Sign In

NGHỊ QUYẾT

Quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp

 trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2017-2021

 

 

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU

KHÓA XIV, KỲ HỌP THỨ HAI

 

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;     

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước;

Xét Tờ trình số 1307/TTr-UBND ngày 15/7/2016 của UBND tỉnh về việc ban hành chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2017-2021; Báo cáo thẩm tra số 232/BC-HĐND ngày 21/7/2016 của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh; ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2021, như sau:

1. Mục tiêu

Thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp, khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế về đất đai, để đầu tư phát triển nông, lâm nghiệp, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, tạo sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực. Phấn đấu đến năm 2020 có: 27.500 ha lúa gieo trồng; 6.000 ha cây chè; 10.000 ha cây quế; 3.000 ha cây sơn tra; 500 ha cây ăn quả ôn đới.

2. Nguyên tắc hỗ trợ

Hỗ trợ những nội dung thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp mà nông dân gặp khó khăn, sản xuất kém hiệu quả. Nội dung hỗ trợ phải mang tính phổ biến, dễ tiếp cận, hướng vào khai thác tiềm năng lợi thế của địa phương.

Chính sách hỗ trợ phải phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của tỉnh, phải được kế hoạch hóa theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trung hạn và hàng năm của tỉnh.

Các đối tượng được hỗ trợ và cơ quan tổ chức thực hiện dự án phải chịu trách nhiệm bồi hoàn số kinh phí hỗ trợ nếu không thực hiện đầy đủ các cam kết khi đăng ký thực hiện chính sách hỗ trợ; UBND tỉnh cụ thể hóa chi phí quản lý theo từng đề án, dự án.

Nếu trên cùng một địa bàn, cùng một đối tượng mà có nhiều chính sách (chính sách của tỉnh, Chương trình mục tiêu quốc gia...) thì đối tượng chỉ được hưởng một chính sách do mình lựa chọn.

3. Phạm vi áp dụng

Chính sách này sử dụng nguồn vốn cân đối Ngân sách địa phương và các nguồn do địa phương tự chủ (Dịch vụ môi trường rừng, hỗ trợ của Jica) để thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn tỉnh và được thực hiện trong giai đoạn 2017 - 2021. Đối với các chương trình mục tiêu và chương trình mục tiêu Quốc gia thực hiện theo chính sách riêng của chương trình.

4. Đối tượng áp dụng

Các hộ gia đình, cá nhân là nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh và các cơ quan thực hiện chính sách.

5. Nội dung và mức hỗ trợ

a) Giống lúa thuần (tiêu chuẩn xác nhận)

- Hỗ trợ 50% giá giống vụ mùa, vụ đông xuân; mỗi vụ hỗ trợ 30% diện tích gieo trồng của huyện, thành phố.

- Hỗ trợ 70% giá giống vụ đông xuân với những nơi chưa có tập quán sản xuất vụ đông xuân; hỗ trợ 100% diện tích gieo trồng của các huyện, thành phố; Thời gian hỗ trợ trong 03 năm liền.

b) Giống ngô lai

- Ngô xuân hè: Hỗ trợ 30% giá giống.

- Ngô thu, đông: Hỗ trợ 50% giá giống.

- Ngô xuân sớm trên đất ruộng 1 vụ và ngô trên đất bán ngập: Hỗ trợ 70% giá giống.

- Hỗ trợ 100% diện tích gieo trồng theo đăng ký.

c) Hỗ trợ phát triển cây chè cho vùng nguyên liệu tập trung

- Hỗ trợ 01 lần 100% giá giống trồng mới.

- Hỗ trợ 100% phân bón lót (phân vô cơ hoặc phân vi sinh tổng hợp) theo quy trình.

- Hỗ trợ chuyển đổi đất, khai hoang, làm đất: 15 triệu đồng/ha.

d) Hỗ trợ phát triển cây Quế

- Hỗ trợ 01 lần 100% giá giống trồng mới.

- Hỗ trợ chuyển đổi đất, khai hoang, làm đất: 6 triệu đồng/ha.

đ) Hỗ trợ phát triển cây Sơn tra

- Hỗ trợ 01 lần 100% giá giống trồng mới (cả cây trồng chính và cây trồng hỗn giao phụ trợ).

- Hỗ trợ chuyển đổi đất, khai hoang, làm đất: 6 triệu đồng/ha.

e) Hỗ trợ phát triển cây ăn quả ôn đới

- Hỗ trợ 01 lần 50% giá giống trồng mới.

- Hỗ trợ 100% phân bón lót (phân vô cơ hoặc phân vi sinh tổng hợp) theo quy trình.

g) Hỗ trợ chuyển đổi phương thức chăn nuôi gia súc

- Hỗ trợ chuồng trại: Xây dựng khu chuồng trại chăn nuôi tập trung theo dự án được Uỷ ban nhân dân cấp huyện phê duyệt. Hỗ trợ tạo mặt bằng khu chuồng trại chăn nuôi tập trung: Tối đa 500 triệu/ha và không quá 20m2/ hộ; Hỗ trợ làm chuồng: 2 triệu đồng/hộ.

- Hỗ trợ (một lần) kinh phí mua giống cỏ: 3.000 đồng/m2; tối đa 500m2/hộ.

h) Hỗ trợ khai hoang ruộng nước

Hỗ trợ công khai hoang: 15 triệu đồng/ha.

i) Hỗ trợ vôi cải tạo đất ruộng

Hỗ trợ 50% giá vôi theo chu kỳ 03 năm/lần/diện tích canh tác.

k) Hỗ trợ phát triển cơ giới hóa nông nghiệp

- Máy làm đất: Hỗ trợ 50% giá mua máy, tối đa 8 triệu đồng/máy.

- Máy cấy: Hỗ trợ 50% giá mua máy, tối đa 3 triệu đồng/máy.

6. Điều kiện hỗ trợ

a) Đối với các nội dung hỗ trợ giống lúa thuần, giống ngô lai và giống cỏ: Đối tượng được hỗ trợ có diện tích đất gieo trồng, đăng ký và cam kết với Uỷ ban nhân dân cấp xã, UBND cấp xã tổng hợp đăng ký với UBND cấp huyện.

b) Đối với các nội dung hỗ trợ phát triển cây chè, quế, sơn tra và cây ăn quả ôn đới: Đối tượng được hỗ trợ có diện tích đất trồng, đăng ký và cam kết với Uỷ ban nhân dân cấp xã, UBND cấp xã tổng hợp đăng ký với UBND cấp huyện; đảm bảo thực hiện quy trình kỹ thuật theo đề án, dự án được UBND tỉnh phê duyệt.

c) Đối với nội dung hỗ trợ chuồng trại: Đối tượng được hỗ trợ, đăng ký và cam kết với UBND cấp xã, UBND cấp xã tổng hợp, lập dự án trình UBND cấp huyện thẩm định và phê duyệt; đảm bảo thực hiện tiêu chuẩn kỹ thuật theo dự án được UBND cấp huyện phê duyệt.

d) Đối với nội dung hỗ trợ khai hoang ruộng nước: Đối tượng được hỗ trợ có nhu cầu khai hoang, đăng ký với UBND cấp xã, UBND cấp xã xem xét tổng hợp đăng ký với UBND cấp huyện.

đ) Đối với nội dung hỗ trợ vôi cải tạo đất: Đối tượng được hỗ trợ có diện tích đất gieo trồng, đăng ký và cam kết với UBND cấp xã, UBND cấp xã tổng hợp đăng ký với UBND cấp huyện; đảm bảo thực hiện quy trình theo dự án được Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt.

e) Đối với nội dung hỗ trợ cơ giới hoá nông nghiệp: Đối tượng được hỗ trợ có nhu cầu, đăng ký với UBND cấp xã, UBND cấp xã xét duyệt, tổng hợp đăng ký với UBND cấp huyện.

7. Nguồn vốn hỗ trợ: Ngân sách tỉnh, dịch vụ môi trường rừng, hỗ trợ của Jica.

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao

1. Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết.

Điều 3. Hiệu lực thi hành

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Lai Châu Khóa XIV Kỳ họp thứ hai thông qua ngày 28 tháng 7 năm 2016 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2017./.

Hội đồng nhân dân tỉnh Lai Châu

Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh

(Đã ký)

 

Vũ Văn Hoàn