• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 15/07/2008
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 916/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Toàn quốc, ngày 15 tháng 7 năm 2008

QUYẾT ĐỊNH

Về việc thành lập Ban Chỉ đạo kế hoạch chung hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và các tổ chức Liên Hợp Quốc giai đoạn 2006 – 2010

_______________________

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 131/2006/NĐ-CP, ngày 09 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế sử dụng và quản lý nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA);
Xét đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại công văn số 4794/BKH-KTĐN, ngày 04 tháng 7 năm 2008,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thành lập Ban Chỉ đạo Kế hoạch chung hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và các tổ chức Liên hợp quốc giai đoạn 2006 – 2010 (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo).

Điều 2. Ban Chỉ đạo có các nhiệm vụ sau đây:

1. Chỉ đạo, kiểm tra, và đôn đốc các cơ quan, địa phương liên quan trong việc triển khai thực hiện nội dung Kế hoạch chung hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và các tổ chức Liên hợp quốc giai đoạn 2006 – 2010 (sau đây gọi tắt là Kế hoạch chung) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

2. Phê duyệt các tiêu chí và các nguyên tắc chung để làm cơ sở phân bổ ngân sách cho Kế hoạch chung từ Quỹ Kế hoạch chung, chỉ đạo và khuyến nghị phân bổ ngân sách.

3. Rà soát các phương thức thực hiện Kế hoạch chung, phân công trách nhiệm quản lý từng lĩnh vực tương ứng. Xác lập các biện pháp khuyến khích, nhân rộng các mô hình, cách tiếp cận thành công và các bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện Kế hoạch chung.

4. Xác định những điều chỉnh cần thiết và nhu cầu vầ nguồn lực để thực hiện Kế hoạch chung cho năm tiếp theo.

5. Tiến hành kiểm điểm hàng năm và giữa kỳ tình hình thực hiện Kế hoạch chung, giám sát tiến độ thực hiện và tổ chức đánh giá Kế hoạch chung.

6. Xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền báo cáo hàng năm thực hiện Kế hoạch chung.

7. Chủ động kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ các giải pháp để triển khai có hiệu quả Kế hoạch chung.

Điều 3. Các thành viên Ban Chỉ đạo gồm:

1. Đồng Trưởng ban: 01 Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Điều phối viên thường trú các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam là Đồng trưởng ban.

2. Các thành viên:

- Đại diện cấp Vụ của các cơ quan quản lý viện trợ: Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

- Trưởng đại diện của một số tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam thay mặt các tổ chức Liên hợp quốc tham gia Kế hoạch chung.

Căn cứ vào nội dung của phiên họp Ban Chỉ đạo, Đồng Trưởng ban quyết định mời đại diện các Bộ, ngành và địa phương có liên quan tham gia.

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp danh sách thành viên Ban Chỉ đạo trên cơ sở đề cử của các cơ quan liên quan.

Điều 4. Cơ chế và phương thức hoạt động của Ban Chỉ đạo:

1. Ban Chỉ đạo họp định kỳ 06 tháng một lần (khi cần thiết sẽ họp bất thường). Các cuộc họp do hai Đồng Trưởng ban cùng triệu tập.

2. Ban Chỉ đạo quyết định các vấn đề trên cơ sở đồng thuận. Trong trường hợp còn có ý kiến khác nhau, hai Đồng Trưởng ban trao đổi để thống nhất đưa ra quyết định cuối cùng.

Điều 5. Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam thực hiện nhiệm vụ thư ký cho Ban Chỉ đạo.

- Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Điều phối viên thường trú các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam quyết định chức năng, nhiệm vụ và nhân sự của Ban Thư ký.

Điều 6. Ban Chỉ đạo được phép sử dụng con dấu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo quy định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

- Kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và của Văn phòng Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc.

Điều 7. Ban Chỉ đạo tự giải thể khi Kế hoạch chung kết thúc.

Điều 8. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan có liên quan, Đồng Trưởng ban và các thành viên Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.