THÔNG TƯ
CỦA LIÊN BỘ TÀI CHÍNH - TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hướng dẫn tạm thời phương
thức thu, nộp quỹ bảo hiểm xã hội (5%) và kinh phí
công đoàn (2%)
Trong khi chờ các ngành liên quan ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định số 43/CP ngày 22-6-1993 của Chính phủ quy định tạm thời chế độ Bảo hiểm xã hội, các văn bản về thu, nộp kinh phí công đoàn (2%), để có kinh phí chi trả trợ cấp Bảo hiểm xã hội cho các đối tượng ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và chi phí hoạt động của tổ chức công đoàn, Bộ Tài chính và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tạm thời hướng dẫn phương thức thu, nộp quỹ Bảo hiểm xã hội (5%) và kinh phí công đoàn (2%) như sau:
1. Năm 1993, các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức thực hiện trích nộp quỹ Bảo hiểm xã hội (5%) và kinh phí công đoàn (2%) cho tổ chức công đoàn theo hai giai đoạn:
a) Từ 01-01-1993 đến 31-3-1993: Nộp quỹ Bảo hiểm xã hội (5%) và kinh phí công đoàn (2%) tính trên quỹ tiền lương cũ được duyệt từ đầu năm 1993.
b) Từ 01-4-1993 trở đi: nộp quỹ Bảo hiểm xã hội (5%) và kinh phí công đoàn (2%) tính trên quỹ tiền lương mới (Nghị định số 25/CP, 26/CP ngày 23-5-1993 của Chính phủ).
2. Nguồn kinh phí trích nộp và cách hạch toán các khoản trích nộp quỹ Bảo hiểm xã hội (5%) và kinh phí công đoàn (2%) vẫn thực hiện theo các quy định hiện hành.
3. Riêng việc thu, nộp kinh phí công đoàn (2%) tạm thời thực hiện theo quy định sau:
+ Đối với khu vực hành chính sự nghiệp: Cơ quan Tài chính Nhà nước các cấp trích chuyển trực tiếp cho cơ quan Liên đoàn lao động cùng cấp khoản kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương theo quy định tại điểm 1 Thông tư này của các đơn vị do mình quản lý và cấp phát lương.
+ Đối với khu vực sản xuất kinh doanh: Cơ quan thuế các cấp trực tiếp thu kinh phí công đoàn (2%) của các doanh nghiệp, công ty theo quy định tại điểm 1 của Thông tư này và chuyển vào tài khoản của cơ quan Liên đoàn lao động cùng cấp.
4. Cơ quan Tài chính và cơ quan thuế được hưởng lệ phí thu kinh phí công đoàn bằng 2% số thực thu đã nộp vào tài khoản của các cơ quan Liên đoàn lao động các cấp.
5. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ 01-01-1993 cho đến khi có văn bản khác thay thế. Quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc cần phản ảnh kịp thời về Bộ Tài chính và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để hướng dẫn thêm.