THÔNG TƯ
LIÊN BỘ LÂM NGHIỆP - BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI SỐ 16-TT/LB
NGÀY 13 THÁNG 6 NĂM 1985 VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH TRỒNG CÂY
VÀ QUẢN LÝ CÂY HAI BÊN ĐƯỜNG GIAO THÔNG
Thi hành quyết định 184 - HĐBT ngày 6-11-1982 của Hội đồng Bộ trưởng về việc "Đẩy mạnh giao đất giao rừng cho tập thể và nhân dân trồng cây gây rừng" và Nghị định 203-HĐBT ngày 21-12-1982 của Hội đồng Bộ trưởng ban hành "Điều lệ bảo vệ đường bộ", liên Bộ Lâm nghiệp và Giao thông vận tải ban hành Thông tư hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh công tác trồng cây và bảo vệ cây hai bên đường giao thông.
I. TÌNH HÌNH CÔNG TÁC TRỒNG CÂY
TRONG CÁC NĂM QUA:
Trong hơn 20 năm qua, kể từ khi Bác Hồ phát động toàn dân thực hiện "Tết trồng cây" được sự quan tâm lãnh đạo của Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương và sự chỉ đạo của 2 Bộ: Giao thông vận tải và Lâm nghiệp, cho đến nay việc trồng cây trên các đường giao thông, từ các quốc lộ cho đến các đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường chuyên dùng.... đã được trồng cây và đã mang lại nhiều kết quả về các mặt: kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng. Nhiều hàng cây hai bên đường đã phát triển xanh tốt, góp phần vào việc tăng cường cơ sở vật chất cho xã hội, đã làm cho các con đường thêm đẹp, tạo bóng mát, giữ độ ẩm bảo vệ mặt đường, chống sạt lở nền đường, chắn gió, cát, điều hòa khí hậu... và trong cuộc chiến tranh bằng không quân của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc nước ta, hàng cây đã có tác dụng rất lớn trong việc ngụy trang, nghi trang các công trình giao thông, phương tiện vượt sông, phương tiện vận tải.
Tuy nhiên, việc trồng cây còn tồn tại một số khuyết nhược điểm như:
- Do chưa làm tốt công tác quy hoạch và yêu cầu kỹ thuật trồng cây hai bên đường, đồng thời do nhu cầu phát triển giao thông mở rộng các tuyến đường nên rất nhiều hàng cây, đặc biệt là những hàng cây trồng cách đây 20 - 25 năm đã phần nào ảnh hưởng đến chất lượng đường sá và tầm nhìn của lái xe.
- Việc quản lý các hàng cây do cơ quan quản lý đường phụ trách đã có nhiều cố gắng, nhưng vẫn còn để xẩy ra tình trạng chặt phá bừa bãi, tranh chấp cây cối... gây ra nhiều tổn thất.
II. NGUYÊN TẮC CHUNG
1. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương chỉ đạo 2 ngành Giao thông vận tải, Lâm nghiệp và các ngành có liên quan ở địa phương và chính quyền các cấp tổ chức tốt việc trồng, cải tạo, quản lý, bảo vệ, khắc phục các tồn tại do cây trồng gây ra và chủ trì giải quyết các khó khăn mắc mứu ở địa phương đối với hàng cây 2 bên đường giao thông, trên tất các hệ thống đường nằm trong tỉnh.
2. Hàng cây hai bên đường giao thông là một bộ phận cấu trúc của con đường, do đó việc trồng cây và chăm sóc bảo vệ cây phải theo quy hoạch và quy định kỹ thuật trồng cây hai bên đường (kèm theo Thông tư này).
3. Đường quốc lộ là đường có yêu cầu kỹ thuật cao, lưu lượng xe qua lại trên đường nhiều, yêu cầu công tác xây dựng, quản lý, sửa chữa đường phức tạp hơn, vì vậy việc trồng cây hai bên đường giao thông phải tổ chức thực hiện một cách chặt chẽ, nghiêm ngặt hơn và phải có hướng dẫn cụ thể của cơ quan quản lý đường. Đồng thời phải nhanh chóng khắc phục các hậu quả do cây trồng gây ra có ảnh hưởng đến giao thông trên đường.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1. Các Sở giao thông vận tải, Sở lâm nghiệp, liên hiệp xí nghiệp giao thông phối hợp chặt chẽ làm tốt chức năng tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương và cùng phối hợp chỉ đạo tốt công tác trồng cây ở địa phương, trước mắt cần xây dựng và trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương xét duyệt quy hoạch trồng cây mới và cải tạo hàng cây cũ trên toàn bộ tuyến đường (kể cả quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã và đường chuyên dùng). Trong phương án bao gồm cả việc phân phối đất ven đường cho hợp tác xã, cơ quan, trường học, lực lượng vũ trang.... trồng cây và quản lý bảo vệ cây.
2. Căn cứ vào quy hoạch trồng cây đã được duyệt, ngành Giao thông vận tải phối hợp với ngành Lâm nghiệp, tổ chức triển khai việc giao đất trồng cây ven đường, xác định vị trí trồng cây, loại cây trồng cho các đơn vị quốc doanh (bao gồm các đơn vị quản lý đường thuộc Liên hiệp xí nghiệp giao thông Trung ương và địa phương, Liên hiệp Lâm công nghiệp, lâm trường, các đơn vị trực tiếp quản lý đường chuyên dùng...) và các tập thể cơ quan trường học, lực lượng vũ trang, hợp tác xã, tập đoàn sản xuất... để trồng cây theo quy hoạch và kế hoạch.
3. Các đơn vị quốc doanh và tập thể sau khi nhận đất trồng cây phải có trách nhiệm: trong vòng 2 năm kể từ ngày nhận nhiệm vụ phải tổ chức trồng xong, trường hợp có khó khăn cũng không quá 3 năm.
4. Tổ chức trồng và bảo vệ cây:
4.1. Ngành Giao thông vận tải có trách nhiệm cùng với ngành Lâm nghiệp hướng dẫn kỹ thuật trồng cây theo đúng quy định hướng dẫn chăm sóc, tu bổ, bảo vệ, quản lý khai thác và cải tạo hàng cây trên những đoạn đường đã có cây, kể cả việc tỉa cành, tạo tán cây, đồng thời phát hiện, uốn nắn kịp thời những thiếu sót trái với quy trình, quy tắc trồng cây.
Ngành Lâm nghiệp có trách nhiệm hướng dẫn việc xây dựng vườn ươm, giúp đỡ về giống và tạo cây con đủ tiêu chuẩn chất lượng theo chủng loại cây trồng trên đường.
4.2. Trên đường đã trồng cây từ trước, đến nay vẫn chưa xác định được quyền sở hữu về cây trồng, nếu ở trên địa bàn tỉnh nào thì Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương giải quyết dứt điểm để tạo điều kiện tổ chức quản lý, chăm sóc, bảo vệ được tốt; đồng thời vận dụng và xác định chính sách hưởng thụ cho phù hợp, thoả đáng cho các cá nhân, đơn vị trước đây đã trồng và thường xuyên chăm sóc bảo vệ. Tuyệt đối không được để xẩy ra tình trạng chặt phá bừa bãi, ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng cây trồng cũng như ảnh hưởng đến giao thông trên đường.
4.3. Ủy ban nhân dân các địa phương chỉ đạo hai ngành Giao thông vận tải và Lâm nghiệp tổ chức tốt việc thu dọn cây bị nghiêng ngả, xiêu vẹo, cây bị đổ gẫy bất thường để nhanh chóng giải phóng mặt đường, đảm bảo giao thông nếu không thực hiện kịp thời, các đơn vị quản lý đường có thể đưa người ra thu dọn và người sở hữu cây trồng phải thanh toán các chi phí.
5. Việc chặt hàng loạt cây để cải tạo hàng cây hoặc các cây đã đến tuổi khai thác, chặt các hàng cây để mở rộng mặt đường v.v... đều phải lập thành phương án thuyết minh cụ thể, trên nguyên tắc là phải đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn và không làm ảnh hưởng các công trình giao thông. Việc xét các phương án quy định như sau:
- Nếu là đường quốc lộ do Trung ương quản lý được Liên hiệp các xí nghiệp giao thông cùng với Sở Giao thông vận tải, Sở Lâm nghiệp xét quyết định, đồng thời phải có văn bản báo cáo về Bộ Giao thông vận tải (Vụ Quản lý tài chính - Giao thông) và Bộ Lâm nghiệp (Cục kiểm lâm nhân dân).
- Nếu là đường quốc lộ đã phân cấp cho địa phương quản lý, đường tỉnh, đường chuyên dùng phải được Sở Giao thông vận tải và Sở Lâm nghiệp xét quyết định.
- Nếu là đường huyện, đường xã do tổ chức Giao thông vận tải và Lâm nghiệp huyện xét quyết định. Khi thi công phải hết sức khẩn trương, tránh gây cản trở giao thông, đào gốc cây phải đắp phụ trả lại nền đường.
Tuyệt đối nghiêm cấm việc tuỳ tiện chặt cây, xén cành, tỉa cây, tỉa cảnh làm hư hại hàng cây, đường cây. Ai vi phạm phải bồi thường thiệt hại hoặc xử lý theo pháp luật hiện hành.
6. Việc sử dụng gỗ, củi và các sản phẩm khác:
6.1. Tất cả các cây trồng bằng vốn đầu tư của Nhà nước do bất kỳ cơ quan nào quản lý thì toàn bộ sản phẩm thu hoạch được đều thuộc quyền sở hữu của Nhà nước.
- Các hoa quả, cành nhánh hoặc tỉa thưa khi cây còn nhỏ chỉ có thể làm củi thì cơ quan quản lý cây trồng được sử dụng cho nhu cầu của mình.
- Đối với gỗ, cơ quan trồng cây được ưu tiên sử dụng và sẽ trừ vào chỉ tiêu kế hoạch gỗ hàng năm. Trường hợp sử dụng không hết thì chuyển cho ngành Lâm nghiệp phân phối theo kế hoạch Nhà nước. Tiền thu được phải nộp ngân sách Nhà nước sau khi đã trừ các khoản chi phí chặt hạ, vận chuyển, bảo quản v.v...
Nghiêm cấm việc tuỳ tiện sử dụng cho tập thể, cá nhân hay phân phối nội bộ làm thiệt hại công quỹ.
6.2. Cây trồng của tập thể (Hợp tác xã, cơ quan ...)
Toàn bộ sản phẩm thu hoạch được cả chính và phụ của các đơn vị có công trồng, chăm sóc, bảo vệ đều được tự do sử dụng. Nếu dùng không hết được bán ra (kể cả bán cho Nhà nước) theo giá thoả thuận. Trường hợp chỉ làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ cây thì chỉ được hưởng một tỷ lệ nhất định do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định.
7. Để thông tư triển khai có kết quả, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương chỉ đạo 2 ngành Lâm nghiệp và Giao thông vận tải, các ngành liên quan cùng chính quyền các cấp ở địa phương hoàn thành tốt việc trồng cây hai bên đường giao thông, chủ trì giải quyết những khó khăn, mắc mứu ở địa phương và các ngành liên quan, có biện pháp nhanh chóng và hiệu quả chấm dứt nạn chặt phá cây cối bừa bãi hai bên đường giao thông.
Do yêu cầu cấp bách và tầm quan trọng của công tác trồng cây gây rừng nói chung và trồng cây ở 2 bên đường giao thông nói riêng, Liên Bộ Lâm nghiệp và Giao thông vận tải đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương hết sức quan tâm đến công tác trồng cây, bảo vệ cây trên các đường giao thông.
Thông tư liên Bộ này có hiệu lực kể từ ngày ký. Bãi bỏ các văn bản trước đây trái với nội dung của Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện Thông tư nếu gặp khó khăn cần phản ánh kịp thời để liên Bộ nghiên cứu giải quyết.