• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 19/07/1981
  • Ngày hết hiệu lực: 11/11/1991
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
Số: 293-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 4 tháng 7 năm 1981

NGHỊ ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ SỐ 293/CP NGÀY 4 THÁNG 7 NĂM 1981 VỀ VIỆC THI HÀNH PHÁP LỆNH NGÀY 14-11-1979 VỀ BẢO VỆ,
CHĂM SÓC VÀ GIÁO DỤC TRẺ EM

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

- Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Chính phủ do Quốc hội thông qua ngày 14-7-1960;

- Căn cứ điều 27 của Pháp lệnh ngày 14-11-1979 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em;

- Theo đề nghị của Bộ trưởng Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp chế của Chính phủ,

NGHỊ ĐỊNH

VỀ BẢO VỆ, CHĂM SÓC VÀ GIÁO DỤC TRẺ EM

Điều 1. Trẻ em được hưởng đầy đủ các tiêu chuẩn lương thực, thực phẩm, vải mặc đã được Nhà nước quy định cho từng lứa tuổi. Bộ Lương thực, Bộ Công nghiệp thực phẩm và Bộ Nội thương có trách nhiệm bảo đảm những tiêu chuẩn đó cho các em. Trong trường hợp có khó khăn, trẻ em là đối tượng được ưu tiên phân phối lương thực, thực phẩm và vải mặc. Về tiêu chuẩn cung cấp sữa cho trẻ em có mẹ bị thiếu sữa hoặc mất sữa, ngành thương nghiệp có trách nhiệm bảo đảm cung cấp đủ số lượng, chất lượng và đúng kỳ hạn.

Điều 2. Trong việc chăm sóc sức khoẻ cho trẻ em, Bộ Y tế có trách nhiệm:

1. Từng bước thực hiện việc khám sức khoẻ định kỳ cho tất cả trẻ em và lập sổ theo dõi sức khoẻ trẻ em.

2. Có kế hoạch tổ chức sản xuất các thứ thuốc cần thiết cho từng lứa tuổi trẻ em; từng bước tăng tỷ lệ giường bệnh dành cho trẻ em, bảo đảm số lượng và chất lượng cán bộ, nhân viên làm việc ở các khoa nhi.

3. Cùng với Uỷ ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em và Bộ Giáo dục xây dựng, hoàn chỉnh và tổ chức thực hiện tốt các chế độ phòng bệnh, khám bệnh và chữa bệnh cho những người có nhiệm vụ hằng ngày tiếp xúc với trẻ em.

Điều 3. Các cơ quan, xí nghiệp và các hợp tác xã, các đoàn thể không được phân công những người có bệnh truyền nhiễm vào những công tác có tiếp xúc với trẻ em.

Điều 4. Cấm đặt các loại kho chứa thuốc trừ sâu, phân bón, các chất hoá học, chất độc hại khác gần các nhà trẻ, lớp mẫu giáo, trường học, cơ sở y tế và văn hoá phục vụ trẻ em.

Không được xây dựng các nhà trẻ, lớp mẫu giáo, trường học, sơ cở y tế và văn hoá phục vụ trẻ em gần những nơi có những kho tàng nói trên.

Điều 5. Cấm trẻ em uống rượu, uống bia, hút thuốc và sử dụng ma tuý, v.v... Người lớn có trách nhiệm giáo dục và ngăn chặn các em vi phạm điều này. Không ai được bán cho trẻ em những thứ có hại nói trên.

Điều 6. Uỷ ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em Trung ương, Bộ Giáo dục và Uỷ ban nhân dân các cấp có kế hoạch tăng cường mạng lưới nhà trẻ, lớp mẫu giáo, trường phổ thông cơ sở theo đúng những tiêu chuẩn do Nhà nước quy định, để hàng ngày thu nhận được nhiều và giáo dục tốt các trẻ em trong độ tuổi.

Điều 7. Không được dùng các nhà trẻ, lớp mẫu giáo, trường học và các cơ sở khác phục vụ sự nghiệp chăm sóc, giáo dục trẻ em vào những mục đích khác.

Nếu vì lợi ích chung mà cần phải dùng những cơ sở nói trên vào mục đích khác, thì phải được Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương cho phép, và phải bố trí những cơ sở tương xứng để thay thế.

Điều 8. Tổng cục Thể dục thể thao có trách nhiệm phối hợp với các ngành có liên quan nghiên cứu hướng dẫn thực hiện kế hoạch và phương pháp luyện tập sức khoẻ phù hợp với các lứa tuổi trẻ em.

Điều 9. Bộ Giáo dục có trách nhiệm phối hợp với các ngành có liên quan ở Trung ương và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương củng cố và phát triển các trường năng khiếu cho trẻ em.

Điều 10. Bộ Văn hoá và Thông tin, Tổng cục Thể dục thể thao có trách nhiệm phối hợp với Uỷ ban thiếu niên và nhi đồng, các đoàn thể nhân dân, các Hội văn học nghệ thuật và các ngành có liên quan xây dựng các kế hoạch phục vụ nhu cầu văn hoá, nghệ thuật của trẻ em, và chỉ đạo các cơ quan thuộc quyền và các địa phương thực hiện các kế hoạch ấy, chú trọng các mặt sau đây:

a) Tổ chức việc sáng tác, xuất bản, phát hành các loại sách báo tranh ảnh, xây dựng các loại phim, các tiết mục múa, nhạc, kịch, xiếc v.v... thích hợp với trẻ em;

b) Tổ chức việc sản xuất các dụng cụ thể dục thể thao, các dụng cụ giáo dục thẩm mỹ cho trẻ em;

c) Củng cố và xây dựng mới các thư viện, câu lạc bộ, nhà văn hoá, rạp hát, cơ sở luyện tập v.v... dành cho trẻ em. (Nếu chưa có điều kiện xây dựng những công trình riêng cho trẻ em, thì phải quy định thích đáng thời gian dành cho trẻ em trong kế hoạch sử dụng các công trình chung).

Điều 11. Nghiêm cấm việc sản xuất, nhập khẩu, sao lại, tàng trữ và lưu hành những văn hoá phẩm có hại cho việc giáo dục trẻ em.

Khi phát hiện những văn hoá phẩm trên đây, bất cứ công dân nào cũng có quyền tịch thu và nộp cho cơ quan văn hoá sở tại từ cấp huyện, quận hoặc cấp tương đương trở lên.

Điều 12. Bộ Văn hoá và Thông tin có trách nhiệm quy định những bộ phim và những tiết mục sân khấu mà trẻ em không được xem.

Khi chiếu những phim và biểu diễn những tiết mục đó, các rạp phải thông báo trước, nhân viên kiểm soát vé và giữ trật tự ở những nơi này không được cho trẻ em vào xem.

Khi chiếu trên vô tuyến truyền hình những phim, những tiết mục sân khấu không nên để trẻ em xem, các đài truyền hình phải thông báo trước.

ĐỐI VỚI TRẺ EM LÀ CON LIỆT SĨ, TRẺ EM MỒ CÔI VÀ TRẺ EM TÀN TẬT

Điều 13. Trên cơ sở điều tra tình hình trẻ em là con liệt sĩ, trẻ em mồ côi, Bộ Thương binh và xã hội phối hợp với các ngành có liên quan chỉ đạo các cơ quan, xí nghiệp, hợp tác xã và các đoàn thể nhân dân xây dựng và mở rộng mạng lưới cơ sở nuôi dạy trẻ để dần dần thu nhận hết các trẻ em là con liệt sĩ, các trẻ em mồ côi không nơi nương tựa.

Trẻ em là con liệt sĩ được ưu tiên nhận vào các nhà trẻ, các lớp mẫu giáo và các trường học.

Điều 14. Bộ Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế và các ngành có liên quan có trách nhiệm phối hợp chỉ đạo các địa phương điều tra tình hình trẻ em tàn tật, trên cơ sở đó có kế hoạch điều trị, phục hồi chức năng lao động, dạy văn hoá và dạy nghề cho trẻ em tàn tật.

VỀ CHÍNH SÁCH BÁN GIÁ HẠ CÁC MẶT HÀNG DÀNH CHO TRẺ EM

Điều 15. Căn cứ vào tình hình phát triển sản xuất từng thời kỳ, Uỷ ban Vật giá Nhà nước cùng Bộ Nội thương trình Chính phủ xét duyệt danh mục các mặt hàng giá hạ dành bán cho trẻ em, chú trọng trước hết là học phẩm, thuốc chữa bệnh, khi có điều kiện thì mở rộng đến các mặt hàng khác.

Điều 16. Khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, vào những nơi vui chơi, giải trí công cộng, trẻ em từ 7 tuổi đến 15 tuổi được giảm 50% tiền vé.

 

 

VỀ TRÁCH NHIỆM CHUNG CỦA CHÍNH QUYỀN CÁC CẤP
VÀ CÁC ĐƠN VỊ CƠ SỞ

Điều 17. Trong kế hoạch Nhà nước 5 năm và hằng năm, các ngành và các địa phương phải ghi rõ các chỉ tiêu về các mặt bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nêu trong Pháp lệnh ngày 14-11-1979.

Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước có trách nhiệm giúp Hội đồng Chính phủ, Uỷ ban kế hoạch các cấp có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân cùng cấp xét duyệt và kiểm tra việc thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch đó.

Điều 18. Hội đồng nhân dân các cấp thành lập "Ban bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em" theo tinh thần các điều 28-29 và 30 của Luật ngày 27-10-1962 về tổ chức hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp, để giúp Hội đồng nhân dân nghiên cứu và giám sát việc thực hiện các chính sách và pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ở địa phương.

Điều 19. Các xí nghiệp, hợp tác xã và cơ sở sản xuất kinh doanh khác có trách nhiệm góp phần vào việc xây dựng những cơ sở vật chất cần thiết cho việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Hằng năm, các đại hội công nhân, viên chức, đại hội xã viên phải quyết định trích quỹ phúc lợi hoặc quỹ công ích với tỷ lệ thích đáng để chi cho sự nghiệp đó.

VỀ TRÁCH NHIỆM CỦA GIA ĐÌNH ĐỐI VỚI TRẺ EM

Điều 20. Nhà nước khuyến khích việc thành lập các hội cha mẹ học sinh để phối hợp với các trường học, các tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các Uỷ ban thiếu niên và nhi đồng và các đoàn thể nhân dân khác trong việc quản lý, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm giúp đỡ các hội cha mẹ học sinh.

Điều 21. Uỷ ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em Trung ương, Bộ Giáo dục, Bộ Y tế, Bộ Văn hoá và thông tin, căn cứ chức năng của mình, có trách nhiệm phối hợp với các ngành có liên quan và các đoàn thể nhân dân, tổ chức việc giáo dục, bồi dưỡng cho những người làm cha mẹ những kiến thức cần thiết về nuôi dạy con.

VỀ QUYỀN KHÁNG NGHỊ CỦA ĐOÀN THANH NIÊN CỘNG SẢN
HỒ CHÍ MINH VÀ HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ VIỆT NAM ĐỐI VỚI NHỮNG HÀNH VI HOẶC QUYẾT ĐỊNH XÂM PHẠM QUYỀN LỢI CỦA TRẺ EM

Điều 22. Đối với những hành vi hoặc những quyết định xâm phạm quyền lợi của trẻ em, khi có kháng nghị của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hoặc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải kịp thời xem xét và có biện pháp xử lý ngay. Nếu thấy cần thiết, các cơ quan Nhà nước đó có quyền áp dụng những biện pháp xử lý nêu trong Điều 26 của Pháp lệnh ngày 14-11-1979.

Việc xử lý bằng biện pháp hành chính sẽ theo những quy định trong các Điều 24, 25 và 26 của Nghị định này.

Việc xử lý bằng biện pháp hình sự sẽ theo những quy định của luật hình sự.

Điều 23. Các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội có hành vi hoặc quyết định xâm phạm quyền lợi của trẻ em, chậm nhất là 7 ngày sau khi nhận được kháng nghị của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hoặc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, phải trả lời và thông báo cách giải quyết của mình cho tổ chức đã kháng nghị biết và chậm nhất là 1 tháng kể từ ngày nhận được kháng nghị phải giải quyết xong.

Nếu không đồng ý với kháng nghị, thì trong thời hạn 7 ngày, các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội nói trên phải trả lời và nêu rõ lý do trong trường hợp này. Các đoàn thể đã kháng nghị có quyền khiếu nại lên cấp trên của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội đã vi phạm. Trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày được khiếu nại, tổ chức cấp trên của cơ quan hoặc tổ chức bị kháng nghị phải thông báo cho đoàn thể đã kháng nghị về cách giải quyết của mình.

VỀ PHẠT HÀNH CHÍNH

Điều 24. Các hình thức phạt hành chính theo Điều 26 của Pháp lệnh ngày 14-11-1979 bao gồm:

- Cảnh cáo.

- Phạt tiền từ 1 đồng đến 50 đồng.

- Phạt lao động công ích từ 1 ngày đến 3 ngày.

Nếu trong khi thừa hành nhiệm vụ, cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước vi phạm Pháp lệnh ngày 14-11-1979 thì ngoài những hình thức phạt hành chính trên đây, còn có thể bị thi hành kỷ luật theo điều lệ về kỷ luật do Hội đồng Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định số 195/CP ngày 31-12-1964.

Điều 25. Uỷ ban nhân dân xã, phường và cấp tương đương có quyền cảnh cáo, phạt tiền từ 1 đến 5 đồng; phạt lao động công ích 1 ngày.

Uỷ ban nhân dân huyện, quận hoặc cấp tương đương có quyền áp dụng tất cả các hình thức phạt hành chính quy định ở điểm 24 trên đây.

Điều 26. Người bị phạt hành chính có quyền khiếu nại đối với những quyết định của Uỷ ban nhân dân nếu xét thấy không thoả đáng, thời gian để khiếu nại được quy định như sau:

- 5 ngày đối với quyết định của Uỷ ban nhân dân xã, phường.

- 7 ngày đối với quyết định của Uỷ ban nhân dân huyện, quận, hoặc cấp tương đương.

Trong thời hạn 7 ngày sau khi nhận được khiếu nại, uỷ ban nhân dân cấp trên phải có quyết định chính thức giải quyết việc khiếu nại. Quyết định xử lý của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu là quyết định cuối cùng.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 27. Bộ trưởng các Bộ, Chủ nhiệm các Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Tố Hữu

(Đã ký)

Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Tố Hữu

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.