• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 15/02/2024
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Số: 48/2023/TT-BGTVT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2023

THÔNG TƯ

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 90/2014/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn
một số nội dung về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc

____________________

 

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 32/2014/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc;

Căn cứ Nghị định số 25/2023/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2014/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2014 về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc;

Căn cứ Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

Căn cứ Nghị định số 100/2013/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

Căn cứ Nghị định số 117/2021/NĐ-CP ngày 22 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

Căn cứ Nghị định số 56/2022/NĐ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2022 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ kết cấu hạ tầng giao thông và Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam;

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 90/2014/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn một số nội dung về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc.

 

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 90/2014/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn một số nội dung về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc (sau đây gọi là Thông tư số 90/2014/TT-BGTVT); Thông tư số 45/2018/TT-BGTVT ngày 13 tháng 8 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 90/2014/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2014 hướng dẫn một số nội dung về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc (sau đây gọi là Thông tư số 45/2018/TT-BGTVT); Thông tư số 06/2023/TT-BGTVT ngày 12 tháng 5 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư liên quan đến quản lý, khai thác, sử dụng, bảo trì và bảo vệ đường bộ (sau đây gọi là Thông tư số 06/2023/TT-BGTVT)

1. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 3 như sau:

“1. Công trình đường cao tốc khi đưa vào khai thác, sử dụng phải được quản lý, khai thác, sử dụng và bảo trì theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ, Nghị định số 32/2014/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc (sau đây gọi tắt là Nghị định số 32/2014/NĐ-CP) được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 25/2023/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2023 (sau đây gọi tắt là Nghị định số 25/2023/NĐ-CP); Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (sau đây gọi tắt là Nghị định số 11/2010/NĐ-CP) được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 100/2013/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (sau đây gọi tắt là Nghị định số 100/2013/NĐ-CP), Nghị định số 117/2021/NĐ-CP ngày 22 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (sau đây gọi tắt là Nghị định số 117/2021/NĐ-CP), các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và quy định tại Thông tư này.”.

2. Bổ sung Điều 9a vào sau Điều 9 như sau:

“Điều 9a. Nội dung phương án tổ chức giao thông trên đường cao tốc phân kỳ đầu tư.

1. Đối với đường cao tốc phân kỳ đầu tư đã được đầu tư xây dựng theo quy hoạch đường cao tốc được duyệt, phương án tổ chức giao thông phải đảm bảo các yêu cầu sau:

a) Phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ;

b) Phù hợp Tiêu chuẩn đường ô tô cao tốc - Thiết kế và tổ chức giao thông trong giai đoạn phân kỳ đầu tư xây dựng, quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật khác có liên quan được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

2. Nội dung phương án tổ chức giao thông trên đường cao tốc phân kỳ đầu tư gồm:

a) Vận tốc, tải trọng khai thác trên đường cao tốc;

b) Các loại phương tiện được hoặc không được tham gia lưu thông trên đường cao tốc;

c) Tổ chức phân luồng trên đường cao tốc; đoạn, vị trí được phép vượt xe trên đường cao tốc;

d) Tổ chức giao thông tại các nút giao; vị trí chốt chặn hướng dẫn, xử lý người, phương tiện không được tham gia giao thông trên đường cao tốc;

đ) Tổ chức giao thông khu vực có hầm đường bộ và các trường hợp đặc biệt khác;

e) Biện pháp bảo đảm an toàn giao thông khi cần dừng khẩn cấp trên đường cao tốc;

g) Biện pháp xử lý sự cố, tai nạn giao thông trên đường, công tác bảo đảm giao thông khi xử lý sự cố giao thông, sự cố công trình;

h) Vị trí thiết kế được phép quay đầu xe phục vụ cứu nạn, cứu hộ, phòng cháy chữa cháy, bảo trì, các trường hợp cần thiết phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và các trường hợp bất khả kháng khác; biện pháp bảo đảm an toàn giao thông khi đóng, mở các điểm quay đầu xe,

i) Sử dụng các thiết bị, hệ thống thiết bị phục vụ quản lý, điều hành giao thông, thu thập, lưu trữ, cung cấp, khai thác sử dụng, xử lý thông tin liên quan đến quản lý, điều hành giao thông, xử lý tai nạn, sự cố trên đường cao tốc;

k) Bố trí biển báo tạm thời, hướng dẫn tổ chức giao thông qua khu vực xảy ra sự cố giao thông; khu vực thực hiện bảo trì công trình;

l) Việc dừng, đỗ xe và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông;

m) Các công việc cần thiết khác.

3. Chủ đầu tư hoặc nhà đầu tư đường cao tốc phân kỳ đầu tư, căn cứ quy mô dự án, quy định của Luật Giao thông đường bộ, quy định tại khoản 1 Điều này để xây dựng phương án tổ chức giao thông phù hợp quy mô đầu tư xây dựng đường cao tốc và các hạng mục công trình ở giai đoạn phân kỳ đầu tư.”.

3. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 10 như sau:

“2. Thẩm quyền phê duyệt, điều chỉnh phương án tổ chức giao thông trên đường cao tốc

a) Đối với đường cao tốc do Bộ Giao thông vận tải quản lý hoặc đường cao tốc do Bộ Giao thông vận tải là cơ quan có thẩm quyền đối với dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường cao tốc Việt Nam có trách nhiệm phê duyệt phương án, điều chỉnh phương án tổ chức giao thông trên đường cao tốc theo phân cấp, ủy quyền.

b) Đối với đường cao tốc do Doanh nghiệp thuộc Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp quản lý, vận hành khai thác, Cục Đường bộ Việt Nam phê duyệt phương án, điều chỉnh phương án tổ chức giao thông.

c) Cơ quan được Bộ Giao thông vận tải giao làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc có trách nhiệm báo cáo Bộ Giao thông vận tải để đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thoả thuận phương án tổ chức giao thông tại vị trí kết nối tuyến đường được đầu tư với đường cao tốc của địa phương đang khai thác.

d) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt phương án, điều chỉnh phương án tổ chức giao thông trên đường cao tốc thuộc phạm vi quản lý.”.

4. Bổ sung Điều 10a vào sau Điều 10 như sau:

Điều 10a. Xác định chi phí lập phương án tổ chức giao thông trên đường cao tốc

1. Chi phí lập phương án tổ chức giao thông trên đường cao tốc thực hiện trong giai đoạn đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc thuộc chi phí tư vấn thiết kế công trình.

2. Chi phí tư vấn lập phương án tổ chức giao thông trên đường cao tốc trong giai đoạn khai thác được xác định như sau:

a) Đối với công tác phục vụ điều chỉnh, phân luồng, phân tuyến giao thông đi trên đường cao tốc, các tuyến khác có liên quan và các trường hợp khác không thuộc phạm vi khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều này được lập dự toán theo phương pháp xác định dự toán chi phí tư vấn tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư số 11/2021/TT-BXD ngày 31 tháng 8 năm 2021 Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng;

b) Đối với chi phí lập phương án tổ chức giao thông trên đường cao tốc phục vụ công tác thi công sửa chữa công trình đường cao tốc được tính trong chi phí tư vấn thiết kế sửa chữa công trình.”.

5. Sửa đổi, bổ sung Điều 12 như sau:

Điều 12. Tổ chức thực hiện quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường cao tốc

1. Trách nhiệm của cơ quan quản lý đường cao tốc

a) Thực hiện các quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường cao tốc theo quy định tại Nghị định số 11/2010/NĐ-CP, Nghị định số 100/2013/NĐ-CP, Nghị định số 117/2021/NĐ-CP và quy định của pháp luật có liên quan; thực hiện công tác phòng, chống và khắc phục lụt, bão theo quy định tại Thông tư này và pháp luật có liên quan;

b) Kiểm tra, giám sát người quản lý sử dụng đường cao tốc, đơn vị khai thác, bảo trì công trình đường cao tốc thực hiện các quy định hiện hành.

2. Trách nhiệm của người quản lý sử dụng đường cao tốc

a) Thực hiện trách nhiệm theo quy định tại khoản 3 Điều 10 Nghị định số 32/2014/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 25/2023/NĐ-CP);

b) Thực hiện trách nhiệm như quy định đối với cơ quan quản lý đường cao tốc quy định tại điểm a khoản 1 Điều này đối với công trình đường cao tốc do mình quản lý. Đồng thời, có trách nhiệm báo cáo cơ quan quản lý đường cao tốc kết quả quản lý, khai thác theo quy định.

3. Trách nhiệm của đơn vị khai thác, bảo trì

a) Tổ chức tuần đường, kiểm tra và bảo vệ kết cấu hạ tầng đường cao tốc;

b) Thực hiện các nội dung khác về quản lý và bảo vệ công trình đường cao tốc theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, Nghị định số 11/2010/NĐ-CP, Nghị định số 100/2013/NĐ-CP, Nghị định số 117/2021/NĐ-CP và các quy định khác của pháp luật có liên quan;

c) Thực hiện các nội dung về quản lý, bảo vệ công trình đường cao tốc theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan và hợp đồng ký với người quản lý sử dụng đường cao tốc;

d) Thực hiện công tác phòng, chống và khắc phục lụt, bão theo quy định.”.

6. Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 2 Điều 26 như sau:

“c) Người quản lý sử dụng đường cao tốc có trách nhiệm phê duyệt phương án đảm bảo an toàn giao thông khi thực hiện bảo trì công trình do mình quản lý sử dụng.”.

7. Sửa đổi, bổ sung khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 27 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 27 như sau:

“ 2. Trách nhiệm của Cơ quan quản lý đường cao tốc

a) Kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình bảo trì và việc chấp hành quy định trong giấy phép thi công trên đường cao tốc trong phạm vi quản lý;

b) Tạm dừng hoặc đình chỉ thi công khi phát hiện các hành vi vi phạm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, không thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông theo quy định; đề nghị người quản lý sử dụng đường cao tốc tạm dừng hoặc đình chỉ thi công đối với công trình do người quản lý sử dụng đường cao tốc tổ chức thực hiện bảo trì công trình đường cao tốc trong phạm vi quản lý;

c) Phối hợp với các lực lượng chức năng trong việc tổ chức thực hiện phương án đảm bảo an toàn giao thông.”.

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 27 như sau:

“3. Trách nhiệm của người quản lý sử dụng đường cao tốc

  1. Kiểm tra việc thực hiện công tác đảm bảo an toàn giao thông của đơn vị khai thác, bảo trì, nhà thầu thi công trên đường cao tốc trong phạm vi quản lý;

b) Phối hợp với các lực lượng chức năng trong việc tổ chức thực hiện phương án đảm bảo an toàn giao thông.”.

c) Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 27 như sau:

“4. Trách nhiệm của đơn vị khai thác, bảo trì, nhà thầu thi công

a) Lập phương án đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình bảo trì trên đường cao tốc trình cơ quan quản lý đường cao tốc hoặc người quản lý sử dụng đường cao tốc phê duyệt trước khi tổ chức thi công theo phạm vi quản lý;

b) Thực hiện theo phương án đảm bảo an toàn giao thông được phê duyệt.”.

Điều 2. Bãi bỏ một số điểm, khoản, điều của Thông tư số 90/2014/TT-BGTVT, Thông tư số 45/2018/TT-BGTVT, Thông tư số 06/2023/TT-BGTVT

1. Bãi bỏ Điều 2; Điều 5; Điều 7; Điều 15; Điều 16; Điều 17; Điều 18; Điều 19; khoản 12 Điều 9; điểm c khoản 3 Điều 10; khoản 1 Điều 27 của Thông tư số 90/2014/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2014 hướng dẫn một số nội dung về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc.

2. Bãi bỏ khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 1 Thông tư số 45/2018/TT-BGTVT ngày 13 tháng 8 năm 2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 90/2014/TT-BGTVT.

3. Bãi bỏ Điều 8 Thông tư số 06/2023/TT-BGTVT ngày 12 tháng 5 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư liên quan đến quản lý, khai thác, sử dụng, bảo trì và bảo vệ đường bộ.

Điều 3. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2024.

2. Đối với các tuyến, đoạn tuyến đường cao tốc phân kỳ đầu tư đã phê duyệt phương án tổ chức giao thông trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì tiếp tục thực hiện theo phương án tổ chức giao thông được duyệt. Trường hợp có thay đổi, điều chỉnh phương án tổ chức giao thông thì thực hiện theo quy định tại Thông tư này.

3. Chánh văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục Đường bộ Việt Nam, Cục trưởng Cục Đường cao tốc Việt Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc Sở Giao thông vận tải - Xây dựng Lào Cai, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Lê Đình Thọ

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.