• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 18/03/2023
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Số: 03/2023/TT-BGDĐT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 6 tháng 2 năm 2023

THÔNG

Ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động

của trường phổ thông dân tộc bán trú

 

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 69/2017/NĐ-CP">86/2022/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Nghị định số 69/2017/NĐ-CP">127/2018/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục dân tộc;

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc bán trú.

Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc bán trú.

Điều 2. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 18 tháng 3 năm 2023 và thay thế Thông tư số 24/2010/TT-BGDĐT ngày 02 tháng 8 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc bán trú và Thông tư số 30/2015/TT-BGDĐT ngày 11 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc bán trú ban hành kèm theo Thông tư số 24/2010/TT-BGDĐT ngày 02 tháng 8 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục dân tộc, Thủ trưởng các đơn vị liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

QUY CHẾ

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

CỦA TRƯỜNG PHỔ THÔNG DÂN TỘC BÁN TRÚ
 (Ban hành kèm theo Thông tư số 03/2023/TT-BGDĐT ngày 06 tháng 02 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

 

 
  1/01/clip_image001.gif" width="167" />

 

 

 

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quy chế này quy định về tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc bán trú (sau đây viết tắt là trường PTDTBT) bao gồm: tổ chức và quản lý nhà trường; hoạt động giáo dục của trường PTDTBT; nhiệm vụ và quyền của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, giáo viên, nhân viên và học sinh bán trú; quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội.

2. Quy chế này áp dụng đối với trường PTDTBT, tổ chức và cá nhân có liên quan.

3. Trường PTDTBT được tổ chức và hoạt động theo các quy định của Điều lệ trường tiểu học, Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học (sau đây gọi chung là Điều lệ trường phổ thông) và các quy định tại Quy chế này.

Điều 2. Điều kiện học sinh được học trường phổ thông dân tộc bán trú và học sinh bán trú

1. Điều kiện học sinh được học trường phổ thông dân tộc bán trú: Học sinh trong độ tuổi tiểu học và trung học cơ sở thuộc địa bàn tuyển sinh của nhà trường theo quy định của cấp có thẩm quyền.

2. Học sinh bán trú: Học sinh thuộc đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ được cấp có thẩm quyền xét duyệt theo quy định của Chính phủ, do không thể tự đi đến trường hoặc điểm trường và trở về nhà trong ngày.

Điều 3. Trường phổ thông dân tộc bán trú

1. Trường PTDTBT được Nhà nước thành lập cho học sinh dân tộc thiểu số, học sinh thuộc gia đình định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nhằm góp phần thực hiện bình đẳng trong tiếp cận giáo dục và mục tiêu phát triển bền vững lĩnh vực giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

2. Trường PTDTBT bảo đảm ổn định tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số và tỷ lệ học sinh bán trú như sau:

a) Tỷ lệ học sinh là người dân tộc thiểu số: Có ít nhất 50% trong tổng số học sinh của toàn trường là người dân tộc thiểu số.

b) Tỷ lệ học sinh bán trú:

- Đối với trường PTDTBT tiểu học: Có ít nhất 20% học sinh bán trú;

- Đối với trường PTDTBT trung học cơ sở: Có ít nhất 45% học sinh bán trú;

- Đối với trường PTDTBT tiểu học và trung học cơ sở: Có ít nhất 32,5% học sinh bán trú hoặc có ít nhất 20% học sinh tiểu học bán trú và 45% học sinh trung học cơ sở bán trú.

3. Hệ thống trường PTDTBT gồm có:

a) Trường PTDTBT tiểu học;

b) Trường PTDTBT trung học cơ sở;

c) Trường PTDTBT tiểu học và trung học cơ sở.

Điều 4. Nhiệm vụ và quyền hạn của trường phổ thông dân tộc bán trú

Trường PTDTBT thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định hiện hành tại Điều lệ trường phổ thông và các nhiệm vụ, quyền hạn sau:

1. Tổ chức xét duyệt học sinh bán trú theo quy định của Chính phủ.

2. Tổ chức quản lý, giáo dục, nuôi dưỡng và chăm sóc học sinh bán trú.

3. Tổ chức các hoạt động giáo dục theo quy định tại khoản 2 Điều 11 của Quy chế này.

4. Thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh theo quy định của Nhà nước.

5. Thực hiện xã hội hóa để phục vụ các hoạt động giáo dục của nhà trường.

6. Phối hợp với gia đình và xã hội trong thực hiện quản lý, giáo dục, nuôi dưỡng và chăm sóc học sinh bán trú.

Điều 5. Tên trường, biển tên trường

1. Tên trường được quy định như sau: Trường phổ thông dân tộc bán trú + cấp học (tiểu học; trung học cơ sở; tiểu học và trung học cơ sở) + tên riêng của trường.

2. Tên trường được ghi trên quyết định thành lập trường, con dấu của trường, biển tên trường và giấy tờ giao dịch.

3. Biển tên trường ghi những nội dung sau:

a) Góc phía trên bên trái:

- Dòng thứ nhất: Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện) và tên huyện;

- Dòng thứ hai: Phòng Giáo dục và Đào tạo.

b) Ở giữa ghi tên trường theo quy định tại khoản 1 của Điều này. Đối với trường PTDTBT tiểu học, trường PTDTBT tiểu học và trung học cơ sở có điểm trường, tên điểm trường ghi dưới tên trường.

c) Dưới cùng ghi địa chỉ, số điện thoại, email, website (nếu có) của nhà trường.

 

Chương II

TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ NHÀ TRƯỜNG

 

Điều 6. Cơ cấu tổ chức của trường phổ thông dân tộc bán trú

1. Cơ cấu tổ chức của trường PTDTBT thực hiện theo quy định tại Điều lệ trường phổ thông. Ngoài ra, mỗi trường có thêm một Tổ quản lý học sinh bán trú để thực hiện nhiệm vụ quản lý, nuôi dưỡng và chăm sóc học sinh bán trú.

2. Tổ quản lý học sinh bán trú có tổ trưởng, nếu có từ 7 thành viên trở lên thì có tổ phó. Tổ trưởng, tổ phó do hiệu trưởng bổ nhiệm, chịu sự quản lý, chỉ đạo của hiệu trưởng. Tổ quản lý học sinh bán trú có những nhiệm vụ sau:

a) Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện quản lý, nuôi dưỡng và chăm sóc học sinh bán trú theo tuần, tháng, học kỳ, năm học; phối hợp với các tổ chuyên môn xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường;

b) Tổ chức sinh hoạt ít nhất 01 lần trong 02 tuần để rà soát, triển khai nhiệm vụ của tổ và có thể họp đột xuất theo yêu cầu công việc hoặc khi hiệu trưởng yêu cầu;

c) Thực hiện các nhiệm vụ khác do hiệu trưởng phân công.

Điều 7. Phân cấp quản lý trường phổ thông dân tộc bán trú

1. Trường PTDTBT tiểu học, trường PTDTBT trung học cơ sở và trường PTDTBT tiểu học và trung học cơ sở do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập và Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý.

 2. Phòng Giáo dục và Đào tạo giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục đối với trường PTDTBT tiểu học, trường PTDTBT trung học cơ sở và trường PTDTBT tiểu học và trung học cơ sở.

Điều 8. Nhiệm vụ và quyền của hiệu trưởng

Hiệu trưởng trường PTDTBT thực hiện các nhiệm vụ và quyền quy định tại Điều lệ trường phổ thông, ngoài ra còn có các nhiệm vụ và quyền sau:

1. Nắm vững chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, hiểu biết về văn hóa, phong tục, tập quán các dân tộc thiểu số và đặc điểm tâm lý học sinh dân tộc của địa phương.

2. Tổ chức thực hiện nhiệm vụ của trường PTDTBT quy định tại Điều 4 của Quy chế này.

3. Phối hợp với chính quyền, cơ quan đoàn thể, tổ chức xã hội ở địa phương trong việc quản lý, giáo dục, nuôi dưỡng và chăm sóc học sinh bán trú.

4. Được bồi dưỡng nâng cao năng lực về kiến thức dân tộc, tiếng dân tộc thiểu số, quản lý giáo dục học sinh bán trú, quản lý các hoạt động giáo dục đặc thù và được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi theo quy định của Nhà nước.

Điều 9. Nhiệm vụ và quyền của phó hiệu trưởng

Phó hiệu trưởng trường PTDTBT thực hiện các nhiệm vụ và quyền quy định tại Điều lệ trường phổ thông, ngoài ra còn có các nhiệm vụ và quyền sau:

1. Nắm vững chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, hiểu biết về phong tục, tập quán các dân tộc thiểu số và đặc điểm tâm lý học sinh dân tộc của địa phương.

2. Chỉ đạo, điều hành công việc quản lý, giáo dục, nuôi dưỡng và chăm sóc học sinh bán trú theo phân công của hiệu trưởng.

3. Được bồi dưỡng nâng cao năng lực về kiến thức dân tộc, tiếng dân tộc thiểu số, quản lý giáo dục học sinh bán trú, quản lý các hoạt động giáo dục đặc thù và được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi theo quy định của Nhà nước.

Chương III

HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC

CỦA TRƯỜNG PHỔ THÔNG DÂN TỘC BÁN TRÚ

 

Điều 10. Tuyển sinh

Trường PTDTBT thực hiện tuyển sinh theo yêu cầu phổ cập giáo dục bắt buộc đối với giáo dục tiểu học, yêu cầu phổ cập giáo dục trung học cơ sở theo quy định của pháp luật.

Điều 11. Hoạt động giáo dục của trường phổ thông dân tộc bán trú

1. Chương trình giáo dục và kế hoạch giáo dục

Trường PTDTBT thực hiện chương trình giáo dục và kế hoạch giáo dục theo quy định tại Điều lệ trường phổ thông.

2. Hoạt động giáo dục

Trường PTDTBT thực hiện các hoạt động giáo dục theo quy định tại Điều lệ trường phổ thông và các hoạt động giáo dục đặc thù sau:

a) Giáo dục học sinh về chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước; bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; kỹ năng sống và bảo vệ môi trường;

b) Giáo dục lao động vệ sinh trường, lớp, cải thiện điều kiện ăn, ở, học tập của học sinh;

c) Tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; tham quan, lễ hội, tết dân tộc, giao lưu văn hóa nhằm góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc;

d) Tổ chức nấu ăn tập thể cho học sinh bán trú bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm; chăm sóc sức khỏe cho học sinh.

 

Chương IV

NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN CỦA GIÁO VIÊN,

NHÂN VIÊN VÀ HỌC SINH

 

Điều 12. Nhiệm vụ và quyền của giáo viên

Giáo viên trường PTDTBT thực hiện các nhiệm vụ và quyền quy định tại Điều lệ trường phổ thông và các nhiệm vụ, quyền sau:

1. Tìm hiểu, nắm vững phong tục tập quán và đặc điểm tâm lý học sinh dân tộc của địa phương.

2. Vận dụng phương pháp dạy học phù hợp đối tượng học sinh; tham gia quản lý, giáo dục, nuôi dưỡng và chăm sóc học sinh bán trú; tổ chức thực hiện các nội dung giáo dục đặc thù trong nhà trường.

3. Được bồi dưỡng nâng cao năng lực về kiến thức dân tộc, tiếng dân tộc thiểu số, nội dung, phương pháp quản lý, giáo dục, nuôi dưỡng và chăm sóc học sinh bán trú, tổ chức thực hiện các nội dung giáo dục đặc thù trong nhà trường và được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi theo quy định của Nhà nước.

Điều 13. Nhiệm vụ và quyền của nhân viên

Nhân viên trường PTDTBT thực hiện các nhiệm vụ và quyền quy định tại Điều lệ trường phổ thông và các nhiệm vụ, quyền sau:

1. Tìm hiểu phong tục tập quán và đặc điểm tâm lý học sinh dân tộc của địa phương.

2. Phối hợp với giáo viên và các nhân viên khác thực hiện nhiệm vụ quản lý, nuôi dưỡng, chăm sóc học sinh bán trú và tổ chức thực hiện các nội dung giáo dục đặc thù trong nhà trường.

3. Được bồi dưỡng nâng cao năng lực về kiến thức dân tộc, tiếng dân tộc thiểu số, nội dung, phương pháp quản lý, giáo dục, nuôi dưỡng và chăm sóc học sinh bán trú, tổ chức thực hiện các nội dung giáo dục đặc thù trong nhà trường và được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định của Nhà nước.

Điều 14. Nhiệm vụ và quyền của học sinh bán trú

Học sinh bán trú thực hiện các nhiệm vụ và quyền quy định tại Điều lệ trường phổ thông, ngoài ra còn có các nhiệm vụ và quyền sau:

1. Thực hiện nội quy nội trú của nhà trường.

2. Giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình, tôn trọng bản sắc văn hóa của các dân tộc khác.

3. Được bố trí ăn, ở, sinh hoạt trong khu nội trú và được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định của Nhà nước.

Chương V

QUAN HỆ GIỮA NHÀ TRƯỜNG, GIA ĐÌNH VÀ XÃ HỘI

 

Điều 15. Ban đại diện cha mẹ học sinh

Nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh từng lớp, từng trường PTDTBT được thực hiện theo quy định tại Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh và các nhiệm vụ, quyền hạn sau:

1. Ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp, giáo viên bộ môn, nhân viên hỗ trợ, phục vụ và cha mẹ học sinh tham gia quản lý, giáo dục, nuôi dưỡng và chăm sóc học sinh bán trú.

2. Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường phối hợp với nhà trường tham gia quản lý, giáo dục, nuôi dưỡng và chăm sóc học sinh bán trú; huy động nguồn lực từ cha mẹ học sinh để cải thiện điều kiện ăn, ở, học tập của học sinh bán trú.

Điều 16. Mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội

1. Trường PTDTBT chủ động phối hợp thường xuyên và chặt chẽ với gia đình học sinh trong quản lý, giáo dục, nuôi dưỡng, chăm sóc bảo đảm an toàn cho học sinh bán trú và hoạt động giáo dục đặc thù theo quy định tại khoản 2 Điều 11 của Quy chế này.

2. Trường PTDTBT phối hợp với chính quyền, đoàn thể tại địa phương, tổ chức xã hội và cá nhân có liên quan để thực hiện các mục tiêu giáo dục; huy động các lực lượng và nguồn lực của cộng đồng xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn và quản lý, giáo dục, nuôi dưỡng, chăm sóc học sinh bán trú./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Ngô Thị Minh

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.