• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 17/06/1981
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
Số: 228-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 2 tháng 6 năm 1981

QUYẾT ĐỊNH

Của Hội đồng Chính phủ số 228/CP ngày 2-6-1981
về việc cải tiến hệ thống giá bán buôn

 

Để định lại hệ thống giá bán buôn cho phù hợp với tình hình thay đổi về giá thiết bị, vật tư, hàng hoá nhập khẩu, giá mua nguyên vật liệu trong nước, tiền lương, khấu hao tài sản cố định;

Căn cứ nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp ngày 23 tháng 5 năm 1981 về việc tiếp tục cải tiến công tác phân phối, lưu thông;

Theo đề nghị của đồng chí chủ nhiệm Uỷ ban Vật giá Nhà nước,

 

QUYẾT ĐỊNH:

1. Cùng với việc cải tiến hệ thống giá thu mua giá bán lẻ, cần đồng thời tiến hành cải tiến hệ thống giá bán buôn nhằm:

- Làm cho giá vật tư và hàng hoá (sản xuất trong nước và nhập khẩu) phù hợp với giá trị đã thay đổi, tạo điều kiện để tính giá thành, giá thu mua và giá bán lẻ được sát đúng hơn;

- Góp phần cải tiến quản lý, tăng cường hạch toán kinh tế, xoá bỏ hành chính bao cấp và đấu tranh thực hiện các định mức kinh tế - kỹ thuật, tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm;

- Góp phần phân phối hợp lý thu nhập quốc dân giữa các ngành kinh tế và giữa các khâu sản xuất, lưu thông, bán buôn, bán lẻ.

Hệ thống giá bán buôn mới sau khi được ban hành sẽ áp dụng trong thời gian kế hoạch 5 năm 1981 - 1985 và mang tính chất pháp lệnh; tất cả các ngành, các cấp, các tổ chức sản xuất, thương nghiệp, cung ứng vật tư, ngoại thương... đều phải chấp hành đúng đắn trong công tác quản lý kinh tế và trong tất cả các mối quan hệ kinh tế giữa các ngành, các cấp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

2. Việc cải tiến hệ thống giá bán buôn được tiến hành trên bốn khâu:

- Giá bán buôn hàng nhập khẩu.

- Giá bán buôn vật tư; cước vận tải; cước dịch vụ trong sản xuất.

- Giá xí nghiệp.

- Giá bán buôn công nghiệp.

3. Về giá bán buôn hàng nhập khẩu. Giá bán buôn hàng nhập khẩu được xây dựng theo các nguyên tắc sau đây:

a) Phải xét điều kiện sản xuất trong nước, nhu cầu nhập khẩu và lợi ích của nền kinh tế quốc dân mà định giá cho sát với từng loại hàng.

- Đối với những sản phẩm nhập khẩu mà trong nước đã có sản xuất và bảo đảm được phần lớn nhu cầu thì nói chung phải căn cứ vào chính sách giá của Nhà nước và dựa vào giá trị đã hình thành trong nước mà định giá.

- Đối với những sản phẩm trong nước chưa sản xuất hoặc sản xuất mới bảo đảm được một phần nhỏ nhu cầu và còn phải nhập khẩu trong thời gian dài thì dựa vào giá vốn nhập khẩu và vận dụng chính sách khuyến khích sản xuất và tiết kiệm tiêu dùng để định giá.

b) Giá bán buôn hàng nhập khẩu tạm thời được tính từ giá vốn nhập khẩu cộng (+) hoặc trừ (-) thu bù chênh lệch ngoại thương theo chế độ hiện hành.

Giá vốn nhập khẩu là giá mua bằng ngoại tệ được quy ra tiền Việt Nam theo tỷ giá kết toán nội bộ, cộng (+) với các chi phí nhập khẩu cần thiết (cước vận tải, bảo hiểm, lãi suất tín dụng, chiết khấu kinh doanh ngoại thương theo từng loại hàng).

- Nếu là vật tư, hàng hoá chỉ nhập khẩu từ khối SEV thì lấy giá bình quân 5 năm 1981 - 1985 của khối này, cộng (+) thêm chi phí cần thiết nói trên.

- Nếu là vật tư, hàng hoá chỉ nhập khẩu của thị trường tư bản thì lấy giá bình quân của thị trường này trong năm 1980 và năm 1981, có dự kiến những sự biến đổi giá trong thời kỳ 5 năm tới, cộng (+) thêm chi phí cần thiết nói trên.

- Nếu là vật tư, hàng hoá nhập khẩu của cả hai thị trường thì lấy giá bình quân gia quyền của cả hai thị trường, cộng (+) thêm chi phí cần thiết nói trên.

Tỷ giá kết toán nội bộ cần được tính lại trên cơ sở xác định đúng đắn giá trị trong nước các loại hàng xuất khẩu và giá bán được ra thị trường quốc tế. Bộ Tài chính có trách nhiệm phối hợp với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Uỷ ban vật giá Nhà nước, Bộ Ngoại thương và Ngân hàng Nhà nước để tính toán và trình Thường vụ Hội đồng Chính phủ xét duyệt tỷ giá kết toán nội bộ.

4. Về giá bán buôn vật tư, cước vận tải và các dịch vụ trong sản xuất:

a) Nếu là vật tư sản xuất trong nước thì lấy giá bán buôn công nghiệp cộng (+) thêm chiết khấu kinh doanh của ngành vật tư.

Uỷ ban Vật giá Nhà nước cùng các Bộ liên quan trình Thủ tướng Chính phủ thông qua những tiêu chuẩn về khấu hao tài sản cố định, tiền lương, lợi nhuận định mức dùng làm căn cứ cho các ngành xây dựng phương án giá bán buôn vật tư mới, cước vận tải và các dịch vụ trong sản xuất trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

b) Nếu là vật tư nhập khẩu thì lấy giá bán buôn hàng nhập khẩu cộng (+) thêm chiết khấu kinh doanh của ngành vật tư.

5. Về giá xí nghiệp và giá bán buôn công nghiệp: Căn cứ vào giá bán buôn vật tư mới, khấu hao tài sản cố định, các định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức lao động, tiền lương và mức lợi nhuận được Nhà nước quy định, các Bộ, Tổng cục quản lý các ngành sản xuất, xây dựng, vận tải cần chỉ đạo các xí nghiệp sản xuất kinh doanh trong ngành tính lại giá thành lập phương án giá xí nghiệp, trình Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền xét duyệt. Các ngành, các cấp phải ra sức phấn đấu nâng cao hệ số sử dụng công suất máy móc, khôi phục lại những định mức hợp lý về tiêu hao vật tư và lao động, nhằm chống lãng phí, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh tế.

Giá bán buôn công nghiệp là giá xí nghiệp cộng(+) thêm khoản thu quốc doanh, hoặc là giá bán lẻ (đối với những mặt hàng Nhà nước có quy định giá bán lẻ) trừ (-) chiết khấu thương nghiệp.

Uỷ ban Vật giá Nhà nước có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và các ngành quản lý sản xuất nghiên cứu lập phương án đề nghị Chính phủ quyết định điều chỉnh giá bán buôn công nghiệp, trên cơ sở giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa tích luỹ và tiêu dùng.

6. Việc cải tiến hệ thống giá bán buôn liên quan đến tất cả các ngành quản lý tổng hợp và các ngành quản lý sản xuất, kinh doanh; nó đòi hỏi tất cả các ngành phải tham gia nghiên cứu và lập phương án theo một sự chỉ đạo thống nhất, và sau khi được Hội đồng Chính phủ xét duyệt, phải có một kế hoạch thực hiện thống nhất, đồng bộ, phối hợp nhịp nhàng, ăn khớp.

Để bảo đảm tiến độ công tác, Hội đồng Chính phủ giao trách nhiệm cho các ngành như sau:

- Uỷ ban vật giá Nhà nước cùng với các bộ Tài chính, Ngoại thương, Vật tư và các Bộ quản lý ngành sản xuất tích cực chuẩn bị trình Thường vụ Hội đồng Chính phủ xét duyệt và ban hành bước đầu hệ thống giá bán buôn vật tư mới trong 6 tháng năm 1981.

- Căn cứ vào hệ thống giá bán buôn vật tư mới được Hội đồng Chính phủ ban hành, các Bộ quản lý sản xuất chỉ đạo các xí nghiệp, công ty lập phương án giá thành, giá xí nghiệp trên cơ sở xác định mức sử dụng vật tư kỹ thuật, định mức lao động, định mức sử dụng công suất thiết bị do cơ quan có thẩm quyền ban hành (nếu vì lý do khách quan mà phải sửa đổi các định mức thì phải được cơ quan có thẩm quyền quản lý các định mức đó chấp nhận).

Các Bộ quản lý lưu thông tính lại phí lưu thông và mức chiết khấu thương nghiệp và phải gửi đến Uỷ ban Vật giá Nhà nước để tổng hợp trong tháng 6 và tháng 7 năm 1981.

- Uỷ ban Vật giá Nhà nước cùng Bộ Tài chính, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và các Bộ tính giá bán buôn công nghiệp trong quý III năm 1981.

- Uỷ ban vật giá Nhà nước có trách nhiệm cùng Bộ Tài Chính, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và các Bộ quản lý các ngành sản xuất, lưu thông thẩm tra, xét duyệt giá thành, giá bán buôn xí nghiệp, chiết khấu thương nghiệp và giá bán buôn công nghiệp trước khi trình Chính phủ phê chuẩn.

Toàn bộ các công việc trên đây phải hoàn thành trong quý III năm 1981.

7. Để giúp Hội đồng Chính phủ chỉ đạo toàn bộ công việc trên đây, nay lập ra ban chỉ đạo cải tiến giá bán buôn do Phó thủ tướng Đỗ Mười làm trưởng ban, và thành viên gồm có chủ nhiệm Uỷ ban Vật giá Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và một đồng chí Bộ trưởng Phủ Thủ tướng.

Phó Thủ tướng Chính phủ

(Đã ký)

 

Tố Hữu

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.