SẮC LỆNH
SỐ 254/SL NGÀY 19 THÁNG 11 NĂM 1948
CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Chiểu sắc lệnh số 63 ngày 22-11-1945 và các sắc lệnh quy lệ, tiếp sau tổ chức và thành lập chính quyền nhân dân địa phương,
Chiểu sắc lệnh số 1-SL ngày 18-12-1946 và các sắc lệnh, quy lệ, tiếp sau thành lập và tổ chức bộ máy chính quyền nhân dân địa phương trong thời kỳ kháng chiến,
Chiểu sắc lệnh số 206-SL ngày 19-8-1948 thành lập Hội đồng Quốc phòng Tối cao,
Xét nhu cầu hiện thời,
Theo đề nghị của Hội đồng Quốc phòng Tối cao,
Sau khi Hội đồng Chính phủ quyết nghị và Ban Thường trực Quốc hội thoả thuận,
RA SẮC LỆNH:
Điều 1
Trong thời kỳ kháng chiến, chính quyền nhân dân địa phương tổ chức như sau này:
Điều 2
Chính quyền nhân dân địa phương trong thời kỳ kháng chiến gồm có Hội đồng nhân dân (HĐND) và Uỷ ban kháng chiến hành chính (UBKCHC).
ở các cấp xã và tỉnh, có HĐND và UBKCHC. ở cấp huyện và Liên khu, ở thị xã và thành phố, có UBKCHC.
CHƯƠNG THỨ NHẤT
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
Điều 3
Đối với Hội đồng nhân dân, những điều khoản trong sắc lệnh số 63 ngày 22-11-45 vẫn thi hành, trừ những sự sửa đổi như sau:
Điều 4
Đối với HĐND xã, việc bầu cử vẫn theo thể lệ cũ, như đã định trong sắc lệnh số 63. Lúc bầu hội viên HĐND xã, không cần phải bầu thêm hội viên dự khuyết. Nếu gặp trường hợp không thuận tiện, theo đề nghị UBKCHC huyện, UBKCHC tỉnh có thể ra lệnh tạm hoãn cuộc bầu cử HĐND xã.
Điều 5
Cho đến khi có lệnh mới, các cuộc bầu cử vào HĐND tỉnh đều tạm hoãn.
Nếu số hội viên trong HĐND tỉnh thiếu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ có thể theo đề nghị của UBKCHC Liên khu, chỉ định thêm một số hội viên, nhưng tổng số hội viên cũ và chỉ định không được quá tổng số đã định trong sắc lệnh số 63.
Điều 6
Sau khi được công nhận hay chỉ định, những uỷ viên Uỷ ban kháng chiến hành chính xã hay tỉnh mà trước đây không có chân trong HĐND, đều coi như hội viên HĐND cấp tương đương.
Điều 7
Chỉ khi nào có quá nửa số hội viên HĐND (kể cả số hội viên được chỉ định nếu có), thì HĐND mới có thể thảo luận và biểu quyết được.
Nếu lần họp đầu không có mặt quá nửa số hội viên HĐND, thì phải triệu tập kỳ họp HĐND lần thứ hai. Trong kỳ họp lần thứ hai này, chỉ khi nào có mặt ít nhất là một phần ba số hội viên thì HĐND mới có thể thảo luận và biểu quyết được.
Nếu lần họp thứ hai không có mặt ít nhất là một phần ba số hội viên, thì UBKCHC huyện phải trình lên UBKCHC tỉnh nếu là trường hợp HĐND xã; UBKCHC Liên khu phải trình lên Bộ Nội vụ nếu là trường hợp HĐND tỉnh.
Điều 8
Thư ký Hội đồng nhân dân là một uỷ viên trong UBKCHC cấp tương đương do Uỷ ban ấy bầu ra.
Điều 9
Quyền bãi miễn của HĐND xã và tỉnh đối với Uỷ ban hành chính, nói trong điều 18 và 48 trong sắc lệnh số 63, không áp dụng đối với UBKCHC.
Điều 10
Hạn 15 ngày nói trong điều 82 sắc lệnh số 63 về việc duyệt các nghị quyết của HĐND, có thể do Bộ Nội vụ tạm thời tăng lên, theo đề nghị của UBKCHC Liên khu.
Điều 11
Những nhiệm vụ và quyền hạn của Uỷ ban hành chính xã, huyện, tỉnh, kỳ, đối với Hội đồng nhân dân, ấn định trong sắc lệnh số 63 và các sắc lệnh tiếp sau thì nay là nhiệm vụ, quyền hạn của UBKCHC xã, huyện, tỉnh, Liên khu.
CHƯƠNG THỨ HAI
UỶ BAN KHÁNG CHIẾN HÀNH CHÍNH CÁC CẤP
TIẾT 1
UỶ BAN KHÁNG CHIẾN HÀNH CHÍNH LIÊN KHU
MỤC 1
THÀNH PHẦN
Điều 12
ở mỗi Liên khu, đặt một UBKCHC Liên khu gồm có 5 hay 7 uỷ viên (trong đó 1 uỷ viên quân sự) do sắc lệnh của Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ Cộng hoà chỉ định theo đề nghị của Hội đồng Quốc phòng Tối cao.
Uỷ viên quân sự sẽ chọn trong cấp chỉ huy của Bộ Chỉ huy Quân sự Liên khu.
Điều 13
UBKCHC Liên khu có 1 Chủ tịch và 1 phó Chủ tịch, cũng do sắc lệnh chỉ định như trên, trong số các uỷ viên.
MỤC 2
NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN
Điều 14
UBKCHC Liên khu là cơ quan chính quyền địa phương có nhiệm vụ:
1) Thực hiện ở liên khu chính sách của Chính phủ,
2) Lãnh đạo công cuộc kháng chiến toàn diện trong liên khu,
3) thi hành hoặc đôn đốc sự thi hành các sắc lệnh, nghị định, mệnh lệnh của Chính phủ,
4) Điều hoà và phối hợp các ngành hoạt động thuộc phạm vi liên khu,
5) Kiểm soát tất cả các ngành hoạt động thuộc phạm vi liên khu đứng về phương diện:
a- Chủ trương, chính sách của Chính phủ,
b- Chỉ thị, kế hoạch của Chính phủ,
c- Tinh thần làm việc và sự mẵn cán của nhân viên thừa hành.
6) Phụ trách sự trị an trong liên khu,
7) Điều khiển và kiểm soát UBKCHC cấp dưới.
Điều 15
Lúc thường UBKCHC Liên khu có thể, trong phạm vi liên khu mình:
1) Đặt quy tắc để thi hành những sắc lệnh, nghị định hay chỉ thị của Chính phủ.
2) Đặt quy tắc về cảnh sát.
Điều 16
Gặp trường hợp cần kíp, phải giải quyết những vấn đề mà chưa có sắc lệnh, nghị định, chỉ thị quy định rõ, thì UBKCHC có thể đặt những quy tắc tạm thời được thi hành ngay.
Điều 17
Khi xử dụng quyền lập quy nói ở điều 15, 16, UBKCHC phải theo những điều kiện sau này:
1) Không trái với chủ trương chính sách của Chính phủ,
2) Không trái những sắc lệnh, nghị định, thể lệ, hiện hành,
3) Không được đặt các thứ thuế mới,
4) Không được đặt những hình phạt, trừ hình phạt vi cảnh,
5) Về những việc có liên quan đến chuyên môn, phải hỏi ý kiến ngành chuyên môn sở quan,
6) Phải báo cáo ngay lên Chính phủ,
7) Phải đưa ra toàn uỷ ban thảo luận, phải lấy biểu quyết theo đa số của toàn ban.
Điều 18
UBKCHC Liên khu cho phiếu điểm các Giám đốc chuyên môn trong liên khu.
Đối với những nhân viên thuộc quyền Giám đốc chuyên môn, UBKCHC Liên khu sẽ ghi ý kiến vào những phiếu điểm do Giám đốc chuyên môn cho những nhân viên ấy.
Điều 19
Khi bổ nhiệm Giám đốc, Phó Giám đốc, các Trưởng khu, Trưởng ty, các Thẩm phán Bộ sẽ hỏi ý kiên UBKCHC Liên khu.
Điều 20
Những sáng kiến của các ngành chuyên môn trong liên khu, nếu có liên quan đến dân chúng hoặc chính trị, ngành chuyên môn cần phải thảo luận với UBKCHC Liên khu trước khi đề nghị lên Bộ sở quan.
Những sáng kiến của UBKCHC Liên khu, nếu có liên quan đến chuyên môn, UBKCHC liên khu phải thảo luận với Giám đốc chuyên môn sở quan trước khi đề nghị lên Bộ sở quan.
Điều 21
1- UBKCHC Liên khu lập và gửi lên Chính phủ sự án ngân sách của UBKCHC Liên khu và các cơ quan trực thuộc vào UBKCHC Liên khu.
2- UBKCHC Liên khu xét và gửi lên Chính phủ sự án phần ngân sách của UBKCHC tỉnh, thành phố, huyện, thị xã trong liên khu.
3- UBKCHC Liên khu ghi ý kiến vào dự án phần ngân sách của các ngành hoạt động thuộc phạm vi liên khu.
4- Trong quyền hạn do Bộ trưởng Tài chính uỷ nhiệm cho, Chỉ tịch UBKCHC Liên khu (hoặc uỷ viên được Chủ tịch UBKCHC uỷ quyền) sẽ phát hành ngân phiếu cho tất cả các cơ quan đóng ở liân khu, và ký lệnh thu, phát tiền, dưới sự kiểm soát của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Chủ tịch UBKCHC Liên khu không có quyền từ chối phát hành ngân phiếu, trừ những trường hợp đặc biệt do Bộ trưởng Bộ Tài chính ấn định bằng nghị định.
Điều 22
UBKCHC Liên khu được xử dụng quyền công tố tại toà án thường và toà án quân sự, sau khi hỏi ý kiến Giám đốc Tư pháp liên khu. Quyền công tố này ở dưới quyền công tố của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Chưởng lý.
Điều 23
UBKCHC Liên khu có quyền, trong liên khu, ra quyết nghị bắt đem an trí cùng cấm lưu trú, nói trong điều 7 sắc lệnh số 40 ngày 29-3-194 6 và các sắc lệnh tiếp sau đổi sắc lệnh số 40.
UBKCHC:
1- có quyền cho phép bắt người tình nghị có phương hại đến nền độc lập nước nhà.
2- Quyết nghị, sau khi hỏi ý kiến Giám đốc Tư pháp liên khu, đưa đi án trí hoặc ra lệnh cho công cáo uỷ viên truy tố trước toà án quân sự.
3- Quyết nghị, sau khi hỏi ý kiến Giám đốc Tư pháp liên khu, phóng thích những người bị an trí.
Cứ sau tháng một kỳ, UBKCHC Liên khu sẽ họp với Giám đốc Tư pháp liên khu để xét lại tất cả các quyết nghị an trí hay cấm lưu trú, đã ban bố.
Điều 24
1- UBKCHC Liên khu có quyền: ân xá, ân giảm (trừ án tử hình), phóng thích các tội nhân do các toà án (trừ toà án binh tại mặt trận) kết án.
Những tội nhân chỉ được ân xá, ân giảm hoặc phóng thích nếu quá nửa số uỷ viên UBKCHC ưng thuận, sau khi hỏi ý kiến Giám đốc Tư pháp Liên khu.
2- Đối với việc ân xá, ân giảm các án tử hình, UBKCHC Liên khu sẽ triệu tập một hội đồng gồm có ít nhất là Giám đốc Tư pháp Liên khu và quá nửa số uỷ viên trong Uỷ ban để thảo luận. Biên bản cuộc thảo luận đó cùng với đơn xin ân xá, ân giảm sẽ đệ trình lên Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà quyết định.
Điều 25
UBKCHC Liên khu có quyền thiết lập trại giam, tù binh trại giam thường, trại giam an trí.
Điều 26
UBKCHC Liên khu có quyền kiểm soát (cho phép, kiểm duyệt, tịch thu ...) hết thẩy các báo chí, sách vở, ca kịch, truyền đơn, tranh ảnh, phát thanh, khẩu hiệu, in, viết vẽ nói, nếu những loại ấy đem đưa ra công chúng hay cho lưu hành.
Điều 27
UBKCHC Liên khu có quyền trưng thu, trưng dụng.
Gặp trường hợp cần kíp, UBKCHC Liên khu được quyền trưng tập, nhưng phải báo cáo ngay lên Chính phủ.
MỤC 3
CÁCH LÀM VIỆC VÀ PHÂN CÔNG
Điều 28
UBKCHC Liên khu làm việc theo lối tập thể.
Mỗi uỷ viên đều liên đới chịu trách nhiệm về công việc của Uỷ ban.
Điều 29
Chủ tịch UBKCHC Liên khu là đại diện đương nhiên của UBKCHC Chủ tịch Uỷ ban phải:
1- Bao quát, theo rõi mọi công việc trong địa phương,
2- Ban hành những nghị quyết của UBKCHC.
3- Phụ trách giải quyết những việc thường. Đối với những việc quan trọng, có tính chất khẩn cấp, Chủ tịch có thể tự giải quyết rồi báo cáo sau với UBKHHC.
4- Ký các công văn của Uỷ ban (hay có thể uỷ quyền cho một uỷ viên trong uỷ ban ký thay).
Điều 30
Phó Chủ tịch UBKCHC Liên khu thay Chủ tịch khi Chủ tịch vắng mặt hay bị ngăn trở.
Điều 31
Sự phân công giữa các uỷ viên (kể cả Phó Chủ tịch sẽ tuy theo hoàn cảnh và năng lực của mỗi người.)
Điều 32
Việc tổ chức các phòng và ban giúp việc UBKCHC Liên khu sẽ do một nghị định bộ Nội vụ quy định sau.
TIẾT 2
UỶ BAN KHÁNG CHIẾN HÀNH CHÍNH TỈNH
MỤC 1
THÀNH PHẦN
Điều 33
ở mỗi tỉnh đặt một Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh, gồm có 5 hay 7 uỷ viên, thành phần như sau:
- 3 hay 5 uỷ viên do HĐND Tỉnh bầu và do Hội đồngQuốc phòng Tối cao công nhận. Khi bầu, không phải bầu thêm uỷ viên dự khuyết. Người ra ứng cử có thể là người ngoài HĐND.
- 2 uỷ viên (trong đó có 1 uỷ viên quân sự) do Hội đồng Quốc phòng Tối cao chỉ định, theo đề nghị của UBKCHC Liên khu.
Uỷ viên quân sự sẽ chọn trong các chỉ huy cao cấp Vệ quốc quân hay dân quân ở tỉnh.
Điều 34
ở những tỉnh chưa có HĐND, tạm thời các uỷ viên UBKCHC tỉnh đều do Hội đồng Quốc phòng Tối cao chỉ định, theo đề nghị của UBKCHC Liên khu.
Điều 35
Các uỷ viên UBKCHC tỉnh bầu lấy 1 uỷ viên làm Chủ tịch và 1 uỷ viên làm Phó Chủ tịch. Kết quả cuộc bầu Chủ tịch và Phó Chủ tịch do Hội đồng Quốc phòng Tối cao công nhận.
MỤC 2
NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN
Điều 36
UBKCHC Tỉnh là cơ quan chính quyền ở tỉnh có nhiệm vụ:
1- Thực hiện trong tỉnh chính sách của Chính phủ,
2- Thực hiện trong tỉnh những kế hoạch kháng chiến của cấp trên,
3- Thi hành hoặc đôn đốc sự thi hành các sắc lệnh, mệnh lệnh và chỉ thị của các cấp trên,
4- Điều hoà, phối hợp các ngành hoạt động thuộc phạm vi tỉnh,
5- Kiểm soát các ngành hoạt động thuộc phạm vi tỉnh về phương diện đúng với chủ trương, chính sách của Chính phủ,
6- Phụ trách sự trị an trong tỉnh,
7- Điều khiển và kiểm soát UBKCHC cấp dưới,
Điều 37
UBKCHC Tỉnh tổ chức và chỉ huy dân quân theo chương trình và kế hoạch của cấp trên.
UBKCHC Tỉnh tổ chức và chỉ huy đội cảnh vệ tỉnh.
Điều 38
UBKCHC Tỉnh có thể, trong phạm vi địa phương mình, đặt:
1- Quy tắc để thi hành mệnh lệnh, chỉ thị của cấp trên,
2- Quy tắc về cảnh sát.
Điều 39
Thủ tục sự dụng quyền lập quỹ cũng như thủ tục nói trong điều 17 sắc lệnh này.
Điều 40
UBKCHC tỉnh cho phiếu điểm những công chức thuộc ngạch hành chính dưới quyền tỉnh.
Đối với nhân viên các ngành chuyên môn thuộc tỉnh (từ Trưởng ty và các Thẩm phán đệ nhị cấp) UBKCHC tỉnh có thể được UBKCHC Liên khu uỷ quyền ghi ý kiến vào phiếu điểm do các Trưởng ty cho các nhân viên ấy.
Điều 41
Những sáng kiến của các ngành chuyên môn trong tỉnh, nếu có liên quan đến dân chúng, hoặc chính trị, ngành chuyên môn, phải thảo luận với UBKCHC Tỉnh trước khi đề nghị lên cấp trên.
Những sáng kiến của UBKCHC tỉnh, nếu có liên quan đến chuyên môn, thì UBKCHC Tỉnh phải thảo luận với ngành chuyên môn sở quan ở tỉnh trước khi đề nghị lên cấp trên.
Điều 42
1- UBKCHC tỉnh lập và gửi lên UBKCHC Liên khu dự án phần ngân sách của UBKCHC Tỉnh, huyện, thị xã và các cơ quan phụ thuộc khác.
2- UBKCHC tỉnh cho ý kiến vào dự án ngân sách của các ngành chuyên môn thuộc tỉnh.
3- Chủ tịch UBKCHC Tỉnh (hay Uỷ viên được Chủ tịch uỷ quyền) là phụ nhiệm chi thu, và được uỷ quyền phát hành ngân phiếu cho hết thẩy các cơ quan đóng ở tỉnh, và ký lệnh thu, phát tiền, dưới sự kiểm soát của UBKCHC Liên khu và Bộ Tài chính.
Điều 43
Khi cần kíp, UBKCHC tỉnh có thể ra lệnh tạm giữ người tình nghi có phương hại đến nền độc lập nước nhà. Khi sử dụng quyền này, UBKCHC tỉnh phải theo đúng những điều kiện nói trong sắc lệnh số 40 ngày 29-3-1946 và các sắc lệnh tiếp sau sửa đổi lệnh 40.
Điều 44
UBKCHC Tỉnh quản trị các trại giam, trại an trí thuộc tỉnh.
Điều 45
UBKCHC Tỉnh có thể được uỷ quyền của UBKCHC Liên khu để kiểm soát các báo chí v.v... theo điều 36 nói trong sắc lệnh này.
Điều 46
UBKCHC Tỉnh có quyền trưng dụng động sản và bất động sản, tới một thời hạn là ba tháng.
Tuy nhiên, nếu thời hạn trưng dụng bất động sản trên một tháng thì phải được UBKCHC Liên khu duyệt y mới được thi hành việc trưng dụng.
MỤC 3
CÁCH LÀM VIỆC VÀ PHÂN CÔNG
Điều 47
Cách làm việc và phân công của UBKCHC tỉnh cũng giống như cách
làm việc và phân công của UBKCHC Liên khu, nói trong những điều 28, 29, 30, 31, 32 sắc lệnh này.
TIẾT 3
UỶ BAN KHÁNG CHIẾN HÀNH CHÍNH THÀNH PHỐ
MỤC 1
THÀNH PHẦN
Điều 48
Uỷ ban kháng chiến hành chính thành phố gồm có 5 hay 7 uỷ viên (trong đó 1 uỷ viên quân sự). Các uỷ viên do Hội đồng Quốc phòng Tối cao chỉ định, theo đề nghị của UBKCHC Liên khu.
Hội đồng Quốc phòng Tối cao sẽ chỉ định trong số các uỷ viên của UBKCHC thành phố một uỷ viên làm Chủ tịch và một uỷ viên làm Phó Chủ tịch.
Điều 49
Một sắc lệnh riêng sẽ ấn định những thành phố nào cần tổ chức UBKCHC thành phố.
Một sắc lệnh riêng sẽ ấn định chế độ đặc biệt của UBKCHC thành phố Hà Nội.
MỤC 2
QUYỀN HẠN VÀ NHIỆM VỤ
Điều 50
Nhiệm vụ và quyền hạn của UBKCHC thành phố cũng như nhiệm vụ và quyền hạn của UBKCHC tỉnh nói ở những điều từ 36 đến 46 trong sắc lệnh này.
MỤC 3
CÁCH LÀM VIỆC VÀ PHÂN CÔNG
Điều 51
Cách làm việc và phân công của UBKCHC thành phố cũng như cách làm và phân công UBKCHC tỉnh nói trong sắc lệnh này.
TIẾT 4
UỶ BAN KHÁNG CHIẾN HÀNH CHÍNH HUYỆN
MỤC 1
THÀNH PHẦN
Điều 52
ở mỗi huyện đặt một Uỷ ban kháng chiến hành chính huyện gồm có 5 hay 7 uỷ viên (trong đó có một uỷ viên quân sự) do UBKCHC Liên khu chỉ định, theo đề nghị của UBKCHC Tỉnh.
Uỷ viên quân sự sẽ chọn trong những cấp chỉ huy Vệ quốc quân hay dân quân ở huyện.
Điều 53
UBKCHC huyện có 1 Chủ tịch và 1 Phó Chủ tịch cũng do UBKCHC Liên khu chỉ định như trên trong số các uỷ viên.
MỤC 2
NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN
Điều 54
UBKCHC huyện là cơ quan chính quyền địa phương huyện có nhiệm vụ:
1- Thi hành và đôn đốc sự thi hành các sắc lệnh, nghị định, chỉ thị của các cấp trên.
2- Thực hiện trong huyện những kế hoạch kháng chiến của cấp trên,
3- Điều hoà, phối hợp các ngành hoạt động thuộc phạm vi huyện,
4- Phụ trách sự trị an trong huyện,
5- Điều khiển và kiểm soát các UBKCHC xã.
Điều 55
UBKCHC huyện:
1- Tổ chức và chỉ huy dân quân theo chương trình và kế hoạch của cấp trên,
2- Chỉ huy đội cảnh vệ huyện do UBKCHC Tỉnh giao cho.
Điều 56
UBKCHC huyện trong phạm vi địa phương mình có thể đặt quy tắc về cảnh sát, nhưng phải báo cáo ngay lên UBKCHC tỉnh và đợi UBKCHC tỉnh duyệt y. Nếu trong hạn 15 ngày (kể từ ngày gửi báo cáo), không nhận được công văn trả lời của tỉnh thì UBKCHC huyện được thi hành quy tắc ra. Trong trường hợp phải đối phó với những tình thế cấp bách, UBKCHC huyện có thể cho thi hành ngay các quy tắc ấy.
Điều 57
UBKCHC huyện:
1- Cho phiếu điểm những công chức hành chính thuộc quyền,
2- Đối với các ngành chuyên môn trong huyện, UBKCHC huyện có thể được UBKCHC tỉnh uỷ quyền ghi ý kiến vào phiếu điểm của các nhân viên các ngành đó (trừ các Thẩm phán và các nhân viên phụ trách ngành chuyên môn ở huyện).
Điều 58
Trong trường hợp đặc biệt (liên lạc khó khăn, tình thế khẩn cấp v.v..) UBKCHC huyện có thể được UBKCHC tỉnh uỷ quyền ra lệnh tạm giữ những người bị tình nghi có phương hại đến nền độc lập của nước nhà, nhưng trong hạn 15 ngày (kể từ ngày có lệnh bắt), UBKCHC huyện phải đưa người bị can cùng với hồ sơ điều tra sơ lược lên UBKCHC tỉnh quyết định.
Điều 59
UBKCHC huyện có quyền trưng dụng động sản tới một thời hạn 1 tháng, nhưng phải báo cáo lên UBKCHC tỉnh.
MỤC 3
CÁCH LÀM VIỆC VÀ PHÂN CÔNG
Điều 60
Cách làm việc và phân công của UBKCHC huyện cũng như cách làm việc và phân công của UBKCHC Tỉnh nói trong sắc lệnh này.
TIẾT 5
UỶ BAN KHÁNG CHIẾN HÀNH CHÍNH XÃ
UỶ BAN KHÁNG CHIẾN HÀNH CHÍNH THỊ XÃ
MỤC 1
THÀNH PHẦN
Điều 61
ở mỗi xã có một Uỷ ban kháng chiến hành chính xã gồm có 5 hay 7 uỷ viên, thành phân như sau này:- 3 hay 5 uỷ viên do HĐND xã bầu và do UBKCHC Tỉnh công nhận,
- 2 uỷ viên (trong đó có 1 Uỷ viên quân sự) do UBKCHC tỉnh chỉ định, theo đề nghị của UBKCHC huyện.
Uỷ viên quân sự sẽ chọn trong những cấp chỉ huy dân quân ở xã.
Điều 62
Các uỷ viên UBKCHC xã sẽ bầu lấy 1 uỷ viên làm Chủ tịch, 1 uỷ viên làm Phó Chủ tịch và 1 uỷ viên làm Thư ký.
Kết quả cuộc bầu sẽ do UBKCHC Tỉnh công nhận.
Điều 63
ở những xã chưa có HĐND tạm thời các uỷ viên (kể cả Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Thư ký) sẽ do UBKCHC Tỉnh chỉ định, theo đề nghị của UBKCHC huyện.
Điều 64
Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Thư ký họp lại thành Ban Thương vụ của UBKCHC xã.
Điều 65
UBKCHC Thị xã gồm có 5 hay 7 uỷ viên, trong đó có một uỷ viên quân sự do UBKCHC Tỉnh chỉ định.
Điều 66
UBKCHC Thị xã có 1 Chủ tịch, 1 Phó Chủ tịch và 1 Thư ký cũng do UBKCHC Tỉnh chỉ định như trên trong số các uỷ viên.
Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Thư ký họp lại thành ban Thường vụ của UBKCHC Thị xã.
Điều 67
UBKCHC Liên khu sẽ ấn định những thị xã nào cần phải tổ chức UBKCHC Thị xã.
MỤC 2
NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN
Điều 68
UBKCHC xã là cơ quan chính quyền ở Xã có nhiệm vụ:
1- Thi hành và đôn đốc sự thi hành các mệnh lệnh chỉ thị của các cấp trên,
2- Thực hiện trong xã những kế hoạch kháng chiến của các cấp trên.
3- Điều hoà, phối hợp các ngành hoạt động thuộc phạm vi xã,
4- Kiểm soát các công việc của các cơ quan thuộc phạm vi xã về phương diện tinh thần làm việc và sự mẵn cán của các nhân viên thừa hành.
5- Phụ trách sự trị án trong xã.
Điều 69
UBKCHC xã:
1- Tổ chức và chỉ huy dân quân trong xã theo kế hoạch của cấp trên,
2- Điều khiển Ban Trật tự Xã.
Điều 70
Ban thường vụ UBKCHC Xã họp thành Ban Tư pháp Xã, có nhiệm vụ:
1- Hoà giải về tất cả các việc thuộc dân luật và luật thương mại trong phạm vi xã,
2- Xử các việc vi cảnh theo lối điều giải, và chỉ được phạt tiền từ 1 đồng đến 15 đồng,
3- Thi hành các bản án của Toà án.
Điều 71
Nhiệm vụ và quyền hạn của UBKCHC Thị xã cũng giống như nhiệm vụ và quyền hạn của UBKCHC Xã nói trong mục này, song các thị xã trực thuộc với tỉnh.
MỤC 3
CÁCH LÀM VIỆC VÀ PHÂN CÔNG
Điều 72
Cách làm việc của UBKCHC Xã và Thị xã cũng giống như cách làm việc của UBKCHC Huyện nói trong sắc lệnh này.
Điều 73
Một nghị định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ sẽ ấn định chi tiết phân công của UBKCHC Xã và Thị xã.
TIẾT 6
TÍNH CHẤT VÀ KỶ LUẬT CỦA CÁC UỶ BAN
KHÁNG CHIẾN HÀNH CHÍNH
MỤC 1
TÍNH CHẤT
Điều 74
Những uỷ viên UBKCHC các cấp, do cấp trên chỉ định hay do HĐND bầu ra và được cấp trên công nhận, đều có nhiệm vụ thừa hành mệnh lệnh của cấp trên và chịu trách nhiệm hoàn toàn với cấp trên.
Trong mỗi UBKCHC các uỷ viên đều phải liên đới chịu trách nhiệm về công việc của Uỷ ban.
MỤC 2
KỶ LUẬT
Điều 75
Khi một UBKCHC phạm lỗi, tuỳ theo trường hợp nhẹ hay nặng, Uỷ ban đó có thể bị:
1- Cảnh cáo
2- Khiển trách
3- Giải tán.
Việc cảnh cáo hoặc khiển trách một Uỷ ban phạm lỗi, thuộc quyền cấp trên trực tiếp của Uỷ ban đó.
Việc giải tán một Uỷ ban phạm lỗi thuộc quyền cấp trên có nhiệm vụ duyệt y việc thành lập Uỷ ban đó.
Điều 76
Khi một uỷ viên (kể cả Chủ tịch, Phó Chủ tịch) phạm lỗi, tuỳ theo trường hợp nặng hay nhẹ, uỷ viên đó có thể bị:
1- Cảnh cáo
2- Khiển trách
3- Huyền chức
4- Bãi chức
5- Cách chức
Việc cảnh cáo hay khiển trách thuộc quyền cấp trên trực tiếp.
Việc huyền chức, bãi chức hay cách chức, thuộc quyền cấp trên có nhiệm vụ công nhận hay chỉ định uỷ viên có lỗi.
Những uỷ viên bị bãi chức hoặc cách chức đều mất tư cách là hội viên HĐND.
Điều 77
Khi một uỷ viên UBKCHC từ chức, việc quyết định cho hay không cho từ chức thuộc quyền cấp đã công nhân hay chỉ định uỷ viên đó.
Điều 78
Thủ tục ấn định trong sắc lệnh số 9-SL ngày 29-1-1947 về việc bắt giam hoặc truy tố những uỷ viên UBKCHC Khu và Tỉnh phạm lỗi này áp dụng cho uỷ viên UBKCHC ở các cấp Liên khu, Tỉnh và thành phố.
Đối với uỷ viên UBKCHC Huyện, sẽ theo thủ tục đã ấn định cho thẩm phán sơ cấp nói trong sắc lệnh trên.
CHƯƠNG THỨ BA
TRƯỜNG HỢP LIÊN LẠC KHÓ KHĂN
TIẾT 1
LIÊN LẠC KHÓ KHĂN GIỮA TRUNG ƯƠNG VÀ LIÊN KHU
Điều 79
UBKCHC Liên khu được Chính phủ uỷ quyền kiểm soát về mọi phương diện tất cả các ngành hoạt động trong Liên khu.
Điều 80
UBKCHC Liên khu có thể được các Bộ uỷ quyền điều khiển về một hay nhiều phương diện, các ngành hoạt động sở quan trong liên khu.
Điều 81
UBKCHC Liên khu được uỷ quyền ra lệnh thiết quân luật và bãi quân luật trong Liên Khu.
Điều 82
UBKCHC Liên Khu có thể cho phép mở các cuộc lạc quyên.
Điều 83
UBKCHC Liên Khu có quyền, sau khi hỏi ý kiến Giám đốc Liên Khu chuyên môn sở quan, thuyên chuyển, tuyển bổ tạm thời nếu có chỗ khuyết, và tạm huyền chức những nhân viên các cấp và các ngành, (trừ ngành quân sự và các Giám đốc chuyên môn trong Liên Khu), nhưng phải báo cáo ngay lên cấp trên. Các quyết định tuyển bổ và huyền chức phải được duyệt y mới thành chính thức.
UBKCHC Liên Khu có quyền khiển trách các nhân viên nói trên kể cả các giám đốc Liên Khu.
Điều 84
UBKCHC Liên Khu được sử dụng những quyền của Bộ Nội vụ với HĐND các cấp, và của Hội đồng Quốc phòng Tối cao đối UBKCHC và uỷ viên UBKCHC từ cấp tỉnh trở xuống nói trong sắc lệnh này.
Điều 85
UBKCHC Liên Khu có quyền quyết định những khoản chi thu về phần ngân sách của các UBKCHC trong Liên Khu và các cơ quan phụ thuộc, cũng như về phần ngân sách của các ngành khác (kể cả ngành quân sự), sau khi hỏi ý kiến các người phụ trách, các ngành đó.
Điều 86
UBKCHC Liên Khu và Giám đốc Tư pháp Liên Khu họp thành một Hội đồng để xét các việc ân xá, ân giảm các án tử hình (trừ án của Toà án Binh tại mặt trận), Hội đồng này quyết định theo đa số; trong trường hợp phiên bằng nhau thì sẽ quyết định theo ý kiến của Chủ tịch UBKCHC Liên khu.
Điều 87
UBKCHC Liên Khu được uỷ quyền của Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp để thiết lập toà án quân sự trong Liên Khu.
TIẾT 2
LIÊN LẠC KHÓ KHĂN GIỮA TỈNH VÀ LIÊN KHU
Điều 88
Trong tình thế liên lạc khó khăn UBKCHC tỉnh ở phạm vi tỉnh, có thể được UBKCHC Liên Khu uỷ cho một phần hay tất cả quyền hạn lúc thường của UBKCHC Liên Khu, tuỳ theo quyết định của UBKCHC Liên Khu; nếu xét những quyền hạn đó không đủ để UBKCHC tỉnh làm việc, thì UBKCHC Liên khu sẽ đề nghị lên Chính phủ quyết định.
TIẾT 3
TUYÊN BỐ TÌNH THẾ LIÊN LẠC KHÓ KHĂN
Điều 89
Việc công nhận tình thế liên lạc khó khăn ở một địa phương nào, (tỉnh hay Liên Khu) và tuyên bố tình thế đó hết, thuộc quyền Hội đồng Quốc phòng Tối cao quyết định.
Trong trường hợp họp đã tuyên bố tình thế liên lạc khó khăn giữa trung ương và một Liên khu nào, thì Liên khu này được sử dụng quyền Hội đồng Quốc phòng Tối cao để tuyên bố tình thế liên lạc khó khăn giữa Liên Khu đó và một tỉnh trong Liên Khu.
Khi tuyên bố tình thế liên lạc khó khăn hết, thì những quyền hạn đặc biệt nói trong chương này không con nữa.
CHƯƠNG THỨ TƯ
ĐIỀU KHOẢN CHUNG
Điều 90
Hội đồng Quốc phòng Tối cao sẽ ấn định bằng nghị định chi tiết để thi hành sắc lệnh này.
Điều 91
Những luật lệ hay điều khoản trái với sắc lệnh này đều bãi bỏ.
Điều 92
Hội đồng Quốc phòng Tối cao và các vị Bộ trưởng các Bộ chiểu sắc lệnh thi hành.
Hồ Chí Minh
(Đã ký)