• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/08/2016
CHÍNH PHỦ
Số: 55/2016/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 15 tháng 6 năm 2016

 

NGHỊ ĐỊNH

ĐIỀU CHỈNH MỨC LƯƠNG HƯU, TRỢ CẤP MẤT SỨC LAO ĐỘNG, TRỢ CẤP HẰNG THÁNG VÀ TRỢ CẤP ĐỐI VỚI GIÁO VIÊN MẦM NON CÓ THỜI GIAN LÀM VIỆC TRƯỚC NĂM 1995

 

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Bộ luật lao động ngày 18 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật bảo hiểm xã hội ngày 20 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Nghị quyết số 99/2015/QH13 ngày 11 tháng 11 năm 2015 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Chính phủ ban hành Nghị định Điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp hằng tháng và trợ cấp đối với giáo viên mầm non có thời gian làm việc trước năm 1995.

Điều 1. Phạm vi áp dụng

Nghị định này Điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; trợ cấp hằng tháng đối với quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu, cán bộ xã đã nghỉ việc; trợ cấp đối với giáo viên mầm non có thời gian làm việc trước năm 1995.

Điều 2. Đối tượng Điều chỉnh

1. Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động và trợ cấp hằng tháng, bao gồm các đối tượng sau đây:

a) Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động (kể cả người có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người nghỉ hưu từ quỹ bảo hiểm xã hội nông dân Nghệ An chuyển sang theo Quyết định số 41/2009/QĐ-TTg ngày 16 tháng 3 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ); quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hằng tháng.

b) Cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009, Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2003 và Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 1998 của Chính phủ đang hưởng lương hưu và trợ cấp hằng tháng.

c) Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng theo quy định của pháp luật; người đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 91/2000/QĐ-TTg ngày 04 tháng 8 năm 2000, Quyết định số 613/QĐ-TTg ngày 06 tháng 5 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ; công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hằng tháng.

d) Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 130/CP ngày 20 tháng 6 năm 1975 của Hội đồng Chính phủ và Quyết định số 111-HĐBT ngày 13 tháng 10 năm 1981 của Hội đồng Bộ trưởng.

đ) Quân nhân đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2008, Quyết định số 38/2010/QĐ-TTg ngày 06 tháng 5 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ.

e) Công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg ngày 20 tháng 8 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ.

g) Quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 09 tháng 11 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Các đối tượng quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 1 Điều này bắt đầu hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng trong giai đoạn từ ngày 01 tháng 01 năm 2015 đến trước ngày 01 tháng 05 năm 2016.

3. Giáo viên mầm non có thời gian làm việc trong cơ sở giáo dục mầm non trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 có mức lương hưu thấp hơn mức lương cơ sở.

4. Các đối tượng quy định tại các Khoản 1, 2 và Khoản 3 Điều này đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp hằng tháng trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 và người bắt đầu hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng trong giai đoạn từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 đến ngày 31 tháng 12 năm 2016 có mức lương hưu, trợ cấp dưới 2.000.000 đồng/tháng.

Điều 3. Thời Điểm và mức Điều chỉnh

1. Điều chỉnh tăng 8% mức lương hưu, trợ cấp hằng tháng đối với các đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều 2 Nghị định này. Thời Điểm Điều chỉnh tính từ tháng bắt đầu hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng. Riêng các đối tượng đã được Điều chỉnh tăng 8% theo Nghị định số 09/2015/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ thì giữ nguyên mức hưởng.

2. Từ ngày 01 tháng 5 năm 2016, giữ nguyên mức lương hưu, trợ cấp hằng tháng của các đối tượng đã được Điều chỉnh tăng 8% trước đó; đối với người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định nghỉ hưu từ ngày 01 tháng 5 năm 2016 trở đi, lương hưu được tính trên mức lương cơ sở mới 1.210.000 đồng/tháng theo cách tính quy định tại Luật bảo hiểm xã hội.

3. Người có mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động và trợ cấp hằng tháng theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này thấp hơn 2.000.000 đồng/tháng, thì mức hưởng được Điều chỉnh từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 đối với người đang hưởng trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 và tính từ tháng bắt đầu hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng đối với người bắt đầu hưởng trong giai đoạn từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 đến ngày 31 tháng 12 năm 2016, mức Điều chỉnh cụ thể như sau:

a) Tăng thêm 250.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức lương hưu từ 1.750.000 đồng/người/tháng trở xuống; tăng lên bằng 2.000.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức lương hưu từ trên 1.750.000 đồng/người/tháng đến dưới 2.000.000 đồng/người/tháng.

b) Tăng thêm 150.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp hằng tháng từ 1.850.000 đồng/người/tháng trở xuống; tăng lên bằng 2.000.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp hằng tháng từ trên 1.850.000 đồng/người/tháng đến dưới 2.000.000 đồng/người/tháng.

4. Giáo viên mầm non có thời gian làm việc trong cơ sở giáo dục mầm non trước ngày 01 tháng 01 năm 1995, đang hưởng lương hưu trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 và giáo viên mầm non có thời gian làm việc trong cơ sở giáo dục mầm non trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 đến ngày 31 tháng 12 năm 2016, từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 nếu mức lương hưu sau khi đã được Điều chỉnh theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều này mà thấp hơn mức lương cơ sở tại thời Điểm hưởng lương hưu thì được trợ cấp thêm để mức lương hưu bằng mức lương cơ sở.

5. Mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp hằng tháng sau khi Điều chỉnh theo quy định tại Điều này là căn cứ để tính Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp ở những lần Điều chỉnh tiếp theo.

Điều 4. Kinh phí thực hiện

Kinh phí thực hiện Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng áp dụng đối với các đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định này được quy định như sau:

1. Ngân sách nhà nước bảo đảm đối với: Các đối tượng hưởng chế độ bảo hiểm xã hội trước ngày 01 tháng 10 năm 1995; hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 91/2000/QĐ-TTg ngày 04 tháng 8 năm 2000, Quyết định số 613/QĐ-TTg ngày 06 tháng 5 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ và đối tượng quy định tại các Điểm d, đ, e và g Khoản 1 Điều 2 Nghị định này; hưởng lương hưu theo Nghị định số 159/2006/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2006, Nghị định số 11/2011/NĐ-CP ngày 30 tháng 01 năm 2011 và Nghị định số 23/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ.

2. Quỹ bảo hiểm xã hội bảo đảm đối với các đối tượng hưởng chế độ bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 10 năm 1995 trở đi, kể cả đối tượng đang hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng theo Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009, Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2003 và Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 1998 của Chính phủ.

Điều 5. Tổ chức thực hiện

1. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện việc Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp mất sức lao động và trợ cấp hằng tháng đối với các đối tượng quy định tại các Điểm a, b, c Khoản 1 Điều 2 Nghị định này.

2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện việc Điều chỉnh trợ cấp hằng tháng đối với đối tượng quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 2 và đối tượng thuộc trách nhiệm giải quyết của Bộ Quốc phòng quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 2 Nghị định này.

3. Bộ trưởng Bộ Công an có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện việc Điều chỉnh trợ cấp hằng tháng đối với đối tượng quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 2 và đối tượng thuộc trách nhiệm giải quyết của Bộ Công an quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 2 Nghị định này.

4. Bộ Tài chính có trách nhiệm đảm bảo kinh phí Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp hằng tháng đối với các đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm.

5. Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm thực hiện việc Điều chỉnh, chi trả lương hưu, trợ cấp mất sức lao động và trợ cấp hằng tháng đối với các đối tượng quy định tại các Điểm a, b và c Khoản 1 Điều 2 Nghị định này.

6. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện việc chi trả trợ cấp hằng tháng theo quy định tại Nghị định này đối với các đối tượng thuộc phạm vi quản lý.

Điều 6. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 8 năm 2016.

Điều 7. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Xuân Phúc

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.