• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/08/2004
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 122/2004/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 5 tháng 7 năm 2004

QUYẾT ĐỊNH

Phê duyệt Chương trình Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ

phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn từ nay đến năm 2010

_____________________________

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 09 tháng 6 năm 2000;

Căn cứ Nghị định 81/2002/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt "Chương trình Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn từ nay đến năm 2010" (Chương trình NTMN) với các nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC TIÊU CỦA CHƯƠNG TRÌNH:

1. Mục tiêu chung:

- Xây dựng các mô hình ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ tiên tiến phù hợp vào các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản tại các địa bàn nông thôn nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nông sản hàng hoá trên thị trường trong và ngoài nước, từng bước hình thành thị trường công nghệ và dịch vụ ở nông thôn tạo đà cho việc ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, miền núi theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá.

- Liên kết và phối hợp giữa Chương trình này với các Chương trình phát triển kinh tế - xã hội của vùng, của địa phương về nông nghiệp, nông thôn, các Chương trình nghiên cứu khoa học, các Chương trình mục tiêu quốc gia khác để nâng cao hiệu quả đầu tư các nguồn lực của Nhà nước và huy động tối đa nguồn lực của xã hội, góp phần phát triển sản xuất hàng hoá, tăng thu nhập, tạo thêm việc làm cho nông dân, thực hiện mục tiêu chiến lược tăng trưởng và xoá đói, giảm nghèo.

- Thông qua việc triển khai các mô hình ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ, kết hợp với các hình thức đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn cho cán bộ kỹ thuật cơ sở và nông dân nhằm hình thành mạng lưới cán bộ kỹ thuật và đội ngũ cộng tác viên cơ sở có trình độ kỹ thuật phù hợp giúp các địa phương chủ động tìm kiếm, lựa chọn và thực thi các dự án ứng dụng công nghệ tiên tiến thích hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

2. Mục tiêu cụ thể:

a) Mục tiêu chủ yếu đến năm 2007:

- Triển khai thực hiện 82 dự án, xây dựng khoảng 110 mô hình về ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp; nâng cao hiệu quả sản xuất các mặt hàng còn phải nhập khẩu; ứng dụng công nghệ tiên tiến vào các khâu sản xuất; phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp; nuôi trồng thủy sản gắn với chế biến, khôi phục và phát triển ngành nghề nông thôn; phát triển công nghệ sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng biogas; ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ nông nghiệp, nông thôn và miền núi, hải đảo; khai thác tiềm năng thiên nhiên để phục vụ du lịch sinh thái với hiệu quả cao.

- Tổ chức đào tạo bồi dưỡng để nâng cao năng lực quản lý và tổ chức triển khai dự án cho khoảng 2400 lượt cán bộ quản lý ở địa phương. Đào tạo, tập huấn kỹ thuật cho cán bộ kỹ thuật địa phương và nông dân để có một mạng lưới cộng tác viên trực tiếp ở địa phương - những người thường xuyên bám sát địa bàn giúp nông dân tiếp tục triển khai dự án khi cán bộ chuyển giao công nghệ đã rút khỏi địa bàn.

- Xây dựng và triển khai các chuyên đề giới thiệu và phổ biến kiến thức khoa học, tập huấn kỹ thuật trên các phương tiện thông tin đại chúng ở trung ương và địa phương.

b) Mục tiêu chủ yếu đến năm 2010:

Trong những năm 2008 - 2010 tiếp tục thực hiện các mục tiêu của Chương trình trong giai đoạn từ nay đến năm 2007. Đến năm 2010 thực hiện được 160 dự án với khoảng 220 mô hình; đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý và tổ chức triển khai dự án cho khoảng 5000 lượt cán bộ quản lý ở địa phương; tập huấn kỹ thuật cho cán bộ kỹ thuật địa phương và nông dân; xây dựng và triển khai các chuyên đề giới thiệu và phổ biến kiến thức khoa học, tập huấn kỹ thuật trên các phương tiện thông tin đại chúng ở trung ương và địa phương.

II. NỘI DUNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH:

1. Các dự án xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ:

Các dự án xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ được hình thành theo các nhóm gắn với các mục tiêu và nội dung cụ thể sau đây:

- Nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo bảo đảm an ninh lương thực và chất lượng gạo xuất khẩu;

- Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp để sản xuất các loại nông sản quý, rau quả và hoa, phát triển sản xuất các loại nông sản nhiệt đới có lợi thế so sánh cao (cà phê, tiêu, điều, chè, cao su, rau quả nhiệt đới,...);

- Nâng cao hiệu quả sản xuất các mặt hàng còn phải nhập khẩu (hàng thay thế nhập khẩu) như thuốc lá, bông, cây dầu thực vật, bột giấy;

- Ứng dụng thiết bị, máy móc hiện đại, công nghệ tiên tiến, công nghệ sinh học vào các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản trong các ngành sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp và các ngành sử dụng nguyên liệu tại chỗ để có giá thành hạ, chất lượng cao và tạo việc làm, thu hút lao động nông nhàn;

- Ứng dụng khoa học và công nghệ vào phát triển sản xuất lương thực tại chỗ cho vùng núi, vùng dân cư phân tán, điều kiện giao thông, vận chuyển khó khăn;

- Phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, quy mô trang trại, phù hợp, khép kín từ sản xuất đến chế biến và thị trường tiêu thụ;

- Nuôi trồng thủy sản gắn với chế biến hiện đại, các hình thức nuôi công nghiệp, bán công nghiệp, nuôi sinh thái;

- Phát triển ngành nghề nông thôn sử dụng máy móc công cụ cải tiến, cơ khí hoá các khâu sản xuất, nâng cao năng suất lao động;

- Sử dụng tổng hợp tài nguyên nước để cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, nước sinh hoạt và cải thiện môi trường, phòng chống, giảm nhẹ thiên tai; ứng dụng các công nghệ tiên tiến về tưới tiêu, tiết kiệm nước cho vùng gò đồi, vùng khô hạn;

- Phát triển công nghệ sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng biogas phục vụ sinh hoạt và đời sống ở nông thôn.

- Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;

- Khai thác tiềm năng thiên nhiên để phục vụ du lịch sinh thái với hiệu quả cao.

2. Đào tạo, tập huấn nghiệp vụ ngắn hạn:

Đào tạo, tập huấn ngắn hạn theo hai hình thức:

- Đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý và tổ chức triển khai các dự án cho đội ngũ cán bộ quản lý khoa học và công nghệ địa phương, cán bộ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và cán bộ thuộc các cơ quan khoa học, những người trực tiếp tham gia chuyển giao công nghệ.

- Đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật cho địa phương, tập huấn kỹ thuật cho nông dân để tạo mạng lưới cán bộ kỹ thuật và cộng tác viên trực tiếp ở địa phương tiếp tục nhân rộng và phổ cập các kết quả của Chương trình khi cán bộ chuyển giao công nghệ rút khỏi địa bàn.

3. Các hoạt động thông tin, tuyên truyền:

Hoạt động thông tin, tuyên truyền của Chương trình NTMN bao gồm các nội dung chính sau:

- Xây dựng và triển khai các chuyên đề giới thiệu về hoạt động của Chương trình và phổ biến kiến thức khoa học, tập huấn kỹ thuật trên các phương tiện thông tin đại chúng ở trung ương và địa phương. Mở rộng các hình thức đưa tin, viết bài trên các báo viết, tạp chí chuyên ngành.

- Xuất bản các ấn phẩm về tổng kết kinh nghiệm, những bài học từ việc ứng dụng, chuyển giao, phổ biến, triển khai, nhân rộng mô hình khoa học và công nghệ và các vấn đề khác của Chương trình.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu công nghệ, cơ sở dữ liệu chuyên gia phục vụ phổ biến khoa học, chuyển giao công nghệ vào địa bàn nông thôn và miền núi.

III. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH:

1. Lựa chọn đưa vào trong các mô hình những công nghệ đã được đánh giá nghiệm thu tiên tiến hơn so với công nghệ hiện có của địa phương, hướng vào giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội có tầm quan trọng đối với địa phương và đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường sinh thái.

2. Huy động tối đa lực lượng cán bộ khoa học công nghệ thuộc các tổ chức khoa học và công nghệ về phục vụ địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

3. Tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý và tổ chức triển khai ứng dụng trong thực tiễn cho đội ngũ cán bộ quản lý khoa học và công nghệ địa phương, tập huấn kỹ thuật cho nông dân để nâng cao khả năng nhân rộng kết quả của các mô hình.

4. Tập trung sự nỗ lực của nhiều ngành để xây dựng các mô hình, nâng cao khả năng ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao hiểu biết của nông dân và trình độ của cán bộ cơ sở về khoa học và công nghệ, từng bước hình thành mối liên kết giữa 4 nhà "Nhà nước - nhà khoa học - nhà nông - nhà doanh nghiệp".

5. Đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động của Chương trình NTMN. Đa dạng hoá nguồn vốn đầu tư bằng việc huy động tối đa khả năng đóng góp của các thành phần kinh tế. Huy động mọi nguồn lực trong xã hội nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của Chương trình đặt ra.

6. Tăng cường phân cấp quản lý tới các địa phương nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo và đề cao trách nhiệm của các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi để địa phương tham gia đề xuất nội dung và trực tiếp triển khai các dự án của Chương trình NTMN.

7. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để phổ cập các kiến thức và thông tin về khoa học, công nghệ, tiến bộ kỹ thuật tới nông dân và từng bước hình thành thị trường công nghệ ở nông thôn.

8. Khen thưởng, động viên kịp thời các đơn vị, cá nhân có thành tích cao trong triển khai ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ ở nông thôn, đặc biệt là ở miền núi.

Điều 2. Kinh phí thực hiện Chương trình:

1. Kinh phí để thực hiện Chương trình từ ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ và các nguồn khác.

2. Hàng năm Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống nhất cân đối kinh phí từ ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ trung ương để thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình do trung ương trực tiếp quản lý và hỗ trợ các địa phương thực hiện các dự án được ủy quyền quản lý.

3. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cân đối kinh phí từ ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ của các tỉnh, thành phố, cùng với kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trung ương để thực hiện các dự án được Trung ương uỷ quyền quản lý.

Điều 3. Tổ chức thực hiện:

1. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng cơ chế quản lý Chương trình; tổ chức triển khai thực hiện Chương trình; đôn đốc, kiểm tra, đánh giá và định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai thực hiện Chương trình; thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ làm Trưởng ban, một đồng chí Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ làm Phó ban thường trực và thành viên Ban Chỉ đạo là đại diện lãnh đạo các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thủy sản, Uỷ ban Dân tộc và một số Bộ, ngành có liên quan.

2. Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu xây dựng cơ chế quản lý tài chính của Chương trình.

3. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm tổ chức và huy động các nguồn lực, lồng ghép nội dung của các dự án thuộc Chương trình này, đặc biệt là các dự án được ủy quyền với các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia và các Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác để chỉ đạo triển khai thực hiện trên địa bàn.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 5. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

KT. THỦ TƯỚNG

Phó Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phạm Gia Khiêm

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.