• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 14/02/2010
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Số: 45/2009/TT-BLĐTBXH
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2009

THÔNG TƯ

Hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng đối với

học sinh, sinh viên trong các cơ sở dạy nghề

_______________

 

Căn cứ Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 26 tháng 11 năm 2003 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 186/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Nghị định số 121/2005/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng;

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng đối với học sinh, sinh viên trong các cơ sở dạy nghề như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này hướng dẫn thi hành về tổ chức các phong trào thi đua; hình thức, tiêu chuẩn khen thưởng đối với cá nhân học sinh, sinh viên và tập thể học sinh, sinh viên trong các trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề công lập, tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài (sau đây gọi chung là các cơ sở dạy nghề).

2. Thông tư này áp dụng đối với học sinh, sinh viên và tập thể học sinh, sinh viên trong các cơ sở dạy nghề, cụ thể:

a) Cá nhân học sinh, sinh viên hệ chính quy (sau đây gọi là cá nhân);

b) Lớp học sinh, sinh viên;

c) Tập thể học sinh, sinh viên được người đứng đầu cơ sở dạy nghề quyết định thành lập hoặc được thành lập, công nhận theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Mục đích của công tác thi đua, khen thưởng trong các cơ sở dạy nghề

1. Nhằm động viên, khuyến khích và tôn vinh những cá nhân, lớp học sinh, sinh viên, tập thể học sinh, sinh viên hăng hái thi đua học tập, tích cực rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống lành mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập, tích cực tham gia các hoạt động do cơ sở dạy nghề tổ chức, phát huy được truyền thống yêu nước.

2. Định hướng cho học sinh, sinh viên học tập, rèn luyện, có thể lực tốt, có lối sống lành mạnh, có kỷ luật và tác phong công nghiệp, có chuyên môn giỏi để trở thành người lao động mẫu mực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Chương II

TỔ CHỨC PHONG TRÀO THI ĐUA

Điều 3. Hình thức tổ chức phong trào thi đua

1. Thi đua theo đợt, đột xuất: do cơ sở dạy nghề phát động hoặc hưởng ứng chủ trương chỉ đạo của cấp trên theo chủ đề, chuyên đề, hội thi, chương trình hoặc giải quyết những nhiệm vụ đột xuất của ngành, địa phương trong một thời gian nhất định.

2. Thi đua thường xuyên: do cơ sở dạy nghề phát động nhằm thực hiện tốt nhất công việc hàng ngày, hàng tháng, hàng quý, học kỳ, năm học, khóa học của các cá nhân, lớp học sinh, sinh viên.

Điều 4. Nội dung tổ chức phong trào thi đua

1. Phát động phong trào thi đua trong học sinh, sinh viên, các lớp học sinh, sinh viên và các tập thể học sinh, sinh viên phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập, rèn luyện.

2. Phát động phong trào thi đua hưởng ứng, thực hiện tốt các chủ đề, chuyên đề, hội thi, chương trình hoặc các nhiệm vụ đột xuất.

3. Triển khai các biện pháp tổ chức vận động học sinh, sinh viên tham gia phong trào thi đua; theo dõi chỉ đạo, rút kinh nghiệm và phổ biến các kinh nghiệm tốt cho học sinh, sinh viên, các lớp học sinh, sinh viên và các tập thể học sinh, sinh viên tham gia phong trào thi đua.

4. Sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả phong trào thi đua; lựa chọn, công khai khen thưởng cho cá nhân, các lớp học sinh, sinh viên và các tập thể học sinh, sinh viên đạt thành tích xuất sắc.

Chương III

KHEN THƯỞNG

Điều 5. Khen thưởng đột xuất

1. Khen thưởng đột xuất được xét trao cho cá nhân, lớp học sinh, sinh viên, tập thể học sinh, sinh viên có thành tích cần biểu dương, khuyến khích kịp thời.

2. Nội dung, hình thức khen thưởng đột xuất được thực hiện theo khoản 1 Điều 19 của Quyết định số 26/2007/QĐ-BLĐTBXH ngày 24/12/2007 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về Ban hành quy chế công tác học sinh, sinh viên trong các cơ sở dạy nghề hệ chính quy (sau đây gọi là Quyết định số 26).

Điều 6. Khen thưởng thường xuyên

1. Khen thưởng thường xuyên được xét trao cho cá nhân, lớp học sinh, sinh viên có thành tích trong học tập, rèn luyện.

2. Nội dung, hình thức khen thưởng đối với cá nhân và lớp học sinh, sinh viên được thực hiện theo khoản 2 Điều 19 của Quyết định số 26.

Điều 7. Thời gian xét và trao tặng khen thưởng

1. Khen thưởng theo đợt, đột xuất được xét và trao tặng khi sơ kết, tổng kết thực hiện các đợt thi đua, các chủ đề, chuyên đề, hội thi, chương trình và thành tích đột xuất.

2. Khen thưởng thường xuyên được xét và trao tặng vào cuối mỗi kỳ học hoặc năm học (đối với người học trung cấp nghề, cao đẳng nghề), khóa học (đối với người học sơ cấp nghề).

Chương IV

HỘI ĐỒNG THI ĐUA, KHEN THƯỞNG VÀ THỦ TỤC XÉT KHEN THƯỞNG

Điều 8. Hội đồng Thi đua, Khen thưởng

Cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và chế độ sinh hoạt của Hội đồng Thi đua, Khen thưởng được thực hiện theo Điều 24 của Quyết định số 26.

Điều 9. Trình tự, thủ tục xét khen thưởng theo đợt, đột xuất

1. Căn cứ thành tích đạt được của cá nhân, lớp học sinh, sinh viên, tập thể học sinh, sinh viên trong các hoạt động, phong trào thi đua theo chủ đề, chuyên đề, hội thi, chương trình hoặc thành tích đột xuất để xét khen thưởng.

2. Trình tự, thủ tục xét khen thưởng theo đợt, đột xuất do Hội đồng Thi đua, Khen thưởng của cơ sở dạy nghề hướng dẫn trên cơ sở từng hoạt động, phong trào thi đua cụ thể và các thành tích đột xuất.

Điều 10. Trình tự, thủ tục xét khen thưởng thường xuyên

Đăng ký thi đua, trình tự, thủ tục xét khen thưởng thường xuyên cho cá nhân, lớp học sinh, sinh viên được thực hiện theo Điều 20 của Quyết định số 26.

Điều 11. Thẩm quyền quyết định các danh hiệu thi đua, khen thưởng

1. Người đứng đầu các cơ sở dạy nghề ra quyết định tặng Giấy khen và mức độ khen thưởng đối với những cá nhân; lớp học sinh, sinh viên đạt thành tích trong các phong trào thi đua thường xuyên; các danh hiệu thi đua, khen thưởng theo đợt, đột xuất khác phù hợp với quy định của pháp luật thi đua, khen thưởng.

2. Người đứng đầu cơ sở dạy nghề có quyền đề nghị cơ quan cấp trên có thẩm quyền khen thưởng cho cá nhân, lớp học sinh, sinh viên, tập thể học sinh, sinh viên có thành tích đặc biệt theo quy định của pháp luật.

Điều 12. Quyền lợi của cá nhân và tập thể được khen thưởng

1. Cá nhân, lớp học sinh, sinh viên, tập thể học sinh, sinh viên được người đứng đầu cơ sở dạy nghề quyết định khen thưởng ngoài hình thức công nhận danh hiệu thi đua, tặng giấy khen còn được khen thưởng bằng tiền hoặc bằng hiện vật.

2. Các danh hiệu thi đua, khen thưởng của cá nhân về thành tích học tập, rèn luyện thường xuyên, theo đợt, đột xuất được ghi vào hồ sơ học sinh, sinh viên.

Chương V

QUỸ THI ĐUA, KHEN THƯỞNG

Điều 13. Nguồn quỹ thi đua, khen thưởng

Quỹ thi đua, khen thưởng được huy động hoặc trích từ:

1. Nguồn Quỹ thi đua, khen thưởng được huy động hoặc trích từ Nguồn ngân sách nhà nước cấp (đối với cơ sở dạy nghề công lập) được thực hiện theo điểm d khoản 1 Mục II Thông tư số 73/2006/TT-BTC ngày 15/8/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc trích lập, quản lý và sử dụng quỹ thi đua, khen thưởng.

2. Nguồn thu học phí hệ chính quy, mức trích do người đứng đầu cơ sở dạy nghề quyết định.

3. Nguồn thu từ hoạt động của cơ sở dạy nghề; hỗ trợ của các tổ chức trong nước, nước ngoài và từ nguồn thu hợp pháp khác.

Điều 14. Sử dụng quỹ thi đua, khen thưởng

1. Mức chi cho từng loại khen thưởng do người đứng đầu cơ sở dạy nghề quyết định trên cơ sở quy chế, quy định về thi đua, khen thưởng của cơ sở dạy nghề đã được thông qua và theo quy định pháp luật.

2. Tiền thưởng kèm theo các danh hiệu thi đua được trích từ quỹ thi đua, khen thưởng của cơ sở dạy nghề và được ghi rõ trong quyết định khen thưởng.

Điều 15. Quản lý quỹ thi đua, khen thưởng

Quỹ thi đua, khen thưởng của cơ sở dạy nghề được quản lý theo quy định của pháp luật; nguồn trích, tỷ lệ và mức trích cụ thể do người đứng đầu cơ sở dạy nghề quyết định trên cơ sở dự toán hàng năm. Việc quyết toán căn cứ số chi thực tế phù hợp với chế độ, chính sách và các quy định hiện hành.

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 16. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 17. Trách nhiệm thi hành

1. Căn cứ quy định tại Thông tư này, các cơ sở dạy nghề và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành.

2. Trong quá trình thực hiện, những vấn đề phát sinh hoặc khó khăn; vướng mắc (nếu có) cần phản ánh kịp thời về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để nghiên cứu, bổ sung, chỉnh sửa./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng thường trực

(Đã ký)

 

Đàm Hữu Đắc

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.