Sign In

THÔNG TƯ

CỦA TỔNG CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM SỐ 15/TT-TCD NGÀY 20 THÁNG 6 NĂM 1981 HƯỚNG DẪN THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH SỐ 219 - CP NGÀY 29 THÁNG 5 NĂM 1981 CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ VỀ CÁCH TÍNH TRỢ CẤP BẢO HIỂM XÃ HỘI

Thi hành quyết định số 219 - CP ngày 29 tháng 5 năm 1981 của Hội đồng Chính phủ về phụ cấp lương tạm thời, sau khi thoả thuận với Bộ Tài chính, Bộ Lao động và Bộ Thương binh và xã hội, Tổng Công đoàn Việt Nam hướng dẫn cách tính tiền lương làm cơ sở để trả trợ cấp bảo hiểm xã hội như sau.

1. Trích nộp kinh phí BHXH (1)

Căn cứ quy định hiện hành về việc trích nộp kinh phí BHXH, khoản phụ cấp lương tạm thời được tính vào quỹ lương để làm cơ sở trích nộp kinh phí BHXH bằng 3,7% cho quỹ BHXH của công đoàn quản lý.

2. Trợ cấp thương tật vì tai nạn lao động, trợ cấp mất sức lao động vì bệnh nghề nghiệp.

Trong quyết định nói trên, Hội đồng Chính phủ đã quy định công nhân, viên chức bị thương tật do tai nạn lao động được tăng 100% số tiền trợ cấp đanh lĩnh.

Tổng Công đoàn Việt Nam hướng dân cách giải quyết cụ thể đối với các trợ cấp thương tật vì tai nạn lao động, trợ cấp mất sức lao động vì bệnh nghề nghiệp như sau:

a. Nói các trợ cấp này được tăng 100% có nghĩa là sau khi tính các trợ cấp ấy trên cơ sở lương chính (không kể khoản phụ cấp lương mới ban hành) mới tính tăng 100%. Thí dụ:

-Trợ cấp một lần bằng từ một đến bốn tháng lương chính.

Anh A bị tai nạn lao động có mức lương chính 50đ, tỷ lệ thương tật 20%, được trợ cấp thương tật một lần bằng 2 tháng lương chính. Vậy tính: 2 x 50đ = 100 đ, tăng 100% của khoản 100đ này là 100đ nữa, thành 200đ là số tiền được trợ cấp.

- Trợ cấp hàng tháng.

Anh B bị tai nạn lao động, có mức lương chính 70đ, tỷ lệ thương tật 35%, được trợ cấp thương tật hàng tháng bằng 7% lương chính. Tiền trợ cấp là: 70đ x 7% = 4,90đ

Tăng 100% là 4,90đ nữa, thành 9,80đ, là số tiền được trợ cấp hàng tháng.

b. Đối với CNVC đã có sổ trợ cấp thương tật vì tai nạn lao động hoặc trợ cấp mất sức lao động vì bệnh nghề nghiệp từ trước, thì kể từ ngày 1 tháng 6 năm 1981 được tăng thêm 100% của trợ cấp cũ.

c. Đối với CNVC bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp từ trước ngày 1 tháng 6 năm 1981 mà đến nay mới trợ cấp thì giải quyết như sau:

Lấy ngày chấm dứt thời gian điều trị đối với tai nạn lao động và ngày chứng nhận của hội đồng giám định y khoa đối với bệnh nghề nghiệp làm thời điểm căn cứ để áp dụng quyết định nói trên của Hội đồng Chính phủ.

Nếu thời điểm làm căn cứ này trước ngày 1 tháng 6 năm 1981 thì khoản trợ cấp một lần (từ một đến bốn tháng lương chính) tính như cũ không tăng 100%; nếu là trợ cấp hàng tháng thì từ ngày 1 tháng 6 năm 1981 trở về trước tính như cũ, chỉ kể từ 1 tháng 6 năm 1981 trở về sau mới được tính tăng 100%.

Nếu thời điểm làm căn cứ này từ ngày 1 tháng 6 năm 1981 trở đi thì được tăng thêm 100%.

d. Đối với CNVC bị tai nạn lao động được xếp hạng thương tật từ hạng 6 trở lên hoặc bị bệnh nghề nghiệp được xếp hạng mất sức lao động từ hạng 5 trở lên đã thôi việc, sẽ do Bộ thương binh và xã hội hướng dẫn cách tính trợ cấp.

3. Cách tính tiền lương làm cơ sở tính trợ cấp BHXH khi CNVC nghỉ việc vì ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Khoản tiền lương này trong thông tư liên bộ Nội vụ - Lao động số 1 ngày 23 tháng 1 năm 1962 quy định là mức lương bình quân của 3 tháng trước gồm cả các phụ cấp nếu có, trừ phụ cấp làm thêm giờ, thêm ngày. Quyết định số 235 - CP ngày 9 tháng 12 năm 1970 của Hội đồng Chính phủ quy định lại là lấy mức lương bình quân của 12 tháng trước. Quy định này khó thực hiện và nhiều trường hợp trợ cấp BHXH quá cao so với lương cấp bậc, không có tác dụng khuyến khích lao động sản xuất, củng cố, tăng cường kỷ luật lao động. Vì vậy, sau khi trao đổi thống nhất với các bộ hữu quan và được Phủ thủ tướng (tại công văn số 912 - V1 ngày 18 tháng 3 năm 1981) chấp thuận cho sửa lại cách tính tiền lương làm cơ sở trả trợ cấp BHXH, tổng Công đoàn Việt Nam hướng dẫn cụ thể như sau:

Từ nay các khoản trợ cấp BHXH khi CNVC nghỉ việc vì ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp không tính trên lương bình quân của 3 hoặc 12 tháng nữa, mà chỉ tính trên lương cấp bậc hoặc chức vụ, cộng với các khoản phụ cấp lương có tính chất ổn định.

Các khoản phụ cấp này gồm có:

- Phụ cấp khu vực;

- Phụ cấp biên giới miền núi, hải đảo;

- Phụ cấp thâm niên đặc biệt;

- Phụ cấp trách nhiệm, kỹ thuật (lái xe con, tổ trưởng sản xuất, hiệu trưởng, hiệu phó, kế toán trưởng, trưởng, phó chủ nhiệm khoa, y tá trưởng ngành y tế v.v...);

- Phụ cấp lương tạm thời theo quyết định số 219 - CP ngày 29 tháng 5 năm 1981.

- Phụ cấp ngành nghề. (Những phụ cấp ngành nghề có tính chất ổn định đã được Hội đồng Chính phủ quy định hoặc đã được Bộ Lao động thoả thuận cho thi hành bằng văn bản chính thức được cộng vào lương chính để tính trợ cấp BHXH, cụ thể như phụ cấp ngành dệt, công nhân chăn nuôi, trồng trọt, lái máy kéo, nghề rừng, khai thác mỏ, sản xuất vật liệu xây dựng, phụ cấp bốc xếp, phụ cấp nóng độc hại, phụ cấp thợ đặc biệt giỏi, phụ cấp công trường, công nhân sản xuất muối, phụ cấp nơi làm việc độc hai dễ gây nhiễm trong ngành y tế, phụ cấp CNVC mỏ antimoan...);

- Phụ cấp lưu động khảo sát, đo đạc, phụ cấp lưu động công trường được cộng vào lương chính để tính trợ cấp BHXH.

Những khoản phụ cấp lưu động khác, tiền thưởng trích từ quỹ lương và phụ cấp làm thêm, làm đêm đều không tính.

- Trường hợp đi nằm bệnh viện, đi điều dưỡng ở địa phương khác có phụ cấp khu vực cao hoặc thấp hơn nơi làm việc thì được tính phụ cấp khu vực nơi đến kể từ ngày đầu theo thông tư liên bộ Nội vụ - Lao động số 16 ngày 11 tháng 7 năm 1960.

Phần 1 và 2 trong thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1 tháng 6 năm 1981.

Việc sửa đổi cách tính tiền lương làm cơ sở để tính các khoản trợ cấp BHXH quy định trong phần 3 thì bắt đầu thi hành từ ngày đơn vị nhận được thông tư này.

 

(1) Ký hiệu BHXH và CNVC trong thông tư là chữ tắt "bảo hiểm xã hội" và "công nhân viên chức".

Tổng Công đoàn Việt Nam

Đang cập nhật

(Đã ký)

 

Vũ Định