• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 06/12/2005
  • Ngày hết hiệu lực: 21/02/2008
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Số: 70/2005/QĐ-BNN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 10 tháng 11 năm 2005

QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Trồng trọt

 

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

 

Căn cứ Nghị định số 86/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Điều 19 Nghị định số 82/2002/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;

Căn cứ Quyết định số 254/2005/QĐ-TTg ngày 13 tháng 10 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ Điều chỉnh một số tổ chức trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

 

QUYẾT ĐỊNH:

 

Điều 1. Vị trí chức năng

1. Cục Trồng trọt được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Cục Nông nghiệp theo khoản 1 Điều 1 Quyết định số 254/2005/QĐ-TTg ngày 13 tháng 10 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ Điều chỉnh một số tổ chức trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Cục Trồng trọt là cơ quan trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành trồng trọt trong phạm vi cả nước.

3. Cục Trồng trọt có tư cách pháp nhân, được cấp kinh phí hoạt động, được sử dụng con dấu và mở tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Trụ sở của Cục Trồng trọt đặt tại thành phố Hà Nội.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

Cục Trồng trọt được Bộ trưởng giao thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành trồng trọt thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, như sau:

1. Xây dựng trình Bộ trưởng dự án luật, dự án pháp lệnh và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý của Cục.

2. Trình Bộ trưởng chiến lược, quy hoạch, chính sách, kế hoạch hàng năm và dài hạn, chương trình, dự án, đề án, tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm, định mức kinh tế kỹ thuật về trồng trọt thuộc phạm vi quản lý của Cục theo sự phân công của Bộ trưởng.

3. Ban hành các văn bản về nghiệp vụ quản lý, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ thuộc chuyên ngành theo phân cấp của Bộ trưởng.

4. Tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và chịu trách nhiệm thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, chương trình, kế hoạch, dự án, tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm, định mức kinh tế kỹ thuật đã được phê duyệt và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về chuyên ngành quản lý của Cục.

5. Về giống cây trồng nông nghiệp:

a) Quản lý nhà nước về giống cây trồng nông ngiệp theo quy định của pháp luật;

b) Xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển giống cây trồng phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội trên phạm vi cả nước và của từng địa phương;

c) Tổ chức điều tra, thống kê về sử dụng giống; xây dựng quy trình, quy phạm, kỹ thuật, công nghệ về giống cây trồng nông nghiệp;

d) Quản lý chất lượng và các hoạt động kiểm định, kiểm nghiệm chất lượng giống cây trồng; khảo nghiệm và đề xuất công nhận giống cây trồng mới; bình tuyển, công nhận vườn cây đầu dòng và cây đầu dòng; bảo hộ giống cây trồng mới;

đ) Cấp và thu hồi giấy cho phép, giấy chứng nhận về giống cây trồng nông nghiệp theo thẩm quyền;

e) Trình Bộ trưởng ban hành Danh mục giống cây trồng nông nghiệp được phép sản xuất kinh doanh tại Việt Nam;

g) Quản lý hệ thống chọn tạo, khảo nghiệm, kiểm nghiệm, sản xuất kinh doanh giống cây trồng nông nghiệp.

h) Xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu giống cây trồng;

i) Quản lý xuất khẩu, nhập khẩu giống cây trồng nông nghiệp;

6. Về canh tác (chuyên môn kỹ thuật trồng trọt):

a) Thống nhất quản lý về thời vụ, kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch;

b) Thống nhất quản lý quy hoạch, sử dụng, bảo vệ và nâng cao độ phì của đất nông nghiệp; tham gia thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp;

7. Quản lý phân bón:

a) Thống nhất quản lý chất lượng và sử dụng phân bón hữu cơ;

b) Quản lý việc đăng ký, khảo nghiệm đề xuất việc công nhận phân bón mới.

c) Trình Bộ trưởng ban hành danh mục phân bón được phép sản xuất kinh doanh ở Việt Nam.

d) Xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu về phân bón

8. Chỉ đạo sản xuất trồng trọt:

a) Xây dựng và chỉ đạo thực hiện kế hoạch sản xuất trồng trọt hàng năm;

b) Thẩm định các dự án đầu tư vùng nguyên liệu về trồng trọt gắn với bảo quản nông nghiệp chế biến nông sản theo quy hoạch; tham gia quản lý về bảo quản, chế biến nông sản; đề xuất biện pháp khắc phục thiên tai, dịch hại trong sản xuất trồng trọt trên phạm vi cả nước;

c) Quản lý nhà nước về khuyến nông trồng trọt;

d) Thống kê, báo cáo tiến độ sản xuất và xây dựng cơ sở dữ liệu về trồng trọt;

đ) Tổng kết, đánh giá tình hình sản xuất hàng năm;

e) Thẩm định và quản lý việc thực hiện các dự án điều tra cơ bản về trồng trọt;

g) Quản lý, theo dõi dự trữ quốc gia về giống cây trồng.

9. Về khoa học công nghệ:

a) Thống nhất quản lý nhà nước về quỹ gen cây trồng;

b) Xây dựng trình Bộ chương trình, kế hoạch, đề tài nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ; quản lý và tổ chức triển khai kết quả nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ về phạm vi quản lý chuyên ngành của Cục;

c) Trình Bộ ban hành tiêu chuẩn chất lượng giống cây trồng, chất lượng sản phẩm trồng trọt, phân bón hữu cơ, vật tư chuyên ngành phục vụ trồng trọt theo thẩm quyền của Bộ;

d) Quản lý thông tin khoa học công nghệ trồng trọt.

đ) Thành lập và quản lý Hội đồng khoa học chuyên ngành thẩm định kết quả khảo nghiệm giống cây nông nghiệp, phân bón mới để trình Bộ trưởng ban hành để đưa vào Danh mục giống cây trồng, phân bón được phép sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.

10. Tham gia quản lý đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về trồng trọt theo phân công của Bộ.

11. Về xúc tiến thương mại nông sản:

a) Tham gia xây dựng dự báo, định hướng phát triển thị trường về nông sản xuất khẩu, thay thế nhập khẩu và tiêu dùng trong nước.

b) Tham gia xây dựng chính sách phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm cây trồng và hội nhập quốc tế.

c) Chỉ đạo tổ chức các hội chợ, triển lãm về trồng trọt.

12. Xây dựng chương trình, dự án hợp tác quốc tế về trồng trọt; tham gia đàm phán để ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế, các tổ chức quốc tế về trồng trọt; tổ chức thực hiện các điều ước, dự án hợp tác quốc tế theo phân cấp của Bộ trưởng.

13. Quản lý, chỉ đạo một số đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công thuộc Bộ về trồng trọt theo phân công của Bộ trưởng.

14. Tham gia quản lý hoạt động của các hội, hiệp hội, tổ chức phi Chính phủ trong lĩnh vực trồng trọt theo phân công của Bộ trưởng.

15. Thanh tra, kiểm tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo; chống tham nhũng, tiêu cực và xử lý các vi phạm về lĩnh vực trồng trọt theo thẩm quyền.

16. Xây dựng và thực hiện chương trình cải cách hành chính của Cục theo mục tiêu và nội dung chương trình cải cách hành chính của Bộ.

17. Thực hiện nhiệm vụ và quản lý Văn phòng bảo hộ giống cây trồng mới.

18. Quản lý tổ chức, bộ máy, biên chế của Cục theo quy định; thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ chính sách đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật đối với công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý của Cục.

19. Quản lý tài chính, tài sản và các nguồn lực khác được giao; tổ chức thực hiện ngân sách được phân bổ theo quy định.

20. Thực hiện các nhiệm vụ khác được Bộ trưởng giao.

Điều 3. Tổ chức bộ máy

1. Lãnh đạo Cục:

Lãnh đạo Cục có Cục trưởng và các Phó Cục trưởng do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bổ nhiệm theo quy định.

Cục trưởng điều hành hoạt động của Cục, chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và trước pháp luật về hoạt động của Cục.

Phó Cục trưởng giúp việc Cục trưởng, chịu trách nhiệm trước Cục trưởng và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ được phân công.

2. Bộ máy quản lý của Cục:

a) Phòng Hành chính, Tổng hợp,

b) Phòng Kế hoạch, Tài chính;

c) Phòng Pháp chế, thanh tra;

d) Phòng Cây lương thực, cây thực phẩm;

đ) Phòng Cây công nghiệp, cây ăn quả;

e) Phòng Sử dụng đất, phân bón;

g) Bộ phận thường trực tại thành phố Hồ Chí Minh.

h) Bộ phận thường trực tại Bình Định:

3. Các đơn vị trực thuộc:

a) Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống cây trồng Trung ương.

b) Các đơn vị trực thuộc được giao quản lý theo quyết định của Bộ trưởng.

Cục trưởng Cục Trồng trọt quy định chức năng, nhiệm vụ, bổ nhiệm cán bộ các phòng, bộ phận và đơn vị trực thuộc; xây dựng quy chế làm việc của Cục trình Bộ trưởng phê duyệt.

Các công chức của Cục thuộc biên chế hành chính và được hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Điều 4. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực sau mười lăm ngày, kể từ ngày đăng Công báo và bãi bỏ các quy định trước đây trái với Quyết định này.

Điều 5. Trách nhiệm thi hành

1. Cục trưởng Cục Nông nghiệp bàn giao nhiệm vụ và các nội dung có liên quan cho Cục trưởng Cục Trồng trọt.

2. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Cục trưởng Cục Nông nghiệp và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan thuộc Bộ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Cục trưởng Cục Trồng trọt chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Cao Đức Phát

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.