• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 06/07/1996
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 32/TC-TCT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 6 tháng 7 năm 1996

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 32 TC/TCT NGÀY 6 THÁNG 7 NĂM 1996 HƯỚNG DẪN THI HÀNH VIỆC MIỄN, GIẢM THUẾ ĐỐI VỚI CÁC CƠ SỞ DẠY NGHỀ THEO QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT LAO ĐỘNG

Căn cứ các Luật thuế và các Pháp lệnh thuế hiện hành; Căn cứ các Nghị định số 90/CP ngày 15-12-1995 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Bộ luật Lao động về học nghề, Nghị định số 81/CP ngày 23-11-1995 của Chính Phủ quy định chi tiết về thi hành một số Điều của Bộ Luật Lao động về lao động là người tàn tật và Nghị định số 72/CP ngày 31-10-1995 của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật Lao đồng về việc làm;
Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết thi hành việc miễn, giảm thuế đối với các cơ sở dạy nghề như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI ÁP DỤNG:

1. Các cơ sở dạy nghề được xét miễn, giảm thuế theo Thông tư này được quy định tại Điều 17 của Nghị định số 72/CP ngày 31-10-1995, Điều 10 và Điều 13 của Nghị định số 81/CP ngày 23-11-1995, Điều 10 của Nghị định số 90/CP ngày 15-12-1995 của Chính phủ, bao gồm:

a. Cơ sở của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân dạy nghề, bổ túc nghề cho người có nhu cầu học nghề để tìm việc làm hoặc tự tạo việc làm.

b. Cơ sở của các doanh nghiệp dạy nghề, bổ túc nghề cho người lao động đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất kinh doanh, thay đổi cơ cấu sản xuất hoặc công nghệ của doanh nghiệp.

c. Cơ sở dạy nghề gắn với tạo việc làm của các trung tâm dịch vụ việc làm.

Các đối tượng nêu tại điểm a, b, c mục I-1 Thông tư này chỉ được xét miễn, giảm thuế khi có đủ các điều kiện mở cơ sở dạy nghề theo quy định tại chương II của Nghị định số 90/CP ngày 15-12-1995 và các điều kiện sau:

- Hoạt động dạy nghề đúng ngành nghề ghi trong giấy phép hành nghề hoặc ngành nghề đã đăng ký hoạt động với cơ quan lao động - thương binh, xã hội có thẩm quyền.

- Đăng ký nộp thuế theo đúng quy định của Pháp luật.

- Đối với cơ sở dạy nghề có tư cách pháp nhân phải mở, ghi chép sổ sách kế toán, sử dụng các chứng từ kế toán theo đúng chế độ hiện hành.

2. Thông tư này không áp dụng đối với các đối tượng sau:

- Hệ thống trường nghề chính quy, các cơ sở dạy nghề đào tạo dài hạn, ngắn hạn do Bộ Giáo dục và Đào tạo đang quản lý và được áp dụng chế độ thu, sử dụng học phí theo Quyết định số 241/TTg ngày 24-5-1993 của Thủ tướng Chính phủ. Việc thu, nộp Ngân sách đối với các đối tượng này được thực hiện theo hướng dẫn của Thông tư số 01 TC/HCVX ngày 04-01-1994 và Thông tư số 25 TC/TCT ngày 28-3-1994 của Bộ Tài chính quy định tạm thời chế độ quản lý tài chính đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, các đoàn thể, hội quần chúng, tổ chức hoạt động có thu.

- Các trường dạy nghề của nước ngoài được thành lập tại Việt Nam theo Nghị định số 115/CP ngày 5-9-1994 của Chính phủ về việc ban hành quy chế hoạt động trường dạy nghề của nước ngoài tại Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam .

II. CÁC QUY ĐỊNH VỀ MIỄN, GIẢM THUẾ ĐỐI VỚI CÁC CƠ SỞ DẠY NGHỀ

Các cơ sở dạy nghề nêu tại điểm a, b, c của mục I-1 của Thông tư này được xem xét miễn, giảm thuế theo các quy định sau đây:

1. Miễn thuế doanh thu, thuế lợi tức đối với hoạt động dạy nghề của các cơ sở dạy nghề được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận là cơ sở dạy nghề dành riêng cho từng đối tượng là: người tàn tật, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, người dân tộc thiểu số, đối tượng tệ nạn xã hội.

2. Miễn thuế doanh thu, thuế lợi tức đối với hoạt động dạy nghề của các cơ sở dạy nghề thường xuyên có dưới 10 học viên và dạy nghề theo hình thức kèm cặp tại xưởng, tại gia đình.

3. Giảm 50% số thuế doanh thu phải nộp đối với hoạt động dạy nghề của các cơ sở dạy nghề thường xuyên có trên 31% số học viên là các đối tượng: người tàn tật, trẻ mồ côi không nơi tựa, người dân tộc thiểu số, đối tượng tệ nạn xã hội, nhưng chưa đủ điều kiện để được công nhận là cơ sở dạy nghề dành riêng cho các đối tượng trên.

4. Giảm 50% số thuế doanh thu phải nộp đối với hoạt động dạy nghề của các cơ sở dạy các nghề truyền thống là: chạm trổ, khảm trai, sơn mài, mây tre, gốm, sứ, dệt lụa tơ tằm. Thời gian xét giảm thuế không quá hai năm.

III. THỦ TỤC VÀ THẨM QUYỀN XÉT MIỄN, GIẢM THUẾ:

1. Thủ tục xét miễn, giảm thuế:

Ngoài các hoạt động dạy nghề được miễn, giảm thuế theo quy định tại Mục II Thông tư này; các hoạt động đạy nghề, hoạt động sản xuất kinh doanh khác, hoạt động bán sản phẩm hàng hoá hay cung ứng dịch vụ do học viên thực tập tay nghề làm ra phải thực hiện nộp thuế theo quy định của các Luật thuế và Pháp lệnh thuế hiện hành.

Việc xét miễn, giảm thuế cho cơ sở dạy nghề được tiến hành theo năm. Nhưng để việc thu Ngân sách Nhà nước được kịp thời, đúng luật định và không gây khó khăn cho hoạt động của cơ sở dạy nghề, cơ quan thuế trực tiếp quản lý có trách nhiệm kiểm tra đối chiếu với các điều kiện xét miễn, giảm thuế nêu tại Mục I của Thông tư này quyết định việc tạm thời chưa thu thuế hoặc giảm thuế hàng tháng; thực hiện quản lý thuế đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh khác của cơ sở dạy nghề. Sau khi kết thúc năm tài chính , cơ sở dạy nghề phải lập hồ sơ xin miễn, giảm thuế gửi đến cơ quan thuế có thẩm quyền giải quyết. Hồ sơ xin miễn, giảm thuế gồm có:

- Đơn xin miễn hoặc giảm thuế của cơ sở dạy nghề có xác nhận của có quan thuế trực tiếp quản lý về các điều kiện được xét miễn, giảm thuế; số thuế được miễn, giảm của cơ sở dạy nghề và đề nghị cơ quan thuế có thẩm quyền quyết định việc miễn, giảm thuế.

- Giấy phép đăng ký hoạt động dạy nghề hoặc giấy xác nhận là cơ sở dạy nghề theo hình thức kèm cặp tại xưởng, tại gia đình do Sở Lao động, Thương binh Xã hội cấp.

- Giấy xác nhận của Sở Lao động - Thương binh Xã hội xác nhận là cơ sở dạy nghề dành riêng cho các đối tượng người tàn tật, trẻ mồ côi không nơi nương tựa, người dân tộc thiểu số, đối tượng tệ nạn xã hội hoặc cơ sở dạy nghề truyền thống.

- Đăng ký nộp thuế

- Biên bản quyết toán thuế của cơ quan thuế trực tiếp quản lý.

- Danh sách học viên có kèm theo xác nhận của cơ quan thuế trực tiếp quản lý về tỷ lệ học viên là người tàn tật, trẻ mồ côi không nơi nương tựa, người dân tộc thiểu số, đối tượng tệ nạn xã hội (đối với trường hợp được giảm thuế theo Điểm 3 mục II Thông tư này).

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ xin miễn, giảm thuế của cơ sở dạy nghề, cơ quan có thẩm quyền phải ra quyết định miễn, giảm thuế hoặc thông báo cho cơ sở dạy nghề lý do chưa giải quyết hoặc không giải quyết việc miễn, giảm thuế.

Trong năm, nếu có sự thay đổi dẫn đến việc cơ sở dạy nghề không còn đủ điều kiện được miễn giảm thuế theo Thông tư này thì chậm nhất là 5 ngày kể từ ngày có sự thay đổi, cơ sở dạy nghề phải khai báo với cơ quan thuế trực tiếp quản lý để chấm dứt việc tạm thời chưa thu thuế hoặc giảm thuế và cơ sở phải thực hiện việc kê khai nộp thuế theo đúng luật định.

2. Thẩm quyền xét miễn, giảm thuế:

Cơ quan thuế các cấp có trách nhiệm kiểm tra và quyết định hoặc kiến nghị lên cơ quan thuế cấp trên quyết định miễn giảm thuế doanh thu, thuế lợi tức cho từng trường hợp cụ thể theo đúng thẩm quyền quy định như sau:

- Cục trưởng Cục Thuế xét và quyết định miễn, giảm thuế đối với các cơ sở dạy nghề do địa phương quản lý và có mức miễn, giảm thuế doanh thu bình quân đến 5 triệu đồng/tháng; có mức miễn, giảm thuế lợi tức đến 50 triệu đồng/năm.

- Tổng cục trưởng Tổng cục thuế xét và quyết định miễn, giảm thuế cho các cơ sở dạy nghề do TW quản lý và các cơ sở dạy nghề do địa phương quản lý có mức miễn, giảm thuế doanh thu bình quân trên 5 triệu đồng/tháng đến 50 triệu đồng/tháng; Có mức miễn, giảm thuế lợi tức trên 50 triệu đồng/năm đến 100 triệu đồng/năm.

- Bộ trưởng Bộ Tài chính xét và quyết định miễn, giảm thuế cho tất cả các cơ sở dạy nghề có mức miễn giảm thuế doanh thu bình quân trên 50 triệu đồng/tháng; có mức miễn, giảm thuế lợi tức trên 100 triệu đồng/năm.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Cơ quan thuế trực tiếp quản lý có trách nhiệm quản lý thu thuế và hướng dẫn các cơ sở dạy nghề thực hiện việc mở sổ sách, ghi chép kế toán, quyết toán thuế hàng năm và sử dụng biên lai thu, chứng từ hoá đơn, kê khai và đăng ký nộp thuế theo đúng chế độ quy định; hướng dẫn các cơ sở dạy nghề thực hiện đúng các điều kiện, thủ tục về miễn, giảm thuế và xác nhận vào đơn xin miễn, giảm thuế theo hướng dẫn của Thông tư này.

2. Các cơ sở dạy nghề có trách nhiệm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về kê khai nộp thuế, các thủ tục xin miễn, giảm thuế theo hướng dẫn của Thông tư này; cung cấp đầy đủ các tài liệu cần thiết liên quan đến việc miễn, giảm thuế theo yêu cầu của cơ quan thuế.

Trường hợp cơ sở dạy nghề có hành vi gian dối để được miễn, giảm thuế theo quy định tại Thông tư này mà bị phát hiện thì ngoài việc không được giải quyết miễn, giảm thuế đối với các hoạt động dạy nghề, tuỳ theo mức độ vi phạm còn bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thuế.

3. Cán bộ thuế, cá nhân khác lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý xác nhận sai sự thật hoặc bao che để cơ sở dạy nghề được miễn, giảm thuế theo hướng dẫn của Thông tư này, thì tuỳ theo mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Ngoài các quy định của Bộ luật Lao động và hướng dẫn chi tiết tại Thông tư này về miễn, giảm thuế đối với hoạt động dạy nghề, nếu cơ sở dạy nghề có các hoạt động sản xuất kinh doanh khác thuộc diện được xét miễn, giảm thuế thì thực hiện việc miễn giảm thuế theo quy định của các Luật thuế, Pháp lệnh thuế và các văn bản hướng dẫn hiện hành.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị các cơ sở dạy nghề và cơ quan thuế phản ánh về Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) để kịp thời nghiên cứu giải quyết.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Vũ Mộng Giao

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.