QUYẾT ĐỊNH CỦA UBND TỈNH BÀ RỊA- VŨNG TÀU
V/v: Ban hành quy chế về tổ chức và hoạt động
của Thanh tra tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
_________
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA- VŨNG TÀU
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân (sửa đổi) ngày 21/6/1994;
Căn cứ Luật khiếu nại - tố cáo ngày 2/12/1998 và Pháp lệnh thanh tra ngày 01/4/1990;
Theo đề nghị của Chánh thanh tra tỉnh và Trưởng ban tổ chức chính quyền tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1: Nay ban hành kèm theo quyết định này bản Quy chế về tổ chức và hoạt động của Thanh tra tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Quy chế này gồm 04 Chương, 16 Điều.
Điều 2: Chánh Văn phòng HĐND và UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức chính quyền tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan và Chánh Thanh tra tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chịu trách nhiệm thi hành quyết định này kể từ ngày ký.
TM. UBND TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU
CHỦ TỊCH
Nguyễn Tuấn Minh
QUY CHẾ
Về tổ chức và hoạt động của Thanh tra tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
(Ban hành kèm theo Quyết định số 5342/2001/QĐ-UB ngày 09/7/2001 của UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu)
CHƯƠNG I
VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN
Điều 1: Vị trí, chức năng:
- Thanh tra là một chức năng thiết yếu của cơ quan quản lý nhà nước; là phương thức đảm bảo pháp chế, tăng cường kỷ luật trong quản lý Nhà nước, thực hiện quyền dân chủ xã hội chủ nghĩa.
- Thanh tra tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có chức năng quản lý Nhà nước về công tác thanh tra và thực hiện quyền thanh tra trong phạm vi quản lý Nhà nước của UBND tỉnh.
- Thanh tra tỉnh chịu sự chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của UBND tỉnh và sự chỉ đạo của Thanh tra Nhà nước về công tác tổ chức, nghiệp vụ thanh tra.
- Thanh tra tỉnh có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản tại Kho bạc Nhà nước.
Điều 2: Nhiệm vụ, quyển hạn chung của các tổ chức Thanh tra Nhà nước.
1. Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ kế hoạch Nhà nước của các cơ quan, tổ chức và cá nhân (trừ các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, kiểm sát của các cơ quan điều tra, Kiểm sát, tòa án).
2. Xem xét, kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết hoặc giải quyết theo thẩm quyền các khiếu nại - tố cáo;
3. Trong phạm vi chức năng của mình, chỉ đạo về tổ chức và hoat động thanh tra đối với cơ quan, tổ chức hữu quan;
4. Tuyên truyền, hướng dẫn việc thực hiện pháp luật về thanh tra;
5. Kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền những vấn đề về quản lý Nhà nước cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các quy định phù hợp với yêu cầu của quản lý Nhà nước.
Điều 3: Trong quá trình thanh tra, các tổ chức thanh tra Nhà nước có quyền:
1. Yêu cầu cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin cần thiết phục vụ cho việc thanh tra; yêu cầu cơ quan, đơn vị hữu quan cử người tham gia hoạt động thanh tra.
2. Trưng cầu giám định;
3. Yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp tài liệu, báo cáo bằng văn bản, trả lời những chất vấn của tổ chức thanh tra hoặc thanh tra viên; khi cần thiết tiến hành kiểm kê tài sản;
4. Quyết định niêm phong tài liệu, kê biên tài sản khi có căn cứ để nhận định có vi phạm pháp luật; ra quyết định yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tạm giữ tiền, đồ vật, giấy phép được cấp hoặc sử dụng trái pháp luật khi xét thấy cần ngăn chặn ngay việc vi phạm pháp luật hoặc để xác minh tình tiết làm chứng cứ cho việc kết luận, xử lý;
5. Đình chỉ việc làm khi xét thấy việc làm đó của đối tượng thanh tra đang hoặc sẽ gây tác hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và công dân;
6. Tạm đình chỉ việc thi hành quyết định kỷ luật; thuyên chuyển công tác người đang cộng tác với tổ chức thanh tra hoặc đang là đối tượng thanh tra, nếu xét thấy việc thi hành quyết định gây trở ngại cho việc thanh tra;
7. Cảnh cáo, tạm đình chỉ công tác đối với công chức viên chức Nhà nước cố ý cản trở việc thanh tra hoặc không thực hiện yêu cầu, kiến nghị, quyết định của tổ chức thanh tra hoặc thanh tra viên;
8. Kết luận, kiến nghị hoặc quyết định xử lý cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật;
9 Chuyển hồ sơ về việc vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra hình sự có thẩm quyền giải quyết, nếu xét thấy có dấu hiệu cấu thành tội phạm.
Khi xét thấy không còn cần thiết áp dụng các biện pháp quy định tại các khoản 4, 5, 6 và biện pháp tạm đình chỉ công tác đối với công chức viên chức Nhà nước quy định tại khoản 7 của Điều này, thì người ra quyết định phải ra quyết định hủy việc áp dụng các biện pháp đó.
Điều 4: Nhiệm vụ và quyền hạn của Thanh tra tỉnh:
1. Chỉ đạo hướng dẫn công tác, tổ chức nghiệp vụ thanh tra đối với thanh tra các huyện, thị xã Bà Rịa và thành phố Vũng Tàu (sau đây gọi chung là huyện); thanh tra sở và các cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý trực tiếp của UBND tỉnh (sau đây gọi chung là sở);
2. Hướng dẫn, kiểm tra các sở, các cơ quan, đơn vị cấp huyện thực hiện các quy định của Nhà nước về công tác thanh tra và việc giải quyết khiếu nại - tố cáo;
3. Tạm đình chỉ thi hành, sửa đổi hoặc bãi bỏ kiến nghị, quyết định không đúng của thanh tra cấp huyện, thanh tra Sở về công tác thanh tra; yêu cầu Chủ tịch UBND cấp huyện, Giám đốc Sở đình chỉ việc thi hành, sửa đổi hoặc bãi bỏ quyết định không đúng về công tác thanh tra;
4. Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, kế hoạch Nhà nước của Giám đốc Sở và tương đương, Chủ tịch UBND cấp huyện; các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp của các thành phần kinh tế, các tổ chức cá nhân; việc có liên quan đến trách nhiệm của nhiều sở, nhiều huyện; việc do UBND tỉnh hoặc Tổng Thanh tra Nhà nước giao;
Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật của các cơ quan, đơn vị, cá nhân thuộc quyền quản lý của cơ quan Trung ương và địa phương khác đóng tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu theo thẩm quyền quản lý Nhà nước của UBND tỉnh;
Khi cần thiết được điều động cán bộ CCVC, thanh tra viên của thanh tra Sở, huyện và các cơ quan khác thực hiện nhiệm vụ thanh tra.
Yêu cầu Giám đốc Sở, Chủ tịch UBND cấp huyện thanh tra hoặc phúc tra công việc thuộc phạm vi trách nhiệm của mình;
5. Tiếp dân và giải quyết khiếu nại - tố cáo theo trách nhiệm và thẩm quyền quy định tại: Luât khiếu nại - tố cáo năm 1998 và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật khiếu nại - tố cáo.
6. Xác minh, kết luận, kiến nghị việc giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND tỉnh; xác minh, kết luận nội dung, kiến nghị biện pháp xử lý tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND tỉnh khi được giao; xem xét, kết luận nội dung tố cáo mà Chủ tịch UBND cấp huyện, Giám đốc sở, ngành đã giải quyết nhưng có vi phạm pháp luật; trong trường hợp kết luận việc giải quyết có vi phạm pháp luật thì kiến nghị người đã giải quyết xem xét, giải quyết lại.
7. Kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh giải quyết khiếu nại - tố cáo Chủ tịch UBND cấp huyện, Giám đốc Sở; giải quyết khiếu nại tố cáo mà Chủ tịch UBND cấp huyện, Giám đốc Sở đã giải quyết nhưng đương sự còn khiếu nại hoặc phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, giải quyết vấn đề chưa nhất trí giữa thanh tra cấp huyện với Chủ tịch UBND cùng cấp, giữa thanh tra Sở với Giám đốc sở về công tác thanh tra.
8. Kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh giải quyết những vấn đề về công tác thanh tra; trong trường hợp kiến nghị không được chấp nhận thì có quyền bảo lưu và báo cáo Tổng Thanh tra Nhà nước.
Điều 5: Chánh tranh tra tỉnh có quyền:
1. Tạm đình chỉ việc thi hành quyết định xử lý của Thủ trưởng các sở, ngành tỉnh, của Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp xã trong tỉnh đối với đương sự đang khiếu nại - tố cáo để xem xét giải quyết trong thời hạn từ 45 - 60 ngày, kể từ ngày ra quyết định;
2. Tạm đình chỉ việc thi hành quyết định kỷ luật, thuyên chuyển công tác của Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý trực tiếp của UBND tỉnh đối với người đang cộng tác với cơ quan thanh tra hoặc đang là đối tượng thanh tra nếu xét thấy việc thi hành quyết định gây trở ngại cho việc tiến hành thanh tra; đối với quyết định nói trên của Thủ trưởng, cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý của cơ quan Trung ương hoặc địa phương khác đóng tại tỉnh BR-VT thì kiến nghị cấp có thẩm quyền quyết định.
3. Cảnh cáo, tạm đình chỉ công tác đối với CCVC Nhà nước đã có hành vi cản trở việc thanh tra hoặc không thực hiện các yêu cầu, kiến nghị, quyết định của tổ chức thanh tra; đối với Chủ tịch UBND cấp huyện, Thủ trưởng các Sở, ngành tỉnh hoặc đối với người thuộc quyền quản lý của cơ quan, đơn vị thuộc cơ quan Trung ương hoặc địa phương khác đóng tại tỉnh BR-VT thì kiến nghị cấp có thẩm quyền quyết định.
4. Thực hiện các quyền khác quy định tại Điều 9, Điều 17 của Pháp lệnh thanh tra liên quan đến đối tượng thanh tra và các cơ quan, đơn vị, cá nhân hữu quan trong phạm vi quản lý của UBND tỉnh. Quyết định thành lập các Đoàn thanh tra theo chương trình, kế hoạch thanh tra hoặc theo chỉ đạo của UBND tỉnh, của Thanh tra Nhà nước;
5. Giải quyết khiếu nại do Chủ tịch UBND tỉnh ủy quyền theo quy định của Chính phủ.
6. Quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm Chánh thanh tra cấp huyện theo đề nghị của UBND cùng cấp; xem xét đề nghị của Giám đốc Sở phối hợp với Ban Tổ chức chính quyền tỉnh trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định thành lập tổ chức thanh tra Sở và bổ nhiệm Chánh thanh tra Sở.
CHƯƠNG II
CƠ CẤU TỔ CHỨC, CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC,
NHIỆM VỤ CÁC PHÒNG TRỰC THUỘC
Điều 6: Cơ cấu tổ chức:
Bộ máy của Thanh tra tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quyết định theo sự hướng dẫn của Tổng Thanh tra Nhà nước tại Thông tư số 124/TT.TTNN, ngày 18-7-1990.
- Thanh tra tỉnh do Chánh thanh tra lãnh đạo, giúp việc Chánh thanh tra có Phó chánh thanh tra.
- Bộ máy làm việc của Thanh tra tỉnh có các phòng chuyên môn, nghiệp vụ bao gồm:
+ Phòng thanh tra kinh tế.
+ Phòng thanh tra nội chính - văn xã.
+ Phòng thanh tra xét khiếu tố:
+ Văn phòng - Tổng hợp.
- Biên chế của Thanh tra tỉnh do UBND tỉnh quyết định, trong tổng số chỉ tiêu biên chế, quỹ tiền lương hành chính sự nghiệp của tỉnh được giao.
- Tiêu chuẩn nghiệp vụ công chức các ngạch thanh tra viên theo Quyết định số 818/TCCP-VP, ngày 21-10-1993 của Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ.
Điều 7: Chế độ làm việc.
- Thanh tra tỉnh làm việc theo chế độ Thủ trưởng
- Chánh Thanh tra tỉnh chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về toàn bộ hoạt động của ngành đồng thời chịu trách nhiệm về chuyên môn, nghiêp vụ trước Tổng Thanh tra Nhà nước.
Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Chánh Thanh tra tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Tổng Thanh tra Nhà nước quyết đinh.
- Phó chánh Thanh tra tỉnh thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Chánh Thanh tra tỉnh.
Khi giải quyết các công việc được phân công hoặc ủy quyền, Phó Chánh Thanh tra tỉnh được sử dụng quyền hạn của Chánh Thanh tra tỉnh và chịu trách nhiệm trước Chánh Thanh tra tỉnh, UBND tỉnh, Thanh tra Nhà nước và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Các Phó Chánh Thanh tra tỉnh không dược giải quyết công việc vượt quá quyền hạn được phân công.
Việc bổ nhiêm, miễn nhiệm, cách chức Phó chánh Thanh tra tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định theo đề nghị của Chánh Thanh tra tỉnh.
- Văn phòng - tổng hợp do Chánh văn phòng, các Phòng nghiệp vụ do Trưởng phòng phụ trách chung và chịu trách nhiệm toàn diện trước lãnh đạo Thanh tra tỉnh.
Giúp việc Chánh văn phòng, các Trưởng phòng có Phó chánh văn phòng và các Phó trưởng phòng. Phó chánh văn phòng, Phó trưởng phòng chịu trách nhiệm trước Chánh văn phòng, Trưởng phòng và lãnh đạo Thanh tra tỉnh.
Việc bổ nhiêm, miễn nhiệm, cách chức Chánh văn phòng, Trưởng phòng do Chánh Thanh tra tỉnh quyết định sau khi có thỏa thuận bằng văn bản của Ban Tổ chúc Chính quyền tỉnh.
- Các công chức viên chức chịu trách nhiệm trước Trưởng, phó trưởng phòng của mình và lãnh đạo Thanh tra tỉnh về nhiệm vụ được phân công.
Điều 8: Nhiệm vụ cụ thể của các phòng trực thuộc:
1. Phòng Thanh tra kinh tế:
Giúp lãnh đạo Thanh tra tỉnh thực hiện những công việc sau:
a) Quản lý Nhà nước về công tác thanh tra đối với các cơ quan, đơn vị thuộc khối kinh tế (khối sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, phân phối lưu thông...) thuộc quyền quản lý trực tiếp của UBND tỉnh, bao gồm:
+ Chỉ đạo, hướng dẫn công tác và nghiệp vụ thanh tra.
+ Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Nhà nước về công tác thanh tra.
b) Thực hiện quyền thanh tra, kiểm tra trực tiếp đối với các cơ quan, đơn vị thuộc khối kinh tế thuộc quyền quản lý trực tiếp của UBND tỉnh, bao gồm:
+ Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật, nhiệm vụ, kế hoạch Nhà nước.
+ Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật của cơ quan, đơn vị, cá nhân thuộc quyền quản lý của cơ quan Trung ương và địa phương khác (thuộc khối kinh tế) đóng trên địa bàn tỉnh BR-VT theo thẩm quyền quản lý Nhà nước của UBND tỉnh (theo quy định của Pháp lệnh thanh tra năm 1990; Nghị định 61/1998/NĐ-CP và Thông tư 01/TT-TT ngày 20-8-1992 của Tổng Thanh tra Nhà nước).
c) Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chánh Thanh tra tỉnh giao.
2. Phòng Thanh tra Nội chính - Văn xã:
Giúp lãnh đạo Thanh tra tỉnh thực hiện nhũng công việc sau:
a) Quản lý Nhà nước về công tác thanh tra đối với các cơ quan, đơn vị khối nội chính - văn xã thuộc quyền quản lý trực tiếp của UBND tỉnh, bao gồm:
+ Chỉ đạo, hướng dẫn công tác và nghiệp vụ thanh tra;
+ Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Nhà nước về công tác thanh tra.
b) Thực hiện quyền thanh tra, kiểm tra trực tiếp đối với các cơ quan, đơn vị thuộc khối nội chính văn - xã thuộc quyền quản lý trực tiếp của UBND tỉnh, bao gồm:
+ Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, kế hoạch Nhà nước.
+ Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật của cơ quan, đơn vị, cá nhân thuộc quyền quản lý của cơ quan Trung ương và địa phương khác (thuộc khối nội chính - văn xã) đóng trên địa bàn tỉnh BR-VT theo thẩm quyền quản lý Nhà nước của UBND tỉnh (theo quy định của Pháp lệnh thanh tra năm 1990; Nghị định 61/1998/NĐ-CP và Thông tư 01/TT- TTr, ngày 20-8-1992 của Tổng Thanh tra Nhà nước).
3. Phòng Thanh tra xét khiếu tố:
Giúp lãnh đạo Thanh tra tỉnh thực hiện những công việc sau:
a) Quản lý Nhà nước về công tác giải quyết khiếu nại - tố cáo tại địa phương theo quy định của Luật khiếu nại - tố cáo 1998, bao gồm:
+ Dự thảo quy chế, điều lệ giải quyết khiếu nại - tố cáo (khi UBND tỉnh giao);
+ Tuyên truyền, hướng dẫn và tổ chức việc thực hiện các quy định về khiếu nại - tố cáo;
+ Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về khiếu nại - tố cáo;
+ Tổng hợp tình hình khiếu nại - tố cáo và việc giải quyết khiếu nại - tố cáo;
+ Dự thảo tổng kết kinh nghiệm về công tác giải quyết khiếu nại - tố cáo trong phạm vi quản lý Nhà nước của UBND tỉnh.
b) Thực hiện quyền thanh tra xét khiếu tố:
+ Xác minh, kết luận, kiến nghị việc giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND tỉnh;
+ Xác minh, kết luận, kiến nghị việc giải quyết khiếu nại do Chủ tịch UBND tỉnh ủy quyền, trình Chánh Thanh tra tỉnh quyết định;
+ Xác minh, kết luận nội dung tố cáo, kiến nghị biện pháp xử lý tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND tỉnh khi được giao;
+ Xác minh, kết luận nội dung tố cáo mà Chủ tịch UBND cấp huyện, Giám đốc Sở, ngành đã giải quyết nhưng có vi phạm pháp luật và kiến nghị người đã giải quyết xem xét, giải quyết lại theo quy định của Luật khiếu nại - tố cáo.
4. Văn phòng - tổng hợp:
Giúp lãnh đạo Thanh tra tỉnh thực hiện những công việc sau:
a) Theo dõi tổng hợp tình hình hoạt động thanh tra trong tỉnh; xây dựng chương trình kế hoạch thanh tra, hướng dẫn, kiểm tra các ngành, các cấp trong tỉnh thực hiện;
b) Quản lý công tác tổ chức bộ máy, quản lý nhân sự, tiền lương, BHXH, khen thưởng, kỷ luật... và thực hiện chế độ chính sách khác đối với công chức viên chức thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của Thanh tra tỉnh. Quản lý và xây dựng kế hoạch biên chế, quỹ tiền lương, kế hoạch đào tạo cán bộ công chức hàng năm của Thanh tra tỉnh. Thực hiện các nhiệm vụ về tổ chức, xây dựng lực lượng thanh tra;
c) Tổ chức tiếp nhận công văn giấy tờ và phát hành công văn đi đến, quản lý con dấu, lưu trữ công văn, tài liệu, hồ sơ công chức viên chức, tổ chức phân bổ phục vụ khai thác lưu trữ hồ sơ theo quy định của Nhà nước. Tổ chức quản lý tài sản, kho, quỹ, sắp xếp phương tiện, nơi làm việc và thực hiện công tác hành chính, quản trị khác phục vụ sự điều hành công việc hàng ngày của Lãnh đạo Thanh tra tỉnh.
d) Tổ chức việc hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra cho cán bộ thanh tra và thanh tra nhân dân;
e) Theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện một số công tác khác như: Công tác chống tham nhũng, công tác cải cách hành chính, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, việc thực hiện Pháp lệnh cán bộ, công chức v.v...
CHƯƠNG III
MỐI QUAN HỆ CỒNG TÁC
Mối quan hệ công tác giữa Thanh tra tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với các cấp, ngành, đơn vị thực hiện theo nguyên tắc sau đây:
Điều 9: Đối với Thanh tra Nhà nước:
1. Thanh tra tỉnh là tổ chức quản lý Nhà nước cấp dưới nằm trong hệ thống tổ chức Thanh tra Nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Thanh tra tỉnh chịu sự lãnh đạo, hướng dẫn và kiểm tra về công tác chuyên môn, nghiệp vụ thuộc lĩnh vực quản lý của Thanh tra Nhà nước.
2. Thanh tra tỉnh thực hiện các vấn đề thuộc thẩm quyền do Thanh tra Nhà nước phân cấp và chỉ đạo. Thanh tra tỉnh không được chuyển các vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của Thanh tra tỉnh lên Thanh tra Nhà nước, phải báo cáo, xin ý kiến của Thanh tra Nhà nước về những vấn đề vượt quá thẩm quyền được giao.
3. Thanh tra tỉnh thực hiện đầy đủ chế độ thông tin báo cáo tình hình hoạt động của ngành theo quy định của Thanh tra Nhà nước.
Điều 10: Đối với UBND tỉnh
1. Thanh tra tỉnh là cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh, giúp UBND tỉnh quản lý Nhà nước về công tác thanh tra. Chịu sự lãnh đạo trực tiếp toàn diện của UBND tỉnh.
2. Thanh tra tỉnh chấp hành sự chỉ đạo và thực hiện các nhiệm vụ do UBND tỉnh giao. Thanh tra tỉnh không được chuyển các vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của Thanh tra tỉnh lên UBND tỉnh. Phải báo cáo xin ý kiến UBND tỉnh về những vấn đề vượt quá thẩm quyền được giao.
3. Thực hiện chế độ báo cáo thường xuyên hoặc đột xuất về tình hình công tác của Thanh tra tỉnh theo quy định.
Điều 11: Đối với Sở, ngành và tương đương:
1. Là mối quan hệ cùng cấp, Thanh tra tỉnh thực hiện những quy định quản lý Nhà nước thuộc thẩm quyền của các sở khác và ngược lại, có trách nhiệm phối hợp giải quyết những công việc thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của mỗi Sở, ngành trên tinh thần hợp tác nhằm phục vụ cho sự phát triển chung của tỉnh.
2. Thanh tra tỉnh chủ động bàn bạc với các Sở liên quan khác để giải quyết những vấn đề quản lý Nhà nước có tính chất chuyên ngành, nếu các cơ quan không thể thống nhất được thì Thanh tra tỉnh trình UBND tỉnh xem xét quyết định.
3. Thanh tra tỉnh thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn các sở ngành khác trong việc chấp hành các quy định hiện hành của Nhà nước thuộc lĩnh vực chuyên môn quản lý của Thanh tra tỉnh và ngược lại.
Điều 12: Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố:
Cùng phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng chương trình kế hoạch trong công tác thanh tra. Đồng thời thông báo kịp thời cho UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ trương, chính sách, quy định của Chính phủ, Thanh tra Nhà nước, UBND tỉnh và Thanh tra tỉnh về lĩnh vực thanh tra để phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện tốt những quy định đó trên địa bàn tỉnh.
Điều 13: Đối với các tổ chức Thanh tra sở, Thanh tra cấp huyện:
1. Thanh tra sở, Thanh tra cấp huyện là tổ chức quản lý Nhà nước cấp dưới nằm trong hệ thống tổ chức Thanh tra Nhà nước ở địa phương. Thanh tra sở, Thanh tra huyện chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về công tác tổ chức nghiệp vụ thanh tra theo quy định tại Pháp lệnh thanh tra và các quy định khác của Nhà nước về công tác thanh tra.
2. Định kỳ hoặc đột xuất thanh tra sở, Thanh tra huyện có trách nhiệm báo cáo tình hình hoạt động để Thanh tra tỉnh tổng hợp chung cho toàn ngành. Thanh tra sở, Thanh tra huyện căn cứ tình hình thực tế của ngành, địa phương và hướng dẫn của Thanh tra tỉnh xây dựng phương hướng nhiệm vụ công tác thanh tra của đơn vị và triển khai thực hiện phương hướng, nhiệm vụ sau khi được phê duyệt.
Điều 14: Đối với các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn tỉnh:
1. Thanh tra tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện những quy định về quản lý Nhà nước theo lãnh thổ trong công tác thanh tra đối với các cơ quan đơn vị đóng trên địa bàn tỉnh.
2. Các cơ quan đơn vị đóng trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các nội dung quản lý Nhà nước và chấp hành chế độ thông tin báo cáo về công tác thanh tra theo quy định của UBND tỉnh và Thanh tra tỉnh.
3. Đối với một số tổ chức thanh tra ngành thuộc hệ thống Thanh tra Nhà nước hoạt động theo ngành dọc: Vừa là quan hệ của cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động thanh tra, vừa là quan hệ phối hợp khi thực hiện quyền thanh tra trực tiếp.
CHƯƠNG IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 15: Quy chế có hiệu lực từ ngày ký quyết định ban hành. Việc sửa đổi, bổ sung quy chế này do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định. Mọi quy định trước đây của UBND tỉnh và của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh trái quy chế này đều bãi bỏ.
Điều 16: Giao cho Chánh Thanh tra tỉnh triển khai thực hiện quy chế này đến tất cả các đơn vị, cấp, ngành có liên quan trong tỉnh. Trên cơ sở Quy chế này Chánh Thanh tra tỉnh có trách nhiệm xây dựng quy định về mối quan hệ làm việc giữa các phòng, ban chuyên môn và giữa Thanh tra tỉnh với các tổ chức Thanh tra Sở, Thanh tra huyện theo đúng quy định của pháp luật và tình hình thực tế của ngành.
Trong quá trình thực hiện Quy chế nếu có vấn đề chưa phù hợp, Thanh tra tỉnh, các cơ quan, đơn vị liên quan kiến nghị, trình UBND tỉnh xem xét, bổ sung, sửa đổi kịp thời./.