THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH ĐO ĐẠC, BÁO CÁO, THẨM ĐỊNH KẾT QUẢ GIẢM NHẸ PHÁT THẢI KHÍ NHÀ KÍNH VÀ KIỂM KÊ KHÍ NHÀ KÍNH LĨNH VỰC LÂM NGHIỆP
Căn cứ Nghị định số 105/2022/NĐ-CP ngày 22 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 17 tháng 11 năm 2020;
Căn cứ Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Lâm nghiệp;
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư quy định đo đạc, báo cáo, thẩm định kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính lĩnh vực lâm nghiệp.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về quy trình, nội dung thực hiện đo đạc, báo cáo, thẩm định kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính lĩnh vực lâm nghiệp.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đo đạc, báo cáo, thẩm định kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính lĩnh vực lâm nghiệp.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Đo đạc, báo cáo, thẩm định kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính là hoạt động thu thập, xử lý, quản lý, lưu trữ, cung cấp, kiểm tra thông tin và thẩm định kết quả thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính lĩnh vực lâm nghiệp.
2. Biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính lĩnh vực lâm nghiệp là các hoạt động can thiệp nhằm giảm phát thải khí nhà kính và tăng hấp thụ các-bon rừng.
3. Mức phát thải cơ sở là mức phát thải và hấp thụ khí nhà kính trong một giai đoạn cụ thể sau năm cơ sở của khu vực thực hiện biện pháp giảm nhẹ khi không thực hiện biện pháp giảm nhẹ đó.
4. Năm cơ sở là mốc thời gian tham chiếu để bắt đầu xây dựng mức phát thải cơ sở và đo đạc kết quả giảm nhẹ của các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
5. Vùng sinh thái lâm nghiệp sử dụng trong đo đạc, báo cáo, thẩm định kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính, bao gồm các vùng: Tây Bắc Bộ, Đông Bắc Bộ, Đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ.
6. Nguồn phát thải khí nhà kính là nơi gây ra phát thải khí nhà kính vào khí quyển do bất kỳ quá trình hoặc hoạt động tác động vào rừng gây suy giảm sinh khối; chuyển đổi đất có rừng thành đất không có rừng.
7. Bể hấp thụ khí nhà kính là nơi hấp thụ và lưu giữ khí nhà kính từ khí quyển do quá trình tăng trưởng, tái sinh rừng tự nhiên; các hoạt động bảo vệ rừng, làm giàu rừng, nuôi dưỡng rừng tự nhiên, trồng và chăm sóc rừng trồng.
8. Kiểm kê khí nhà kính là hoạt động thu thập thông tin, số liệu, tính toán lượng phát thải và lượng hấp thụ khí nhà kính tại một năm cụ thể.
9. Các loại khí nhà kính kiểm kê, bao gồm: Carbon dioxide (CO2), Methane (CH4) và Nitrous oxide (N2O). Các loại khí CH4 và N2O sau khi tính toán được quy đổi thành khí CO2 tương đương (CO2tđ) theo Hướng dẫn của Ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC).
10. Số liệu hoạt động sử dụng cho kiểm kê khí nhà kính gồm các số liệu về diện tích các trạng thái rừng; số liệu khai thác gỗ, củi; số liệu diện tích các trạng thái rừng bị thiệt hại do cháy rừng, thiên tai, sinh vật gây hại rừng tại năm kiểm kê; số liệu biến động diện tích giữa các trạng thái rừng, chuyển đổi đất có rừng sang các loại đất khác và ngược lại trong một khoảng thời gian nhất định.
11. Hệ số phát thải khí nhà kính là hệ số được sử dụng để tính toán lượng phát thải, hấp thụ khí nhà kính cho một nguồn phát thải, bể hấp thụ khí nhà kính.
12. Kiểm soát chất lượng là quy trình nội bộ để kiểm soát và bảo đảm tính đầy đủ, sự nhất quán, minh bạch và độ tin cậy của số liệu hoạt động, hệ số phát thải và các thông số khác sử dụng trong đo đạc, báo cáo, thẩm định kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính.
13. Đảm bảo chất lượng là quy trình do bên thứ ba độc lập thực hiện để kiểm soát và bảo đảm tính đầy đủ, sự nhất quán, minh bạch và độ tin cậy của số liệu hoạt động, hệ số phát thải và các thông số khác sử dụng trong đo đạc, báo cáo, thẩm định kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính.
Chương II
ĐO ĐẠC, BÁO CÁO, THẨM ĐỊNH KẾT QUẢ GIẢM NHẸ PHÁT THẢI KHÍ NHÀ KÍNH LĨNH VỰC LÂM NGHIỆP
Điều 4. Nội dung thực hiện đo đạc kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính
1. Tài liệu sử dụng để đo đạc kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính:
a) Kết quả công bố hiện trạng rừng toàn quốc hằng năm, báo cáo kết quả điều tra, kiểm kê và theo dõi diễn biến rừng toàn quốc, các số liệu thống kê ngành lâm nghiệp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
b) Số liệu thống kê, kiểm kê đất đai theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
c) Số liệu thống kê về lâm nghiệp và sử dụng đất của Tổng cục Thống kê;
d) Các báo cáo và số liệu thống kê về lâm nghiệp và đất đai do cơ quan có thẩm quyền của địa phương ban hành.
2. Số liệu sử dụng để đo đạc kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính:
a) Diện tích các trạng thái rừng; sản lượng khai thác gỗ, củi; diện tích rừng bị thiệt hại do cháy, thiên tai, sinh vật gây hại rừng; diện tích biến động giữa các trạng thái rừng; diện tích chuyển đổi đất có rừng sang các loại đất khác và ngược lại;
b) Sinh khối trung bình của các trạng thái rừng; tăng trưởng sinh khối, trữ lượng gỗ trung bình hằng năm của các trạng thái rừng;
c) Trữ lượng trung bình gỗ chết; sinh khối thảm khô-thảm mục của các trạng thái rừng; trữ lượng các-bon trong đất; khối lượng vật liệu cháy.
3. Chỉ tiêu đo đạc kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính
Kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính được xác định tại năm cơ sở và năm thực hiện đo đạc đối với từng biện pháp giảm nhẹ, cụ thể như sau:
a) Lượng phát thải và lượng hấp thụ khí nhà kính do thay đổi trữ lượng các-bon sinh khối;
b) Lượng phát thải và lượng hấp thụ khí nhà kính do thay đổi trữ lượng các-bon trong gỗ chết, thảm khô-thảm mục;
c) Lượng phát thải và lượng hấp thụ khí nhà kính do thay đổi trữ lượng các-bon trong đất;
d) Lượng phát thải khí nhà kính do đốt sinh khối.
Điều 5. Quy trình thực hiện đo đạc, báo cáo, thẩm định kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính
1. Xác định khu vực thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
2. Xây dựng mức phát thải cơ sở của từng biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
3. Tính toán kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
4. Xây dựng phương án giám sát các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
5. Xây dựng báo cáo kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
6. Thẩm định kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Điều 6. Xác định khu vực thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính
1. Các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính gồm:
a) Bảo vệ rừng tự nhiên;
b) Bảo vệ rừng ven biển;
c) Trồng mới rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất trên đất không có rừng;
d) Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung, làm giàu rừng, nuôi dưỡng rừng tự nhiên;
đ) Phát triển rừng trồng gỗ lớn;
e) Phát triển các mô hình nông lâm kết hợp;
g) Quản lý rừng bền vững.
2. Xác định khu vực thực hiện các biện pháp giảm nhẹ
a) Thông tin, dữ liệu xác định các biện pháp giảm nhẹ, gồm: Bản đồ hiện trạng rừng thời điểm xác định khu vực thực hiện; bản đồ ranh giới 3 loại rừng; bản đồ chi trả dịch vụ môi trường rừng; bản đồ địa hình gồm các lớp ranh giới hành chính, đường bình độ, điểm độ cao, khu dân cư, đường giao thông;
b) Xây dựng các lớp thông tin chuyên đề xác định ranh giới của từng biện pháp giảm nhẹ, gồm: Lớp ranh giới trạng thái rừng từ bản đồ hiện trạng rừng; lớp phân khu chức năng của các khu rừng đặc dụng từ bản đồ ranh giới 3 loại rừng; lớp ranh giới khu vực được chi trả dịch vụ môi trường rừng từ bản đồ chi trả dịch vụ môi trường rừng; lớp mô hình số độ cao từ bản đồ địa hình; lớp độ dốc từ mô hình số độ cao; lớp khoảng cách đến các khu dân cư từ lớp khu dân cư của bản đồ địa hình; lớp khoảng cách đến đường giao thông chính từ lớp đường giao thông của bản đồ địa hình;
c) Xác định ranh giới của từng biện pháp giảm nhẹ: Thực hiện chồng xếp không gian các lớp thông tin chuyên đề bằng các phần mềm hệ thống thông tin địa lý thành lớp thông tin tổng hợp; phân tích, lựa chọn xác định ranh giới cho từng biện pháp giảm nhẹ.
Điều 7. Xây dựng mức phát thải cơ sở của từng biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính
1. Mức phát thải cơ sở của từng biện pháp giảm nhẹ được xây dựng cho từng năm của giai đoạn thực hiện biện pháp giảm nhẹ.
2. Mức phát thải cơ sở được xây dựng dựa trên các thông tin sau:
a) Diễn biến hiện trạng bảo vệ, quản lý và phát triển lâm nghiệp trong 5-10 năm trước năm cơ sở;
b) Tình hình phát triển kinh tế - xã hội tác động đến phát triển lâm nghiệp trước khi thực hiện biện pháp giảm nhẹ;
c) Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phát triển lâm nghiệp trong giai đoạn thực hiện biện pháp giảm nhẹ.
3. Trình tự xây dựng mức phát thải cơ sở của một biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính quy định tại Mục I Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.
4. Mức phát thải cơ sở được cập nhật trong trường hợp thay đổi phương pháp tính toán, hệ số phát thải, số liệu hoạt động dẫn đến thay đổi đáng kể lượng phát thải, hấp thụ của mức phát thải cơ sở và được thể hiện trong báo cáo kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Điều 8. Tính toán kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính
1. Tính toán lượng phát thải và lượng hấp thụ khí nhà kính cho từng biện pháp giảm nhẹ theo phương pháp quy định tại Mục I, II, III, IV Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Tính toán kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính quy định tại Mục II Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 9. Xây dựng phương án giám sát các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính
1. Phương án giám sát bao gồm các nội dung chính sau đây:
a) Thông tin về hệ thống theo dõi, giám sát, vai trò và trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống theo dõi, giám sát; nguồn lực và công cụ cần thiết để thực hiện giám sát;
b) Thông tin về các phương pháp tính toán kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cho các biện pháp giảm nhẹ;
c) Thông tin về các thông số cần đo đạc, tần suất và cách thức thực hiện đo đạc;
d) Quản lý, lưu giữ thông tin, số liệu sử dụng trong đo đạc, báo cáo kết quả giảm nhẹ.
2. Phương án giám sát được thể hiện trong báo cáo kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và được cập nhật khi có thay đổi trong quá trình tổ chức thực hiện.
Điều 10. Xây dựng báo cáo kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính
Báo cáo kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính quy định tại Mục III Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 11. Thẩm định kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính
1. Tổ chức thẩm định: Cục Lâm nghiệp trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập Hội đồng thẩm định và tổ chức họp Hội đồng thẩm định kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính lĩnh vực lâm nghiệp.
a) Thành phần Hội đồng thẩm định có từ 07 đến 09 thành viên gồm đại diện Cục Lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), các đơn vị liên quan và các chuyên gia có chuyên môn phù hợp. Hội đồng thẩm định gồm chủ tịch, phó chủ tịch, 02 ủy viên phản biện, ủy viên thư ký và các ủy viên khác. Thành viên tham gia xây dựng báo cáo hoặc Tổ chức chủ trì xây dựng báo cáo không được tham gia Hội đồng thẩm định;
b) Phương thức hoạt động: Trước phiên họp ít nhất 05 ngày làm việc, Cục Lâm nghiệp gửi hồ sơ thẩm định cho các thành viên Hội đồng; phiên họp Hội đồng được tổ chức bằng hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến và phải có tối thiểu 2/3 số thành viên Hội đồng tham dự, trong đó phải có chủ tịch hoặc phó chủ tịch được chủ tịch ủy quyền, ủy viên thư ký và 02 ủy viên phản biện. Trường hợp 01 ủy viên phản biện vắng mặt phải có ý kiến nhận xét bằng văn bản gửi Hội đồng trước khi họp Hội đồng. Hội đồng thông qua bằng hình thức bỏ phiếu và chỉ thông qua khi có ít nhất 2/3 số thành viên Hội đồng đồng ý thông qua.
2. Nội dung, thời gian, báo cáo thẩm định và quản lý, lưu giữ hồ sơ thẩm định kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo Điều 11 của Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT ngày 07 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với biến đổi khí hậu.
3. Tổ chức chủ trì xây dựng báo cáo tiếp thu, chỉnh sửa và hoàn thiện báo cáo kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo kết luận của Hội đồng thẩm định, gửi Cục Lâm nghiệp kèm theo bản tiếp thu, giải trình các ý kiến kết luận của Hội đồng.
4. Cục Lâm nghiệp rà soát, hoàn thiện báo cáo kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường) tổng hợp gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Chương III
KIỂM KÊ KHÍ NHÀ KÍNH LĨNH VỰC LÂM NGHIỆP
Điều 12. Nội dung thực hiện kiểm kê khí nhà kính
1. Tài liệu sử dụng để kiểm kê khí nhà kính theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này.
2. Số liệu sử dụng để kiểm kê khí nhà kính:
a) Các số liệu không gian: Diện tích các trạng thái rừng; diện tích biến động giữa các trạng thái rừng; diện tích chuyển đổi đất có rừng sang các loại đất khác và ngược lại;
b) Các số liệu thống kê: Sản lượng khai thác gỗ, củi; diện tích các trạng thái rừng bị thiệt hại do cháy rừng, thiên tai, sinh vật gây hại rừng.
3. Kiểm kê khí nhà kính
Các đối tượng kiểm kê lượng phát thải và lượng hấp thụ, gồm:
a) Đất có rừng;
b) Đất không có rừng chuyển đổi sang đất có rừng;
c) Đất có rừng chuyển đổi sang đất không có rừng.
Điều 13. Quy trình thực hiện kiểm kê khí nhà kính
Kiểm kê khí nhà kính thực hiện theo chu kỳ 2 năm 1 lần và theo quy trình như sau:
1. Lựa chọn phương pháp kiểm kê khí nhà kính;
2. Lựa chọn hệ số phát thải;
3. Thu thập và xử lý số liệu hoạt động;
4. Tính toán phát thải và hấp thụ khí nhà kính;
5. Kiểm soát chất lượng, đảm bảo chất lượng kiểm kê khí nhà kính;
6. Đánh giá mức độ tin cậy của kết quả kiểm kê khí nhà kính;
7. Tính toán lại kết quả kiểm kê khí nhà kính của kỳ kiểm kê trước;
8. Xây dựng báo cáo kết quả kiểm kê khí nhà kính;
9. Thẩm định kết quả kiểm kê khí nhà kính.
Điều 14. Lựa chọn phương pháp kiểm kê khí nhà kính
1. Các tiêu chí lựa chọn phương pháp kiểm kê khí nhà kính gồm:
a) Mức độ sẵn có và chất lượng thông tin, số liệu theo yêu cầu của từng phương pháp kiểm kê khí nhà kính;
b) Phương pháp đã sử dụng trong kỳ kiểm kê liền kề trước đó. Việc thay đổi phương pháp phải cải thiện được chất lượng kiểm kê khí nhà kính.
2. Hướng dẫn các phương pháp kiểm kê khí nhà kính quy định tại Mục I Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 15. Lựa chọn hệ số phát thải
1. Các loại hệ số phát thải gồm: Sinh khối trên mặt đất bình quân của các trạng thái rừng; tăng trưởng sinh khối trên mặt đất bình quân hằng năm của các trạng thái rừng; lượng tăng trữ lượng gỗ; tỷ lệ cây chết trên đất có rừng; trữ lượng bình quân gỗ chết, thảm khô-thảm mục của các trạng thái rừng; trữ lượng các-bon trong đất; khối lượng vật liệu cháy bình quân của các trạng thái rừng.
2. Hệ số phát thải được lựa chọn từ các nguồn sau:
a) Danh mục hệ số phát thải đặc trưng quốc gia được xác định từ các báo cáo khoa học của các chương trình, dự án, nhiệm vụ khoa học công nghệ đã được nghiệm thu; các bài báo khoa học đăng trên các Tạp chí quốc tế và trong nước; các tài liệu khác đã được thẩm định;
b) Danh mục hệ số phát thải do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố;
c) Danh mục hệ số phát thải mặc định của IPCC.
3. Lựa chọn hệ số phát thải để kiểm kê khí nhà kính theo danh mục hệ số phát thải quy định tại Mục II Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 16. Thu thập, xử lý số liệu hoạt động
1. Thu thập các số liệu hoạt động để kiểm kê khí nhà kính từ các tài liệu quy định tại khoản 1 Điều 12 Thông tư này.
2. Xử lý số liệu hoạt động để kiểm kê khí nhà kính quy định tại Mục III Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 17. Tính toán phát thải và hấp thụ khí nhà kính
1. Tính toán phát thải và hấp thụ khí nhà kính quy định tại Mục IV Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Kết quả kiểm kê khí nhà kính theo nguồn phát thải, bể hấp thụ khí nhà kính được tính cho từng vùng sinh thái lâm nghiệp và tổng hợp cho toàn quốc.
Điều 18. Kiểm soát chất lượng, đảm bảo chất lượng kiểm kê khí nhà kính
1. Kiểm soát, đảm bảo chất lượng kiểm kê khí nhà kính thực hiện theo hướng dẫn của IPCC, gồm:
a) Kiểm tra tính đầy đủ, sự nhất quán, minh bạch và độ tin cậy của số liệu hoạt động, hệ số phát thải;
b) Kiểm tra và hiệu chỉnh kết quả tính toán phát thải, hấp thụ khí nhà kính; độ tin cậy của kết quả kiểm kê khí nhà kính;
c) Kiểm tra việc tài liệu hóa và lưu giữ các tài liệu sử dụng trong kiểm kê khí nhà kính.
2. Quy trình kiểm soát, đảm bảo chất lượng kiểm kê khí nhà kính thực hiện theo hướng dẫn của IPCC và được quy định tại Mục V Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 19. Đánh giá mức độ tin cậy của kết quả kiểm kê khí nhà kính
1. Đánh giá mức độ tin cậy của các thông tin, số liệu sử dụng trong kiểm kê khí nhà kính, bao gồm hệ số phát thải, số liệu hoạt động.
2. Đánh giá mức độ tin cậy của kết quả kiểm kê khí nhà kính.
3. Phương pháp đánh giá mức độ tin cậy của kết quả kiểm kê khí nhà kính quy định tại Mục VI Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 20. Tính toán lại kết quả kiểm kê khí nhà kính của kỳ kiểm kê trước
Việc tính toán lại kết quả kiểm kê khí nhà kính của kỳ kiểm kê trước được thực hiện trong các trường hợp sau:
1. Phát hiện sai sót về phương pháp, hệ số phát thải, số liệu hoạt động sử dụng để kiểm kê khí nhà kính;
2. Thay đổi phương pháp, hệ số phát thải, số liệu hoạt động sử dụng để kiểm kê khí nhà kính.
Điều 21. Xây dựng báo cáo kết quả kiểm kê khí nhà kính
Báo cáo kết quả kiểm kê khí nhà kính thực hiện theo quy định tại Mục VII Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 22. Thẩm định kết quả kiểm kê khí nhà kính
1. Tổ chức thẩm định kết quả kiểm kê khí nhà kính theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Thông tư này.
2. Nội dung, thời gian thẩm định kết quả kiểm kê khí nhà kính theo Điều 10 của Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT.
3. Tổ chức chủ trì xây dựng báo cáo kết quả kiểm kê khí nhà kính tiếp thu, chỉnh sửa và hoàn thiện báo cáo kết quả kiểm kê khí nhà kính theo kết luận của Hội đồng thẩm định, gửi Cục Lâm nghiệp kèm bản tiếp thu, giải trình các ý kiến kết luận của Hội đồng.
4. Cục Lâm nghiệp rà soát, hoàn thiện báo cáo kết quả kiểm kê khí nhà kính, gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường) tổng hợp gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 23. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2024.
2. Quy định chuyển tiếp: Hoạt động kiểm kê khí nhà kính lĩnh vực lâm nghiệp được phê duyệt trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thì thực hiện theo nội dung đã được phê duyệt.
Điều 24. Trách nhiệm thi hành
1. Cục Lâm nghiệp có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và chủ trì tổ chức thực hiện Thông tư này.
2. Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường có trách nhiệm phối hợp với Cục Lâm nghiệp thẩm định; tiếp nhận kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính lĩnh vực lâm nghiệp; tổng hợp báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm cung cấp cho Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn số liệu về diện tích các trạng thái rừng; sản lượng khai thác gỗ, củi; diện tích các trạng thái rừng bị thiệt hại do cháy rừng; diện tích biến động giữa các trạng thái rừng, chuyển đổi đất có rừng sang các loại đất khác và ngược lại trên địa bàn quản lý để thực hiện đo đạc kết quả giảm nhẹ phát thải và kiểm kê khí nhà kính.
4. Đơn vị, tổ chức trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là tổ chức được giao chủ trì thực hiện xây dựng báo cáo kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và báo cáo kết quả kiểm kê khí nhà kính lĩnh vực lâm nghiệp thông qua các chương trình, dự án, các nhiệm vụ khoa học, công nghệ và môi trường hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác.
5. Trường hợp các văn bản viện dẫn tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bởi văn bản khác thì áp dụng văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đó.
6. Trong quá trình thực hiện Thông tư, nếu có khó khăn, vướng mắc, cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để hướng dẫn, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung./.