• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 25/12/2011
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI-BỘ QUỐC PHÒNG-BỘ TÀI CHÍNH
Số: 190/2011/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 7 tháng 11 năm 2011

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 69/2007/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC ngày 16 tháng 4 năm 2007

của Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động –  Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định

số 159/2006/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ về việc thực hiện chế độ hưu trí đối

với quân nhân trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước từ ngày 30 tháng 4

năm 1975 trở về trước có 20 năm trở lên phục vụ quân đội đã phục viên, xuất ngũ

___________________________________

 

Căn cứ Nghị định số 159/2006/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ về việc thực hiện chế độ hưu trí đối với quân nhân trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 trở về trước có 20 năm trở lên phục vụ quân đội đã phục viên, xuất ngũ (sau đây gọi tắt là Nghị định số 159/2006/NĐ-CP);

Căn cứ Nghị định số 11/2011/NĐ-CP ngày 30 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 159/2006/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Nghị định số 11/2011/NĐ-CP);

Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 69/2007/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC ngày 16 tháng 4 năm 2007 của Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 159/2006/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Thông tư liên tịch số 69/2007/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC) như sau:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư liên tịch số 69/2007/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC như sau:

1. Mục I được sửa đổi, bổ sung như sau:

“I. Đối tượng và điều kiện

1. Đối tượng áp dụng

Quân nhân nhập ngũ từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 trở về trước có 20 năm trở lên phục vụ quân đội, hiện không thuộc diện đang được hưởng chế độ hưu trí, chế độ mất sức lao động, chế độ bệnh binh hàng tháng, thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Đã phục viên, xuất ngũ trước ngày 01 tháng 4 năm 2000;

b) Thương binh bị suy giảm khả năng lao động 81% trở lên đang điều trị tại các trung tâm điều dưỡng thương binh hoặc từ trung tâm điều dưỡng thương binh đã về gia đình trước ngày 01 tháng 4 năm 2000;

c) Quân nhân chuyển ngành hoặc chuyển sang công nhân viên chức quốc phòng rồi thôi việc trước ngày 01 tháng 01 năm 1995; đã có quyết định chuyển ngành trước ngày 01 tháng 4 năm 2000 nhưng không thực hiện được hoặc quân nhân đã về địa phương mà chưa giải quyết chế độ phục viên, xuất ngũ;

d) Quân nhân phục viên, xuất ngũ đi lao động hợp tác quốc tế hoặc được cử đi lao động hợp tác quốc tế về nước đã phục viên, xuất ngũ trước ngày 01 tháng 4 năm 2000.

2. Đối tượng không áp dụng

Đối tượng quy định tại Khoản 1 Mục này không được hưởng chế độ quy định tại Nghị định số 159/2006/NĐ-CP, thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Đào ngũ, đầu hàng, phản bội, chiêu hồi;

b) Vi phạm pháp luật đang chấp hành án tù chung thân; đang thi hành án tù giam; bị kết án về một trong các tội về xâm phạm an ninh quốc gia mà chưa được xóa án tích;

c) Xuất cảnh trái phép hoặc đang bị tòa án tuyên bố là mất tích”.

2. Khoản 1 Mục II được sửa đổi, bổ sung như sau:

“1. Thời gian công tác để tính hưởng chế độ hưu trí

a) Thời gian công tác thực tế trong quân đội được coi là đã đóng bảo hiểm xã hội để tính hưởng chế độ hưu trí quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 159/2006/NĐ-CP bao gồm thời gian là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân viên chức quốc phòng (kể cả thời gian công tác trong lực lượng công an nhân dân sau đó chuyển sang quân đội nhân dân, nếu có). Thời gian công tác trong quân đội nếu có gián đoạn thì được cộng dồn.

Đối với các trường hợp chuyển ngành rồi thôi việc; hoặc đã phục viên, xuất ngũ một thời gian rồi tiếp tục làm việc ở cơ quan, đơn vị, tổ chức ngoài quân đội hoặc đi lao động hợp tác quốc tế, sau đó lại phục viên, xuất ngũ, thôi việc hoặc thương binh nặng đang điều dưỡng tại các trung tâm điều dưỡng thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý thì thời gian công tác ngoài quân đội, thời gian lao động hợp tác quốc tế, thời gian điều dưỡng tại các trung tâm điều dưỡng thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý không được tính hưởng chế độ hưu trí quy định tại Nghị định số 159/2006/NĐ-CP.

b) Thời gian tính hưởng chế độ hưu trí nếu có tháng lẻ thì dưới 3 tháng không tính, có từ đủ 3 tháng đến đủ 6 tháng tính bằng nửa (1/2) mức hưởng của một năm đóng bảo hiểm xã hội, có từ trên 6 tháng đến 12 tháng được tính bằng mức hưởng của một năm đóng bảo hiểm xã hội.

c) Đối với các đối tượng quy định tại Điểm a, b Khoản 1 Mục I Thông tư này đã được giải quyết chế độ hưu trí theo quy định tại Nghị định số 159/2006/NĐ-CP trước ngày 01 tháng 4 năm 2011, nếu có thời gian công tác thực tế trong quân đội tăng lên (thời gian là công an nhân dân, công nhân viên chức quốc phòng) thì được điều chỉnh tỷ lệ % lương hưu tương ứng với thời gian công tác thực tế theo quy định kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2010.

Ví dụ 1a: Ông Nguyễn Văn A, nhập ngũ tháng 3/1973, đến tháng 3/1986 chuyển sang công nhân viên chức quốc phòng, tháng 9/1989 chuyển sang quân nhân, tháng 9/1993 chuyển sang công nhân viên chức quốc phòng, ông Nguyễn Văn A nghỉ công tác hưởng chế độ thôi việc từ tháng 12/1994. Theo quy định, thời gian phục vụ trong quân đội được tính hưởng chế độ hưu trí của ông A là: 21 năm 9 tháng (từ tháng 3/1973 đến tháng 11/1994).

Ví dụ 1b: Ông Nguyễn Văn B, nhập ngũ tháng 3/1971, đến tháng 9/1992 chuyển ngành, ông B nghỉ công tác hưởng chế độ thôi việc từ tháng 12/1994. Theo quy định, thời gian phục vụ trong quân đội được tính hưởng chế độ hưu trí của ông B là: 21 năm 7 tháng (từ tháng 3/1971 đến 9/1992).

Ví dụ 1c: Ông Nguyễn Văn C, vào công an nhân dân tháng 3/1971, đến tháng 3/1976 chuyển sang quân đội nhân dân, ông C thôi phục vụ tại ngũ hưởng chế độ phục viên tháng 10/1993. Theo quy định, thời gian phục vụ công an và quân đội được tính hưởng chế độ hưu trí của ông C là: 22 năm 7 tháng (từ tháng 3/1971 đến tháng 9/1993).

Ví dụ 1d: Ông Nguyễn Văn D, vào công an nhân dân tháng 5/1969, đến tháng 3/1971 chuyển sang quân nhân quân đội nhân dân, ông D thôi phục vụ tại ngũ hưởng chế độ phục viên tháng 10/1993. Tháng 10/2008 ông D có Quyết định của Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng theo Nghị định số 159/2006/NĐ-CP kể từ ngày 01/01/2007, thời gian công tác để tính hưởng chế độ là 22 năm 7 tháng (từ tháng 3/1971 đến tháng 9/1993), tương ứng với tỷ lệ % lương hưu được hưởng là 61%. Theo quy định, kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2010 ông D được điều chỉnh thời gian công tác để tính hưởng chế độ là 24 năm 5 tháng (từ tháng 5/1969 đến tháng 9/1993), tương ứng với tỷ lệ % lương hưu được hưởng là 64%.”

3. Khoản 3 Mục II được sửa đổi, bổ sung như sau:

“a) Tiền lương tháng làm căn cứ để tính lương hưu bao gồm lương cấp hàm, ngạch, bậc và phụ cấp thâm niên, phụ cấp chức vụ (nếu có) trong 5 năm cuối trước khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc, chuyển ngành; hoặc trước khi chuyển sang trung tâm điều dưỡng thương binh thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội được chuyển đổi thành hệ số lương, phụ cấp tương ứng quy định tại Nghị định số 25/CP ngày 23 tháng 5 năm 1993 của Chính phủ quy định tạm thời chế độ tiền lương mới của công chức, viên chức hành chính, sự nghiệp và lực lượng vũ trang (mức lương quân hàm Thượng sĩ chuyên nghiệp, Chuẩn úy tính bằng hệ số 3,0). Tiền lương tối thiểu để làm cơ sở tính lương hưu là mức 290.000 đồng/tháng.

Ví dụ 3: Ông Lê Văn Kim (nêu tại ví dụ 1) nay được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng; diễn biến tiền lương trong 5 năm cuối (60 tháng) của ông Kim như sau:

- Từ tháng 02/1989 đến tháng 7/1991 (30 tháng) cấp bậc Đại úy (hệ số 4,15); thâm niên 20%; phụ cấp chức vụ Tiểu đoàn trưởng (hệ số 0,35).

(290.000 đồng x 4,15 x 1,20 x 30th) + (290.000 đồng x 0,35 x 30th) = 46.371.000 đồng.

- Từ tháng 8/1991 đến 01/1994 (30 tháng) cấp bậc Thiếu tá (hệ số 4,80); thâm niên 23%; phụ cấp chức vụ Tiểu đoàn trưởng (hệ số 0,35).

(290.000 đồng x 4,80 x 1,23 x 30th) + (290.000 đồng x 0,35 x 30th) = 54.409.800 đồng.

Mức lương làm căn cứ tính lương hưu của ông Kim là:

(46.371.000 đồng + 54.409.800 đồng) : 60 tháng = 1.679.680 đồng/tháng.

Cách tính lương hưu hàng tháng của ông Kim được tính đến thời điểm trước 01/10/2004 là: 1.679.680 đồng x 62% = 1.041.402 đồng/tháng.

b) Trường hợp đối tượng có thời gian hưởng lương dưới 5 năm (60 tháng) thì mức lương làm căn cứ tính lương hưu được tính bình quân của tổng số tháng hưởng lương.

Ví dụ 4: Ông Nguyễn Văn Hiền, sinh 1940, nhập ngũ tháng 01/1958, có 20 năm, 2 tháng phục vụ quân đội; phục viên tháng 03/1978; tháng 5/1974 được phong quân hàm Chuẩn úy; tháng 5/1976 được thăng quân hàm Thiếu úy.

Cách tính mức lương làm căn cứ tính lương hưu của ông Hiền là:

- Từ tháng 5/1974 đến tháng 4/1976 là 24 tháng; cấp bậc chuẩn úy, hệ số lương 3,0; thâm niên 18%.

290.000 đồng x 3,0 x 1,18 x 24th = 24.638.400 đồng.

- Từ tháng 5/1976 đến tháng 02/1978 là 22 tháng; thâm niên 20%.

290.000 đồng x 3,20 x 1,20 x 22th = 24.499.200 đồng.

Mức lương bình quân làm căn cứ tính lương hưu là:

(24.638.400 đồng + 24.499.200 đồng) : 46th = 1.068.208 đồng/tháng.

c) Đối với các đối tượng chuyển sang công nhân viên chức quốc phòng sau đó thôi việc khi tính lương hưu được thực hiện theo quy định tại Khoản 7 Điều 34 Nghị định số 68/2007/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân.

d) Trường hợp cá biệt, hồ sơ của đối tượng chỉ chứng minh được mức quân hàm hoặc mức lương cuối cùng trước khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc, chuyển ngành thì áp dụng thời gian giữ cấp bậc quân hàm theo quy định của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam (năm 1981) hoặc thời gian giữ bậc lương theo quy định của Nhà nước để xác định diễn biến tiền lương 5 năm cuối làm căn cứ tính lương hưu.”

4. Khoản 4 Mục II được sửa đổi, bổ sung như sau:

“4. Cách tính lương hưu

a) Đối tượng quy định tại Điểm a, b Khoản 1 Mục I Thông tư này được áp dụng điều chỉnh như các đối tượng hưởng lương hưu hàng tháng trước tháng 10 năm 2004 quy định tại Nghị định số 208/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 về việc điều chỉnh lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội; Nghị định số 117/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2005 về việc điều chỉnh lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội, Nghị định số 118/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2005 về việc điều chỉnh mức lương tối thiểu chung; Nghị định số 93/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 về việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và điều chỉnh trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc và Nghị định số 94/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về việc điều chỉnh mức lương tối thiểu chung.

b) Đối với đối tượng quy định tại Điểm c, d Khoản 1 Mục I Thông tư này được áp dụng điều chỉnh như các đối tượng tại Điểm a Khoản này và được điều chỉnh theo quy định tại Nghị định số 166/2007/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2007 về việc quy định mức lương tối thiểu chung; Nghị định số 101/2008/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2008 về việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc; Nghị định số 34/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2009 về việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc và Nghị định số 29/2010/NĐ-CP ngày 25 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc (Bảng điều chỉnh, phụ lục 1 kèm theo Thông tư).

Ví dụ 5: Trường hợp ông Kim (nêu tại ví dụ 1 và 3), cấp bậc Thiếu tá (hệ số 4,80) cách tính mức lương hưu từ tháng 10/2004 trở đi như sau:

- Từ tháng 10/2004 được điều chỉnh theo quy định tại Nghị định số 208/2004/NĐ-CP tăng thêm 10%:

1.041.402 đồng/tháng x 1,10 = 1.145.542 đồng/tháng.

- Từ tháng 10/2005 được điều chỉnh theo quy định tại Nghị định số 117/2005/NĐ-CP tăng thêm 8%; Nghị định số 118/2005/NĐ-CP tăng thêm 20,7%:

1.145.542 đồng/tháng x 1,08 = 1.237.185 đồng/tháng;

1.237.185 đồng/tháng x 1,207 = 1.493.283 đồng/tháng.

- Từ tháng 10/2006 trở đi được điều chỉnh theo quy định tại Nghị định số 93/2006/NĐ-CP tăng thêm 8%; Nghị định số 94/2006/NĐ-CP tăng thêm 28,6%:

1.493.283 đồng/tháng x 1,08 = 1.612.745 đồng/tháng;

1.612.745 đồng/tháng x 1,286 = 2.073.990 đồng/tháng.

- Lương hưu của ông Kim thực tế được nhận từ tháng 01/2007 là 2.073.990 đồng/tháng.

Ví dụ 5a: Trường hợp ông Kim (nêu tại ví dụ 1; 3 và 5) nhưng thuộc đối tượng được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2010, cách tính lương hưu của ông Kim được tính như sau:

- Từ tháng 01/01/2008 được điều chỉnh theo quy định tại Nghị định số 166/2007/NĐ-CP tăng thêm 20%:

2.073.990 đồng/tháng x 1,20 = 2.488.788 đồng/tháng.

- Từ tháng 10/2008 được điều chỉnh theo quy định tại Nghị định số 101/2008/NĐ-CP tăng thêm 15%:

2.488.788 đồng/tháng x 1,15 = 2.862.106 đồng/tháng.

- Từ tháng 5/2009 được điều chỉnh theo quy định tại Nghị định số 34/2009/NĐ-CP tăng thêm 5%:

2.862.106 đồng/tháng x 1,05 = 3.005.211 đồng/tháng.

- Từ tháng 5/2010 được điều chỉnh theo quy định tại Nghị định số 29/2010/NĐ-CP tăng thêm 12,3%:

3.005.211 đồng/tháng x 1,123 = 3.374.852 đồng/tháng.

- Lương hưu của ông Kim thực tế được nhận từ tháng 5/2010 là 3.374.852 đồng/tháng.”

5. Khoản 7 Mục II được sửa đổi, bổ sung như sau:

“7. Đối tượng quy định tại Điểm a Khoản 1 Mục I Thông tư này đã từ trần trước ngày 01 tháng 01 năm 2007 và đối tượng quy định tại Điểm c, d Khoản 1 Mục I Thông tư này đã từ trần trước ngày 01 tháng 4 năm 2011 thì một trong các thân nhân của đối tượng (vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi; bố đẻ, mẹ đẻ hoặc người nuôi dưỡng hợp pháp) được đại diện nhận chế độ một lần bằng 3.600.000 đồng. Đối tượng quy định tại Điểm a, b Khoản 1 Mục I Thông tư này từ trần từ ngày 01 tháng 01 năm 2007 và đối tượng quy định tại Điểm c, d Khoản 1 Mục I Thông tư này từ trần từ ngày 01 tháng 4 năm 2011, chưa được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng thì thân nhân của đối tượng được truy lĩnh tiền lương hưu từ ngày 01 tháng 01 năm 2007 hoặc từ ngày 01 tháng 5 năm 2011 đến tháng đối tượng từ trần.”

6. Khoản 1 Mục III được sửa đổi, bổ sung như sau:

“1. Hồ sơ xét hưởng chế độ

a) Giấy tờ làm căn cứ xét hưởng chế độ gồm một hoặc một số giấy tờ sau:

Quyết định phục viên, xuất ngũ, chuyển ngành hoặc chuyển sang công nhân viên chức quốc phòng rồi thôi việc, quyết định của cơ quan có thẩm quyền cử đi lao động hợp tác quốc tế; lý lịch quân nhân, lý lịch cán bộ công chức, viên chức, lý lịch cán bộ hoặc bản trích yếu 63 đối với sĩ quan; lý lịch đảng viên; phiếu lập sổ trợ cấp phục viên, xuất ngũ, chuyển ngành; sổ bảo hiểm xã hội; quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh và trợ cấp thương tật hoặc bản trích lục hồ sơ thương tật (đối với thương binh).

Giấy xác nhận quá trình công tác của cơ quan, đơn vị cũ trước khi quân nhân phục viên, xuất ngũ, chuyển ngành thôi việc, do thủ trưởng cơ quan, đơn vị từ cấp Trung đoàn và tương đương trở lên theo phân cấp quản lý đối tượng trước khi phục viên, xuất ngũ hoặc cử đi lao động hợp tác quốc tế, chuyển ngành hoặc chuyển sang công nhân viên quốc phòng rồi thôi việc cấp, ký, đóng dấu, kèm theo bản photocopy hồ sơ của đối tượng hoặc danh sách đăng ký, quản lý đối tượng mà cơ quan, đơn vị đang lưu trữ để làm căn cứ xác nhận; đối với các đối tượng còn giấy tờ, hồ sơ gốc tại đơn vị cũ thì đơn vị cũ thực hiện việc cấp lại cho đối tượng theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực hiện hành. Trường hợp cơ quan, đơn vị cũ đã sáp nhập hoặc giải thể thì do cơ quan, đơn vị mới được thành lập sau sáp nhập hoặc cấp trên trực tiếp của cơ quan, đơn vị đã giải thể xác nhận, cấp lại.

Các giấy tờ làm căn cứ xét hưởng chế độ nêu trên (bao gồm bản chính hoặc bản sao của cấp có thẩm quyền) phải chứng minh được tháng, năm nhập ngũ, xuất ngũ, đi lao động hợp tác quốc tế; chuyển ngành hoặc chuyển sang công nhân viên chức quốc phòng rồi thôi việc; xác định được thời gian công tác thực tế trong quân đội.

b) Hồ sơ xét hưởng chế độ

- Hồ sơ xét hưởng chế độ hưu trí hàng tháng được lập thành 5 bộ, bao gồm:

+ Đơn đề nghị của đối tượng (Mẫu số 01-NĐ159-11);

+ Một hoặc một số giấy tờ làm căn cứ xét hưởng chế độ quy định tại Điểm a Khoản 1 Mục này.

+ Quyết định thực hiện chế độ hưu trí của Bộ Tư lệnh quân khu, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội (Mẫu số 05-NĐ159-11);

+ Công văn đề nghị của các cấp (Mẫu số 04-NĐ159-11) đối với cấp huyện (quận), tỉnh (thành phố); Mẫu số 06-NĐ159-11 đối với cấp quân khu, BTL Thủ đô Hà Nội.

Đối với các trường hợp có đủ điều kiện quy định tại Khoản 1 Mục I Thông tư này bị kết án tù giam, nhưng đã chấp hành xong án phạt tù, chuyển về địa phương mà chưa được giải quyết chế độ phục viên, xuất ngũ, thôi việc thì bổ sung thêm Giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù giam (bản chính hoặc bản sao) của cơ quan có thẩm quyền. Đối tượng bị kết án tù giam trước ngày 01 tháng 01 năm 1995, đã chấp hành xong án phạt tù giam chuyển về địa phương, chưa giải quyết chế độ, chính sách, Bộ Quốc phòng tổng hợp hồ sơ, trao đổi, thống nhất với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để vận dụng giải quyết chế độ hưu trí theo quy định tại Nghị định số 159/2006/NĐ-CP đối với từng trường hợp cụ thể.

- Hồ sơ xét hưởng chế độ một lần (đối với đối tượng đã từ trần) được lập thành 4 bộ, bao gồm:

+ Đơn đề nghị của thân nhân đối tượng (Mẫu số 02-NĐ159-11);

+ Giấy chứng tử; giấy ủy quyền của các thân nhân (nếu có) (Mẫu số 03-NĐ159-11) đối với trường hợp đã từ trần;

+ Một hoặc một số giấy tờ làm căn cứ xét hưởng chế độ quy định tại Điểm a Khoản 1 Mục này;

+ Công văn đề nghị của các cấp.”

7. Điểm 2.1 Khoản 2 Mục III được sửa đổi, bổ sung như sau:

“2.1. Đối với đối tượng thuộc diện được hưởng chế độ hưu trí và thân nhân của đối tượng đã từ trần

Nộp hồ sơ cho Ban Chỉ huy quân sự xã, phường nơi đăng ký hộ khẩu thường trú; số lượng 01 bộ, gồm các giấy tờ theo quy định sau đây:

a) Đối tượng thuộc diện được hưởng chế độ hưu trí

+ Đơn đề nghị của đối tượng 01 bản (Mẫu số 01-NĐ159-11), bản chính;

+ Một hoặc một số giấy tờ làm căn cứ xét hưởng chế độ quy định tại Điểm a Khoản 1 Mục này (01 bản);

b) Thân nhân của đối tượng đã từ trần

+ Đơn đề nghị của thân nhân đối tượng 01 bản (Mẫu số 02-NĐ159-11), bản chính;

+ 01 giấy chứng tử (bản chính hoặc bản sao); 01 giấy ủy quyền của các thân nhân (nếu có) (Mẫu số 03-NĐ159-11), bản chính;

+ Một hoặc một số giấy tờ làm căn cứ xét hưởng chế độ quy định tại Điểm a Khoản 1 Mục này (01 bản).”

8. Bổ sung thêm Điểm 2.4a và Điểm 2.4b sau Điểm 2.4 Khoản 2 Mục III như sau:

“2.4a. Đối với Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội thực hiện trách nhiệm như đối với quân khu; chỉ đạo Cục Chính trị thực hiện trách nhiệm tương tự Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh (thành phố).

2.4b. Thời gian xét duyệt, thẩm định ở các cấp được thực hiện như sau:

- Trong thời hạn không quá 3 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định, Ban Chỉ huy quân sự xã (phường) hoàn thành việc tổng hợp, lập hồ sơ báo cáo Ban Chỉ huy quân sự huyện (quận).

- Trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ do Ban Chỉ huy quân sự xã (phường) báo cáo, Ban Chỉ huy quân sự huyện (quận) hoàn thành việc xét duyệt, tổng hợp báo cáo Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh (thành phố).

- Trong thời hạn không quá 7 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định do Ban Chỉ huy quân sự huyện (quận) báo cáo, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh (thành phố) hoàn thành việc xét duyệt, hoàn thiện hồ sơ (hưu trí 05 bộ, trợ cấp 1 lần 04 bộ) báo cáo Cục Chính trị quân khu, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội.

- Trong thời hạn không quá 10 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ do Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh (thành phố) báo cáo, cấp quân khu, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội hoàn thành việc thẩm định, hoàn thiện hồ sơ báo cáo Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng xem xét, ra quyết định hưởng chế độ cho các đối tượng theo quy định.”

9. Điểm 2.5 Khoản 2 Mục III được sửa đổi, bổ sung như sau:

“2.5. Cục Chính sách - Tổng cục Chính trị

Chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng chỉ đạo triển khai, kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách đối với các đối tượng hướng dẫn tại Thông tư này; phối hợp giải quyết những vướng mắc, phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện.

2.5a. Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng

- Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định của Bộ Tư lệnh quân khu, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội chuyển đến, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng hoàn thành việc xét duyệt, ra quyết định hưởng chế độ hưu trí (Mẫu số 07-NĐ159-11), chế độ một lần (Mẫu số 08-NĐ159-11);

- Truy trả lương hưu cho đối tượng quy định tại Điểm a, b Khoản 1 Mục I Thông tư này từ ngày 01 tháng 01 năm 2007 đến tháng từ trần và chế độ mai táng phí, chế độ tử tuất một lần đối với đối tượng quy định tại Điểm a Khoản 1 Mục I Thông tư này nếu đã từ trần trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2007 đến ngày 31 tháng 3 năm 2011;

- Xét hưởng và chi trả chế độ phụ cấp khu vực một lần (nếu có) cho đối tượng theo quy định tại Nghị định số 122/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về việc thực hiện phụ cấp khu vực đối với người hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội một lần, trợ cấp mất sức lao động và trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng;

- Lưu trữ hồ sơ xét hưởng chế độ và chuyển hồ sơ tới các cơ quan, đơn vị, đối tượng theo quy định”.

Điều 2. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25 tháng 12 năm 2011.

2. Chế độ hưu trí đối với các đối tượng hướng dẫn tại Thông tư này được thực hiện theo quy định tại Khoản 4 Điều 1 Nghị định số 11/2011/NĐ-CP. Khi hưởng chế độ hưu trí hàng tháng, các đối tượng không phải truy nộp số tiền trợ cấp phục viên, xuất ngũ, chuyển ngành, thôi việc đã nhận.

3. Đối với các đối tượng đã hưởng chế độ trợ cấp một lần hoặc trợ cấp hàng tháng theo quy định tại Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2008, Quyết định số 38/2010/QĐ-TTg ngày 06 tháng 5 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương, nếu nay đủ điều kiện được hưởng chế độ hưu trí quy định tại Nghị định số 159/2006/NĐ-CP, Nghị định số 11/2011/NĐ-CP thì được chuyển đổi thực hiện chế độ hưu trí theo quy định. Khi hưởng chế độ hưu trí hàng tháng các đối tượng trên nộp lại số tiền trợ cấp đã nhận vào ngân sách nhà nước; Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh (thành phố) nơi đối tượng nhận trợ cấp truy thu đối với đối tượng hưởng trợ cấp một lần; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh (thành phố) nơi chi trả chế độ trợ cấp hàng tháng truy thu đối với đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng. Đối tượng đang hưởng trợ cấp hàng tháng khi hưởng chế độ hưu trí thì thôi hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng theo quy định tại Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2010.

Số tiền thu được nộp về cơ quan tài chính cấp trên cho đến Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để nộp vào ngân sách nhà nước và quyết toán với Bộ Tài chính theo quy định.

4. Trường hợp đối tượng có cả thời gian công tác trong công an nhân dân và quân đội nhân dân thì đơn vị công tác cuối cùng giải quyết chế độ phục viên, xuất ngũ, thôi việc, chuyển ngành giải quyết chế độ hưu trí cho đối tượng theo quy định.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, địa phương báo cáo liên Bộ (qua Cục Chính sách - Bộ Quốc phòng) để xem xét, giải quyết./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội
Thứ trưởng - Trung tướng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Quốc phòng
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Tài chính
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

(Đã ký)

   

Phạm Minh Huân

Nguyễn Công Nghiệp

Nguyễn Thành Cung

 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.