CHỈ THỊ CỦA UBND TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU
Về việc giải quyết những trường hợp bị rủi ro khi vay vốn xóa đói giảm nghèo thuộc nguồn vốn ngân sách địa phương
___________
Trong những năm qua, công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh có ý nghĩa rất thiết thực, tạo điều kiện cho người dân sản xuất cải thiện đời sống. Tuy nhiên trong quá trình sử dụng vốn vay có một số trường hợp do nhiều lý do khác nhau không chấp hành nghiêm việc hoàn trả vốn, gây khó khăn cho việc quản lý của Nhà nước. Để giải quyết những trường hợp vay vốn từ quỹ xóa đói giảm nghèo (XĐGN) bị rủi ro, căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương. UBND tỉnh chỉ thị việc giải quyết những trường hợp vay vốn từ quỹ XĐGN thuộc nguồn vốn Ngân sách địa phương bị rủi ro chưa trả được nợ như sau:
I- Đối tượng và phạm vi áp dụng:
Xem xét cho khoanh nợ hoặc xóa nợ tùy theo tình hình thiệt hại hoặc khả năng thanh toán đối với các trường hợp sau:
1. Người vay vốn từ quỹ xóa đói giảm nghèo sử dụng vốn đúng mục đích, gặp rủi ro do nguyên nhân bất khả kháng: thiên tai (động đất, bão lũ lụt, hạn hán, sụt lở); hỏa hoạn; dịch bệnh... nên không có khả năng trả nợ.
2. Người vay vốn sau khi vay bị ốm đau thường xuyên, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không nơi nương tựa; bị chết; mất tích dẫn đến không còn khả năng trả nợ.
II- Các trường hợp được xem xét khoanh nợ hoặc xóa nợ:
1. Khoanh nợ: Các dự án bị thiệt hại một phần hay toàn bộ do các nguyên nhân bất khả kháng như: Sau khi vay trong hộ có người ốm đau thường xuyên, thì được xem xét khoanh nợ, thời hạn khoanh nợ tùy thuộc vào khả năng tài chính của người vay, nhưng tối đa không quá 36 tháng. Trong thời gian được khoanh nợ gốc, không tính lãi phát sinh số nợ được khoanh, nhưng người vay phải cam kết có phương án để trả nợ khi hết thời hạn khoanh nợ.
2. Xóa nợ: Những trường hợp sau đây được xem xét xóa nợ:
- Người vay vốn bị chết không có để lại tài sản hoặc bị mất tích không có để lại tài sản.
- Sau khi vay mà người vay vốn bị bệnh hiểm nghèo không còn khả năng lao động, bị tàn tật mất sức lao động từ 61% trở lên.
III- Hồ sơ pháp lý để xem xét giải quyết:
- Đơn xin xử lý nợ do người vay vốn hoặc thân nhân viết (Trường hợp người vay vốn chết) (nêu rõ nguyên nhân thiệt hại, mức độ thiệt hại, khả năng trả nợ, số tiền xin khoanh nợ và nêu phương án trả nợ, hoặc số tiền xin xóa nợ) có xác nhận của UBND xã, phường. Trường hợp người vay vốn bị chết phải có bản sao giấy chứng tử, nếu bị mất tích phải có giấy chứng nhận của Tòa án nhân dân huyện, thị xã, thành phố.
- Biên bản kiểm tra xác minh về tài sản thiệt hại do phòng Lao động - thương binh xã hội chủ trì phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch, chi nhánh Ngân hàng phục vụ người nghèo huyện, thị xã, thành phố và lãnh đạo UBND xã, phường thực hiện (theo mẫu số 01).
- Bản sao hợp đồng vay vốn (do chi nhánh Ngân hàng phục vụ người nghèo huyện, thị xã, thành phố cung cấp).
IV- Thẩm quyền xét duyệt và trình tự thực hiện ở các cấp:
1. Người vay bị rủi ro vì nguyên nhân bất khả kháng không có khả năng trả nợ làm đơn gởi UBND xã, phường ở địa phương mình xem xét để xác nhận sau đó chuyển qua Phòng Lao động - thương binh xã hội huyện, thị xã thành phố.
2. Trong thời gian không quá 10 ngày kể từ ngày nhận đơn, Phòng Lao động - thương binh xã hội (hoặc cơ quan thường trực Ban chỉ đạo XĐGN huyện, thị xã, thành phố) chủ trì phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch cùng cấp và Ngân hàng Phục vụ Người nghèo huyện, thị xã, thành phố tổ chức thẩm tra, lập biên bản kiểm tra xác minh thiệt hại và ghi kiến nghị cụ thể (theo mẫu 01). Sau đó phân loại tổng hợp danh sách các đối tượng rủi ro đủ điều kiện xử lý nợ (theo mẫu 02: khoanh nợ; mẫu 03: xóa nợ) trình UBND huyện, thị xã, thành phố xem xét đề nghị UBND tỉnh xử lý. Sau đó hồ sơ xử lý nợ gởi về Sở Lao động - thương binh xã hội để tổng hợp.
3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Sở Lao động - thương binh xã hội chủ trì phối hợp Sở Tài chính - vật giá, Ngân hàng Phục vụ Người nghèo tỉnh thẩm định hồ sơ, tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét Quyết định.
4. Căn cứ vào Quyết định xử lý của UBND tỉnh, Ngân hàng Phục vụ Người nghèo tỉnh có trách nhiệm cùng các ngành liên quan tổ chức thực hiện việc khoanh nợ và xóa nợ cho người vay.
Trong quá trình xem xét giải quyết dự án rủi ro phải hết sức khách quan, trung thực và chính xác. Tránh trường hợp xử lý tràn lan vì như thế sẽ làm cho người vay có tâm lý ỷ lại, không tự giác trả vốn cho Nhà nước.
Những hộ vay khác thực sự có khả năng trả nợ nhưng cố tình dây dưa, Ban chỉ đạo xóa đói giảm nghèo huyện, thị xã, thành phố lập hồ sơ chuyển cơ quan pháp luật cùng cấp xử lý nghiêm minh theo qui định hiện hành.
V- Cho vay mới để khắc phục rủi ro:
Các đối tượng đã được khoanh nợ, xóa nợ nếu có nhu cầu vay vốn ổn định sản xuất vươn lên thoát nghèo thì tùy trường hợp cụ thể có thể được xem xét cho vay mới trong phạm vi nguồn vốn hiện có của địa phương.
Nhận được chỉ thị này, yêu cầu các Ban chỉ đạo xóa đói giảm nghèo phối hợp với chính quyền cùng cấp tổ chức triển khai thực hiện nhằm giải quyết dứt điểm những tồn đọng trong việc vay vốn xóa đói giảm nghèo. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc cần phản ánh kịp thời với cơ quan có thẩm quyền để xem xét và giải quyết./.