Sign In

THÔNG TƯ

LIÊN BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH, XÃ HỘI - TÀI CHÍNH -

TỔNG CỤC THỐNG KÊ

Hướng dẫn thực hiện chế độ ohụ cấp đắt đỏ

Thi hành Nghị định số 25/CP ngày 23-5-1993 của Chính phủ quy định tạm thời chế độ tiền lương mới đối với công chức, viên chức hành chính, sự nghiệp, lực lượng vũ trang và Nghị định số 26/CP ngày 23-5-1993 của Chính phủ quy định tạm thời chế độ tiền lương mới trong các doanh nghiệp; liên Bộ lao động - Thương binh và Xã hội - Tài chính - Tổng cục Thống kê hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp đắt đỏ như sau:

I. NGUYÊN TẮC XÁC ĐỊNH

1. Phụ cấp đắt đỏ được xác định đối với những nơi có giá lương thực, thực phẩm, dịch vụ so với bình quân chung của cả nước cao hơn từ 10% trở lên.

2. Chỉ số giá sinh hoạt được tính theo khu vực thành thị, nông thôn ở từng tỉnh, thành phố do Tổng cục Thống kê công bố.

3. Danh mục và cơ cấu các mặt hàng lương thực, thực phẩm, dịch vụ để tính chỉ số giá sinh hoạt phải theo quy định thống nhất của Tổng cục Thống kê.

4. Phạm vi xác định mức phụ cấp đắt đỏ là huyện, thị xã phù hợp với chỉ số giá sinh hoạt do tổng cục Thống kê công bố.

II. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

Phụ cấp đắt đỏ áp dụng đối với các đối tượng hưởng lương, hưởng trợ cấp hàng tháng thay lương, bao gồm:

- Cán bộ giữ chức vụ bầu cử Nhà nước, Đảng, Đoàn thể;

- Công chức, viên chức hành chính, sự nghiệp, kể cả lao động hợp đồng;

- Cán bộ, công nhân viên làm việc trong các cơ quan Đảng, đoàn thể;

- Công nhân, viên chức làm việc trong các doanh nghiệp;

- Sĩ quan và những người hưởng lương trong lực lượng vũ trang;

- Những người nghỉ hưu;

- Những Người nghỉ việc vì mất sức lao động, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hưởng trợ cấp hàng tháng thay lương;

- Thương binh, bệnh binh hưởng hưởng trợ cấp hàng tháng thay lương.

 

III. MỨC VÀ CÁCH TRẢ PHỤ CẤP ĐẮT ĐỎ

1. Mức phụ cấp:

Phụ cấp đắt đỏ gồm 5 mức: 0,1; 0,15; 0,20; 0,25 và 0,30 so với mức lương tối thiểu được quy định như sau:

 

Chỉ số giá sinh hoạt tại nơi có chỉ số cao hơn bình quân chung cả nước

Hệ số

Mức phụ cấp thực hiện từ 1 - 4 - 1993

Từ 10% đến dưới 15%

0,10

7.200đ

Từ 15% đến dưới 20%

0,15

10.800đ

Từ 20% đến dưới 25%

0,20

14.400đ

Từ 25% đến dưới 30%

0,25

18.000đ

Từ 30% trở lên

0,30

21.600đ

 

2. Cách trả phụ cấp đắt đỏ:

Phụ cấp đắt đỏ được trả theo nơi làm việc đối với người tại chức; nơi đăng ký thường trú và nhận lương hưu, trợ cấp hàng tháng thay lương đối với người nghỉ hưu và người hưởng trợ cấp có tính chất lương.

- Phụ cấp đắt đỏ được tính trả cùng kỳ lương, trợ cấp hàng tháng thay lương.

Đối với đối tượng hưởng lương và trợ cấp thay lương do ngân sách Nhà nước chi trả theo phân cấp ngân sách hiện hành. Đối với doanh nghiệp, phụ cấp đắt đỏ được tính vào đơn giá tiền lương và hạch toán vào giá thành hoặc phí lưu thông.

Trường hợp đi công tác, đi học, điều trị, điều dưỡng thời hạn từ một tháng trở lên thì hưởng phụ cấp đắt đỏ theo mức quy định ở nơi đến công tác, học tập, điều trị, điều dưỡng. Nếu nơi mới không có phụ cấp đắt đỏ thì thôi không hưởng phụ cấp ở nơi cũ trước khi đi.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Tổng cục thống kê phối hợp với Bộ tài chính hướng dẫn phương pháp, tổ chức việc điều tra và tính chỉ số giá sinh hoạt để phục vụ yêu cầu xác định mức phụ cấp đắt đỏ.

2. Hàng quý Tổng cục Thống kê thông báo chỉ số giá sinh hoạt từng khu vực (thành thị, nông thôn) của các tỉnh thành phố.

3. Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hàng quý căn cứ vào thông báo của tổng cục Thống kê về chỉ số giá sinh hoạt tính cho khu vực thành thị, nông thôn của địa phương mình đề nghị liên Bộ duyệt mức phụ cấp đắt đỏ gồm các nội dung sau:

- Nơi và mức phụ cấp đắt đỏ đề nghị;

- Tổng số đối tượng được hưởng; quỹ phụ cấp đắt đỏ (trong đó tính riêng cho đối tượng hưởng lương, hưởng trợ cấp do ngân sách Nhà nước trả).

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 4 năm 1993. Mọi quy định trái với Thông tư này đều bải bỏ.

 

Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội

Bộ Tài chính

Tổng cục Thống kê

Bộ trưởng

Bộ trưởng

Bộ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

(Đã ký)

   

Lê Văn Toàn

Hồ Tế

Trần Ðình Hoan