 11. Khen thưởng và kỷ luật.

Các đơn vị, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện Quy định được khen thưởng, động viên kịp thời; nếu vi phạm thì tùy mức độ nặng nhẹ phải được xử lý theo quy định của pháp luật./.

Tổng Thanh tra

(Đã ký)

 

Trần Văn Truyền

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.