THÔNG TƯ
LIÊN BỘ ỦY BAN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC - NGÂN HÀNG
NHÀ NƯỚC - BỘ TÀI CHÍNH - BỘ LÂM NGHIỆP
Hướng dẫn thi hành quyết định số 264/CT ngày 22/7/1992
của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về chính sách khuyến khích đầu tư phát triển rừng.
Thi hành Quyết định số 264/CT ngày 22-7-1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) về chính sách khuyến khích đầu tư phát triển rừng. Liên Bộ Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Bộ Tài chính - Bộ Lâm nghiệp hướng dẫn thi hành như sau:
PHẦN I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
1. Ngân sách Nhà nước đầu tư cho rừng phòng hộ xung yếu, rừng đặc dụng, rừng giống quốc gia, rừng gỗ lớn, gỗ quý có chu kỳ sản xuất trên 20 năm và đầu tư hỗ trợ cho các gia đình sinh sống ở vùng cao, vùng đất trống, đồi núi trọc, đồng bào vùng định canh định cư trồng rừng và xây dựng rừng.
2. Nhà nước đầu tư tín dụng ưu đãi cho phát triển rừng để tạo nên những vùng rừng nguyên liệu cho công nghiệp tập trung như nguyên liệu giấy, bột giấy, gỗ chống lò, dăm, ván dăm, ván nhân tạo, nhựa thông...
3. Đầu tư phát triển rừng theo luận chứng kinh tế - kỹ thuật (hoặc báo cáo kinh tế - kỹ thuật, dự án) được cấp có thẩm quyền phê duyệt và được cơ quan có thẩm quyền giao rừng và đất rừng để quản lý, bảo vệ, kinh doanh phát triển rừng.
Đầu tư phát triển rừng được Nhà nước quyết định phê duyệt hàng năm cho ngành Lâm nghiệp (bao gồm phần Trung ương quản lý và địa phương quản lý).
PHẦN II
NỘI DUNG MỤC TIÊU ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN RỪNG
A. Chủ đầu tư là những tổ chức, cá nhân có tư cách pháp nhân về sản xuất, kinh doanh Lâm nghiệp.
1. Đơn vị quốc doanh là các doanh nghiệp Nhà nước bao gồm các Lâm trường quốc doanh, ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, các trung tâm nghiên cứu ứng dụng sản xuất lâm nghiệp, các nông trường quốc doanh, đơn vị quân đội, công an, giáo dục, đào tạo,v.v...
2. Ngoài quốc doanh, hợp tác xã lâm nghiệp, nông nghiệp, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân ... tham gia sản xuất lâm nghiệp.
3. Chủ đầu tư phải có luận chứng kinh tế kỹ thuật (hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật, dự án) theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước. Phải hình thành một cơ cấu rừng phù hợp với chức năng của từng loại rừng, riêng rừng sản xuất phải kết hợp chặt chẽ giữa lâm nghiệp với nông nghiệp, công nghiệp chế biến và thị trường nhằm tạo thành vùng sản xuất hàng hoá, ổn định dân cư và thu hút thêm lao động mới.
- Quy mô luận chứng kinh tế kỹ thuật (hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật, dự án) được xác định trên cơ sở quy mô thích hợp (theo Thông tư liên Bộ số 155-TTLB ngày 29-10-1986 của Uỷ ban xây dựng cơ bản Nhà nước và Bộ Lâm nghiệp).
- Công trình, hạng mục công trình trong luận chứng kinh tế kỹ thuật (báo cáo kinh tế kỹ thuật, dự án) phải có thiết kế, dự toán của cấp có thẩm quyền phê duyệt.
B. Nội dung, phương thức đầu tư phát triển rừng.
I. ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN RỪNG BẰNG VỐN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC.
1. Đầu tư rừng phòng hộ:
a) Mục tiêu là tạo ra được rừng phòng hộ ở các vùng xung yếu (theo đúng quy chế, quy phạm về rừng phòng hộ do Bộ Lâm nghiệp ban hành). Rừng phòng hộ xung yếu được xây dựng và bảo vệ lâu dài.
b) Đầu tư cho rừng phòng hộ xung yếu theo 2 giai đoạn chính là tạo rừng mới từ giai đoạn trồng đến khi rừng khép tán và quản lý, chăm sóc, bảo vệ lâu dài.
- Đầu tư tạo rừng mới:
+ Những nơi thảm thực vật có thể tái sinh tự nhiên để thành rừng. Đầu tư để khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh đến khi rừng khép tán.
+ Đầu tư trồng rừng mới từ khâu gieo ươm cây con, xử lý thực bì, làm đất, trồng mới, chăm sóc quản lý đến khi rừng khép tán.
- Đầu tư quản lý, chăm sóc, bảo vệ rừng phòng hộ sau khi khép tán (bao gồm rừng tự nhiên được quy hoạch cho rừng phòng hộ, rừng phòng hộ trồng mới, rừng được khoanh nuôi tái sinh đã định hình). Thời gian đầu tư giai đoạn này liên tục, bảo đảm duy trì chức năng phòng hộ của rừng không bị phá hoặc xuống cấp.
c) Danh mục các khu rừng phòng hộ xung yếu do Bộ Lâm nghiệp xây dựng trình Chính phủ phê duyệt.
d) Đầu tư hỗ trợ cây giống cho các hộ gia đình sống trong địa bàn vùng rừng phòng hộ xung yếu xây dựng vườn rừng.
2. Đầu tư rừng đặc dụng:
a) Đối tượng đầu tư gồm các Vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu rừng văn hoá xã hội, nghiên cứu thí nghiệm.
b) Nội dung đầu tư theo luận chứng kinh tế kỹ thuật được duyệt (trừ các hạng mục kinh doanh du lịch, các hạng mục này phải vay vốn Nhà nước).
c) Thời gian đầu tư : Đầu tư cho rừng đặc dụng được xác định từ khi được quy hoạch cho đến khi định hình theo luận chứng kinh tế kỹ thuật được duyệt. Riêng vùng đệm (nếu có) Nhà nước đầu tư hỗ trợ ngân sách để trồng rừng và xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho trồng rừng và ổn định dân cư.
d) Danh mục rừng đặc dụng do Bộ Lâm nghiệp xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt.
3. Đầu tư rừng giống quốc gia:
a) Mục tiêu tạo được một hệ thống rừng giống quốc gia và các loài thực vật rừng chủ yếu theo từng vùng sinh thái do Trung ương quản lý.
b) Rừng giống và dự trữ hạt giống quốc gia bao gồm các đối tượng:
- Chuyển hoá từ rừng trồng, rừng tự nhiên.
- Vườn giống: Lai ghép, nghiên cứu xuất xứ (kể cả cây nhập nội)...
- Trồng rừng giống...
c) Thời gian đầu tư cho rừng giống theo luận chứng kinh tế kỹ thuật (báo cáo kinh tế kỹ thuật, dự án) được cấp có thẩm quyền phê duyệt và đầu tư cho đến khi có sản phẩm cung cấp cho trồng rừng.
4. Đầu tư trồng rừng gỗ lớn, gỗ quý:
a) Nhà nước đầu tư ngân sách cho trồng rừng gỗ lớn, gỗ quý có chu kỳ sản xuất trên 20 năm (phụ lục 1) để tạo nên những vùng rừng cho sản phẩm hàng hoá theo luận chứng kinh tế kỹ thuật (dự án, báo cáo kinh tế kỹ thuật) được duyệt và phục vụ lâu dài nền kinh tế quốc dân.
b) Thời gian đầu tư: Ngân sách Nhà nước đầu tư đối với trồng rừng gỗ lớn, gỗ quý theo chu kỳ sinh trưởng từng loại cây và từng vùng được đầu tư đầy đủ từng chu kỳ theo thiết kế và dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt (xem phụ lục 2).
Đối với tập thể, hộ gia đình, cá nhân nhận đất để trồng cây rừng trên 20 năm được Nhà nước hỗ trợ cây giống, hướng dẫn kỹ thuật và làm dịch vụ 2 đầu (nếu cần). Phần Nhà nước cấp, không thu hồi vốn.
c) Thu hồi vốn đầu tư cho rừng sản xuất gỗ lớn, gỗ quý.
Chủ đầu tư được Nhà nước đầu tư vốn ngân sách cho kinh doanh rừng gỗ lớn, gỗ quý khi thu hoạch sản phẩm chính theo thiết kế khai thác được cấp có thẩm quyền phê duyệt và tiêu thụ sản phẩm phải hoàn trả vốn cho Nhà nước và nộp các loại thuế theo luật định.
5. Đầu tư quản lý, bảo vệ, nuôi dưỡng những động vật quý hiếm:
(Điều 4- Nghị định số 18-HĐBT ngày 17-1-1992 của Hội đồng Bộ trưởng nay là Chính phủ) theo luận chứng kinh tế kỹ thuật (hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật) được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
II. ĐẦU TƯ TÍN DỤNG LÃI SUẤT ƯU ĐÃI CHO PHÁT TRIỂN RỪNG.
1. Mục tiêu: Nhà nước đầu tư tín dụng ưu đãi cho phát triển rừng để tạo nên những vùng rừng nguyên liệu cho công nghiệp tập trung như nguyên liệu giấy, bột giấy, gỗ chống lò, dăm, ván dăm, ván nhân tạo, đặc sản, nhựa thông... để bảo đảm đủ nguyên liệu cho các cơ sở công nghiệp phát triển và có hiệu quả cao. Từng thời kỳ, căn cứ vào nhu cầu cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở chế biến công nghiệp tập trung, Bộ Lâm nghiệp công bố danh mục các loại cây, chu kỳ kinh doanh, suất đầu tư, quy mô diện tích đầu tư theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Thời gian đầu tư: Đầu tư tín dụng ưu đãi cho trồng rừng chu kỳ đầu, bảo đảm hai giai đoạn trồng rừng (phụ lục 2) cho đến khi rừng thành thục công nghệ theo từng loại cây trồng và từng vùng (phụ lục 1) theo dự toán và thiết kế được duyệt.
3. Lãi suất, đối tượng đầu tư tín dụng ưu đãi:
Lãi suất ưu đãi bằng 30%-50% lãi suất bình thường (như lãi suất hiện nay là 0,70%/tháng).
Lãi suất ưu đãi và thời gian thu hồi vốn được xác định căn cứ vào:
- Chu kỳ đầu tư dài hay ngắn, chu kỳ đầu tư có sản phẩm thu hoạch khi định hình càng dài thì mức ưu đãi cao hơn.
- Loại cây có góp phần cải tạo đất được khuyến khích đầu tư (ví dụ cây keo lá chàm, keo lá to).
3.1. Trồng rừng nguyên liệu cho công nghiệp (giấy hoặc gỗ chống lò, ván nhân tạo...). Theo luận chứng kinh tế kỹ thuật (báo cáo kinh tế kỹ thuật, dự án) được duyệt của cấp có thẩm quyền.
a) Vùng trung tâm, Đông bắc, Bắc Trung bộ, Tây Nguyên:
- Bạch đàn trắng lãi xuất bằng 30% lãi xuất bình thường.
- Keo lá chàm, Keo tai tượng: lãi xuất bằng 40% lãi xuất bình thường.
- Bồ đề: lãi suất bằng 30% lãi suất bình thường.
- Mỡ: Lãi suất bằng 30% lãi suất bình thường.
- Phi lao: Lãi suất bằng 30% lãi suất bình thường.
- Tre, Mẹt, Luồng: Lãi suất bằng 40% lãi suất bình thường.
- Thông: Lãi suất bằng 30% lãi suất bình thường.
b) Vùng Nam Trung Bộ:
- Bạch đàn, Keo lá tràm: Lãi suất bằng 50% lãi suất bình thường.
- Phi lao: Lãi suất bằng 40% lãi suất bình thường.
c) Vùng Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu long:
- Bạch đàn: Lãi suất bằng 50% lãi suất bình thường.
- Phi lao, Keo các loại: Lãi suất bằng 40% lãi suất bình thường.
3.2. Trồng thông nhựa và đặc sản:
a) Vùng Tây Bắc, Đông Bắc, Trung Tâm:
- Cọ, Khiết, Trúc: Lãi suất bằng 40% lãi suất bình thường.
- Thông nhựa, Quế: Lãi suất bằng 30% lãi suất bình thường.
b) Vùng Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên:
- Thông nhựa, Quế: Lãi suất bằng 30% lãi suất bình thường.
- Đào lộn hột: Lãi suất bằng 50% lãi suất bình thường.
c) Vùng Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ:
- Đào lộn hột: Lãi suất bằng 50% lãi suất bình thường.
- Lá buông, quế: Lãi suất bằng 40% lãi suất bình thường.
4. Lãi suất áp dụng cho miền núi, hải đảo:
- Lãi suất áp dụng cho miền núi, hải đảo được Thống đốc ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố từng thời kỳ (như hiện nay là được giảm 15% lãi suất đầu tư theo kế hoạch Nhà nước).
- Đối tượng được sử dụng lãi suất áp dụng cho miền núi, hải đảo bao gồm trồng rừng công nghiệp chu kỳ 2 trở đi, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, nông lâm kết hợp đối với kinh tế hộ gia đình.
5. Những hộ gia đình ở những vùng khó khăn trong vùng phòng hộ, vùng định canh định cư ngoài chính sách đầu tư của Nhà nước, nếu các hộ gia đình có nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả đều được Nhà nước cho vay vốn không lấy lãi.
6. Công trình chuyển tiếp và phương thức đầu tư:
a) Những công trình, hạng mục công trình đầu tư phát triển rừng sản xuất đã đầu tư từ ngân sách Nhà nước nhưng chưa hoàn thành giai đoạn đầu tư, nay chuyển sang giai đoạn đầu tư tín dụng ưu đãi nếu có nhu cầu và được ghi vào kế hoạch Nhà nước.
b) Những công trình, hạng mục công trình đã đầu tư tín dụng theo quy hoạch, kế hoạch Nhà nước với mức lãi suất hiện hành đối với rừng cung cấp nguyên liệu công nghiệp.
- Công trình, hạng mục công trình đã hoàn thành giai đoạn đầu tư, nhưng chưa đến thời kỳ khai thác sản phẩm chính còn dư nợ. Khi khai thác sản phẩm chính theo quy trình khai thác được cấp có thẩm quyền phê duyệt và tiêu thụ sản phảm thì phải trả nợ gốc và lãi vay một lần (không tính lãi nhập vốn) và không thu hồi lãi hàng tháng.
- Những công trình, hạng mục công trình chưa hoàn thành giai đoạn đầu tư, nếu được tiếp tục ghi trong kế hoạch Nhà nước thì được đầu tư tiếp cho đến khi thành thục Công nghệ (như mục B của Thông tư này).
7. Thời hạn trả vốn và lãi vay:
Mọi chủ rừng đã vay vốn của Nhà nước đều phải hoàn trả Nhà nước đúng thời hạn đã cam kết khi vay.
a) đối với trồng rừng nguyên liệu công nghiệp: Khi khai thác sản phẩm chính theo quy trình khai thác được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tiêu thụ sản phẩm thì phải hoàn trả ngân hàng vốn và lãi một lần (không tính lãi nhập vốn) và không thu hồi lãi hàng tháng.
b) Đối với trồng rừng thông nhựa và cây đặc sản: Khi khai thác sản phẩm chính theo quy trình khai thác được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tiêu thụ sản phẩm thì phải hoàn trả ngân hàng vốn và lãi vay (không tính lãi nhập vốn) và không thu hồi lãi hàng tháng tương ứng với giá trị sản phẩm khai thác hàng năm, nhưng thời hạn trả không quá 5 năm.
Những công trình, hạng mục công trình đã đến thời kỳ trả nợ nhưng không hoàn trả nợ và lãi vay (hoặc trả chưa hết nợ) thì Ngân hàng có quyền chuyển sang chế độ vay quá hạn.
PHẦN III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 1 năm 1993. Các văn bản trước đây trái với Thông tư này đều không có hiệu lực.
2. Trong quá trình thực hiện, có những phát sinh mới cơ sở báo cáo Bộ Lâm nghiệp để làm việc với các ngành có liên quan giải quyết kịp thời.
PHỤ LỤC 1
DANH MỤC MỘT SỐ CÂY TRỒNG CHÍNH
|
Loại cây trồng
|
Vùng
|
Chu kỳ sinh trưởng dưới 20 năm
|
Chu kỳ sinh trưởng trên 20 năm
|
1
|
2
|
3
|
1. Tây Bắc:
Lai Châu, Sơn La
|
Cọ khiết, Đậu thiều, Trẩu, Mạy sang (Tre, Luồng) ...
|
Lát hoa, Sa mộc, Pơ mu ...
|
2. Trung tâm: Hà Giang, Tuyên Quang Lào Cai, Yên Bái, Vỷnh Phú, Hà Tây, Hoà Bình
|
Bạch đàn, Bồ đề, Mỡ Tre luồng, Tre diễn Keo các loại...
|
Quế, Sa mộc, Thông 3 lá, Trám đen, Trám trắng, Chò nâu...
|
3. Đông Bổc: Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Thái, Quảng Ninh,
|
Mỡ, Hồi, Bạch đàn liễu, Bạch đàn camen, Trẩu, Keo Tai tượng, Chẹo,
|
Thông mã vĩ, Thông nhựa, Sa mộc, Sau sau... Hà Bắc Trúc, Giẻ...
|
4. Đồng bằng Bắc bộ: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Hưng, Thái Bình Hà Nam, Ninh Bình
|
Xoan ta, Phi lao, Tre gai Bạch đàn camen, Bạch đàn trắng Trang, Vẹt...
|
Xà cừ, Thông nhựa...
|
5. Bắc Trung Bộ: Thanh Hoá, Nghệ An Hà Tĩnh, Quảng Bình
|
Mỡ, Muồng đen, Phi lao, Tre luồng, Tre mét, Xoan ta, Bạch đàn trắng...
|
Lát hoa, Giổi, Lim xanh Thông nhựa, Quế...
|
6. Nam Trung Bộ: Quảng Nam - Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Phú Yên Khánh Hoà, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận
|
Bạch đàn camen, Bạch đàn trắng, Đào lộn hột, Keo lá tràm, Muồng đen, Phi lao, Lá buông...
|
Quế, Thông nhựa, Thông 3 lá...
|
7. Tây Nguyên: Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc, Lâm Đồng
|
Muồng đen, Keo lá tràm, Mít, Đào lộn hột...
|
Tếch, Thông 3 lá, Thông nhựa, Quế...
|
8. Đông Nam Bộ: Đồng Nai, Sông Bé, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu
|
Bạch đàn camen, Bạch đàn trắng, Đào lộn hột, So đũa, Muồng đen, Keo lá tràm, Đước, Tràm, Trang, Vẹt ...
|
Dầu rái, Dầu tràm, Tếch, Sao...
|
9. Đồng bằng sông Cửu Long
|
Bạch đàn camen, Bạch đàn trắng, Đước, Vẹt, Tràm, Đào lộn hột, Dừa nước, Keo lá tràm, Muồng đen, Phi lao, So đũa ...
|
-
|
PHỤ LỤC 2
CÁC GIAI ĐOẠN LÂM SINH ĐỐI VỚI RỪNG TRỒNG
I. Giai đoạn I: Trồng cây, chăm sóc từ lúc mới trồng cây đến khi rừng khép tán hoặc định hình. Thời gian từ 3 đến 5 năm chia ra 2 bước:
Bước 1: trồng bao gồm tạo cây con, làm đất, trồng, tra dặm, chăm sóc, chống xói mòn, bảo vệ. Thời gian tối thiểu 12 tháng.
Bước 2: Chăm sóc, bảo vệ cho đến khi rừng khép tán hoặc định hình. Bao gồm trồng dặm, chăm sóc, bồi dưỡng đất, phòng chống sâu bệnh, phòng chống người và gia súc phá hoại.
II. Giai đoạn II: nuôi dưỡng bảo vệ từ lúc rừng khép tán đến khi rừng thành thục sinh học hoặc công nghiệp. Thời gian từ 6 đến 30 năm (có thể 5 năm đối với rừng đặc sản, 8 năm đối với rừng công nghiệp, 40 năm đối với rừng gỗ lớn). Chia ra hai bước:
Bước 1: tỉa quang (không thu được sản phẩm) bao gồm tỉa - chăm sóc - nuôi dưỡng - bảo vệ. Thời gian từ 2 đến 5 năm.
Bước 2: tỉa thưa trung gian từ lúc kết thúc tỉa quang đến tỉa thưa lần cuối, bao gồm tỉa thưa điều chỉnh mật độ vệ sinh rừng - bảo vệ.
Tuỳ theo từng loại rừng và tuổi cây dài hay ngắn mà có thể có hoặc không có bước này.