• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 10/10/2007
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 1363/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 10 tháng 10 năm 2007

QUYẾT ĐỊNH

Về việc phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế

___________________________

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng tại tờ trình số 47/TTr-BXD ngày 12 tháng 9 năm 2007 và của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế tại tờ trình số 3686/TTr-UBND ngày 24 tháng 8 năm 2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025 với những nội dung chủ yếu sau:

1. Phạm vi nghiên cứu

Khu kinh tế Chân Mây Lăng Cô bao gồm thị trấn Lăng Cô và các xã Lộc Thuỷ, Lộc Tiến, Lộc Vĩnh thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế với quy mô khoảng 27.108 ha, được giới hạn như sau:

- Phía Bắc và Đông Bắc giáp biển Đông.

- Phía Nam giáp thành phố Đà Nẵng.

- Phía Tây giáp xã Lộc Bình, xã Lộc Trì huyện Phú Lộc.

2. Tính chất

Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô là một trong những trung tâm thương mại quốc tế lớn của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; là trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng có ý nghĩa quốc gia và quốc tế; các ngành kinh tế khác gắn với cảng nước sâu Chân Mây; phát triển đô thị mới hiện đại, phù hợp với điều kiện tự nhiên và bảo vệ gìn giữ cảnh quan, môi trường sinh thái.

3.  Quy mô dân số và đất đai

a) Quy mô dân số: hiện trạng khoảng 40.700 người.

- Đến năm 2015: khoảng 90.000 người.

- Đến năm 2025: khoảng 170.000 người.

b) Quy mô đất đai

Tổng diện tích đất tự nhiên Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô là 27.108 ha, trong đó diện tích khai thác phát triển khu kinh tế khoảng 10.000 ha.

4. Các chỉ tiêu kỹ thuật chính

a) Căn cứ  xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật:

- Quy chuẩn xây dựng Việt Nam.

- Khả năng quỹ đất cho phép phát triển và điều kiện tự nhiên, môi trường.

- Nhu cầu đầu tư vào Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô.

b) Lựa chọn các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật chính

- Chỉ tiêu đất xây dựng đô thị

Đất xây dựng đô thị bình quân: 130 – 150 m2/người, trong đó đất dân dụng bình quân từ 90 – 100 m2/người, đất cây xanh trong khu dân dụng bình quân 10 - 15 m2/người, đất công cộng đô thị bình quân 6 – 10 m2/người.

- Các chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật đô thị

+ Giao thông: đối với khu vực đô thị tính toán với chỉ tiêu của đô thị loại II, diện tích đất dành cho giao thông chiếm từ 18 – 20 % đất xây dựng đô thị;  đối với khu vực công nghiệp - cảng - dịch vụ mạng lưới đường và tỷ lệ đất giao thông cần bảo đảm yêu cầu hoạt động hiệu quả.

+ Cấp nước: chỉ tiêu cấp nước sinh hoạt đô thị khoảng 150 lít/người/ngày đêm; cấp nước cho công nghiệp khoảng 35 - 45 m3/ha/ngày. Tỷ lệ dân đô thị được cấp nước đạt 100 %.

+ Cấp điện: chỉ tiêu cấp điện khu vực đô thị khoảng 700 – 1.200 Kwh/người/năm; chỉ tiêu cấp điện cho công nghiệp khoảng 200 - 400 Kw/ha; chỉ tiêu cấp điện cho hoạt động dịch vụ, thương mại khoảng 40 – 45%tiêu chuẩn cấp điện sinh hoạt.

+ Thoát nước và vệ sinh môi trường: tiêu chuẩn thải nước lấy theo tiêu chuẩn cấp nước tương ứng với từng đối tượng. Nước thải được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi xả ra môi trường đạt tỷ lệ > 80%.

5. Các yêu cầu về phân khu chức năng và tổ chức không gian

a) Khu phi thuế quan

Có quy mô khoảng 950 đến 1.000 ha, là khu vực dự kiến bố trí gắn liền với một phần cảng nước sâu Chân Mây (cảng tự do Chân Mây) bao gồm các khu chức năng cơ bản: khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu trung tâm dịch vụ, thương mại, khu sản xuất gia công tái chế, sửa chữa lắp ráp..., khu trung chuyển hàng hoá, kho bãi.

b) Khu thuế quan

Có quy mô khoảng 9.000 ha, gồm các khu chức năng chính sau:

- Khu dân dụng, có quy mô khoảng 2.000 ha được nghiên cứu với các yêu cầu riêng đối với từng khu vực, cụ thể:

+ Các khu dân cư hiện có cần được quy hoạch cải tạo, đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật - xã hội.

+ Các khu dân cư nằm trong vùng cần được di dời để phát triển các khu chức năng khác của Khu kinh tế. Xác định vị trí, quy mô khu tái định cư bảo đảm thuận lợi cho việc ổn định cuộc sống và phát triển sản xuất.

+ Xác định vị trí, quy mô của đô thị mới với chức năng là đô thị trung tâm khu vực phía Nam tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Khu vực cảng thuế quan

Nghiên cứu, bố trí cảng Chân Mây kết hợp hệ thống bến bãi, kho tàng và các công trình dịch vụ cảng, cung ứng vận tải biển…, theo từng giai đoạn phù hợp với sự phát triển của Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô.

- Các khu công nghiệp

+ Sắp xếp các khu công nghiệp trong Khu kinh tế với các ngành công nghiệp chủ đạo là công nghiệp sạch, công nghiệp nhẹ, công nghiệp kỹ thuật cao, công nghiệp phục vụ du lịch và dịch vụ;

+ Tính toán quy mô và xác định vị trí hợp lý cho các loại hình công nghiệp trên nhằm phát huy được tối đa các lợi thế và tiềm năng của khu vực.  

- Phát triển các khu du lịch và các khu cây xanh sinh thái

Xác định các trung tâm du lịch sinh thái biển, sinh thái đầm phá, sinh thái núi, hệ thống sông, hồ, đầm phá, các khu lâm viên phục vụ cho khai thác phát triển dịch vụ du lịch sinh thái và cải tạo vi khí hậu và bảo vệ nguồn nước.

- Các khu trung tâm

Ngoài các khu trung tâm đô thị phục vụ Khu đô thị mới Chân Mây như trung tâm hành chính, thương mại, y tế, văn hóa, thể dục thể thao…; tổ chức hệ thống các trung tâm chuyên ngành phục vụ sự phát triển của Khu kinh tế như trung tâm thương mại – tài chính quốc tế, trung tâm thông tin quốc tế, các trung tâm dịch vụ du lịch, hệ thống trung tâm mua sắm, trung tâm đào tạo nghề.

6.  Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật

Hệ thống hạ tầng kỹ thuật phải được thiết kế và xây dựng hiện đại đáp ứng những mục tiêu và quan điểm phát triển của Khu kinh tế, đáp ứng nhu cầu sử dụng; bảo đảm mỹ quan, an toàn và vệ sinh môi trường, cụ thể:

a) Giao thông

- Giao thông đối ngoại

+ Xác định tuyến đường sắt và đường bộ cao tốc Bắc Nam đi qua Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.

+ Điều chỉnh hướng tuyến quốc lộ 1A đoạn qua khu du lịch Lăng Cô.

+ Xác định nút giao thông gắn kết hệ thống giao thông quốc gia với hệ thống giao thông Khu kinh tế.

+ Xác định tuyến đường sắt nối đường sắt quốc gia với cảng Chân Mây, xây dựng nhà ga mới cho Khu kinh tế.

+ Đầu tư nâng cao năng lực cảng nước sâu Chân Mây phù hợp với quy hoạch cụm cảng biển Trung Trung bộ và nhu cầu phát triển của Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô.

- Giao thông đối nội

+ Khu vực đô thị: thiết kế phù hợp với tiêu chuẩn đô thị loại I.

+ Mạng đường chính toàn Khu kinh tế đảm bảo tốt mối liên hệ giữa các khu chức năng chính của Khu kinh tế.

b) Chuẩn bị kỹ thuật đất xây dựng

- Tận dụng triệt để địa hình tự nhiên để san đắp nền với mức ít nhất; cao độ nền xây dựng phù hợp với cao độ khống chế toàn khu vực, bảo đảm thuận lợi cho phát triển giao thông.

- Nghiên cứu và đề xuất các giải pháp phòng, chống thiên tai, bão biển, xác định khoảng cách an toàn đối với các công trình dọc bờ biển.

- Sử dụng hệ thống thoát nước mưa riêng hoàn toàn, bảo đảm thoát nước mưa tự chảy, tuân thủ theo địa hình thoát nước lưu vực.

- Nạo vét và kè các khu vực sông suối, hồ chính trong khu vực dự kiến phát triển để không bị sạt lở, làm mất an toàn và cảnh quan.

c) Cấp nước

Bảo đảm nguồn nước cung cấp nước sạch cho Khu kinh tế ngoài hồ Thủy Yên, Thủy Cam; giai đoạn sau bổ sung thêm nguồn nước từ hồ Truồi, đề xuất giải pháp bảo vệ nguồn nước tại khu vực các hồ này.

d) Cấp điện

- Xác định nguồn và giải pháp cung cấp điện cho Khu kinh tế phù hợp với các giai đoạn phát triển của quy hoạch ngành điện.

- Xác định công suất, nhu cầu phụ tải, vị trí, quy mô trạm biến áp, các hành lang tải điện và mạng lưới phân phối chính cùng các thông số kỹ thuật chủ yếu.

- Nghiên cứu đề xuất mạng điện trong Khu kinh tế theo phương án đi ngầm trong các khu đô thị, đảm bảo an toàn sử dụng và yêu cầu mỹ quan.

đ) Thoát nước và vệ sinh môi trường đô thị

- Nghiên cứu giải pháp thoát nước thải và vệ sinh môi trường đô thị bảo đảm hạn chế đến mức tối thiểu việc gây ô nhiễm môi trường nước, đất và môi trường không khí.

- Xác định vị trí và quy mô các trạm xử lý nước thải, công trình xử lý chất thải rắn; giải pháp và mạng lưới thoát nước chính, hồ điều hoà và các   giải pháp bảo vệ môi trường; xác định vị trí, quy mô các khu nghĩa trang.

e) Hệ thống hạ tầng viễn thông

Bảo đảm đồng bộ, hiện đại và đáp ứng với tiêu chuẩn quốc tế.

7. Đánh giá tác động môi trường và đề xuất giải pháp hạn chế ảnh hưởng tới môi trường.

8. Xác định các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư

Phù hợp với dự báo nguồn lực; đề xuất các cơ chế, chính sách quản lý quy hoạch và kiến trúc đô thị và các giải pháp thực hiện quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô.

Điều 2. Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo Ban Quản lý Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô:

- Tổ chức lập Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô đến năm 2025.

- Tổ chức xây dựng và ban hành Quy chế Quản lý xây dựng theo quy hoạch được duyệt.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng và các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

KT. THỦ TƯỚNG

Phó Thủ tướng

(Đã ký)

 

Hoàng Trung Hải

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.