NGHỊ QUYẾT LIÊN TỊCH
Phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của thanh niên trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành Thủy sản, giai đoạn 2006 - 2010
_________________________
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ VIII và Kế hoạch phát triển ngành Thủy sản giai đoạn 2006 - 2010; trên cơ sở những kinh nghiệm và kết quả phối hợp hoạt động giữa Đoàn Thanh niên và ngành Thủy sản giai đoạn 1997 - 2005; nhằm tiếp tục phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ tham gia phát triển ngành Thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Bộ Thủy sản (sau đây gọi tắt là 2 bên) ban hành Nghị quyết liên tịch nhằm phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của thanh niên trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành Thủy sản, giai đoạn 2006 - 2010. Nội dung cụ thể như sau:
I. MỤC TIÊU
1. Phát huy mạnh mẽ vai trò xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ tham gia phát triển kinh tế thủy sản trên các lĩnh vực: nuôi trồng, khai thác, chế biến xuất khẩu, dịch vụ hậu cần, bảo vệ nguồn lợi và bảo vệ môi trường sinh thái; tích cực tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa; xóa đói, giảm nghèo bằng nghề Thủy sản.
2. Tạo môi trường bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực trẻ hoạt động trong ngành Thủy sản. Tập trung xây dựng một lớp thanh niên năng động, sáng tạo, tay nghề giỏi, nắm vững kiến thức khoa học công nghệ trong các lĩnh vực của ngành Thủy sản, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
3. Đẩy mạnh công tác đoàn kết tập hợp thanh niên và lao động trẻ trong lĩnh vực thủy sản, góp phần xây dựng, củng cố tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam ngày càng vững mạnh.
II. NỘI DUNG VÀ GIẢI PHÁP
1. Đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế Thủy sản cho thanh niên:
- Tổ chức tìm hiểu chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về định hướng phát triển ngành Thủy sản, tiềm năng kinh tế Thủy sản, tuyên truyền phổ biến Luật Thủy sản, Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ giữa nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
- Nâng cao nhận thức của thanh thiếu niên về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sinh thái biển thông qua các hoạt động tập huấn, các cuộc thi, diễn đàn của tuổi trẻ, ngăn chặn các hoạt động dùng vật liệu nổ, hóa chất, xung điện, ánh sáng trong khai thác thủy sản làm hủy diệt nguồn lợi, hủy hoại môi trường sống.
- Tuyên truyền các quy định đăng ký, đăng kiểm các phương tiện khai thác thủy sản cho các chủ tầu thuyền. Thường xuyên thông tin cho các chủ tàu, các thuyền viên trẻ những chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực khai thác, bảo vệ nguồn lợi.
- Nghiên cứu xây dựng hệ thống thông tin tuyên truyền trong thanh niên về các tiến bộ kỹ thuật công nghệ trong sản xuất, kinh doanh thủy sản; các chương trình phát triển kinh tế thủy sản; các mô hình mới; xuất bản sách kỹ thuật nuôi trồng thủy sản; xây dựng các phóng sự, chuyên đề, bản tin tuyên truyền trên các báo, chương trình phát thanh, truyền hình của Đoàn thanh niên và ngành Thủy sản.
- Giáo dục thanh niên ý thức lập thân, lập nghiệp, xóa đói giảm nghèo và làm giàu bằng nghề thủy sản; giáo dục truyền thống yêu nước, lòng yêu nghề, tinh thần khắc phục khó khăn để xây dựng và phát triển ngành Thủy sản. Trang bị cho Đoàn viên thanh niên trực tiếp tham gia phát triển kinh tế thủy sản những kiến thức cần thiết để hội nhập kinh tế quốc tế.
2. Tăng cường tổ chức hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, kinh doanh thủy sản:
- Tổ chức tập huấn, hội thảo, đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất thủy sản, tập trung cho vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Phối hợp đẩy mạnh phong trào “Thanh niên nông thôn thi đua thực hiện 4 nội dung mới nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh” (gọi tắt là phong trào 4 mới, bao gồm: kỹ thuật mới, ngành nghề mới, thị trường mới và mô hình mới).
- Đối với 3 khu vực Vùng núi phía Bắc, Tây Nguyên và Đồng bằng Sông Cửu Long: đẩy mạnh xây dựng các mô hình chuyển đổi cơ cấu kinh tế gắn liền với xóa đói giảm nghèo, xây dựng các đội hình thanh niên tình nguyện, đội hình TNXP xây dựng kinh tế… gắn với các chương trình, dự án phát triển kinh tế thủy sản.
- Ở cấp Trung ương: Lãnh đạo hai bên giao cho Trung tâm khuyến ngư Quốc gia, Cục Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản và Ban Thanh niên Nông thôn tham mưu tổ chức tập huấn khoa học kỹ thuật, hội thảo, hội nghị, các khóa đào tạo ngắn hạn cho thanh niên về phát triển kinh tế thủy sản.
3. Xây dựng và phát triển các mô hình thanh niên tham gia phát triển kinh tế thủy sản:
- Đẩy mạnh phối hợp thực hiện các dự án phát triển kinh tế biển, đảo, các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nuôi trồng, khai thác thủy sản. Tiếp tục đầy tư phát triển các dự án nuôi trồng thủy sản tại Hải Phòng, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Hà Nam, dự án xây dựng Trung tâm sản xuất giống bào ngư tại Đảo thanh niên Bạch Long Vĩ…
- Thường xuyên tổng kết và nhận rộng các mô hình: “Câu lạc bộ khuyến ngư thanh niên”; “Chi hội thanh niên nuôi trồng thủy sản”; “Khu kinh tế thanh niên xung phong nuôi trồng thủy sản”; “Trang trại trẻ nuôi trồng thủy sản”; “Hợp tác xã thanh niên nuôi trồng, dịch vụ thủy sản”, “Làng ngư nghiệp thanh niên”, “Đội thanh niên, sinh viên tình nguyện phát triển kinh tế thủy sản miền núi”; “Điểm trình diễn kỹ thuật”.v.v…
- Tổ chức nghiên cứu, chỉ đạo điểm xây dựng mô hình “Đội tầu thanh niên khai thác hải sản xa bờ” ở Trung ương và một số địa phương ven biển, nhằm phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong khai thác thủy sản đồng thời đi đầu trong bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo, trên cơ sở đó đúc kết kinh nghiệm để nhân rộng mô hình.
- Triển khai xây dựng các mô hình mới: “CLB thanh niên bảo vệ nguồn lợi thủy sản”; tổ chức đội hình “Thanh niên tình nguyện”, “Thanh niên xung kích” phòng chống lụt bão, cứu nạn, cứu hộ kịp thời bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân khi có thiên tai xảy ra. Nghiên cứu xây dựng mô hình “Trung tâm Đào tạo nghề và chuyển giao TBKT Thủy sản” cho thanh niên khu vực ven biển miền Trung.
4. Tôn vinh và nhân rộng gương cá nhân, tập thể thanh niên điển hình tiên tiến tham gia phát triển kinh tế thủy sản và xây dựng tổ chức Đoàn, Hội vững mạnh:
- Tăng cường tổ chức các hoạt động: Hội thi tay nghề, thi thợ giỏi, hội thi CLB khuyến ngư thanh niên, gặp mặt tôn vinh các điển hình thanh niên tiên tiến trong ngành Thủy sản, chú trọng tôn vinh nữ thanh niên trong các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh thủy sản. Chăm lo đào tạo, bồi dưỡng và bảo vệ quyền lợi chính đáng của nữ thanh niên trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu thủy sản.
- Hai năm một lần, Trung ương Đoàn và Bộ Thủy sản phối hợp tổ chức Hội nghị biểu dương, khen thưởng các điển hình thanh niên tiêu biểu trong các lĩnh vực nghiên cứu, nuôi trồng, khai thác, chế biến, dịch vụ hậu cần thủy sản.
- Bộ Thủy sản phối hợp với Trung ương Đoàn nghiên cứu ban hành giải thưởng hàng năm cho 10 thanh niên có thành tích đặc biệt xuất sắc trong các lĩnh vực phát triển thủy sản.
- Tăng cường chỉ đạo đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Đoàn thanh niên ngành Thủy sản, các tổ chức Đoàn trong các doanh nghiệp, công ty sản xuất, kinh doanh thủy sản nhằm đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành Thủy sản.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Bộ Thủy sản:
- Quán triệt và triển khai Nghị quyết liên tịch số 02 tới các sở Thủy sản và các đơn vị trực thuộc Bộ từ Trung ương tới cơ sở. Chỉ đạo các địa phương thành lập bộ phận thường trực Nghị quyết phối hợp với tổ chức Đoàn cung cấp; thường xuyên tham mưu giúp Bộ Thủy sản theo dõi, hướng dẫn, tổ chức thực hiện Nghị quyết liên tịch.
- Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong ngành Thủy sản có trách nhiệm phối hợp và tạo điều kiện về kinh phí, cơ sở vật chất, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho tổ chức Đoàn trong việc triển khai các nội dung Nghị quyết. Hàng năm căn cứ vào đề xuất của Đoàn thanh niên, các tổ chức, cơ quan thuộc ngành Thủy sản hỗ trợ các hoạt động của Đoàn theo các nội dung, lĩnh vực được phân công quản lý, tạo điều kiện cho Đoàn thanh niên các cấp tham gia các chương trình, dự án do ngành Thủy sản quản lý.
Bộ Thủy sản giao cho Trung tâm Khuyến ngư Quốc gia là cơ quan Thường trực Nghị quyết liên tịch số 02.
2. Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh:
- Các cấp bộ Đoàn có trách nhiệm triển khai Nghị quyết liên tịch trong toàn Đoàn. Trung ương Đoàn chỉ đạo các báo, truyền hình của Đoàn thanh niên thường xuyên đưa tin, bài, ảnh về các hoạt động của tuổi trẻ tham gia phát triển kinh tế thủy sản; nêu gương người tốt, việc tốt, các mô hình có hiệu quả trong lĩnh vực thủy sản. Chỉ đạo Đoàn thanh niên cấp tỉnh, cấp huyện thành lập bộ phận thường trực tham mưu phối hợp với ngành Thủy sản.
- Vào cuối quý II hàng năm, căn cứ vào các nội dung Nghị quyết và điều kiện thực tế của địa phương, các cấp bộ Đoàn chủ động đề xuất chương trình, kế hoạch với các nội dung cụ thể để phối hợp với cơ quan Thủy sản cùng cấp.
Trung ương Đoàn giao cho Ban Thanh niên nông thôn là cơ quan thường trực Nghị quyết liên tịch số 02.
3. Trách nhiệm chung:
- Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Bộ Thủy sản thống nhất chỉ đạo bộ phận thường trực, các đơn vị trực thuộc căn cứ vào các nội dung Nghị quyết liên tịch, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị, hàng năm xây dựng chương trình phối hợp phù hợp, đảm bảo tính khả thi và đạt hiệu quả cao.
- Định kỳ vào cuối quý IV, hai bên tổ chức họp kiểm điểm đánh giá việc thực hiện Nghị quyết và thống nhất nội dung hoạt động của năm tiếp theo. Định kỳ tổ chức đoàn công tác để kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết và nghiên cứu tổng kết mô hình, hình thức hoạt động tại các địa phương, cơ sở.
Căn cứ vào những nội dung trên, yêu cầu Sở Thủy sản (hoặc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Ban Thường vụ các tỉnh, thành Đoàn, các đơn vị chức năng của hai bên nhanh chóng tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết, tạo động lực phát huy mạnh mẽ vai trò xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành Thủy sản./.