• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 02/02/2012
  • Ngày hết hiệu lực: 08/02/2019
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Số: 36/2011/TT-BLĐTBXH
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 16 tháng 12 năm 2011

THÔNG TƯ

Ban hành mẫu Chứng chỉ sư phạm dạy nghề, mẫu bản sao và quy định việc quản lý,

cấp Chứng chỉ sư phạm dạy nghề dạy trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề

___________________________

 

Căn cứ Luật Dạy nghề ngày 29 tháng 11 năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 186/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Quyết định số 86/2008/QĐ-TTg ngày 03 tháng 7 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Dạy nghề thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành mẫu Chứng chỉ sư phạm dạy nghề, mẫu bản sao và quy định việc quản lý, cấp Chứng chỉ sư phạm dạy nghề dạy trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề như sau:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Thông tư này ban hành mẫu Chứng chỉ sư phạm dạy nghề, mẫu bản sao và quy định về việc quản lý, cấp Chứng chỉ sư phạm dạy nghề dạy trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề áp dụng đối với người hoàn thành khóa đào tạo hoặc bồi dưỡng chuẩn hóa trình độ nghiệp vụ sư phạm dạy nghề theo Chương trình khung sư phạm dạy nghề quy định tại Thông tư 19/2011/TT-BLĐTBXH ngày 21/7/2011 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định Chương trình khung sư phạm dạy nghề cho giáo viên dạy trình độ trung cấp nghề, giảng viên dạy trình độ cao đẳng nghề và áp dụng đối với các trường đại học sư phạm kỹ thuật, cao đẳng sư phạm kỹ thuật, các trường đại học, cao đẳng, cao đẳng nghề được giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, giáo viên dạy nghề (sau đây gọi tắt là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy nghề).

Điều 2. Mẫu Chứng chỉ sư phạm dạy nghề

1. Chứng chỉ sư phạm dạy nghề có kích thước 10cm x 14cm, gồm 4 trang; trang 1 và trang 4 là bìa của Chứng chỉ; trang 2 và 3 là ruột của Chứng chỉ.

2. Phông chữ sử dụng trong mẫu Chứng chỉ sư phạm dạy nghề là phông chữ tiếng Việt của bộ mã ký tự Unicode theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6909:2001, kiểu chữ Time New Roman (sau đây gọi tắt là kiểu chữ Time New Roman).

3. Bìa của Chứng chỉ sư phạm dạy nghề có màu đỏ đậm, phủ nhựa, các chữ in trên bìa màu vàng. Nội dung của trang 1 từ trên xuống dưới như sau: phía trên là dòng chữ “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM” kiểu chữ Times New Roman, in hoa, đậm, cỡ chữ 12; ở giữa gồm 3 dòng chữ: dòng trên là cụm từ “CHỨNG CHỈ” và dòng giữa là cụm từ “SƯ PHẠM DẠY NGHỀ” kiểu chữ Times New Roman, in hoa, đậm, cỡ chữ 16, dòng dưới là dòng chữ “Dạy trình độ trung cấp nghề, trình độ cao đẳng nghề” kiểu chữ Times New Roman, in thường, đậm, cỡ chữ 14. Trang 4 không in chữ và hình.

4. Ruột của Chứng chỉ sư phạm dạy nghề có nền màu trắng, hoa văn có dạng hình sóng màu xanh nhạt; 3 dòng chữ ở trang 2 màu đỏ tươi: dòng trên là cụm từ “CHỨNG CHỈ”, dòng giữa là cụm từ “SƯ PHẠM DẠY NGHỀ” kiểu chữ Times New Roman, in hoa, đậm, cỡ chữ 16, dòng dưới là dòng chữ “Dạy trình độ trung cấp nghề, trình độ cao đẳng nghề” kiểu chữ Times New Roman, in thường, đậm, cỡ chữ 14; dòng chữ “HIỆU TRƯỞNG/GIÁM ĐỐC” ở trang 3 màu đen, kiểu chữ Times New Roman, in hoa, đậm, cỡ chữ 14; ở giữa trang 3 có hình Quốc huy in chìm; các chữ khác và dòng kẻ ở trang 2 và 3 có màu đen.

5. Nội dung cụ thể in trên trang bìa và các trang ruột của Chứng chỉ sư phạm dạy nghề theo mẫu số 1 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 3. Mẫu bản sao Chứng chỉ sư phạm dạy nghề

Mẫu bản sao Chứng chỉ sư phạm dạy nghề thực hiện theo quy định tại Điều 2 Thông tư này; dòng chữ (BẢN SAO) màu vàng ở trang 1 và màu đen ở trang 2, kiểu chữ Times New Roman, in hoa, cỡ chữ 14. Nội dung cụ thể thực hiện theo mẫu số 2 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 4. Quản lý phôi Chứng chỉ và Chứng chỉ sư phạm dạy nghề

1. Phôi Chứng chỉ sư phạm dạy nghề theo mẫu quy định tại Điều 2 của Thông tư này do Tổng cục Dạy nghề in, phát hành, quản lý thống nhất trên phạm vi cả nước theo số hiệu.

2. Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy nghề nhận phôi Chứng chỉ sư phạm dạy nghề tại Tổng cục Dạy nghề và lập sổ quản lý phôi chứng chỉ.

Khi nhận phôi chứng chỉ, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy nghề phải có báo cáo số lượng chứng chỉ đã cấp kể từ lần mua gần nhất đến thời điểm mua lần này kèm theo Quyết định công nhận học viên hoàn thành các khóa học và dự kiến kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy nghề trong thời gian tiếp theo gửi Tổng cục Dạy nghề.

3. Trong trường hợp phôi Chứng chỉ sư phạm dạy nghề bị mất, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy nghề phải lập biên bản, báo cáo Tổng cục Dạy nghề để theo dõi.

Đối với các phôi Chứng chỉ sư phạm dạy nghề bị hỏng, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy nghề phải lập biên bản, thu hồi, nộp về Tổng cục Dạy nghề để có cơ sở cấp bổ sung.

Đối với Chứng chỉ sư phạm dạy nghề bị hỏng, trước khi hủy phải lập biên bản và gửi một bản để báo cáo Tổng cục Dạy nghề.

Biên bản xác nhận các phôi, Chứng chỉ sư phạm dạy nghề bị hỏng cần nêu rõ số hiệu, tình trạng và nguyên nhân bị hỏng.

Điều 5. Cấp Chứng chỉ, bản sao Chứng chỉ sư phạm dạy nghề

1. Người đứng đầu các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy nghề có trách nhiệm:

a) Cấp Chứng chỉ sư phạm dạy nghề cho những học viên tốt nghiệp khóa đào tạo hoặc bồi dưỡng chuẩn hóa nghiệp vụ sư phạm dạy nghề theo Chương trình khung sư phạm dạy nghề cho giáo viên trình độ trung cấp nghề, giảng viên dạy trình độ cao đẳng nghề quy định tại Thông tư số 19/2011/TT-BLĐTBXH ngày 21/7/2011 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sau không quá 30 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc khóa học;

b) Lập sổ theo dõi việc cấp Chứng chỉ sư phạm dạy nghề, cấp bản sao Chứng chỉ theo quy định của Tổng cục Dạy nghề;

c) Định kỳ 6 tháng, hàng năm báo cáo số lượng Chứng chỉ đã cấp kèm theo Quyết định công nhận học viên hoàn thành khóa học về Tổng cục Dạy nghề.

2. Khi cấp Chứng chỉ sư phạm dạy nghề cho học viên, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy nghề phải thực hiện các công việc sau:

- Dán ảnh của học viên được cấp (ảnh chụp theo kiểu làm chứng minh nhân dân, cỡ ảnh 3x4);

- Đóng dấu lên ảnh (không quá 1/4 phía dưới, góc bên phải);

- Ghi đầy đủ, chính xác, rõ ràng các nội dung trong Chứng chỉ Sư phạm dạy nghề (tại trang 2 và trang 3) bằng loại mực màu đen, riêng họ và tên của học viên phải ghi bằng kiểu chữ in hoa.

3. Đối với học viên bồi dưỡng chuẩn hóa nghiệp vụ sư phạm dạy nghề: cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy nghề phải thực hiện việc kiểm tra văn bằng, chứng chỉ sư phạm học viên đã có trước khi tham gia bồi dưỡng chuẩn hóa, lưu 01 bản sao chứng chỉ đã có và 01 bản xác nhận quá trình tham gia dạy nghề (nếu có).

4. Chứng chỉ sư phạm dạy nghề chỉ cấp một lần. Trường hợp học viên đã nhận Chứng chỉ sư phạm dạy nghề mà bị mất, nếu có yêu cầu thì được cấp bản sao.

Điều 6. Thu hồi Chứng chỉ sư phạm dạy nghề

Người đứng đầu các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy nghề ra quyết định và thực hiện việc thu hồi Chứng chỉ sư phạm dạy nghề trong các trường hợp sau:

1. Người được cấp Chứng chỉ sư phạm dạy nghề bị phát hiện có hành vi gian lận trong học tập, thi hoặc trong việc làm hồ sơ để được cấp Chứng chỉ sư phạm dạy nghề;

2. Chứng chỉ sư phạm dạy nghề do người không có thẩm quyền cấp;

3. Chứng chỉ sư phạm dạy nghề bị tẩy xóa;

4. Người được cấp Chứng chỉ sư phạm dạy nghề để cho người khác sử dụng Chứng chỉ sư phạm dạy nghề của mình.

Điều 7. Trách nhiệm của Tổng cục Dạy nghề

Tổng cục Dạy nghề có trách nhiệm hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, việc cấp và quản lý Chứng chỉ sư phạm dạy nghề, tổng hợp việc cấp chứng chỉ trên phạm vi cả nước và báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Điều 8. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 02 tháng 02 năm 2012 và thay thế Quyết định số 10/2006/QĐ-BLĐTBXH ngày 06/12/2006 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc ban hành mẫu Chứng chỉ sư phạm dạy nghề. Các quy định trước đây về quản lý, cấp Chứng chỉ sư phạm dạy nghề trái với Thông tư này đều được bãi bỏ.

Điều 9. Trách nhiệm thi hành

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Người đứng đầu cơ quan Trung ương của Tổ chức chính trị - xã hội có cơ sở dạy nghề; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chánh Văn phòng Bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề; Người đứng đầu các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy nghề, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Ngọc Phi

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.