• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 15/12/1980
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 23-TC/CTN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Toàn quốc, ngày 15 tháng 12 năm 1980

THÔNG TƯ

Hướng dẫn việc thi hành Pháp lệnh ngày 23 tháng 6 năm 1980 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Chỉ thị số 202 TTg ngày 25 tháng 6 năm 1980 của Thủ tướng Chính phủ

___________________________

 Để thi hành Pháp lệnh ngày 23 tháng 6 năm 1980 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội và chỉ thị số 202 TTg ngày 25 tháng 6 năm 1980 của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung sửa đổi 1 số điểm về chính sách thuế công thương nghiệp, Bộ Tài chính đã có thông tư số 07/TC/CTN ngày 30 tháng 6 năm 1980 nói rõ thêm về ý nghĩa nội dung những quy định sửa đổi bổ sung và hướng dẫn kế hoạch thi hành.

Để việc thi hành được thống nhất, Bộ giải thích thêm 1 số điểm dưới đây:

1/ Về thuế lợi tức doanh nghiệp:

a. Về suất miễn thu: Thông tư số 07 ngày 30 tháng 6 năm 1980 đã nói rõ nguyên tắc và phương pháp định suất miễn thu.

Tinh thần của việc quy định mức miễn thu là không nên quá đơn giản (như chỉ có 1 mức không phân biệt 1 số nghề cần khuyến khích, 1 số nghề cần hạn chế, không phân biệt địa bàn có giá sinh hoạt cao), nhưng cũng không nên quy định quá nhiều mức, gây khó khăn cho việc thi hành. Rút kinh nghiệm việc làm ở 1 số địa phương, Bộ hướng dẫn thêm về phương pháp tiền hành cụ thể như sau:

- Lấy mức bình quân lương chính (lương cấp bậc không có phụ cấp) 1 công nhân xí nghiệp quốc doanh địa phương 1980 trong 4 ngành công nghiệp, xây dựng, vận tải, nông nghiệp làm căn cứ để định mức miễn thu áp dụng cho kinh tế tập thể cá thể hoạt động trong các ngành tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, vận tải, nông nghiệp. Cụ thể là nếu mức bình quân lương chính của ngành công nghiệp là 55đ, thì mức miễn thu quy định chung cho các cơ sở tập thể và cá thể sản xuất tiểu thủ công nghiệp là 55đ;nếu mức bình quân lương chính của ngành vận tải quốc doanh là 60đ thì mức miễn thu đối với vận tải tập thể cá thể là 60đ.

- Trong từng ngành có thể chọn 1 sóo nghề đòi hỏi lao động nặng nhọc, kỹ thuật cao, cần khuyến khích để quy định mức miễn thu cao hơn mức chung khoảng 10% và 1 số nghề lao động nhẹ, kỹ thuật đơn giản, không cần khuyến khích để quy định mức miễn thu thấp hơn mức chung khoảng 10%, thí dụ trong ngành tiểu thủ công nghiệp (có mức miễn thu chung là 55đ, thì chọn 1 số nghề (như cơ khí, điện, đóng phà, thuyền . . .) để quy định mức miễn thu là 60đ, và 1 số nghề (như sản xuất hương, vàng mã . . .) để quy định mức miễn thu là 50đ; trong ngành vận tải có mức miễn thu chung là 60đ thì quy định cho nghề vận tải thuỷ là 65đ. Việc quy định các mức miễn thu cao hay thấp hơn mức chung chỉ nên hạn chế vào những nghề thật cần thiết phải khuyến khích hay hạn chế, mà không nên mở rộng diện quá nhiều.

- Do căn cứ để xác định các mức miễn thu nói trên là lương cấp bậc của công nhân quốc doanh không có khoản phụ cấp khu vực, cho nên các mức miễn thu đã quy định là để áp dụng chung cho các địa bàn mà giá sinh hoạt nói chung không cao do đó mà ở những địa phương có các địa bàn mà giá sinh hoạt cao hơn giá sinh hoạt chung (thí dụ thành phố, thị xã tập trung, hay vùng miền núi, hải đảo xa xôi . . . thì có thể quy định mức miễn thu của các ngành nghề tương đương cao hơn các mức chung; thí dụ nghề cơ khí điện ở thành phố là 65đ, nghề sản xuất hương vàng mã ở thành phố là 55đv. v. . . ở những tình mà giá sinh hoạt không có chênh lệch nhiều giữa các địa bàn thì không cần quy định mức miễn thu khác nhau.

Việc quy định các mức miễn thu cho các nghề thuộc các ngành phục vụ ăn uống và ngành thương nghiệp cũng theo phương pháp trên, nhưng mức cụ thể của các ngành phục vụ ăn uống phải thấp hơn ngành tiểu thủ công nghiệp 10% và của ngành thương nghiệp phải thấp hơn ngành tiểu thủ công nghiệp 20%.

- Thời gian áp dụng các mức miễn thu mới là từ 1 tháng 7 năm 1980.

b. Về thuế biểu thuế suất và phương pháp tính thuế.

Pháp lệnh của Quốc hội đã ban hành 3 biểu thuế lợi tức mới thay thế cho các biểu thuế hiện hành và quy định phương pháp tính thuế đối với các hộ sản xuất cá thể.

Ở miền Bắc thi hành những sửa đổi bổ sung nói trên không có gì phức tạp: đối với lợi tức chịu thuế trong 1980 cần chia làm 2 phần: phần lợi tức thực hiện trong 6 tháng đầu năm thì tính toán theo các biểu thuế suất cũ (có thuế lợi tức bình thường và thuế lợi tức vượt mức, đối với sản xuất cá thể vẫn áp dụng các tỷ lệ thuế phải cộng thêm 25% hoặc 10%) và thanh toán rứt khoát; phần lợi tức thực hiện từ 1 tháng 7 năm 1980 thì áp dụng thuế biểu và thuế suất mới (không còn thuế lợi tức vượt mức, đối với sản xuất cá thể thì áp dụng các tỷ lệ thuế phải cộng thêm 10%, 5% hoặc không phải cộng thêm) và thanh toán vào đầu năm 1981.

Đối với miền Nam, do đã thực hiện 1 số cải tiến trong việc vận dụng thuế biểu thuế thuế suất và phương pháp tính thuế cho nên trong việc thi hành cần chú ý những vấn đề sau:

Đối với các ngành sản xuất tiểu thủ công nghiệp vận tải, xây dựng, nông nghiệp: khi cho thi hành chính sách thuế ở miền Bắc cho miền Nam, quyết định số 327 CP ngày 30 tháng 12 năm 1978 đã quy định 1 số vận dụng cải tiến khác với miền Bắc như: xoá bỏ thuế lợi tức vượt mức và tính gộp thuế này vào thuế lợi tức bình thường; thuế biểu mới ban hành là để áp dụng cho kinh tế cá thể, đối với kinh tế tập thể thì cũng áp dụng biểu thu này, nhưng thuế được tính giảm từ 10% đến 20% đối với HTX cấp vừa, từ 20 - 30% đối với HTX cấp cao; kinh tế tập thể nộp thuế trong 2 năm đầu kể từ khi mới thành lập theo 1 thuế suất cố định được xác định bằng tỷ lệ giữa thuế bình quân xã viên và lợi tức tính thuế bình quân xã viên thực hiện trong 6 tháng đầu kể từ khi mới thành lập.

Nay tình hình kinh tế ở 2 miền đang có biến chuyển, việc sửa đổi thuế biểu thuế suất theo pháp lệnh mới về cơ bản là theo hướng đã cải tiến để áp dụng cho miền Nam. Vì vậy từ nay cần thống nhất việc thi hành chính sách trong cả nước, kể từ 1 tháng 7 năm 1980, việc áp dụng thuế biểu thuế suất và tính toán thuế ở miền Nam sẽ theo những quy định hiện hành trong điều lệ thuế công thương nghiệp số 200 NQ-TVQH ngày 18 tháng 1 năm 1966, cụ thể là: thuế biểu mới ban hành là để áp dụng cho kinh tế tập thể, (đối với kinh tế cá thể thì tính thuế cộng thêm 10%, 5%, hoặc 0%) không áp dụng thuế suất cố định đã được công bố để thi hành trong 2 năm (mặc dù chưa hết thời hạn 2 năm) mà tính toán thuế theo các thuế suất thích hợp với từng bậc lợi tức chịu thuế quy định trong biểu thuế mới.

Tất nhiên là đối với phần lợi tức thực hiện từ 1 tháng 1 năm 1980 đến 30 tháng 6 năm 1980 vẫn thi hành theo những quy định trong quyết định 327 CP ngày 30 tháng 12 năm 1978 của Hội đồng Chính phủ.

Đối với các cơ sở kinh doanh nhỏ: Điều 4 quyết định số 327 CP ngày 30 tháng 12 năm 1978 đã quy định 1 số cải tiến về chế độ thu đối với các cơ sở kinh doanh nhỏ như: quy định tiêu chuẩn miễn thuế căn cứ thu nhập bình quân nhân khẩu, thu gộp thuế doanh nghiệp và thuế lợi tức theo 1 biểu thuế tính theo tỷ lệ căn cứ thu nhập kinh doanh tính thuế (sau khi đã trừ cho mỗi nhân khẩu trong hộ một khoản để đảm bảo mức sinh hoạt tối thiểu).

Những cải tiến trên là cần thiết trong bước đầy thi hành chính sách thuế, nhân dân chưa quen với việc đóng góp như ở miền Bắc. Nay các mức miễn thu đã được nâng lên thuế biểu thuế suất cũng đã được sửa đổi lại hợp lý hơn, cần thống nhất chính sách thuế trong cả nước. Do đó kể từ 1 tháng 7 năm 1980 ở miền Nam sẽ thống nhất thi hành đối với hộ nhỏ những quy định trong điều lệ thuế công thương nghiệp kèm theo nghị quyết 200 NQ/TVQH ngày 18 tháng 1 năm 1966 cụ thể là:

- Tính thuế doanh nghiệp riêng và thuế lợi tức riêng.

- Đối với thuế doanh nghiệp thì áp dụng các thuế suất trong biểu thuế kèm theo điều lệ, và đối với thuế lợi tức doanh nghiệp thì thi hành những quy định mới về suất miễn thu về thuế biểu thuế suất và phương pháp tính thuế. Thi hành những quy định mới về thuế đối với hộ nhỏ thì nói chung thuế phải nộp sẽ tăng hơn, những do đối tượng là các hộ kinh doanh nhỏ, cho nên trong tổ chức thực hiện một mặt phải nắm vững mục tiêu lâu dài là động viên đóng góp đúng chính sách, mặt khác có những vận dụng thích hợp để chiếu cố những trường hợp có khó khăn về đời sống (miễn giảm thuế cho 1 số hoạt động, 1 số đối tượng thu nhập chỉ đủ đảm bảo đời sống tối thiểu cho những trường hợp thuế tăng quá đột ngột ảnh hưởng đến sinh hoạt bình thường của người kinh doanh).

Đối với những trường hợp thực chất không phải là hộ nhỏ, phải xếp vào loại hộ lớn và hộ vừa để có biện pháp quản lý chặt chẽ về thu thuế đúng chính sách.

2/ Về thuế buôn chuyến

Thông tư số 07 ngày 30 tháng 6 năm 1980 của Bộ đã quy định: "Thuế suất buôn chuyến 15% được áp dụng đối với những chuyến hàng thuộc loại hàng chịu thuế buôn chuyến 10% (như gà, vịt, trứng, cá, lợn giống, các loại quả đặc sản) và có doanh thu từ 4.000đ trở lên; và đối với những chuyến hàng thuộc loại hàng chịu thuế buôn chuyến 12% (như hàng công nghệ phẩm, đồ trang trí, đồ cũ có doanh thu từ 3.000đ trở lên".

(Dưới các mức doanh thu nói trên vẫn áp dụng các thuế suất 10% hoặc 12%).

Các mức doanh thu nói trên là doanh thu bán hàng tại nơi tiêu thụ, và chỉ cơ quan thuế nơi bán hàng mới có điều kiện xác định đúng doanh thu thực tế bán ra. Do đó về phương pháp thu một mặt vẫn chỉ được thu 1 lần thuế như  NQ 373-CP ngày 13 tháng 10 năm 1979 của Hội đồng Chính phủ đã quy định, nhưng từ nay sẽ thu 2 khâu theo đúng quy định trong điều 39 điều lệ thuế công thương nghiệp. Cụ thể là:

- Ở nơi hàng xuất phát, tạm thu thuế buôn chuyến theo trị giá mua của chuyến hàng tại địa phương. Nếu trị giá mua trên 3.000đ hoặc 4.000đ tuỳ theo mặt hàng thì áp dụng ngay thuế suất 15%, nếu trị giá dưới các mức trên thì tính thuế theo các thuế suất 10% hay 12%.

- Ở nơi hàng tiêu thụ, phải xác định giá bán thực tế, tính toán thuế phải nộp theo thuế suất thích hợp và thu phần thuế chênh lệch giữa thuế phải nộp và thuế đã tạm thu. Đối với những chuyến hàng mà trị giá nơi xuất phát thấp hơn các mức 3.000đ hoặc 4.000đ, nhưng đến nơi bán hàng doanh số bán ra bằng hay cao hơn các mức trên thì thuế tính lại phải trên cơ sở doanh thu thực tế và thuế suất 15%.

Do cùng 1 mặt hàng có thể thu theo thuế suất cao hay thuế suất bình thường tuỳ theo doanh số thực hiện, cho nên việc nắm chắc giá cả thị trường từng nơi từng lúc và đấu tranh để xác định đúng doanh số có ý nghĩa quan trọng. Các Sở, Ty cần có sự chỉ đạo kiểm tra chặt chẽ đối với các trạm thuế và cán bộ thu thuế buôn chuyến, nhằm khắc phục những hiện tượng tuỳ tiện, hoặc cảm tình, nể nang trong việc xác định doanh số nhất là đối với các chuyến hàng trị giá xấp xỉ trên hay dưới các mức doanh số khởi điểm một ít.

Trên đây là 1 số điểm Bộ hướng dẫn thêm trong việc thi hành những quy định mới sửa đổi bổ sung về thuế. Trong quá trình thi hành, gặp khó khăn mắc mứu gì đề nghị các địa phương báo cáo với Bộ để cần thiết thì hướng dẫn thêm./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng thường trực

(Đã ký)

 

Đào Thiện Thi

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.