THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
SỐ 619 /1999/TTLT- TTNN-BTCCBCP NGÀY 12 THÁNG 8 NĂM 1999 CỦA THANH TRA NHÀ NƯỚC, BAN TỔ CHỨC CÁN BỘ CHÍNH PHỦ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN VIỆC TUYỂN DỤNG, CHUYỂN NGẠCH, NÂNG NGẠCH, QUẢN LÝ VÀ XỬ LÝ KỶ LUẬT CÔNG CHỨC THANH TRA
- Thi hành Pháp lệnh Thanh tra ngày 1/4/1990; Pháp lệnh Cán bộ công chức ngày 26/2/1998;
- Căn cứ Nghị định 191/HĐBT ngày 18/6/1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Quy chế thanh tra viên và cộng tác viên thanh tra; Nghị định số 95/1998/NĐ-CP ngày 17/11/1998 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; Nghị định số 97/1998/NĐ-CP ngày 17/11/1998 của Chính phủ về xử lý kỷ luật và trách nhiệm vật chất đối với công chức;
Thanh tra Nhà nước và Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ hướng dẫn thực hiện việc tuyển dụng, chuyển ngạch, nâng ngạch, quản lý và xử lý kỷ luật đối với công chức thanh tra như sau:
I- TUYỂN DỤNG, CHUYỂN NGẠCH, NÂNG NGẠCH
THANH TRA VIÊN
A- TUYỂN DỤNG:
1- Việc tuyển dụng những người về công tác ở các tổ chức thanh tra Nhà nước được thực hiện theo Nghị định số 95/1998/NĐ-CP ngày 17/11/1998 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức và Thông tư số 04/1999/TT-TCCP ngày 20/3/1999 của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ hướng dẫn thực hiện Nghị định số 95/1998/NĐ-CP.
2- Những người dự thi vào cơ quan thanh tra thì Chánh thanh tra Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi chung là Bộ), Chánh thanh tra Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Tỉnh) kiểm tra hồ sơ người dự thi và thống nhất với Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ, Ban Tổ chức chính quyền của Tỉnh để báo cáo với Hội đồng thi của Bộ, Tỉnh xem xét.
2.1- Người dự thi phải đảm bảo phẩm chất chính trị, trình độ đào tạo theo quy định đối với từng ngạch công chức.
2.2- Về tổ chức thi tuyển: Tổ chức thi tuyển công chức thực hiện theo Quyết định số 466/1998/QĐ-TCCP-BCTL ngày 5/9/1998 của Bộ trưởng- Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ về việc ban hành Quy chế thi tuyển công chức và nội quy thi. Nội dung thi tuyển đối với người tuyển vào làm công tác ở cơ quan thanh tra theo nội dung thi vào các ngạch công chức cần tuyển. Riêng đối với người làm công tác thanh tra, xét giải quyết khiếu nại, tố cáo thì theo nội dung thi vào ngạch chuyên viên, nhưng cần chú ý kiến thức pháp luật về thanh tra, khiếu nại, tố cáo. Nội dung trên Chánh thanh tra Bộ, Chánh thanh tra Tỉnh chuẩn bị báo cáo với Hội đồng thi tuyển xem xét để đưa vào nội dung ôn tập và xây dựng đề thi ở ngạch chuyên viên.
B- CHUYỂN NGẠCH:
1- Công chức ở các ngạch chuyên viên và các ngạch khác có trình độ chuyên môn tương đương làm việc trong tổ chức thanh tra Nhà nước, có thời gian tham gia làm công tác thanh tra, xét giải quyết khiếu nại, tố cáo tối thiểu 1 năm trở lên, có năng lực, phẩm chất, đạo đức đảm bảo tiêu chuẩn nghiệp vụ của các ngạch thanh tra viên theo Quyết định số 818/TCCP-VP ngày 21/10/1993 của Bộ trưởng - Trưởng ban tổ chức - Cán bộ Chính phủ về việc ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức ngành thanh tra Nhà nước thì được xét chuyển để bổ nhiệm vào các ngạch thanh tra viên, cụ thể như sau:
1.1- Trường hợp là chuyên viên hoặc các chức danh tương đương thì xét chuyển để bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên (cấp 1).
1.2- Trường hợp là chuyên viên chính hoặc chức danh tương đương thì xét chuyển để bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên chính (cấp 2).
1.3- Trường hợp là chuyên viên cao cấp hoặc chức danh tương đương thì xét chuyển để bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên cao cấp (cấp 3).
2- Việc xét chuyển để bổ nhiệm vào các ngạch thanh tra viên phải thông qua Hội đồng xét chuyển ngạch; Hội đồng xét chuyển ngạch xét duyệt từng hồ sơ cá nhân được đề nghị bổ nhiệm, căn cứ vào kết quả công việc được giao, kết quả đánh giá công chức, các thành viên xem xét và bỏ phiếu kín. Những người đạt tỷ lệ 2/3 số phiếu của các thành viên Hội đồng đồng ý mới lập hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét bổ nhiệm.
2.1- Thành phần Hội đồng xét chuyển ngạch thanh tra viên (có 05 hoặc 07 người) gồm:
2.1.1- Chủ tịch Hội đồng:
- Ở Trung ương là lãnh đạo bộ;
- Ở địa phương là lãnh đạo UBND tỉnh;
2.1.2- Phó chủ tịch Hội đồng:
- Ở Trung ương là Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ của Bộ;
- Ở địa phương là Trưởng ban Tổ chức chính quyền tỉnh;
2.1.3- Uỷ viên thường trực là Chánh thanh tra Bộ, Chánh thanh tra Tỉnh. Uỷ viên thường trực có trách nhiệm chuẩn bị các thủ tục hồ sơ, tài liệu, để báo cáo Hội đồng xét chuyển ngạch thanh tra viên.
2.1.4- Các uỷ viên khác tuỳ theo yêu cầu của Bộ, Tỉnh quyết định cử đại diện lãnh đạo của cơ quan liên quan.
2.2- Hồ sơ cá nhân đề nghị Hội đồng xét chuyển vào các ngạch thanh tra gồm:
2.2.1- Văn bản đề nghị, nhận xét quá trình công tác của cơ quan quản lý trực tiếp công chức;
2.2.2- Phiếu thanh tra viên, 2 (hai) ảnh màu (3x4) (theo mẫu của Thanh tra Nhà nước);
2.2.3- Bản khai kết quả công tác thanh tra (theo mẫu của Thanh tra Nhà nước);
2.2.4- Bản chụp các văn bằng, chứng chỉ (có xác nhận của cơ quan trực tiếp sử dụng và quản lý công chức).
3- Thủ tục đề nghị bổ nhiệm vào các ngạch thanh tra:
3.1- Đối với thanh tra viên cao cấp gồm:
3.1.1- Hồ sơ cá nhân theo quy định tại điểm 2.2 mục B;
3.1.2- Công văn đề nghị của Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh gửi Tổng thanh tra Nhà nước để Tổng thanh tra Nhà nước phối hợp với Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm;
3.1.3 - Biên bản của Hội đồng xét chuyển ngạch (ghi cụ thể kết quả kiểm tra văn bằng, chứng chỉ, ý kiến nhận xét của các thành viên, kết luận của Hội đồng).
3.1.4- Hồ sơ được lập thành 3 (ba) bộ gửi về Thanh tra Nhà nước.
3.2- Đối với thanh tra viên chính gồm:
3.2.1- Hồ sơ cá nhân theo quy định tại điểm 2.2 mục B;
3.2.2- Công văn của Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Tổng thanh tra Nhà nước xem xét bổ nhiệm;
3.2.3- Biên bản của Hội đồng xét chuyển ngạch (ghi cụ thể kết quả kiểm tra văn bằng, chứng chỉ, ý kiến nhận xét của các thành viên, kết luận của Hội đồng).
3-3- Đối với thanh tra viên gồm:
3.3.1- Hồ sơ cá nhân theo quy định tại điểm 2.2 mục B;
3.3.2- Văn bản của Hội đồng xét chuyển ngạch đề nghị Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên;
3.3.3- Biên bản của Hội đồng xét chuyển ngạch (ghi cụ thể kết quả kiểm tra văn bằng, chứng chỉ ý kiến nhận xét của các thành viên, kết luận của Hội đồng).
C- NÂNG NGẠCH:
1- Việc nâng ngạch thanh tra viên lên thanh tra viên chính, thanh tra viên chính lên thanh tra viên cao cấp phải thực hiện qua kỳ thi nâng ngạch.
2- Tổng thanh tra Nhà nước quyết định thành lập Hội đồng thi nâng ngạch thanh tra viên lên thanh tra viên chính (có 05 hoặc 07 người) gồm:
2.1- Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo Thanh tra Nhà nước;
2.2- Phó Chủ tịch Hội đồng là Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ của Thanh tra Nhà nước;
2.3- Các uỷ viên khác là một số Vụ trưởng vụ chuyên ngành của Thanh tra Nhà nước và đại diện của Ban Tổ chức - cán bộ Chính phủ
2.4- Thư ký Hội đồng thi là một chuyên viên theo dõi về công tác thi tuyển thuộc Vụ Tổ chức cán bộ của Thanh tra Nhà nước.
3- Bộ trưởng - Trưởng Ban Tổ chức- Cán bộ Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng thi nâng ngạch thanh tra viên cao cấp.
4- Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng thi nâng ngạch thực hiện theo Quyết định số: 150/1999/QĐ-TCCP ngày 12/02/1999 của Bộ trưởng - Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ về việc ban hành Quy chế thi nâng ngạch công chức.
Nội dung thi, Thanh tra Nhà nước sẽ hướng dẫn cụ thể sau khi thống nhất với Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ.
5- Việc bổ nhiệm đối với những người đạt kỳ thi nâng ngạch:
5.1- Thanh tra viên lên thanh tra viên chính do Tổng thanh tra Nhà nước quyết định bổ nhiệm.
5.2- Thanh tra viên chính lên thanh tra viên cao cấp do Tổng thanh tra Nhà nước và Ban Tổ chức- cán bộ Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm.
5.3- Sau khi bổ nhiệm, việc xếp lương theo quy định hiện hành của Nhà nước.
II- VỀ QUẢN LÝ CÔNG CHỨC THANH TRA .
1- Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, điều động Chánh thanh tra Bộ do Bộ trưởng đề nghị Tổng thanh tra Nhà nước để Tổng thanh tra Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định. Trình tự, thủ tục thực hiện theo quy định hiện hành của Đảng và Nhà nước.
2- Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, điều động Chánh thanh tra Tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Tổng thanh tra Nhà nước xem xét quyết định. Việc bổ nhiệm Chánh thanh tra Tỉnh đảm bảo tiêu chuẩn theo Quyết định số 854QĐ/TTNN ngày 10/9/1994 của Tổng thanh tra Nhà nước. Trình tự, thủ tục thực hiện theo quy định hiện hành của Đảng và Nhà nước.
3- Các chức danh Phó chánh thanh tra Bộ, Phó chánh thanh tra Tỉnh, do Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm theo quy định hiện hành. Quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động các công chức trên gửi về Thanh tra Nhà nước để theo dõi.
4- Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm các ngạch thanh tra viên thực hiện theo quy định tại Nghị định 191/HĐBT ngày 18/6/1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành quy chế thanh tra viên và cộng tác viên thanh tra. Việc điều động thanh tra viên thực hiện như sau:
4.1- Đối với thanh tra viên cao cấp trước khi điều động sang công tác khác thì Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh làm văn bản đề nghị Thanh tra Nhà nước và Ban tổ chức - Cán bộ Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ. Việc điều động thanh tra viên cao cấp chỉ thực hiện khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.
4.2- Đối với thanh tra viên chính trước khi điều động sang công tác khác do yêu cầu nhiệm vụ, công vụ thì Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh có văn bản đề nghị Thanh tra Nhà nước quyết định miễn nhiệm.
4.3- Việc điều động thanh tra viên phải được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền bổ nhiệm.
5- Chánh thanh tra Bộ, Tỉnh thực hiện đánh giá công chức hàng năm theo quy định của Đảng và Nhà nước; thống kê số lượng, chất lượng công chức thanh tra thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành, địa phương mình, định kỳ 6 tháng, 1 năm báo cáo về Thanh tra Nhà nước.
6- Thanh tra viên đã được cấp thẻ thanh tra viên có trách nhiệm quản lý, sử dụng theo quy định. Trường hợp thẻ bị mất phải báo cáo ngay cho người quản lý trực tiếp. Việc cấp, đổi thẻ thanh tra viên, Chánh thanh tra Bộ, Chánh thanh tra Tỉnh có văn bản đề nghị Tổng thanh tra Nhà nước xem xét quyết định. Chánh thanh tra Bộ, Chánh thanh tra Tỉnh có trách nhiệm quản lý, thu hồi thẻ thanh tra viên khi Thanh tra viên chuyển công tác khác, nghỉ hưu và nộp về Thanh tra Nhà nước.
7- Chế độ chính sách đối với thanh tra viên thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước. Thanh tra viên được bổ nhiệm vào ngạch nào thì được hưởng lương ở ngạch đó.
III- XỬ LÝ KỶ LUẬT ĐỐI VỚI CÔNG CHỨC THANH TRA
Về xử lý kỷ luật và trách nhiệm vật chất đối với công chức thanh tra thực hiện theo Nghị định số 97/1998/NĐ-CP ngày 17/11/1998 của Chính phủ về xử lý kỷ luật và trách nhiệm vật chất đối với công chức và Thông tư số 05/1999/TT-TCCP ngày 27/3/1999 của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ hướng dẫn thực hiện Nghị định số 97/1998/NĐ-CP.
Trường hợp xử lý kỷ luật bằng hình thức hạ ngạch, cách chức đối với các chức danh công chức thanh tra thực hiện như sau:
1- Đối với Chánh thanh tra, Phó chánh thanh tra nếu Hội đồng kỷ luật xem xét đề nghị hình thức kỷ luật cách chức thì người đứng đầu cơ quan quản lý trực tiếp xem xét nếu chấp thuận đề nghị của Hội đồng kỷ luật thì đề nghị cấp có thẩm quyền bổ nhiệm quyết định.
2- Đối với thanh tra viên cao cấp (cấp 3) nếu Hội đồng kỷ luật xem xét đề nghị hình thức kỷ luật từ hạ ngạch trở lên, Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh xem xét nếu chấp thuận ý kiến của Hội đồng kỷ luật thì đề nghị Tổng thanh tra Nhà nước và Bộ trưởng - Trưởng ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
3- Thanh tra viên chính (cấp 2) nếu Hội đồng kỷ luật xem xét đề nghị hình thức kỷ luật hạ ngạch, Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh xem xét nếu chấp thuận ý kiến của Hội đồng kỷ luật thì đề nghị Tổng thanh tra Nhà nước quyết định.
4- Thanh tra viên (cấp1) nếu Hội đồng kỷ luật xem xét đề nghị hình thức kỷ luật hạ ngạch trình Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định.
IV- TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm tổ chức chỉ đạo thực hiện các hướng dẫn tại Thông tư này.
2- Cán bộ thuộc các tổ chức Thanh tra Quốc phòng, Thanh tra Công an việc tuyển dụng, chuyển ngạch, nâng ngạch, quản lý và xử lý kỷ luật thực hiện theo quy định của Nhà nước đối với lực lượng vũ trang.
3- Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc phản ảnh về Thanh tra Nhà nước và Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ nghiên cứu, giải quyết.