Sign In

QUYẾT ĐỊNH CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Về việc Phê duyệt Kế hoạch triển khai Đề án quản lý và bảo trì hệ thống đường giao thông trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

_________

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN

 

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ;

Căn cứ Nghị định số 167/1999/NĐ-CP ngày 26/11/1999 của chính phủ về tổ chức quản lý đường bộ;

Căn cứ Quyết định 1782/2004/QĐ-UB, ngày 29/7/2004 của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc Phê duyệt đề án quản lý và bảo trì hệ thống đường giao thông trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên;

Theo đề nghị của Sở Giao thông Vận tải tại Tờ trình số: 1565/TTr- QLGT ngày 6/9/2004 về việc đề nghị phê duyệt kế hoạch triển khai đề án quản lý và bảo trì hệ thống đường giao thông trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện “Đề án quản lý và bảo trì hệ thống đường giao thông trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên” (có kế hoạch kèm theo).

Điều 2: Giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nội vụ và huyện, thành phố, thị xã thực hiện các nhiệm vụ được phân công.

Điều 3: Các ông, bà: Chánh văn phòng HĐND và UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Giao thông Vận tải, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh, thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “QUẢN LÝ VÀ BẢO TRÌ HỆ THỐNG ĐƯỜNG GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN

TỈNH THÁI NGUYÊN”

( Kèm theo Quyết định số  2532/2004/QĐ-UB, ngày21/10/2004 của UBND tỉnh Thái Nguyên )

 

I. Căn cứ triển khai kế hoạch thực hiện:

1. Quyết  định  số 1782/2004/QĐ-UB ngày 29/7/2004 của UBND tỉnh Thái Nguyên "Phê duyệt đề án Quản lý và bảo trì hệ thống đường giao thông trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên" .

2. Các văn bản hướng dẫn hiện hành của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính, Cục Đường bộ Việt Nam (về phân cấp quản lý đường bộ, chế độ quản lý sử dụng vốn, định ngạch, chế độ trách nhiệm trong quản lý bảo trì đường bộ...).

II. Nội dung, trình tự các bước triển khai:

1. Bước 1: Thống nhất ban hành các văn bản hướng dẫn:

Thực trạng các văn bản hướng dẫn của Nhà nước hiện có đối với công tác quản lý và bảo trì đường bộ:

- Mới chỉ có các văn bản hướng dẫn chính thức: Công tác quản lý và bảo trì các Quốc lộ (do Cục Đường bộ Việt Nam hướng dẫn) còn đường tỉnh và các đường khác chủ yếu vận dụng theo Quốc lộ.

- Lực lượng làm quản lý và bảo trì đường bộ là chuyên nghiệp (100% là các Doanh nghiệp Nhà nước, Doanh nghiệp công ích, là các Khu quản lý đường bộ, Đoạn, Hạt trực tiếp thực hiện.

- Vấn đề khoán quản lý và bảo trì cho đối tượng tổ chức, cá nhân ngoài xã hội là một vấn đề mà Cục Đường bộ Việt Nam đã hội thảo nhiều lần và vẫn đang tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện để đưa vào thực tế. Do đó các văn bản hưóng dẫn hiện có, mới chỉ hướng vào các đối tượng có tính chuyên nghiệp, bởi vậy với đối tượng đường giao thông nông là chủ yếu nên khi triển khai gặp phải khó khăn là:

a. Đối với Chủ đầu tư (các huyện, thành phố, thị xã) do công tác này còn mới, chưa quen, hoặc chưa có Ngân sách bố trí (đường huyện, đuờng xã) nhất là về vấn đề con người và thể chế .

b. Với những đối tượng nhận khoán: Sẽ là những tổ chức, cá nhân không phải là lực lượng chuyên nghiệp, do đó:

- Họ chưa hiểu thủ tục, luật pháp.

- Chưa biết định mức, đơn giá, quy trình quản lý, bảo trì.

- Họ nhận tiền khoán từ ngân sách Nhà nước và tự mình chi tiêu thế nào?

c. Một khó khăn nữa: Là sự phối hợp quản lý giữa các cơ quan Nhà nước đối với đối tượng này thế nào ?

Từ những phân tích hiện trạng trên yêu cầu đặt ra với các cơ quan quản lý Nhà nước cấp tỉnh là phải tiến hành thống nhất các văn bản pháp lý hướng dẫn cho các Chủ đầu tư sau đây:

1.1. Đối với Sở Giao thông Vận tải:

a. Hướng dẫn các Chủ đầu tư triển khai thực hiện đề án với các nội dung :

- Trình tự, thủ tục triển khai như khảo sát, lập dự toán, ký kết hợp đồng kinh tế, nghiệm thu, thanh toán sản phẩm..

- Cung cấp các tài liệu chuyên môn như định ngạch, định mức kinh tế - kỹ thuật, quy trình khảo sát thi công, nghiệm thu quản lý và bảo trì....

- Tổ chức tập huấn nghiệp vụ cơ bản cho các Chủ đầu tư.

b. Hướng dẫn công tác thanh tra, kiểm tra Nhà nước:

- Kiểm tra đột xuất, định kỳ đối với các Chủ đầu tư khác

1.2. Đối với Sở Kế hoạch và Đầu tư:

a. Phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài chính xác định cơ cấu, mức hỗ trợ hàng năm cho công tác quản lý, bảo trì trình UBND tỉnh.

Để xác định được cơ cấu, mức hỗ trợ cần phải tiến hành:

- Cân đối vốn Ngân sách cho quản lý và bảo trì hệ thống đường bộ gồm: đường tỉnh, đường đô thị, đường huyện, đường xã.

- Cân đối giữa nhu cầu cho công tác quản lý và bảo trì với công tác đảm bảo giao thông, khắc phục sự cố trên đường.

b. Theo dõi kiểm tra các Chủ đầu tư thực hiện kế hoạch.

Để thực hiện được hai nhiệm vụ trên Sở Kế hoạch và Đầu tư phải có :

- Văn bản hướng dẫn các Chủ đầu tư về lập và phân bổ Ngân sách hàng năm cho quản lý và bảo trì hệ thống đường tỉnh, đường đô thị, đường huyện, đường xã. Cơ chế chính sách huy động các nguồn vốn ngoài xã hội đầu tư cho công tác quản lý và bảo trì đường bộ .

- Văn bản quy định chế độ "Theo dõi kiểm tra" của Sở đối với các Chủ đầu tư.

1.3. Đối với Sở Tài chính:

a. Hướng dẫn Chủ đầu tư thực hiện các chính sách, chế độ sử dụng quản lý nguồn vốn quản lý và bảo trì hệ thống đường bộ, bao gồm: Từ chính sách chung thành các Quy định cụ thể của tỉnh về lĩnh vực :

- Quản lý sử dụng vốn.

- Chế độ tạm ứng, thanh quyết toán.

b. Thực hiện cấp phát vốn cho các Chủ đầu tư ( Sở Giao thông Vận tải, các huyện, thành phố, thị xã).

c. Thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra tài chính bao gồm: kiểm tra độc lập và kiểm tra có sự phối hợp với Sở Giao thông Vận tải.

1.4. Đối với Sở Nội vụ:

- Hình thức tổ chức tiếp nhận quản lý (tổ chức thay mặt UBND huyện, thành phố, thị xã quản lý nguồn vốn này).

- Quy định về biên chế, tiêu chuẩn cán bộ, chế độ tiền lương... đối với tổ chức tiếp nhận quản lý phần vốn quản lý và bảo trì đường bộ.

1.5. UBND các huyện, thành phố, thị xã :

a. Chức năng Chủ đầu tư đối với nguồn vốn này bao gồm :

- Là chủ thể ký hợp đồng kinh tế (với bên B)

- Khảo sát, lập dự toán, nghiệm thu, thanh toán

- Thực hiện quản lý vốn của Chủ đầu tư.

- Là chủ thể quản lý đường xá. Đây là vấn đề mới, nó khác hẳn với các đối tượng truyền thống, đơn vị quản lý và bảo trì là các tổ chức Nhà nước chuyên làm quản lý và bảo trì (các Đoạn, các Hạt hiện nay đang làm). Do vậy đòi hỏi các ngành tham mưu cho UBND tỉnh phải có những văn bản hướng dẫn thật chi tiết, cụ thể thì các huyện, thành phố, thị xã mới thực hiện tốt được.

b. Các huyện, thành phố, thị xã với chức năng quản lý Nhà nước về quản lý và bảo trì hệ thống đường bộ.

- Thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm hợp đồng kinh tế.

- Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về giao thông nông thôn (Quy hoạch, hành lang giao thông...) đây là nhiệm vụ thường xuyên kể cả khi chưa có đề án này.

1.6. Sự phối hợp giữa các Sở trong việc soạn thảo các văn bản hướng dẫn

- Sở Kế hoạch Đầu tư chủ trì biên soạn phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài chính ban hành văn bản quy định " Xác định cơ cấu, mức hỗ trợ vốn " để hướng dẫn thống nhất cho các Chủ đầu tư.

- Sở Tài chính chủ trì biên soạn phối hợp với Sở Giao thông Vận tải ban hành văn bản quy định về " Phối hợp kiểm tra thanh tra tài chính".

- Sở Giao thông Vận tải chủ trì biên soạn phối hợp với Sở Tài chính ban hành văn bản quy định về "Hướng dẫn thực hiện công tác khoán quản lý và bảo trì , quy chế nghiệm thu thanh toán" và quy định về "Hướng dẫn công tác nghiệm thu thanh toán".

- Sở Tài chính ban hành văn bản " Hướng dẫn thực hiện các chính sách, chế độ sử dụng nguồn vốn, quản lý vốn theo thẩm quyền"

- Sở Nội vụ ban hành văn bản hướng dẫn tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của huyện, thành phố, thị xã trong việc thực hiện đề án.

2. Bước 2: Hướng dẫn kiểm tra, đôn đốc thực hiện quyết định.

- Sau khi có các văn bản hướng dẫn, các Sở ban ngành hướng dẫn Chủ đầu tư soạn thảo tài liệu (nghiệp vụ), mở các lớp tập huấn nghiệp vụ, làm thí điểm một số đoạn tuyến, rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình.

III. Tiến độ triển khai đề án:

1. Soạn thảo, ban hành các văn bản hướng dẫn, mở các lớp tập huấn nghiệp vụ: các Sở chủ động và tự tổ chức hoặc phối hợp tổ chức tập huấn cho các đối tượng hoàn thành trong tháng 11/2004.

2. Chọn tuyến điểm để tiến hành làm thử: Mỗi huyện, thành phố, thị xã chọn 01 tuyến làm thử trong tháng 12 năm 2004.

3. Triển khai tuyến làm thử trong tháng 1/2005, hết quý I/2005 , tiến hành nghiệm thu tuyến làm thử.

4. Tổng kết rút kinh nghiệm nhân đại trà trong quý3/2005.

IV. Tổ chức thực hiện:

1. Các Sở ban ngành hữu quan ở tỉnh có trách nhiệm tổ chức thực hiện các nhiệm vụ đã được phân công theo thẩm quyền. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc phải kịp thời phối hợp với các đơn vị liên quan bàn bạc giải quyết hoặc báo cáo UBND Tỉnh.

2. Các huyện, thành phố, thị xã thành lập Ban chỉ đạo triển khai thực hiện đề án ở cấp mình.

3. Kinh phí cho việc triển khai đề án, trích từ nguồn vốn quản lý và bảo trì do các Chủ đầu tư lập dự toán trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Văn Kim