• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 12/12/2022
BỘ CÔNG AN
Số: 42/2022/TT-BCA
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 27 tháng 10 năm 2022

THÔNG TƯ

Quy định công tác của Giáo viên chủ nhiệm trường giáo dưỡng

Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 13 tháng 11 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 140/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc;

Căn cứ Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng;

Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định công tác của Giáo viên chủ nhiệm trường giáo dưỡng.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về tiêu chuẩn Giáo viên chủ nhiệm, những việc Giáo viên chủ nhiệm không được làm, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Giáo viên chủ nhiệm và nhiệm vụ, quyền hạn trong quản lý, giáo dục, tổ chức lao động, đào tạo nghề nghiệp cho học sinh trường giáo dưỡng của Giáo viên chủ nhiệm trường giáo dưỡng (sau đây viết gọn là Giáo viên chủ nhiệm).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ quan quản lý trường giáo dưỡng.

2. Trường giáo dưỡng.

3. Giáo viên chủ nhiệm.

4. Học sinh đang chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng (sau đây viết gọn là học sinh).

5. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác của Giáo viên chủ nhiệm.

Điều 3. Tiêu chuẩn Giáo viên chủ nhiệm

1. Đáp ứng tiêu chuẩn chức danh của sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an.

2. Có năng lực, nghiệp vụ quản lý, giáo dục, tổ chức lao động, đào tạo nghề nghiệp cho học sinh.

Điều 4. Bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Giáo viên chủ nhiệm

1. Định kỳ hai năm một lần, Giáo viên chủ nhiệm phải tham dự bồi dưỡng kiến thức về pháp luật, tâm lý và nghiệp vụ Giáo viên chủ nhiệm do Hiệu trưởng trường giáo dưỡng tổ chức.

2. Nội dung bồi dưỡng

a) Quy định của pháp luật về tổ chức, hoạt động của Giáo viên chủ nhiệm;

b) Công tác quản lý, giáo dục, tổ chức lao động, đào tạo nghề nghiệp, thực hiện chế độ, chính sách và tổ chức phát động các phong trào thi đua cho học sinh;

c) Các nội dung khác có liên quan đến yêu cầu, nhiệm vụ công tác của Giáo viên chủ nhiệm.

3. Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng có trách nhiệm biên soạn, phát hành tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Giáo viên chủ nhiệm.

Điều 5. Những việc Giáo viên chủ nhiệm không được làm

1. Vay, mượn, xin, mua, bán, trao đổi tiền, đồ vật của học sinh dưới bất kỳ hình thức nào; nhận lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất từ học sinh hoặc thân nhân của học sinh.

2. Tiếp xúc, gặp gỡ thân nhân của học sinh nhằm mục đích vụ lợi. Trường hợp tiếp xúc với thân nhân học sinh để phối hợp quản lý, giáo dục học sinh thì phải được sự đồng ý của Hiệu trưởng trường giáo dưỡng và phải tiếp xúc tại nhà thăm gặp hoặc phòng tiếp công dân của trường giáo dưỡng.

3. Cho học sinh sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc trái quy định, để cho học sinh tàng trữ, sử dụng đồ vật cấm.

4. Có lời nói, hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, phân biệt đối xử với học sinh không đúng quy định.

5. Làm sai lệch hồ sơ, tài liệu liên quan đến học sinh.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 6. Nhiệm vụ quản lý học sinh

1. Nghiên cứu hồ sơ, tìm hiểu lý lịch của học sinh (họ, tên khai sinh, bí danh, tuổi, quê quán, nơi thường trú, thành viên gia đình, quan hệ xã hội, quá trình hoạt động); biết đặc điểm nhân dạng, hành vi vi phạm pháp luật, nguyên nhân, điều kiện thực hiện hành vi vi phạm; diễn biến tư tưởng của từng học sinh. Có sổ ghi chép học sinh trong Đội hoặc Tổ do mình phụ trách, thường xuyên bổ sung, cập nhật thông tin, tài liệu liên quan đến quá trình chấp hành quyết định của học sinh và thực hiện việc quản lý sổ ghi chép theo quy định.

2. Hướng dẫn học sinh những điều cần biết khi vào trường giáo dưỡng.

3. Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc học sinh chấp hành nghiêm nội quy, quy định của trường giáo dưỡng; thực hiện nếp sống văn hóa, vệ sinh cá nhân, buồng ở, phòng ngủ, nơi sinh hoạt chung, giữ gìn an ninh, trật tự trường giáo dưỡng. Tuyên truyền, phổ biến giáo dục học sinh nâng cao ý thức chấp hành các quy định về an toàn, vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường, các quy định khác có liên quan.

4. Xây dựng kế hoạch và phối hợp với Đội nghiệp vụ có liên quan tổ chức khai thác, thu thập thông tin về hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến các đối tượng vi phạm pháp luật đang ở ngoài xã hội mà chưa bị phát hiện, xử lý hoặc học sinh vi phạm nội quy trường giáo dưỡng mà mình biết hoặc liên quan.

5. Trước khi đưa học sinh đi lao động, học tập mười lăm phút, Giáo viên chủ nhiệm phải nắm tình hình, kiểm tra trật tự nội vụ và phối hợp với cán bộ y tế giải quyết cho học sinh ốm, đau nghỉ lao động, học tập.

6. Khi tổ chức cho học sinh tham gia học văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, đi lao động hoặc thực hiện các hoạt động khác, Giáo viên chủ nhiệm phải ký nhận vào sổ giao nhận học sinh của cán bộ trực ban, Cảnh sát bảo vệ, hết giờ làm việc phải trực tiếp đưa học sinh về khu quản lý và bàn giao cho cán bộ trực ban, Cảnh sát bảo vệ và ký vào sổ giao nhận học sinh. Việc đưa học sinh ra khỏi khu quản lý ngoài giờ hành chính phải có ý kiến bằng văn bản của Hiệu trưởng.

7. Trong thời gian tổ chức cho học sinh lao động, học tập, hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao, Giáo viên chủ nhiệm không được tự ý rời khỏi vị trí. Khi có yêu cầu của Hiệu trưởng hoặc có lý do chính đáng cần phải rời khỏi vị trí, Giáo viên chủ nhiệm phải trao đổi với Cảnh sát bảo vệ, nếu Cảnh sát bảo vệ không đủ khả năng quản lý, giám sát học sinh thì phải báo cáo chỉ huy Đội bố trí cán bộ thay thế, nếu không bố trí được cán bộ thay thế thì phải đưa tổ, đội học sinh về khu quản lý.

8. Giáo viên chủ nhiệm đi công tác, nghỉ phép, nghỉ ốm, chuyển công tác hoặc nghỉ hưu phải bàn giao nhiệm vụ quản lý, giáo dục, tổ chức lao động, đào tạo nghề nghiệp đối với Đội hoặc Tổ học sinh cho cán bộ được giao nhiệm vụ thay thế; riêng trường hợp chuyển công tác hoặc nghỉ hưu còn phải bàn giao đầy đủ tài sản, sổ theo dõi và các tài liệu liên quan cho cán bộ được giao nhiệm vụ tiếp nhận.

9. Hướng dẫn học sinh thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo; tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo của học sinh để báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo.

10. Phối hợp với các đội nghiệp vụ xây dựng, tổ chức thực hiện các phương án phòng, chống tình huống đột xuất, bạo loạn, phá hoại trường giáo dưỡng, gây tổn hại sức khỏe, tính mạng, danh dự của cán bộ, học sinh; phòng, chống học sinh trốn hoặc có hành vi vi phạm nội quy trường giáo dưỡng; ngăn chặn đối tượng từ bên ngoài tấn công, gây rối tại trường giáo dưỡng; bảo vệ trường giáo dưỡng an toàn trong mọi tình huống.

11. Phối hợp với cán bộ có trách nhiệm tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát chế độ ăn, mặc, ở, sinh hoạt, học tập, chăm sóc y tế cho học sinh.

Điều 7. Nhiệm vụ giáo dục học sinh

1. Xây dựng kế hoạch giáo dục đối với tổ, đội học sinh, từng học sinh phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm pháp luật, đặc điểm nhân thân và diễn biến tư tưởng của học sinh.

2. Hướng dẫn học sinh đăng ký thi đua; tổ chức thực hiện các phong trào thi đua.

3. Hằng tuần, gặp gỡ học sinh ít nhất 02 lần trở lên để nắm bắt diễn biến tâm lý, kịp thời động viên, tư vấn, giáo dục để học sinh yên tâm chấp hành quyết định; quan tâm thăm hỏi, chăm sóc học sinh ốm đau hoặc có hoàn cảnh đặc biệt. Mỗi tháng phải giáo dục, tư vấn cho ít nhất 1/3 số học sinh trong Đội hoặc Tổ mình phụ trách. Mỗi tuần phải tổ chức 01 buổi sinh hoạt tập thể Đội hoặc Tổ học sinh, việc tổ chức sinh hoạt Đội hoặc Tổ phải ghi chép vào sổ.

4. Nghiên cứu, hướng dẫn, giải thích cho học sinh các quy định liên quan đến học sinh trường giáo dưỡng; phối hợp tuyên truyền thời sự, chính sách, pháp luật, giáo dục phẩm chất đạo đức, nhân cách, lịch sử truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, bản lĩnh, ý chí cho học sinh. Phối hợp tổ chức các hoạt động tư vấn, học nghề, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, vui chơi giải trí, đọc sách, báo, nghe đài, xem truyền hình.

5. Định kỳ tuần, tháng, quý, năm hoặc khi có yêu cầu, tổ chức sinh hoạt tổ, đội học sinh do mình phụ trách để kiểm điểm, đánh giá kết quả rèn luyện, học tập, lao động của tập thể và từng học sinh; tổ chức họp bình xét, xếp loại thi đua, đề nghị khen thưởng, kỷ luật, giảm thời hạn chấp hành quyết định cho học sinh; đồng thời, dự kiến kế hoạch quản lý, giáo dục thời gian tiếp theo.

6. Trường hợp học sinh vi phạm nội quy trường giáo dưỡng, Giáo viên chủ nhiệm lập biên bản, báo cho chỉ huy Đội để báo cáo Hiệu trưởng; đồng thời, phối hợp với các đội nghiệp vụ thu giữ tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm, ghi lời tường trình, tự thuật của người vi phạm và những người có liên quan và đề xuất hình thức xử lý theo quy định.

7. Trong thời hạn 10 ngày trước khi học sinh chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, Giáo viên chủ nhiệm phải đánh giá, nhận xét quá trình chấp hành quyết định, phối hợp với các đội nghiệp vụ có liên quan hoàn thiện thủ tục cho học sinh ra trường theo quy định.

8. Hai tháng trước khi học sinh hết thời hạn chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, Giáo viên chủ nhiệm phải phối hợp với cán bộ phụ trách công tác giáo vụ, hồ sơ đề xuất Hiệu trưởng tổ chức cho học sinh đó học chương trình giáo dục dành cho học sinh sắp ra trường, thông báo cho cá nhân, tổ chức có liên quan theo quy định.

 

 

  Điều 8. Nhiệm vụ tổ chức lao động, đào tạo nghề nghiệp cho học sinh

1. Tham gia xây dựng kế hoạch và tổ chức cho học sinh lao động, đào tạo nghề nghiệp phù hợp với độ tuổi, sức khỏe, giới tính.

2. Hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng, bảo quản đồ vật, tư trang, phương tiện, dụng cụ bảo hộ lao động của học sinh.

3. Đề xuất định lượng, mức ăn thêm phù hợp cho học sinh khi tham gia lao động theo quy định.

4. Quản lý, sử dụng có hiệu quả các loại tài sản, trang thiết bị, phương tiện được giao và kết quả lao động theo quy định.

5. Phối hợp với cán bộ có trách nhiệm thực hiện việc hướng nghiệp, dạy nghề cho học sinh; tổ chức tăng gia sản xuất để cải thiện đời sống cho học sinh khi được Hiệu trưởng trường giáo dưỡng đồng ý.

Điều 9. Quyền hạn của Giáo viên chủ nhiệm

1. Giáo viên chủ nhiệm trong khi làm nhiệm vụ được áp dụng các biện pháp chuyên môn theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an để quản lý, giáo dục học sinh.

2. Định kỳ 01 năm một lần tổ chức Đại hội học sinh, lựa chọn, giới thiệu học sinh thuộc Đội hoặc Tổ do mình phụ trách để bầu vào Ban tự quản học sinh; đề xuất bãi miễn thành viên Ban tự quản thuộc Đội hoặc Tổ học sinh khi học sinh đó vi phạm nội quy trường giáo dưỡng, không đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ hoặc vì lý do chính đáng khác và làm báo cáo đề xuất với Đội nghiệp vụ có liên quan trình Hiệu trưởng ra quyết định công nhận Ban tự quản theo định kỳ 01 năm 01 lần hoặc trong trường hợp cần thiết. 

3. Phối hợp với các đội nghiệp vụ có liên quan để phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, nội quy trường giáo dưỡng; kiểm duyệt thư, quà khi học sinh nhận, gửi.

4. Phối hợp với các đội nghiệp vụ đề xuất hoặc tham gia các cuộc họp xét, đề nghị khen thưởng, kỷ luật, giảm thời hạn, tạm đình chỉ, miễn chấp hành phần thời gian còn lại của quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng cho học sinh do mình phụ trách.

Điều 10. Chế độ báo cáo

1. Hằng tuần (trừ trường hợp đột xuất), Giáo viên chủ nhiệm phải ghi nhận xét tình hình, cập nhật thông tin về kết quả lao động, học tập của tổ, đội và cá nhân học sinh thuộc tổ, đội do mình phụ trách và báo cáo chỉ huy Đội.

Đối với trường hợp xảy ra vụ việc vượt quá thẩm quyền giải quyết của chỉ huy Đội thì chỉ huy Đội có trách nhiệm báo cáo Hiệu trưởng.

2. Hằng tháng, quý, 06 tháng, 01 năm, Giáo viên chủ nhiệm phải viết báo cáo kết quả công tác quản lý, giáo dục học sinh gửi chỉ huy Đội. Chỉ huy Đội có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo Hiệu trưởng.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 11. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12 tháng 12 năm 2022 và thay thế Thông tư số 30/2016/TT-BCA ngày 11 tháng 7 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về công tác Giáo viên chủ nhiệm ở trường giáo dưỡng.

Điều 12. Trách nhiệm thi hành

1. Cục trưởng Cục Cảnh quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.

2. Thủ trưởng đơn vị thuộc cơ quan Bộ, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương báo cáo về Bộ Công an (qua Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng) để kịp thời hướng dẫn./.

 

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Đại tướng Tô Lâm

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.