• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 10/12/2015
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Số: 33/2015/TT-BNNPTNT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 8 tháng 10 năm 2015

THÔNG TƯ

Quy định về giám sát vệ sinh, an toàn thực phẩm trong thu hoạch nhuyễn thể hai mảnh v

_________________________

 

Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa số 05/2007/QH12 ngày 21 tháng 11 năm 2007;

Căn cứ Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 ngày 17 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa;

Căn cứ Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm;

Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 11 năm 2013 của Chính Phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản,

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư quy định về giám sát vệ sinh, an toàn thực phẩm trong thu hoạch nhuyễn thể hai mảnh vỏ.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định nội dung, trình tự, thủ tục triển khai Chương trình giám sát vệ sinh, an toàn thực phẩm trong thu hoạch nhuyễn thể hai mảnh vỏ (sau đây gọi tắt là “Chương trình giám sát”) trên cơ sở đề nghị của địa phương; trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan và tổ chức, cá nhân có liên quan trong Chương trình giám sát.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các cơ sở thu hoạch, thu mua, làm sạch, nuôi lưu, sơ chế, chế biến nhuyễn thể hai mảnh vỏ, các cơ quan kiểm tra, cơ quan kiểm soát và cơ sở kiểm nghiệm tham gia Chương trình giám sát.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Nhuyễn thể hai mảnh vỏ (sau đây viết tắt là “NT2MV”): Là các loài nhuyễn thể thuộc lớp mang tấm ăn qua lọc, được mở rộng bao gồm cả các loài ruột khoang, da gai, chân bụng biển.

2. Vùng thu hoạch: Là vùng biển, cửa sông hoặc đầm phá có NT2MV được nuôi hoặc phân bố tự nhiên, được thu hoạch để sử dụng làm thực phẩm.

3. Nuôi lưu: Là hoạt động lưu giữ NT2MV tại vùng nuôi lưu trong thời gian cần thiết để làm giảm ô nhiễm đến mức phù hợp cho việc sử dụng trực tiếp làm thực phẩm.

4. Vùng nuôi lưu: Là vùng biển, cửa sông hoặc vùng đầm phá có ranh giới rõ ràng và được đánh dấu bằng phao hoặc các vật thể cố định khác, được sử dụng để làm sạch tự nhiên đối với NT2MV.

5. Cơ sở làm sạch NT2MV: Là nơi có các bể chứa nước biển sạch để lưu giữ NT2MV sống trong thời gian cần thiết để làm giảm ô nhiễm đến mức phù hợp cho việc sử dụng trực tiếp làm thực phẩm.

6. Cơ sở thu hoạch NT2MV: Là nơi có hoạt động khai thác hoặc thu hoạch NT2MV để đưa ra thị trường tiêu thụ.

7. Cơ sở thu mua NT2MV: Là nơi có hoạt động thu gom, bảo quản và vận chuyển NT2MV sống từ vùng thu hoạch tới nơi tiêu thụ hoặc cơ sở sơ chế, chế biến NT2MV.

8. Cơ sở sơ chế, chế biến NT2MV: Là nơi thực hiện một hoặc nhiều hoạt động như bóc vỏ, tách bỏ nội tạng, gia nhiệt, xông khói, nấu chín, làm khô, ướp muối, tẩm gia vị, cấp đông, đóng gói, bảo quản NT2MV.

9. Cơ sở nuôi lưu NT2MV: Là nơi thực hiện hoạt động nuôi lưu NT2MV trong vùng nuôi lưu.

10. Độc tố sinh học: Là các chất độc tích lũy bởi NT2MV do ăn tảo có chứa độc tố.

Ðiều 4. Nguyên tắc, nội dung, căn cứ triển khai Chương trình giám sát

1. Nguyên tắc triển khai Chương trình giám sát:

Chương trình giám sát được triển khai ở các vùng thu hoạch đáp ứng các điều kiện sau:

a) Vùng thu hoạch có các tổ chức (tổ, đội, hợp tác xã) hoặc cá nhân bảo đảm hoạt động thu hoạch NT2MV tuân thủ theo quy định tại Thông tư này.

b) Vùng thu hoạch nằm trong vùng quy hoạch nuôi trồng hoặc khai thác nguồn lợi thủy sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và địa phương.

2. Nội dung Chương trình giám sát:

a) Xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình giám sát;

b) Tổ chức thực hiện Chương trình giám sát, bao gồm: Lấy mẫu và kiểm nghiệm mẫu, thông báo chế độ thu hoạch và xử lý sau thu hoạch, kiểm soát thu hoạch, cấp giấy chứng nhận xuất xứ hoặc phiếu kiểm soát thu hoạch, xử lý các trường hợp cảnh báo, phân loại vùng thu hoạch, kiểm soát NT2MV ngoài vùng được phân loại;

c) Thẩm tra việc thực hiện Chương trình giám sát.

3. Căn cứ triển khai Chương trình giám sát: Là các quy định, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn thực phẩm thủy sản của Việt Nam. Đối với NT2MV xuất khẩu, ngoài việc đáp ứng nội dung quy định của Việt Nam còn phải đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu hoặc theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập.

Điều 5. Cơ quan kiểm tra, Cơ quan kiểm soát

1. Cơ quan kiểm tra: Là Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (bao gồm cả các đơn vị trực thuộc), chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Chương trình giám sát.

2. Cơ quan kiểm soát: Là Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản hoặc cơ quan được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao nhiệm vụ quản lý chất lượng thực phẩm thủy sản nếu địa phương chưa thành lập Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện hoạt động lấy mẫu NT2MV và kiểm soát thu hoạch NT2MV tại địa phương.

Điều 6. Yêu cầu đối với các tổ chức, cá nhân tham gia Chương trình giám sát

1. Người lấy mẫu, người kiểm soát thu hoạch và cán bộ của Cơ quan kiểm tra, Cơ quan kiểm soát tham gia Chương trình giám sát phải được tập huấn về nghiệp vụ kiểm soát vệ sinh, an toàn thực phẩm trong thu hoạch NT2MV do Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tổ chức để bảo đảm đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ được phân công.

2. Cơ sở kiểm nghiệm tham gia Chương trình giám sát phải đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Được cơ quan có thẩm quyền chỉ định theo quy định tại Thông tư số 16/2011/TT-BNNPTNT ngày 01/4/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về đánh giá, chỉ định và quản lý phòng thử nghiệm ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn và Thông tư liên tịch số 20/2013/TTLT-BYT-BCT-BNNPTNT ngày 01/8/2013 của Bộ Y tế, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định điều kiện, trình tự thủ tục chỉ định cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước.

b) Đáp ứng yêu cầu về phương pháp kiểm nghiệm tham chiếu tương ứng với các chỉ tiêu kiểm nghiệm (nếu có) theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Cơ sở làm sạch, cơ sở nuôi lưu NT2MV phải đáp ứng quy định về điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm nêu tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 7. Kinh phí triển khai Chương trình giám sát

Kinh phí hoạt động kiểm tra, kiểm soát của Cơ quan kiểm tra, Cơ quan kiểm soát thực hiện theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành. Việc lập dự toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.

Chương II

KHẢO SÁT VÙNG THU HOẠCH, XÂY DỰNG KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH GIÁM SÁT

Điều 8. Khảo sát đưa vùng thu hoạch vào Chương trình giám sát

1. Nội dung khảo sát:

a) Thẩm tra, thu thập thông tin, số liệu liên quan về đặc điểm sinh học, mùa vụ, diện tích, sản lượng, hình thức nuôi hoặc khai thác, phân bố của các loài NT2MV; tác động của các yếu tố khí tượng thuỷ văn, địa lý, địa chất ảnh hưởng đến vùng thu hoạch;

b) Khảo sát thực tế nhằm xác định, đánh giá các nguồn ô nhiễm có thể ảnh hưởng đến vùng thu hoạch (bao gồm: Khu sản xuất công nghiệp, vùng canh tác nông nghiệp, trang trại chăn nuôi hoặc nuôi trồng thủy sản, tàu thuyền và khu dân cư,…);

c) Khoanh vùng thu hoạch;

d) Lấy mẫu NT2MV, mẫu nước để kiểm nghiệm, xác định điểm lấy mẫu đại diện;

đ) Lập bản đồ vùng thu hoạch.

2. Tổ chức khảo sát:

a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại địa phương có đề xuất bằng văn bản về việc triển khai Chương trình giám sát theo mẫu tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cơ quan kiểm tra xem xét, lập kế hoạch khảo sát thực tế vùng thu hoạch và thông báo kế hoạch khảo sát bằng văn bản cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn địa phương.

c) Cơ quan kiểm tra chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn địa phương tổ chức khảo sát theo các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này và Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Xử lý số liệu và lập báo cáo kết quả khảo sát:

Trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ ngày kết thúc khảo sát, Cơ quan kiểm tra tiến hành xử lý số liệu, thu thập bổ sung thông tin (nếu cần thiết) và lập báo cáo kết quả khảo sát theo mẫu tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Xử lý kết quả khảo sát:

Căn cứ báo cáo kết quả khảo sát, Cơ quan kiểm tra gửi văn bản thông báo kết quả khảo sát đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn địa phương. Cơ quan kiểm tra sẽ đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vùng thu hoạch vào Chương trình giám sát chính thức và phê duyệt dự trù kinh phí để triển khai hoạt động tập huấn cho Cơ quan kiểm soát nếu kết quả khảo sát đáp ứng yêu cầu.

Điều 9. Khảo sát vùng thu hoạch đã được phân loại

1. Khảo sát lại định kỳ

a) Định kỳ 06 (sáu) năm 01 (một) lần, Cơ quan kiểm tra tổ chức khảo sát lại vùng thu hoạch.

b) Nội dung, yêu cầu khảo sát: Theo quy định tại khoản 1 Điều 8 và Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.

c) Trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ ngày kết thúc khảo sát, Cơ quan kiểm tra tổ chức đánh giá kết quả khảo sát và xem xét điều chỉnh Chương trình giám sát đối với vùng thu hoạch trong trường hợp cần thiết. Trường hợp điều chỉnh Chương trình giám sát, Cơ quan kiểm tra phải thông báo bằng văn bản cho Cơ quan kiểm soát về các nội dung điều chỉnh.

2. Khảo sát vùng thu hoạch khi kết quả kiểm nghiệm chỉ tiêu E. coli trong mẫu giám sát định kỳ > 46.000 MPN/100g thịt NT2MV, tăng đột biến hoặc có sự kiện bất thường (phát sinh nguồn ô nhiễm, NT2MV chết hàng loạt,...).

Điều 10. Xây dựng kế hoạch lấy mẫu giám sát hàng năm

1. Vào đầu quý IV hàng năm, Cơ quan kiểm soát tổ chức thu thập thông tin, số liệu về vùng thu hoạch để xây dựng hoặc điều chỉnh kế hoạch lấy mẫu giám sát cho phù hợp với thực tế, bao gồm:

a) Cập nhật diện tích vùng thu hoạch và đối tượng NT2MV cần kiểm soát để đề xuất với Cơ quan kiểm tra điều chỉnh kế hoạch lấy mẫu giám sát (nếu có thay đổi);

b) Lập kế hoạch lấy mẫu giám sát; dự trù kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước gửi Cơ quan kiểm tra trước ngày 15 tháng 11 hàng năm.

2. Sau khi tiếp nhận kế hoạch của các Cơ quan kiểm soát, Cơ quan kiểm tra thực hiện thẩm tra, điều chỉnh kế hoạch theo quy định tại Điều 11 Thông tư này (nếu có), tổng hợp kế hoạch lấy mẫu và dự trù kinh phí trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, phê duyệt.

3. Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt, Cơ quan kiểm tra gửi văn bản thông báo kế hoạch lấy mẫu giám sát kèm theo dự trù kinh phí tới các Cơ quan kiểm soát để tổ chức triển khai thực hiện.

Điều 11. Điều chỉnh kế hoạch lấy mẫu giám sát hàng năm

1. Cơ quan kiểm tra có thể xem xét điều chỉnh kế hoạch lấy mẫu trong Chương trình giám sát như sau: giảm tần suất lấy mẫu giám sát độc tố sinh học tại một vùng thu hoạch hoặc đối với một loài NT2MV cụ thể nếu kết quả đánh giá nguy cơ về độc tố hoặc sự xuất hiện của tảo độc thấp.

2. Đối với vùng thu hoạch đã được giám sát từ 3 năm trở lên, tần suất giám sát vi sinh có thể là 1 tháng/lần. Đối với vùng thu hoạch xa bờ (> 5km), Cơ quan kiểm tra có thể xem xét giảm tần suất lấy mẫu giám sát vi sinh vật thành 2 tháng/lần nếu kết quả phân loại của 3 năm trước đó là như nhau.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH GIÁM SÁT

Mục 1

LẤY MẪU, KIỂM NGHIỆM MẪU VÀ KIỂM SOÁT THU HOẠCH

Điều 12. Lấy mẫu và kiểm nghiệm mẫu

1. Căn cứ kế hoạch lấy mẫu giám sát đã được phê duyệt hoặc theo yêu cầu của Cơ quan kiểm tra trong trường hợp cần thiết, Cơ quan kiểm soát tổ chức lấy mẫu và gửi mẫu đến Cơ sở kiểm nghiệm trong thời hạn không quá 48 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu, đồng thời gửi Phiếu thông tin về mẫu (theo quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này) về Cơ quan kiểm tra.

2. Tần suất lấy mẫu: Theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Đối tượng lấy mẫu bao gồm:

a) Mẫu nước để kiểm nghiệm tảo độc (định tính và định lượng); mẫu NT2MV để kiểm nghiệm các chỉ tiêu vi sinh vật, độc tố sinh học, các chất ô nhiễm (nếu có).

b) Trường hợp vùng thu hoạch có nhiều loài NT2MV: Lấy mẫu tất cả các loài NT2MV trong Chương trình giám sát tại vùng thu hoạch. Trường hợp có đầy đủ cơ sở khoa học về mức độ cảm nhiễm của các loài NT2MV trong vùng thu hoạch đối với một hoặc một số chỉ tiêu kiểm nghiệm nhất định, Cơ quan kiểm tra có thể chỉ định lấy mẫu loài NT2MV có mức độ cảm nhiễm cao nhất đại diện cho các loài NT2MV khác trong vùng thu hoạch để đánh giá, giám sát về chỉ tiêu đó.

4. Khối lượng mẫu NT2MV: Phải đáp ứng yêu cầu kiểm nghiệm của Cơ sở kiểm nghiệm và đáp ứng quy định tại điểm c khoản 6 Điều này.

5. Yêu cầu trong quá trình vận chuyển mẫu về Cơ sở kiểm nghiệm: Theo quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư này.

6. Kiểm nghiệm mẫu:

a) Cơ sở kiểm nghiệm phải thực hiện kiểm nghiệm và cung cấp kết quả cho Cơ quan kiểm tra trong thời hạn không quá 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày nhận mẫu đối với các chỉ tiêu tảo độc, độc tố sinh học, vi sinh vật và không quá 04 (bốn) ngày làm việc kể từ ngày nhận mẫu đối với các chỉ tiêu khác trong Chương trình giám sát.

b) Chỉ tiêu kiểm nghiệm: Theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này hoặc căn cứ theo chỉ tiêu chỉ định kiểm nghiệm đối với từng mẫu (nếu có).

c) Yêu cầu đối với mẫu kiểm nghiệm: Mẫu NT2MV để kiểm nghiệm phải đáp ứng yêu cầu của phương pháp kiểm nghiệm, tuy nhiên phải bao gồm ít nhất 10 cá thể và phải bảo đảm khối lượng mẫu tối thiểu là 50g bao gồm thịt nhuyễn thể và dịch nội bào.

Điều 13. Cập nhật thông tin về vùng thu hoạch

Trong thời hạn không quá 01 (một) ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ kết quả kiểm nghiệm, Cơ quan kiểm tra đối chiếu kết quả kiểm nghiệm với mức giới hạn của các chỉ tiêu theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này và xử lý như sau:

1. Đăng tải, duy trì thông tin về việc cho phép thu hoạch trên trang tin điện tử (website) của Cơ quan kiểm tra khi kết quả kiểm nghiệm các chỉ tiêu vệ sinh, an toàn thực phẩm nằm trong giới hạn cho phép. Chế độ xử lý sau thu hoạch đối với NT2MV được quy định tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Cập nhật thông tin về trạng thái vùng thu hoạch (đình chỉ vùng thu hoạch, cảnh báo) khi kết quả kiểm nghiệm các chỉ tiêu vệ sinh, an toàn thực phẩm vượt quá mức giới hạn cho phép.

Điều 14. Kiểm soát thu hoạch và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, Phiếu kiểm soát thu hoạch

1. Yêu cầu đối với NT2MV trong Chương trình giám sát:

a) NT2MV trong Chương trình giám sát trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ phải kèm theo Giấy chứng nhận xuất xứ hoặc Phiếu kiểm soát thu hoạch được cấp theo quy định tại khoản 3 Điều này.

b) NT2MV phải được xử lý sau thu hoạch theo quy định tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Thông tư này; NT2MV xuất khẩu phải được xử lý sau thu hoạch phù hợp với yêu cầu của nước nhập khẩu nếu nước nhập khẩu có yêu cầu riêng về xử lý sau thu hoạch.

2. Đăng ký thu hoạch:

a) Trong thời hạn ít nhất 01 (một) ngày làm việc trước ngày thu hoạch, cơ sở thu hoạch phải đăng ký thu hoạch với Cơ quan kiểm soát, bao gồm các thông tin: Thời gian, địa điểm, khối lượng NT2MV dự kiến thu hoạch.

b) Hình thức đăng ký thu hoạch: Đăng ký trực tiếp, đăng ký qua đường bưu điện, đăng ký qua điện thoại hoặc email.

c) Ngay sau khi nhận được đăng ký của cơ sở thu hoạch, Cơ quan kiểm soát ghi thông tin vào sổ đăng ký thu hoạch và lập kế hoạch tổ chức kiểm soát thu hoạch tại hiện trường. Thông tin ghi vào sổ đăng ký thu hoạch bao gồm: Tên và địa chỉ của cơ sở thu hoạch, thời gian, địa điểm thu hoạch và khối lượng thu hoạch dự kiến.

3. Kiểm soát thu hoạch và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, Phiếu kiểm soát thu hoạch:

a) Căn cứ đăng ký của cơ sở thu hoạch và thông báo cho phép thu hoạch và yêu cầu về chế độ xử lý sau thu hoạch của Cơ quan kiểm tra, Cơ quan kiểm soát tổ chức kiểm soát thu hoạch tại hiện trường, đồng thời Cơ quan kiểm soát cấp Giấy chứng nhận xuất xứ theo mẫu tại Phụ lục IX ban hành kèm theo Thông tư này cho các lô nguyên liệu NT2MV được kiểm soát. Giấy chứng nhận xuất xứ được đánh số theo quy định tại Phụ lục X ban hành kèm theo Thông tư này và được lập thành 02 bản, gồm 01 bản chính cấp cho cơ sở thu hoạch và 01 bản sao để lưu tại Cơ quan kiểm soát.

b) Trường hợp đại diện Cơ quan kiểm soát chưa ký tên và chưa đóng dấu của Cơ quan kiểm soát trên Giấy chứng nhận xuất xứ tại hiện trường, Cơ quan kiểm soát tổ chức cấp Phiếu kiểm soát thu hoạch theo mẫu tại Phụ lục XI ban hành kèm theo Thông tư này cho lô nguyên liệu NT2MV. Phiếu kiểm soát thu hoạch được lập thành 02 bản chính, gồm 01 bản cấp cho cơ sở thu hoạch và 01 bản lưu tại Cơ quan kiểm soát. Trường hợp NT2MV được đưa vào cơ sở sơ chế, chế biến, Phiếu kiểm soát thu hoạch có giá trị thay thế tạm thời Giấy chứng nhận xuất xứ trong quá trình vận chuyển nguyên liệu đến cơ sở sơ chế, chế biến và được cấp đổi sang Giấy chứng nhận xuất xứ theo quy định tại khoản 4 Điều này.

4. Thủ tục cấp đổi Phiếu kiểm soát thu hoạch sang Giấy chứng nhận xuất xứ:

a) Trong thời hạn không quá 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày thu hoạch, đại diện cơ sở thu hoạch (hoặc cơ sở sơ chế, chế biến) phải gửi bản chính Phiếu kiểm soát thu hoạch đến Cơ quan kiểm soát để được cấp đổi sang Giấy chứng nhận xuất xứ.

b) Phương thức gửi Phiếu kiểm soát thu hoạch đến Cơ quan kiểm soát: Gửi trực tiếp, gửi qua đường bưu điện.

c) Trong thời hạn 01 (một) ngày làm việc kể từ ngày nhận được Phiếu kiểm soát thu hoạch, Cơ quan kiểm soát xem xét tính hợp lệ của Phiếu kiểm soát thu hoạch và cấp đổi sang Giấy chứng nhận xuất xứ (nếu hợp lệ) hoặc có văn bản trả lời cơ sở về lý do không cấp Giấy chứng nhận xuất xứ.

Mục 2

XỬ LÝ CÁC TRƯỜNG HỢP CẢNH BÁO TRONG CHƯƠNG TRÌNH GIÁM SÁT

Điều 15. Trường hợp mật độ tảo độc trong nước biển vượt quá giới hạn cảnh báo nhưng hàm lượng độc tố sinh học trong NT2MV chưa vượt quá mức giới hạn cho phép

Trong trường hợp mật độ tảo độc trong nước biển vượt quá giới hạn cảnh báo nhưng hàm lượng độc tố sinh học trong NT2MV chưa vượt quá mức giới hạn cho phép, Cơ quan kiểm tra thực hiện:

1. Thông báo cảnh báo theo mẫu tại Phụ lục XII ban hành kèm theo Thông tư này, trong đó yêu cầu các biện pháp xử lý như sau:

a) Cơ quan kiểm soát: Lấy mẫu giám sát tăng cường tảo độc và độc tố sinh học với tần suất từ 2 đến 3 ngày/lần;

b) Cơ sở sơ chế, chế biến NT2MV: Chỉ được phép đưa ra tiêu thụ hoặc xuất khẩu các lô hàng NT2MV được sản xuất từ nguyên liệu NT2MV thu hoạch từ đợt lấy mẫu kế trước nếu kết quả kiểm nghiệm độc tố sinh học đạt yêu cầu.

3. Cập nhật thông tin cảnh báo trên website của Cơ quan kiểm tra.

4. Chế độ cảnh báo được bãi bỏ khi kết quả kiểm nghiệm tảo độc, độc tố sinh học của hai đợt lấy mẫu giám sát tăng cường liên tiếp nằm trong giới hạn cho phép. Cơ quan kiểm tra ban hành Thông báo bãi bỏ cảnh báo theo mẫu tại Phụ lục XIII ban hành kèm theo Thông tư này và cập nhật thông tin về vùng thu hoạch trên website của Cơ quan kiểm tra.

Điều 16. Trường hợp kết quả kiểm nghiệm độc tố sinh học trong NT2MV vượt quá mức giới hạn cho phép

Trong trường hợp kết quả kiểm nghiệm độc tố sinh học trong NT2MV vượt quá mức giới hạn cho phép, Cơ quan kiểm tra thực hiện:

1. Thông báo cảnh báo theo mẫu tại Phụ lục XII ban hành kèm theo Thông tư này đối với vùng thu hoạch và các loài NT2MV phát hiện độc tố sinh học, trong đó yêu cầu các biện pháp xử lý như sau:

a) Không cho phép thu hoạch (không cấp giấy chứng nhận xuất xứ) NT2MV để chế biến xuất khẩu vào EU;

b) Cơ quan kiểm soát: Lấy mẫu giám sát tăng cường tảo độc và độc tố sinh học với tần suất từ 2 đến 3 ngày/lần tại các điểm lấy mẫu của loài NT2MV có mẫu phát hiện độc tố sinh học;

c) Cơ sở sơ chế, chế biến NT2MV: Chỉ được phép đưa ra tiêu thụ hoặc xuất khẩu các lô hàng NT2MV được sản xuất từ nguyên liệu NT2MV thu hoạch từ đợt thu hoạch kế trước nếu kết quả kiểm nghiệm độc tố sinh học đạt yêu cầu.

2. Cập nhật tình trạng vùng thu hoạch trên website.

3. Vùng thu hoạch được thu hoạch trở lại khi kết quả kiểm nghiệm tảo độc, độc tố sinh học nằm trong giới hạn cho phép sau hai lần giám sát tăng cường liên tiếp.

Điều 17. Trường hợp các chất ô nhiễm trong NT2MV vượt quá mức giới hạn cho phép

Trong trường hợp ô nhiễm dư lượng thuốc trừ sâu, kim loại nặng, PCBs, dioxins, PAH trong NT2MV vượt quá mức giới hạn cho phép, Cơ quan kiểm tra thực hiện:

1. Thông báo cảnh báo theo mẫu tại Phụ lục XII ban hành kèm theo Thông tư này đối với vùng thu hoạch và các loài NT2MV có kết quả phân tích chất ô nhiễm vượt mức giới hạn cho phép, trong đó yêu cầu các biện pháp xử lý như sau:

a) Không cho phép thu hoạch (không cấp giấy chứng nhận xuất xứ) NT2MV để chế biến xuất khẩu vào EU;

b) Cơ quan kiểm soát: Lấy mẫu giám sát tăng cường chỉ tiêu vượt quá mức giới hạn cho phép với tần suất 4 tháng/lần.

c) Cơ sở sơ chế, chế biến NT2MV: Chỉ được phép đưa ra tiêu thụ hoặc xuất khẩu các lô hàng NT2MV được sản xuất từ nguyên liệu NT2MV thu hoạch từ đợt thu hoạch kế trước nếu kết quả kiểm nghiệm chất ô nhiễm đạt yêu cầu.

2. Cập nhật tình trạng vùng thu hoạch trên website.

3. Vùng thu hoạch được phép thu hoạch trở lại khi kết quả kiểm nghiệm chỉ tiêu cảnh báo nằm trong giới hạn cho phép sau một lần lấy mẫu giám sát tăng cường

Điều 18. Trường hợp ngừng thu hoạch để bảo vệ nguồn lợi thủy sản hoặc trường hợp do thời tiết hoặc không có nguồn lợi NT2MV thương phẩm nên Cơ quan kiểm soát không lấy được mẫu giám sát

1. Trường hợp ngừng thu hoạch để bảo vệ nguồn lợi thủy sản hoặc trường hợp do thời tiết hoặc không có nguồn lợi NT2MV thương phẩm nên Cơ quan kiểm soát không lấy được mẫu giám sát, Cơ quan kiểm tra cập nhật thông tin về vùng thu hoạch trên website.

2. Trường hợp ngừng thu hoạch để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Cơ quan kiểm soát thực hiện lấy mẫu giám sát vào thời điểm 01 (một) tuần trước khi vùng thu hoạch được mở cửa trở lại theo kế hoạch.

3. Vùng thu hoạch sẽ chính thức được cho phép thu hoạch trở lại khi kết quả kiểm nghiệm theo kế hoạch giám sát đạt yêu cầu.

Điều 19. Trường hợp kết quả kiểm nghiệm vi sinh vật vượt giới hạn hoặc tăng cao đột biến

1. Trường hợp mẫu NT2MV giám sát định kỳ có kết quả kiểm nghiệm chỉ tiêu E.coli > 46.000 MPN trong 100g thịt NT2MV và dịch nội bào:

a) Cơ quan kiểm tra thông báo đình chỉ thu hoạch, cập nhật thông tin về vùng thu hoạch trên website, đồng thời, tổ chức điều tra, khảo sát nguyên nhân và lấy mẫu thẩm tra.

b) Trường hợp kết quả kiểm nghiệm mẫu thẩm tra chỉ tiêu E. coli ≤ 46.000 MPN/100g thịt NT2MV và dịch nội bào, đồng thời, kết quả điều tra, khảo sát cho thấy không có sự gia tăng về nguồn ô nhiễm và mức độ ô nhiễm, Cơ quan kiểm tra thông báo cho phép thu hoạch trở lại và cập nhật thông tin về vùng thu hoạch trên website.

2. Trường hợp mẫu NT2MV giám sát định kỳ có kết quả kiểm nghiệm chỉ tiêu E.coli cao bất thường (E.coli > 230 MPN/100g thịt NT2MV và dịch nội bào đối với vùng loại A, E.coli > 4.600 MPN/100g thịt NT2MV đối với vùng loại B), Cơ quan kiểm tra thực hiện:

a) Thông báo cảnh báo theo mẫu tại Phụ lục XII ban hành kèm theo Thông tư này, trong đó yêu cầu lô hàng NT2MV sống (sản xuất từ NT2MV thu hoạch từ vùng loại A tại đợt lấy mẫu kế trước) phải được phân tích các chỉ tiêu E.coli, Salmonella và Norovirus.

b) Tổ chức điều tra nguyên nhân và lấy mẫu thẩm tra. Nếu kết quả kiểm nghiệm mẫu thẩm tra chỉ tiêu E.coli < 230 MPN/100g thịt NT2MV và dịch nội bào đối với vùng loại A và chỉ tiêu E.coli < 4.600 MPN/100g thịt NT2MV và dịch nội bào đối với vùng loại B, đồng thời kết quả điều tra nguyên nhân cho thấy không có sự gia tăng về nguồn ô nhiễm và mức độ ô nhiễm, Cơ quan kiểm tra thông báo bãi bỏ cảnh báo theo mẫu tại phụ lục XIII ban hành kèm theo Thông tư này. Nếu kết quả kiểm nghiệm mẫu thẩm tra chỉ tiêu E.coli vẫn cao bất thường, Cơ quan kiểm tra phân loại lại vùng thu hoạch, đồng thời, duy trì tần suất lấy mẫu NT2MV để kiểm nghiệm chỉ tiêu E. coli là 1 lần/1 tuần. Chế độ cảnh báo sẽ được dỡ bỏ khi kết quả kiểm nghiệm chỉ tiêu E. coli phù hợp với mức phân loại hiện tại của vùng thu hoạch.

3. Trường hợp phát hiện Salmonella, Norovirus trong mẫu giám sát định kỳ của vùng thu hoạch loại A, Cơ quan kiểm tra thông báo cảnh báo theo mẫu tại Phụ lục XII ban hành kèm theo Thông tư này, trong đó nêu rõ NT2MV thu hoạch từ vùng này không được phép tiêu thụ trực tiếp làm thực phẩm dưới dạng tươi sống, đồng thời tổ chức điều tra nguyên nhân và lấy mẫu thẩm tra. NT2MV thu hoạch từ vùng thu hoạch này chỉ được tiêu thụ trực tiếp làm thực phẩm dạng tươi sống khi kết quả giám sát Salmonella, Norovirus tại đợt giám sát tiếp theo đạt yêu cầu.

Mục 3

PHÂN LOẠI VÙNG THU HOẠCH

Điều 20. Nguyên tắc phân loại vùng thu hoạch

1. Vùng thu hoạch được phân loại theo kết quả giám sát chỉ tiêu E. coli theo quy định tại Phụ lục XIV ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Đối với vùng thu hoạch có nhiều điểm lấy mẫu đại diện của cùng một loài NT2MV: Cơ quan kiểm tra đánh giá kết quả giám sát tại từng điểm lấy mẫu và thực hiện phân loại vùng thu hoạch căn cứ theo kết quả giám sát của điểm lấy mẫu có mức ô nhiễm E. coli cao nhất.

3. Đối với vùng thu hoạch có nhiều loài NT2MV: Cơ quan kiểm tra quyết định việc phân loại vùng thu hoạch căn cứ theo kết quả giám sát của điểm lấy mẫu có mức ô nhiễm E. coli cao nhất của loài có mức cảm nhiễm cao nhất (loài chỉ thị) hoặc phân loại cụ thể theo từng loài NT2MV trong vùng thu hoạch.

Điều 21. Phân loại vùng thu hoạch

1. Phân loại sơ bộ đối với vùng thu hoạch mới:

a) Phân loại sơ bộ được áp dụng đối với vùng thu hoạch mới khi đáp ứng tiêu chí theo quy định tại Phụ lục XIV ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Yêu cầu kỹ thuật về phân loại sơ bộ vùng thu hoạch: Theo quy định tại Phụ lục XIV ban hành kèm theo Thông tư này.

c) NT2MV tại vùng thu hoạch này chỉ được phép thu hoạch để đưa ra thị trường sau khi có kết quả phân loại phù hợp.

2. Phân loại ban đầu đối với vùng thu hoạch:

a) Phân loại ban đầu được áp dụng đối với vùng thu hoạch sau thời gian được phân loại sơ bộ nhưng chưa đáp ứng tiêu chí phân loại đầy đủ theo quy định tại khoản 3 Điều này.

b) Yêu cầu kỹ thuật về phân loại ban đầu vùng thu hoạch: Theo quy định tại Phụ lục XIV ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Phân loại đầy đủ đối với vùng thu hoạch:

a) Phân loại đầy đủ được áp dụng đối với vùng thu hoạch đã thực hiện Chương trình giám sát từ 1 năm trở lên và có ít nhất 24 mẫu kiểm nghiệm.

b) Yêu cầu kỹ thuật về phân loại đầy đủ vùng thu hoạch: Theo quy định tại Phụ lục XIV ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Cập nhật phân loại vùng thu hoạch:

Ngay sau khi phân loại vùng thu hoạch, Cơ quan kiểm tra cập nhật phân loại của các vùng thu hoạch trên website của Cơ quan kiểm tra.

Mục 4

KIỂM SOÁT ĐIỆP, CHÂN BỤNG BIỂN NGOÀI VÙNG ĐƯỢC PHÂN LOẠI

Điều 22. Yêu cầu đối với điệp, chân bụng biển thu hoạch từ ngoài vùng được phân loại

Các cơ sở thu hoạch, thu mua, sơ chế, chế biến NT2MV khi thu hoạch, xử lý điệp thuộc họ Pectinidae và chân bụng biển được thu hoạch từ vùng chưa được phân loại theo Phụ lục XIV ban hành kèm theo Thông tư này phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

1. Điệp và chân bụng biển chỉ được đưa ra thị trường tiêu thụ sau khi được đưa vào xử lý tại cơ sở sơ chế, chế biến đáp ứng điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; sản phẩm đáp ứng các quy định về vi sinh vật, độc tố sinh học theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này, được chứng minh bởi hệ thống tự kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm của cơ sở. Yêu cầu về kiểm soát độc tố sinh học của cơ sở được quy định tại Phụ lục XV Thông tư này.

2. Trước khi xử lý điệp hoặc chân bụng biển, cơ sở sơ chế, chế biến phải thông báo cho Cơ quan kiểm tra để xem xét, lập kế hoạch lấy mẫu thẩm tra theo quy định tại Điều 23 Thông tư này.

3. Cơ sở sơ chế, chế biến khi xử lý điệp và chân bụng biển phải tuân thủ:

a) Các lô nguyên liệu điệp, chân bụng biển phải có Phiếu khai báo nguồn gốc nguyên liệu theo mẫu tại Phụ lục XVI ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Việc đóng gói điệp, chân bụng biển để bán lẻ phải đáp ứng các yêu cầu về ghi nhãn theo quy định hiện hành.

Điều 23. Lấy mẫu thẩm tra và xử lý kết quả thẩm tra

1. Cơ sở sơ chế, chế biến phải gửi văn bản thông báo kế hoạch xử lý điệp, chân bụng biển tại cơ sở (theo từng đợt) cho Cơ quan kiểm tra ít nhất 01 (một) ngày làm việc trước thời điểm xử lý điệp, chân bụng biển để Cơ quan kiểm tra lập kế hoạch lấy mẫu thẩm tra.

2. Ngay sau khi nhận được thông báo của cơ sở, Cơ quan kiểm tra xem xét lập kế hoạch và tổ chức lấy mẫu thẩm tra tại các cơ sở sơ chế, chế biến điệp, chân bụng biển theo quy định tại Phụ lục XVII ban hành kèm theo Thông tư này. Việc lấy mẫu thẩm tra có thể được thực hiện kết hợp khi Cơ quan kiểm tra tiến hành kiểm tra điều kiện an toàn thực phẩm của cơ sở hoặc khi lấy mẫu kiểm nghiệm lô hàng NT2MV theo quy định tại Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT ngày 12/11/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về kiểm tra, chứng nhận an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu.

3. Xử lý kết quả thẩm tra:

a) Trường hợp kết quả thẩm tra đáp ứng yêu cầu: Cơ quan kiểm tra thông báo kết quả tới cơ sở.

b) Trường hợp kết quả thẩm tra không đáp ứng yêu cầu: Cơ quan kiểm tra thông báo kết quả tới cơ sở, đồng thời yêu cầu cơ sở tạm dừng thu hoạch điệp, chân bụng biển từ vùng có kết quả thẩm tra không đáp ứng yêu cầu và thực hiện biện pháp khắc phục phù hợp đối với các lô sản phẩm được sản xuất từ nguyên liệu không đáp ứng yêu cầu. Cơ quan kiểm tra thông báo cho phép thu hoạch điệp, chân bụng biển trở lại sau khi được lấy mẫu giám sát và kết quả kiểm nghiệm đạt yêu cầu.

Mục 5

THẨM TRA VIỆC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH GIÁM SÁT

Điều 24. Thẩm tra việc thực hiện Chương trình giám sát của Cơ quan kiểm soát, Cơ sở kiểm nghiệm

1. Tần suất thẩm tra: Định kỳ 01 năm một lần (hoặc đột xuất khi cần thiết), Cơ quan kiểm tra tổ chức thẩm tra việc thực hiện Chương trình giám sát của các Cơ quan kiểm soát, Cơ sở kiểm nghiệm tham gia Chương trình giám sát.

2. Nội dung thẩm tra:

a) Đối với Cơ quan kiểm soát: Hoạt động xây dựng kế hoạch kiểm soát; hoạt động lấy mẫu, gửi mẫu; hoạt động kiểm soát thu hoạch, cấp Giấy chứng nhận xuất xứ và Phiếu kiểm soát thu hoạch.

b) Đối với Cơ sở kiểm nghiệm: Hoạt động tiếp nhận mẫu, kiểm nghiệm mẫu và thông báo kết quả kiểm nghiệm.

Điều 25. Thẩm tra việc thực hiện Chương trình giám sát của cơ sở làm sạch, nuôi lưu, thu mua, sơ chế, chế biến NT2MV

1. Tần suất thẩm tra: Định kỳ 01 năm một lần (hoặc đột xuất khi cần thiết), Cơ quan kiểm tra chủ trì, phối hợp với Cơ quan kiểm soát tổ chức thẩm tra việc tuân thủ các quy định tại Thông tư này của các cơ sở làm sạch, nuôi lưu, thu mua, sơ chế, chế biến NT2MV. Việc thẩm tra có thể được thực hiện kết hợp khi Cơ quan kiểm tra tiến hành thẩm tra việc thực hiện Chương trình giám sát của Cơ quan kiểm soát hoặc khi kiểm tra điều kiện an toàn thực phẩm của cơ sở, lấy mẫu kiểm tra lô hàng NT2MV theo quy định tại Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT ngày 12/11/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về kiểm tra, chứng nhận an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu.

2. Nội dung thẩm tra:

a) Xuất xứ của nguyên liệu NT2MV;

b) Việc thực hiện chế độ xử lý sau thu hoạch NT2MV tại cơ sở;

c) Sự phù hợp giữa khối lượng nguyên liệu NT2MV tiếp nhận và công suất sản xuất thực tế của cơ sở;

d) Sự phù hợp giữa kế hoạch HACCP (nếu có) và thực tế sản xuất NT2MV của cơ sở.

đ) Lấy mẫu sản phẩm NT2MV của cơ sở để thẩm tra chỉ tiêu độc tố sinh học, vi sinh vật và các chất ô nhiễm trong trường hợp cần thiết.

Điều 26. Xử lý vi phạm sau khi thẩm tra

1. Đối với Cơ quan kiểm soát: Cơ quan kiểm tra thực hiện các biện pháp xử lý (bao gồm tạm ngừng việc thực hiện Chương trình giám sát trên địa bàn) và có văn bản đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các biện pháp khắc phục phù hợp trong trường hợp Cơ quan kiểm soát bị phát hiện một hoặc một số sai lỗi sau:

a) Không thực hiện kiểm soát thu hoạch và không cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, Phiếu kiểm soát thu hoạch đối với các lô nguyên liệu NT2MV thu hoạch từ vùng nằm trong Chương trình giám sát tại địa phương;

b) Cấp Giấy chứng nhận xuất xứ mà không tổ chức kiểm soát thu hoạch;

c) Cấp Giấy chứng nhận xuất xứ cho lô nguyên liệu NT2MV của loài chưa được kiểm soát trong Chương trình giám sát tại địa phương; hoặc NT2MV từ vùng bị đình chỉ thu hoạch; hoặc NT2MV có xuất xứ từ vùng thu hoạch không thuộc phạm vi quản lý của địa phương;

d) Làm sai lệch số liệu, giả mạo hồ sơ về việc thực hiện Chương trình giám sát tại địa phương;

đ) Không tổ chức thực hiện lấy mẫu giám sát tại các vùng thu hoạch nằm trong Chương trình giám sát tại địa phương.

Trong thời gian Cơ quan kiểm soát tạm ngừng thực hiện Chương trình giám sát để chấn chỉnh và khắc phục sai lỗi, Cơ quan kiểm tra trực tiếp tổ chức thực hiện các hoạt động triển khai Chương trình giám sát của Cơ quan kiểm soát trên địa bàn.

2. Đối với Cơ sở kiểm nghiệm: Cơ quan kiểm tra thực hiện các biện pháp xử lý (bao gồm việc tạm ngừng tham gia kiểm nghiệm trong Chương trình giám sát) và có văn bản đề nghị Cơ sở kiểm nghiệm thực hiện các biện pháp khắc phục phù hợp trong trường hợp Cơ sở kiểm nghiệm vi phạm quy định tại Điều 30 Thông tư này.

3. Đối với cơ sở thu hoạch, làm sạch, nuôi lưu, thu mua, sơ chế, chế biến NT2MV: Cơ quan kiểm tra thực hiện các biện pháp xử lý phù hợp theo quy định hiện hành trong trường hợp cơ sở vi phạm quy định tại các Điều 31, 32, 33, 34 Thông tư này.

4. Các trường hợp tạm ngừng tham gia Chương trình giám sát nêu tại khoản 1, khoản 2 Điều này: Trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo khắc phục sai lỗi của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc của Cơ sở kiểm nghiệm, Cơ quan kiểm tra tiến hành thẩm tra báo cáo (bao gồm cả thẩm tra thực tế nếu cần thiết). Sau khi thẩm tra, trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc, Cơ quan kiểm tra có văn bản thông báo cho phép tham gia trở lại Chương trình giám sát hoặc thông báo chưa cho phép tham gia trở lại Chương trình giám sát và nêu rõ lý do chưa phù hợp.

Chương IV

TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN CỦA CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC

VÀ CÁ NHÂN CÓ LIÊN QUAN ĐẾN CHƯƠNG TRÌNH GIÁM SÁT

Điều 27. Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản

1. Xây dựng và ban hành Sổ tay hướng dẫn thực hiện các nội dung kỹ thuật để triển khai thực hiện các quy định trong Thông tư này.

2. Định kỳ cập nhật, công bố các chỉ tiêu kiểm nghiệm và giới hạn của các chỉ tiêu kiểm nghiệm trong Chương trình giám sát phù hợp với quy định của Việt Nam và các nước nhập khẩu

3. Chủ trì tổ chức triển khai, hướng dẫn triển khai và thẩm tra việc thực hiện Thông tư này.

4. Căn cứ vào tình hình thực tế, chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức khảo sát vùng thu hoạch để thiết lập và điều chỉnh Chương trình giám sát cho phù hợp với thực tế và trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt.

5. Hàng năm cập nhật, công bố danh sách các vùng thu hoạch và phân loại vùng thu hoạch (nếu có).

6. Quản lý, sử dụng và phân bổ kinh phí được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt theo qui định hiện hành của Bộ Tài chính.

7. Chủ trì tổ chức các lớp tập huấn về nghiệp vụ kiểm soát vệ sinh, an toàn thực phẩm trong thu hoạch NT2MV cho các cán bộ của Cơ quan kiểm tra, Cơ quan kiểm soát.

8. Định kỳ hàng năm báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết quả thực hiện Chương trình giám sát an toàn thực phẩm trong thu hoạch NT2MV.

9. Hợp tác quốc tế: Chủ trì đón, làm việc với các đoàn kiểm tra của cơ quan thẩm quyền các nước nhập khẩu; báo cáo, cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu; đàm phán, ký kết các văn bản hợp tác với cơ quan thẩm quyền các nước nhập khẩu về thực hiện Chương trình giám sát,…theo phân công của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 28. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham gia Chương trình giám sát

1. Chỉ đạo Cơ quan kiểm soát chủ trì, tổ chức triển khai thực hiện Chương trình giám sát tại các vùng thu hoạch thuộc địa bàn quản lý.

2. Bảo đảm khả năng thực hiện nhiệm vụ của Cơ quan kiểm soát về cơ chế, nhân lực, kinh phí, phương tiện, trang thiết bị.

3. Chỉ đạo Cơ quan kiểm soát phổ biến quy định tại Thông tư này và quy định kiểm soát của địa phương tới các cơ sở thu hoạch, làm sạch, nuôi lưu, thu mua, sơ chế, chế biến NT2MV trên địa bàn.

4. Hàng năm, căn cứ vào tình hình biến động nguồn lợi NT2MV thực tế tại địa phương, đề xuất với Cơ quan kiểm tra khảo sát hoặc điều chỉnh quy mô kiểm soát các vùng thu hoạch trong Chương trình giám sát cho năm tiếp theo.

5. Khi có thông báo cảnh báo hoặc thông báo đình chỉ thu hoạch của Cơ quan kiểm tra, chỉ đạo các cơ quan trực thuộc có liên quan phối hợp với Cơ quan kiểm soát để giám sát chặt chẽ không cho thu hoạch NT2MV từ vùng bị đình chỉ cho tới khi nhận được thông báo cho phép thu hoạch trở lại.

Điều 29. Cơ quan kiểm soát

1. Hàng năm, chủ trì tổ chức thu thập thông tin vùng thu hoạch NT2MV trong phạm vi quản lý để xây dựng kế hoạch và dự trù kinh phí thực hiện lấy mẫu giám sát theo quy định tại Điều 10 Thông tư này.

2. Chủ trì thống kê các cơ sở thu hoạch, làm sạch, nuôi lưu, thu mua, sơ chế, chế biến NT2MV thuộc phạm vi quản lý của địa phương và thông báo phạm vi, đối tượng NT2MV trong Chương trình giám sát hàng năm trên địa bàn đến các cơ sở.

3. Chủ trì tổ chức thực hiện công tác lấy mẫu, gửi mẫu cho Cơ sở kiểm nghiệm theo kế hoạch đã được phê duyệt hoặc trong trường hợp cần thiết theo thông báo của Cơ quan kiểm tra.

4. Thông báo chế độ thu hoạch và xử lý sau thu hoạch của Cơ quan kiểm tra tới cơ sở thu hoạch, làm sạch, nuôi lưu, thu mua, sơ chế, chế biến NT2MV thuộc phạm vi quản lý của địa phương.

5. Tổ chức kiểm tra, ngăn chặn việc thu hoạch NT2MV từ vùng bị đình chỉ thu hoạch và việc vận chuyển NT2MV từ vùng chưa được kiểm soát sang vùng đã được kiểm soát.

6. Tổ chức thẩm tra việc thực hiện chế độ thu hoạch đối với từng vùng thu hoạch nằm trong Chương trình giám sát; cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, Phiếu kiểm soát thu hoạch theo đúng quy định nêu tại khoản 3, 4 Điều 14 Thông tư này.

7. Khi nhận được thông báo đình chỉ thu hoạch của Cơ quan kiểm tra, phối hợp ngay với các cơ quan chức năng địa phương giám sát chặt chẽ không cho thu hoạch NT2MV từ vùng bị đình chỉ cho tới khi nhận được thông báo cho phép thu hoạch trở lại.

8. Thống kê và lưu trữ số liệu thu hoạch NT2MV của từng vùng thu hoạch, lưu trữ hồ sơ kiểm soát thu hoạch (Giấy chứng nhận xuất xứ, Phiếu kiểm soát thu hoạch, các thông báo cảnh báo,…).

9. Phối hợp với Cơ quan kiểm tra tổ chức các lớp tập huấn về kiểm soát vệ sinh, an toàn thực phẩm trong thu hoạch NT2MV; hướng dẫn quy định tại Thông tư này cho các cơ sở thu hoạch, thu mua, làm sạch, nuôi lưu, sơ chế, chế biến NT2MV thuộc phạm vi quản lý của địa phương.

10. Chế độ báo cáo:

a) Định kỳ hàng tháng báo cáo Cơ quan kiểm tra kết quả hoạt động kiểm soát thu hoạch của địa phương (theo mẫu tại Phụ lục XVIII ban hành kèm theo Thông tư này);

b) Định kỳ 6 tháng báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kết quả hoạt động kiểm soát thu hoạch của địa phương;

c) Trước ngày 25 tháng 12 hàng năm báo cáo về Cơ quan kiểm tra kết quả thực hiện Chương trình giám sát trong cả năm tại địa phương.

11. Hướng dẫn, yêu cầu các đối tượng liên quan tuân thủ chế độ lấy mẫu trong Chương trình giám sát.

12. Kiểm tra, giám sát định kỳ điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm của cơ sở làm sạch, cơ sở nuôi lưu NT2MV theo phân công, phân cấp.

13. Truyền thông, cung cấp thông tin về các trường hợp phát hiện mẫu giám sát vi phạm cho các cơ quan truyền thông theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và thẩm quyền được giao.

14. Được thu các khoản phí kiểm soát thu hoạch, lệ phí cấp Giấy chứng nhận xuất xứ theo các quy định hiện hành của Bộ Tài chính.

Ðiều 30. Cơ sở kiểm nghiệm

1. Trách nhiệm:

a) Tuân thủ đúng quy trình kiểm nghiệm, bảo đảm năng lực kiểm nghiệm, bảo mật thông tin kết quả kiểm nghiệm theo quy định của pháp luật;

b) Bảo đảm kết quả kiểm nghiệm chính xác, khách quan, trung thực; sử dụng phương pháp kiểm nghiệm tham chiếu tương ứng với chỉ tiêu kiểm nghiệm quy định tại Phụ lục I Thông tư này;

c) Chỉ thông báo kết quả kiểm nghiệm cho Cơ quan kiểm tra và phải đáp ứng thời gian kiểm nghiệm mẫu trong Chương trình giám sát theo quy định (trường hợp do Cơ quan kiểm tra hoặc Cơ quan kiểm soát gửi mẫu);

d) Chịu trách nhiệm về kết quả kiểm nghiệm mẫu trong Chương trình giám sát;

đ) Tham gia vào các chương trình thử nghiệm thành thạo theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Cơ quan kiểm tra;

e) Lưu trữ hồ sơ, tài liệu liên quan đến hoạt động kiểm nghiệm đúng quy định và xuất trình khi Cơ quan kiểm tra yêu cầu.

2. Quyền hạn:

a) Từ chối các mẫu không đạt yêu cầu kỹ thuật theo quy định; từ chối kiểm nghiệm đối với các mẫu, chỉ tiêu ngoài phạm vi được chứng nhận;

b) Được cung cấp các thông tin liên quan về mẫu trong Chương trình giám sát và được tạo điều kiện tập huấn nhằm nâng cao năng lực kiểm nghiệm (nếu có yêu cầu);

c) Được thu phí, lệ phí kiểm nghiệm theo quy định hiện hành.

Điều 31. Cơ sở thu hoạch NT2MV

1. Chấp hành việc đăng ký thu hoạch, lấy mẫu, kiểm soát thu hoạch và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hoặc Phiếu kiểm soát thu hoạch theo quy định tại Thông tư này.

2. Được tham gia các khóa đào tạo, tập huấn liên quan đến Chương trình giám sát do Cơ quan kiểm tra, Cơ quan kiểm soát và các đơn vị liên quan tổ chức.

3. Xây dựng thủ tục truy xuất nguồn gốc và thu hồi sản phẩm theo đúng quy định tại Thông tư số 03/2011/TT-BNNPTNT ngày 21/1/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về truy xuất nguồn gốc và thu hồi sản phẩm không đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực thuỷ sản và các quy định khác có liên quan; lưu trữ đầy đủ hồ sơ truy xuất, sản xuất và kiểm soát an toàn thực phẩm tại cơ sở.

4. Nộp phí kiểm soát thu hoạch, lệ phí cấp Giấy chứng nhận xuất xứ cho Cơ quan kiểm soát theo quy định hiện hành.

Điều 32. Cơ sở làm sạch, cơ sở nuôi lưu NT2MV

1. Chấp hành đúng chế độ xử lý NT2MV sau thu hoạch theo quy định tại Thông tư này và hướng dẫn của Cơ quan kiểm tra.

2. Chỉ đưa NT2MV được làm sạch ra thị trường tiêu thụ trực tiếp dạng tươi sống sau khi được Cơ quan kiểm soát cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hoặc Phiếu kiểm soát thu hoạch.

3. Duy trì điều kiện an toàn thực phẩm trong quá trình làm sạch, nuôi lưu và lưu trữ đầy đủ hồ sơ liên quan.

4. Được tham gia tập huấn liên quan đến Chương trình giám sát do Cơ quan kiểm tra, Cơ quan kiểm soát và các đơn vị liên quan tổ chức.

5. Thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 31 Thông tư này.

Điều 33. Cơ sở thu mua NT2MV

1. Được tham gia các khóa tập huấn liên quan đến Chương trình giám sát do Cơ quan kiểm tra, Cơ quan kiểm soát và các đơn vị liên quan tổ chức.

2. Được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hoặc Phiếu kiểm soát thu hoạch cho từng lô nguyên liệu NT2MV.

3. Chấp hành đúng các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm trong thu mua, bảo quản, vận chuyển nguyên liệu NT2MV theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

4. Thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 31 Thông tư này.

Điều 34. Cơ sở sơ chế, chế biến NT2MV

1. Không sử dụng NT2MV không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc NT2MV được thu hoạch từ vùng bị đình chỉ thu hoạch làm nguyên liệu sơ chế, chế biến. Chỉ đưa vào sơ chế, chế biến các lô nguyên liệu bảo đảm an toàn thực phẩm và áp dụng các chế độ xử lý sau thu hoạch theo đúng thông báo của Cơ quan kiểm tra.

2. Chấp hành đúng các quy định về điều kiện an toàn thực phẩm trong sơ chế, chế biến thuỷ sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và lưu trữ đầy đủ hồ sơ liên quan.

3. Được tham gia các khóa tập huấn liên quan đến Chương trình giám sát do Cơ quan kiểm tra, Cơ quan kiểm soát và các đơn vị liên quan tổ chức.

4. Thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 31 Thông tư này.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 35. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 12 năm 2015.

2. Thông tư này thay thế Quyết định số 131/2008/QĐ-BNN ngày 31/12/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quy chế kiểm soát vệ sinh an toàn trong thu hoạch nhuyễn thể hai mảnh vỏ và bãi bỏ Thông tư 23/2011/TT-BNNPTNT ngày 06/4/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung một số quy định về thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý thủy sản theo Nghị quyết 57/NQ-CP ngày 15/12/2010.

Điều 36. Sửa đổi, bổ sung Thông tư

Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản có trách nhiệm tổng hợp các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Thông tư này và báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp (nếu có).

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Cao Đức Phát

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.