• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 29/08/1996
  • Ngày hết hiệu lực: 27/08/2007
CHÍNH PHỦ
Số: 51-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 29 tháng 8 năm 1996

 

NGHỊ ĐỊNH

Về việc giải quyết yêu cầu của tập thể lao động tại

doanh nghiệp không được đình công

__________________________

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 23 tháng 6 năm 1994;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1.- Doanh nghiệp không được đình công theo quy định tại Điều 174 của Bộ luật lao động bao gồm:

1. Doanh nghiệp phục vụ công cộng có tác động lớn đến sinh hoạt ở thành phố, khu công nghiệp lớn;

2. Doanh nghiệp sản xuất hoặc cung ứng một số sản phẩm thiết yếu đối với nền kinh tế và đời sống nhân dân được Nhà nước giao nhiệm vụ và trợ giúp khi cần thiết;

3. Doanh nghiệp sản xuất những sản phẩm trực tiếp phục vụ an ninh, quốc phòng thuộc Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng quản lý.

Điều 2.- Ban hành kèm theo Nghị định này Danh mục các doanh nghiệp không được đình công.

Điều 3.- Hàng năm vào đàu tháng 1, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan quản lý ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi kiến nghị điều chỉnh Danh mục các doanh nghiệp không được đình công (nếu có) để Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp trình Chính phủ xem xét quyết định.

Điều 4.- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phải thường xuyên kiểm tra, thanh tra tình hình thực hiện pháp luật lao động của các doanh nghiệp không được đình công; chủ trì phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước hữu quan, cơ quan quản lý cấp trên của doanh nghiệp (nếu có), Công đoàn ngành, Liên đoàn Lao động địa phương định kỳ 6 tháng một lần tổ chức nghe ý kiến của đại diện tập thể lao động và người sử dụng lao động ở các doanh nghiệp này để kịp thời giải quyết những yêu cầu chính đáng của tập thể lao động.

Trong trường hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nhận được yêu cầu phải giải quyết vượt quá thẩm quyền hoặc không giải quyết được thì trong thời hạn ba ngày, phải báo cáo với Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan quản lý Nhà nước hữu quan và cơ quan quản lý cấp trên (nếu có) để phối hợp giải quyết.

Điều 5.- Tại doanh nghiệp không được đình công, khi có những yêu cầu của tập thể lao động đòi hỏi giải quyết, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp phải lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của tập thể lao động, bàn bạc với người sử dụng lao động để tìm cách giải quyết; nếu không giải quyết được thì trong thời hạn ba ngày Ban Chấp hành Công đoàn phải kịp thời báo cáo với Liên đoàn lao động cấp tỉnh, người sử dụng lao động phải báo cáo với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và cơ quan quản lý cấp trên (nếu có) để phối hợp giải quyết.

Điều 6.- Khi xẩy ra tranh chấp lao động tập thể tại doanh nghiệp không được đình công, Hội đồng hoà giải lao động ở cơ sở phải tiến hành hoà giải ngay khi nhận được đơn yêu cầu hoà giải. Nếu Hội đồng hoà giải lao động ở cơ sở hoà giải không thành thì mỗi bên hoặc cả hai bên tranh chấp có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động cấp tỉnh giải quyết.

Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu, Hội đồng trọng tài lao động cấp tỉnh phải tiến hành hoà giải và giải quyết tranh chấp lao động tập thể.

Trường hợp một bên hoặc cả hai bên không đồng ý với quyết định của Hội đồng trọng tài lao động cấp tỉnh thì có quyền yêu cầu Toà án nhân dân cấp tỉnh giải quyết.

Điều 7.- Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 8.- Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các doanh nghiệp không được đình công chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

CHÍNH PHỦ

Phan Văn Khải

 

(Đã ký)

DANH MỤC
CÁC DOANH NGHIỆP KHÔNG ĐƯỢC ĐÌNH CÔNG
(Ban hành kèm theo Nghị định số 51/CP ngày 29 tháng 8 năm 1996)

I. CÁC DOANH NGHIỆP SẢN XUẤT, CUNG ỨNG, TRUYỀN TẢI ĐIỆN THUỘC TỔNG CÔNG TY ĐIỆN LỰC VIỆT NAM:

1. Các nhà máy nhiệt điện: Phả Lại, Uông Bí, Ninh Bình, Thủ Đức, Trà Nóc, Bà Rịa.

2. Các nhà máy thuỷ điện: Hoà Bình, Thác Bà, Vĩnh Sơn, Thác Mơ, Đa Nhim.

3. Các Công ty điện lực: I, II, III.

4. Các Công ty điện lực thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh.

5. Các Công ty truyền tải điện: I, II, III, IV.

6. Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia.

7. Công ty thông tin viễn thông điện lực.

II. CÁC DOANH NGHIỆP DỊCH VỤ BƯU CHÍNH VIỄN THÔNG THUỘC TỔNG CÔNG TY BƯU CHÍNH VIỄN THÔNG VIỆT NAM:

1. Công ty viễn thông quốc tế.

2. Công ty viễn thông liên tỉnh.

3. Công ty bưu chính liên tỉnh và quốc tế.

4. Công ty phát hành báo chí Trung ương.

5. Công ty điện toán và truyền số liệu.

6. Bưu điện các tỉnh và các thành phố trực thuộc Trung ương.

7. Cục Bưu điện Trung ương. 8. Công ty thông tin di động.

III. CÁC DOANH NGHIỆP VẬN CHUYỂN HÀNH KHÁCH, HÀNG HOÁ THUỘC LIÊN HIỆP ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM:

1. Các xí nghiệp đầu máy Hà Lào, Hà Nội, Vinh, Đà Nẵng, Sài Gòn.

2. Các xí nghiệp toa xe Hà Nội, Vinh, Đà Nẵng, Sài Gòn

3. Các xí nghiệp vận dụng toa xe khách, toa xe hàng Hà Nội, Sài Gòn.

4. Các xí nghiệp thông tin tín hiệu đường sắt Bắc Giang, Hà Nội, Vinh, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh.

5. Các xí nghiệp quản lý đường sắt.

6. Các nhà ga thuộc các tuyến đường sắt.

IV. CÁC DOANH NGHIỆP DỊCH VỤ NGÂN HÀNG THUỘC NGÀNH NGÂN HÀNG

- Các doanh nghiệp in dập tiền và các giấy tờ có giá trị như tiền.

V. CÁC DOANH NGHIỆP GIAO THÔNG CÔNG CHÍNH ĐÔ THỊ THUỘC CÁC THÀNH PHỐ

Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Thái Nguyên, Việt Trì, Hạ Long, Thanh Hoá, Nam Định, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột, Cần Thơ, Biên Hoà, Vũng Tàu.

1. Các công ty cấp thoát nước.

2. Các công ty vệ sinh môi trường.

3. Các công ty chiếu sáng đô thị.

4. Các đơn vị quản lý bến và phương tiện vượt sông thuộc Cục quản lý đường bộ.

5. Công ty phục vụ mai táng.

VI. CÁC DOANH NGHIỆP VẬN TẢI BIỂN VÀ BẢO ĐẢM HÀNG HẢI THUỘC TỔNG CÔNG TY HÀNG HẢI VIỆT NAM.

1. Các doanh nghiệp vận tải biển.

2. Các doanh nghiệp cảng biển.

3. Các doanh nghiệp hoa tiêu.

4. Bảo đảm an toàn hàng hải.

5. Công ty thông tin điện tử hàng hải Việt Nam.

6. Xí nghiệp liên hợp trục vớt cứu hộ.

VII. CÁC DOANH NGHIỆP VẬN TẢI HÀNG KHÔNG VÀ BẢO ĐẢM HÀNG KHÔNG THUỘC TỔNG CÔNG TY HÀNG KHÔNG VIỆT NAM.

1. Công ty dịch vụ hàng không sân bay Nội Bài (NASCO).

2. Công ty dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO)

3. Công ty dịch vụ hàng không sân bay Đà Nẵng (MASCO).

4. Xí nghiệp sửa chữa máy bay A75, A76.

5. Công ty cung ứng xăng dầu hàng không.

6. Công ty cung ứng dịch vụ hàng không.

7. Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (VIETNAM AIRLINES).

VIII. CÁC DOANH NGHIỆP TÌM KIẾM, THĂM DÒ, KHAI THÁC, VẬN CHUYỂN, CHẾ BIẾN, DỊCH VỤ DẦU KHÍ THUỘC TỔNG CÔNG TY DẦU KHÍ VIỆT NAM.

1. Công ty thăm dò khai thác dầu khí.

2. Công ty chế biến và kinh doanh sản phầm dầu, sản phẩm khí.

3. Công ty thiết kế và xây dựng dầu khí.

4. Công ty dịch vụ kỹ thuật dầu khí, dịch vụ du lịch dầu khí.

5. Công ty dung dịch khoan và hoá phẩm dầu khí.

6. Công ty thương mại dầu khí.

7. Công ty giám sát các hợp đồng chia sản phẩm.

8. Trung tâm đào tạo và cung ứng nhân lực dầu khí.

9. Trung tâm an toàn và môi trường dầu khí.

10. Trung tâm thông tin tư liệu dầu khí.

11. Xí nghiệp liên doanh Việt Xô Petro và các Liên doanh ADF, ODV, DMC.

IX. CÁC DOANH NGHIỆP CUNG ỨNG, DỊCH VỤ XĂNG DẦU THUỘC TỔNG CÔNG TY XĂNG DẦU VIỆT NAM.

1. Các công ty xăng dầu, công ty vật tư tổng hợp đóng tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

2. Công ty vận tải xăng dầu đường thuỷ I.

3. Công ty vận tải xăng dầu VITACO.

X. CÁC DOANH NGHIỆP AN NINH QUỐC PHÒNG

Các doanh nghiệp sản xuất những sản phẩm trực tiếp phục vụ an ninh, quốc phòng thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ.

TM. CHÍNH PHỦ

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Phó Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.