• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 17/11/2003
  • Ngày hết hiệu lực: 05/05/2014
BỘ Y TẾ-BỘ TÀI CHÍNH-BỘ NỘI VỤ
Số: 09/2003/TTLT/BYT-BTC-BNV
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 29 tháng 9 năm 2003

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thực hiện Quyết định số 155/2003/QĐ-TTg

ngày 30/7/2003 của Thủ tướng Chính phủ quy định sửa đổi,

bổ sung một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với

công chức, viên chức ngành y tế

Thi hành Quyết định số 155/2003/QĐ-TTg ngày 30/7/2003 của Thủ tướng Chính phủ quy định sửa đổi, bổ sung một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức ngành Y tế; Liên tịch: Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện như sau:

A. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG:

1. Công chức, viên chức dân y và lực lượng vũ trang thực hiện nhiệm vụ thường trực chuyên môn y tế 24/24 giờ liên tục tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bao gồm:

- Các bệnh viện, viện có giường bệnh (gọi chung là bệnh viện);

- Trung tâm Y tế quận, huyện (bao gồm phòng khám đa khoa khu vực và Nhà hộ sinh), Trung tâm Y tế thuộc các Bộ, Ngành có giường bệnh;

- Cơ sở khám chữa bệnh được thành lập theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính số 14/2002/L-CTN ngày 16/7/2002 của Chủ tịch nước;

- Trạm Y tế xã, phường, thị trấn (gọi chung là trạm y tế xã).

2. Công chức, viên chức dân y và lực lượng vũ trang trực tiếp tham gia dập các ổ dịch và tham gia thường trực chống dịch 24/24 giờ tại các cơ sở y tế Nhà nước quản lý trong vùng có dịch.

3. Công chức, viên chức dân y và lực lượng vũ trang trực tiếp thực hiện phẫu thuật, thủ thuật.

B. CÁC CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP ĐẶC THÙ:

I. CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP THƯỜNG TRỰC 24/24 GIỜ

Công chức, viên chức dân y và lực lượng vũ trang thực hiện nhiệm vụ thường trực chuyên môn y tế 24/24 giờ liên tục tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại điểm 1 mục A của Thông tư này được hưởng chế độ phụ cấp như sau:

1. Mức phụ cấp thường trực:

1.1. Mức phụ cấp thường trực theo mức bình quân người/phiên trực ngày thường gồm các mức sau:

a) Mức phụ cấp thường trực tại khu vực thông thường:

- Mức 45.000 đồng/người/phiên trực: áp dụng đối với thường trực tại bệnh viện hạng I;

- Mức 35.000 đồng/người/phiên trực: áp dụng đối với thường trực tại bệnh viện hạng II; bệnh viện Y học cổ truyền hạng I;

- Mức 25.000 đồng/người/phiên trực: áp dụng đối với thường trực tại bệnh viện hạng III; bệnh viện Y học cổ truyền hạng II và trung tâm y tế quận, huyện, Bộ, Ngành, phòng khám đa khoa khu vực, nhà hộ sinh và Cơ sở khám chữa bệnh được thành lập theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính số 14/2002/L-CTN ngày 16/7/2002 của Chủ tịch nước;

- Mức 10.000 đồng/người/phiên trực: áp dụng đối với thường trực tại trạm y tế xã.

b) Mức phụ cấp thường trực tại khu vực hồi sức cấp cứu và chăm sóc đặc biệt bằng 1,5 lần mức phụ cấp thường trực tại khu vực thông thường của bệnh viện cùng hạng nói trên;

- Khu vực hồi sức cấp cứu bao gồm: Khoa Hồi sức cấp cứu, khoa phẫu thuật gây mê hồi sức, khoa hồi sức sơ sinh, khoa điều trị tích cực, khoa cấp cứu, khoa chống độc;

- Khu vực chăm sóc đặc biệt bao gồm: chăm sóc trẻ sơ sinh non tháng, chăm sóc bệnh nhân tâm thần cấp tính ở các bệnh viện và trung tâm chuyên khoa tâm thần;

1.2. Mức phụ cấp thường trực vào ngày nghỉ tiêu chuẩn hàng tuần (thứ bảy, chủ nhật) bằng 1,3 lần mức phụ cấp thường trực ngày thường;

1.3. Mức phụ cấp thường trực vào ngày lễ, ngày Tết bằng 1,8 lần mức phụ cấp thường trực ngày thường;

1.4. Cách tính mức phụ cấp:

Ví dụ 1: Bác sĩ Nguyễn Văn A công tác tại khoa Hồi sức cấp cứu của bệnh viện đa khoa hạng II, được phân công thường trực 24/24 giờ. Phụ cấp thường trực của bác sĩ A được hưởng như sau:

- Trực vào ngày thường: 35.000đ x 1,5 = 52.500đ;

- Trực vào ngày thứ bảy hoặc chủ nhật: 52.500đ x 1,3 = 67.860đ;

- Trực vào ngày lễ, Tết: 52.500đ x 1,8 = 94.500đ;

Ví dụ 2: Bác sĩ Trần Thị B công tác tại Trung tâm Y tế huyện, được phân công thường trực 24/24 giờ. Phụ cấp thường trực của bác sĩ B được hưởng như sau:

- Trực vào ngày thường: 25.000đ;

- Trực vào ngày thứ bảy hoặc chủ nhật: 25.000 x 1,3 = 32.500đ;

- Trực vào ngày lễ, Tết: 25.000 x 1,8 = 45.000đ;

2. Chế độ nghỉ bù sau phiên trực:

- Công chức, viên chức dân y và lực lượng vũ trang làm nhiệm vụ thường trực chuyên môn y tế 24/24 giờ vào ngày thường hay ngày nghỉ hàng tuần được nghỉ bù 01 ngày và được hưởng nguyên lương;

- Công chức, viên chức dân y và lực lượng vũ trang làm nhiệm vụ thường trực chuyên môn y tế 24/24 giờ vào ngày lễ, Tết được nghỉ bù 02 ngày và được hưởng nguyên lương;

3. Định mức nhân lực trong phiên trực 24/24 giờ tại các cơ sở khám, chữa bệnh và trạm y tế xã được quy định như sau:

- Đối với bệnh viện hạng I: 14 người/phiên trực/100 giường bệnh;

- Đối với bệnh viện hạng II, hạng III, bệnh viện Y học cổ truyền hạng I và trung tâm y tế quận, huyện (bao gồm cả phòng khám đa khoa khu vực và nhà hộ sinh), trung tâm Y tế của các Bộ, ngành: 12 người/phiên trực/100 giường bệnh;

- Đối với trạm y tế xã: 01 người/phiên trực/trạm y tế đối với xã đồng bằng từ 8.000 dân và xã miền núi, biên giới, hải đảo từ 3.000 dân trở xuống; 02 người/phiên trực/trạm y tế đối với xã đồng bằng trên 8.000 dân và xã miền núi, biên giới, hải đảo trên 3.000 dân.

- Đối với cơ sở khám chữa bệnh được thành lập theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính số 14/2002/L-CTN ngày 16/7/2002 của Chủ tịch nước: Bộ Y tế phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và xã hội hướng dẫn cụ thể định mức nhân lực trong phiên trực.

II. CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP CHỐNG DỊCH

1. Mức phụ cấp trực tiếp tham gia dập dịch: công chức, viên chức dân y và lực lượng vũ trang trực tiếp tham gia dập các ổ dịch theo quy định tại điểm 2 mục A của Thông tư này được hưởng phụ cấp chống dịch, mức phụ cấp được tính theo ngày thực tế tham gia như sau:

a) Mức 60.000đ/ngày/người áp dụng đối với các loại dịch tối nguy hiểm là: Bệnh tả, Bệnh Dịch hạch, Bệnh Sốt vàng, Viêm đường hô hấp cấp do vi rút (SARS), Sốt rét, Ebola, Sốt xuất huyết và một số bệnh truyền nhiễm gây dịch chưa rõ nguyên nhân theo công bố của Bộ Y tế;

b) Mức 30.000đ/ngày/người áp dụng đối với các loại dịch khác.

2. Chế độ phụ cấp thường trực chống dịch 24/24 giờ;

a) Mức phụ cấp: Công chức, viên chức tham gia thường trực chống dịch 24/24 giờ tại các cơ sở Y tế thuộc Nhà nước quản lý ở tất cả các tuyến chịu trách nhiệm về chuyên môn, kỹ thuật đối với vùng có dịch được xác định bởi các cơ quan Y tế có thẩm quyền cũng được hưởng mức phụ cấp trực là 40.000đ/người/phiên trực. Mức phụ cấp thường trực vào ngày nghỉ tiêu chuẩn hàng tuần (thứ bảy, chủ nhật) bằng 1,3 lần phụ cấp thường trực ngày thường; nếu thường trực vào ngày lễ, ngày Tết thì mức phụ cấp bằng 1,8 lần phụ cấp thường trực ngày thường.

b) Chế độ nghỉ bù: Công chức, viên chức dân y và lực lượng vũ trang thực hiện nhiệm vụ thường trực chống dịch 24/24 giờ vào ngày thường hay ngày nghỉ hàng tuần được nghỉ bù 01 ngày; nếu thường trực ngày lễ, Tết được nghỉ bù 02 ngày và đều được hưởng nguyên lương.

III. CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP PHẪU THUẬT, THỦ THUẬT

Công chức, viên chức dân y và lực lượng vũ trang trực tiếp thực hiện phẫu thuật, thủ thuật theo quy định tại điểm 3 mục A của Thông tư này được hưởng mức phụ cấp như sau:

1. Mức phụ cấp phẫu thuật:

Đối tượng

Mức phụ cấp (đồng/ca phẫu thuật)

Loại đặc biệt

Loại I

Loại II

Loại III

Người mổ chính, gây mê, châm tê chính

70.000

35.000

25.000

20.000

Người mổ phụ và người phụ gây mê, châm tê

50.000

25.000

20.000

12.000

Người giúp việc ca mổ

30.000

20.000

12.000

6.000

Danh mục phân loại phẫu thuật thực hiện theo Quyết định số 1904/1998/QĐ-BYT ngày 10/8/1998 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Danh mục phẫu thuật, thủ thuật (khi văn bản này được bổ sung, sửa đổi thì sẽ được thực hiện theo văn bản sửa đổi);

- Đối với danh mục phẫu thuật loại IA, IB và IC được hưởng mức phụ cấp phẫu thuật loại I theo quy định trên;

- Đối với danh mục phẫu thuật loại IIA, IIB, IIC được hưởng mức phụ cấp phẫu thuật loại II theo quy định trên.

2. Phụ cấp thủ thuật:

a) Những trường hợp trước đây phải làm phẫu thuật, nay chuyển sang hình thức thủ thuật thì được hưởng phụ cấp bằng 1/3 mức phụ cấp phẫu thuật cùng loại;

b) Bộ Y tế quy định danh mục thủ thuật được hưởng phụ cấp bằng 1/3 mức phụ cấp phẫu thuật cùng loại.

C. NGUỒN CHI TRẢ CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP

1. Nguồn kinh phí thực hiện các chế độ phụ cấp đặc thù của ngành y tế bố trí trong dự toán ngân sách Nhà nước hàng năm giao cho các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương và nguồn thu sự nghiệp của đơn vị.

2. Riêng năm 2003, nguồn chi trả chế độ phụ cấp được thực hiện theo nguyên tắc:

2.1. Các Bộ, cơ quan Trung ương bố trí trong dự toán ngân sách được giao để thực hiện các chế độ phụ cấp đặc thù.

2.2. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí kinh phí trong dự toán được giao để thực hiện chế độ phụ cấp chống dịch và phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật.

2.3. Đối với phụ cấp trực 24/24 giờ của các địa phương:

- Đối với các tỉnh có điều tiết về ngân sách Trung ương, tự sắp xếp trong phạm vi ngân sách địa phương để thực hiện chế độ.

- Đối với các tỉnh vùng cao đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 186/2001/QĐ-TTg ngày 07/12/2001 và 04 tỉnh Tây Nguyên theo Quyết định số 168/2001/QĐ-TTg ngày 30/10/2001 của Thủ tướng Chính phủ, ngân sách Trung ương hỗ trợ 100%.

- Đối với các tỉnh còn lại, ngân sách Trung ương hỗ trợ:

+ 100% phần kinh phí thực hiện chế độ đối với xã thuộc Chương trình 135.

+ 80% phần kinh phí thực hiện chế độ đối với cơ sở khám, chữa bệnh thuộc tỉnh miền núi và các cơ sở khám, chữa bệnh thuộc huyện và xã được công nhận là miền núi.

+ 60% phần kinh phí thực hiện chế độ đối với cơ sở khám, chữa bệnh thuộc tỉnh, huyện và xã không thuộc các quy định nói trên.

Phần kinh phí ngân sách trung ương hỗ trợ theo tỷ lệ nêu trên được xác định trên cơ sở chênh lệch giữa tổng mức kinh phí thực hiện chế độ quy định tại Quyết định số 155/2003/QĐ-TTg ngày 30/7/2003 của Thủ tướng Chính phủ so với nguồn đã bố trí bổ sung trong ngân sách địa phương khi thực hiện Thông tư Liên bộ số 150/LB-TT ngày 16/4/1996 của Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ - Bộ Y tế - Bộ Tài chính hướng dẫn Quyết định số 794/TTg ngày 05/12/1994 của Thủ tướng Chính phủ.

D. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Thông tư liên tịch này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Thông tư số 150/LB-TT ngày 16/4/1996 của Liên Bộ: Ban tổ chức cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) - Bộ Tài chính - Bộ Y tế, Thông tư số 07/2003/TT-LT ngày 15 tháng 1 năm 2003 của Liên bộ: Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính - Bộ Y tế và điểm 1, phần 1 về phụ cấp chống dịch tại Thông tư số 80/2001/TTLT-BTCCBCP-BTC-BYT ngày 05/12/2002 của Liên Bộ: Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ - Bộ Tài chính - Bộ Y tế hướng dẫn thi hành một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức ngành Y tế. Các quy định trước đây trái với Thông này đều bãi bỏ.

Sở Y tế, Sở Tài chính - Vật giá và Ban Tổ chức chính quyền các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này và báo cáo kết quả thực hiện theo định kỳ hàng năm về Liên Bộ.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Liên Bộ để nghiên cứu giải quyết./.

Bộ trưởng Bộ Y tế

Bộ trưởng Bộ Tài chính

Bộ trưởng Bộ Nội vụ

(Đã ký)

(Đã ký)

(Đã ký)

   

Trần Thị Trung Chiến

Nguyễn Sinh Hùng

Đỗ Quang Trung

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.