Sign In

THÔNG TƯ

Quy định chi tiết về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực
liên quan an ninh, trật tự, an toàn xã hội

 

Căn cứ Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính;

Căn cứ Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình;

Căn cứ Nghị định số 64/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 6 năm 2013, Nghị định số 80/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013, Nghị định số 93/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 8 năm 2013, Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2013, Nghị định số 103/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2013, Nghị định số 107/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 9 năm 2013, Nghị định số 119/2013/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2013, Nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2013, Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2013, Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2013, Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2013, Nghị định số 139/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2013, Nghị định số 144/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2013, Nghị định số 147/2013/NĐ-CP ngày 30 tháng 10 năm 2013, Nghị định số 155/2013/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2013, Nghị định số 157/2013/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2013, Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013, Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013, Nghị định số 173/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2013, Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013, Nghị định số 179/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013, Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ, tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, giao thông hàng hải, đường thủy nội địa, sở hữu công nghiệp, thủy sản, năng lượng nguyên tử, thú ý, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, quốc phòng, cơ yếu, xây dựng, quyền tác giả, quyền liên quan, điện lực, an toàn đập thủy điện, phòng, chống lụt, bão, bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em, hàng không dân dụng, kế hoạch và đầu tư, quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, báo chí, xuất bản, khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ, y tế, bảo vệ môi trường, hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;

Căn cứ Nghị định số 106/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2014 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát;

Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định chi tiết về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực liên quan an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về việc áp dụng hình thức, thủ tục, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; thu, quản lý, sử dụng tiền phạt vi phạm hành chính và thống kê, báo cáo về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình và các lĩnh vực liên quan đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội thuộc thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của lực lượng Công an nhân dân (sau đây viết gọn là xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực liên quan an ninh, trật tự, an toàn xã hội).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với:

1. Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

2. Công an các đơn vị, địa phương.

3. Cá nhân, tổ chức Việt Nam; cá nhân, tổ chức nước ngoài (sau đây viết gọn là cá nhân, tổ chức) bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực liên quan an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

4. Cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực liên quan an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

 

Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Công an nhân dân trong lĩnh vực liên quan an ninh, trật tự, an toàn xã hội

1. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Công an nhân dân trong lĩnh vực liên quan an ninh, trật tự, an toàn xã hội được quy định tại Nghị định số 64/2013/NĐ-CP, Nghị định số 80/2013/NĐ-CP, Nghị định số 93/2013/NĐ-CP, Nghị định số 99/2013/NĐ-CP, Nghị định số 103/2013/NĐ-CP, Nghị định số 107/2013/NĐ-CP, Nghị định số 119/2013/NĐ-CP, Nghị định số 120/2013/NĐ-CP, Nghị định số 121/2013/NĐ-CP, Nghị định số 131/2013/NĐ-CP, Nghị định số 134/2013/NĐ-CP, Nghị định số 139/2013/NĐ-CP, Nghị định số 144/2013/NĐ-CP, Nghị định số 147/2013/NĐ-CP, Nghị định số 155/2013/NĐ-CP, Nghị định số 157/2013/NĐ-CP, Nghị định số 158/2013/NĐ-CP, Nghị định số 159/2013/NĐ-CP, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP, Nghị định số 173/2013/NĐ-CP, Nghị định số 176/2013/NĐ-CP, Nghị định số 179/2013/NĐ-CP, Nghị định số 185/2013/NĐ-CP và các nghị định khác có liên quan.

2. Các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong Công an nhân dân thực hiện theo quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính, các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực liên quan an ninh, trật tự, an toàn xã hội và quy định sau:

a) Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát giao thông có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực liên quan an ninh, trật tự, an toàn xã hội gồm: Trưởng phòng Hướng dẫn điều tra, xử lý tai nạn giao thông, Trưởng phòng Hướng dẫn, đăng ký và kiểm định phương tiện, Trưởng phòng Hướng dẫn tổ chức, điều khiển giao thông và dẫn đoàn, Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, Trưởng phòng Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc, Trưởng phòng Hướng dẫn và tổ chức bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt, Trưởng phòng Công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm trên đường thủy nội địa, Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường thủy nội địa, Thủy đoàn trưởng;

b) Thủ trưởng trực tiếp của chiến sĩ Công an nhân dân là người được giao phụ trách các đội, nhóm, tổ được thủ trưởng đơn vị Công an từ cấp phòng, cấp huyện, cấp đồn, trạm và tương đương trở lên giao nhiệm vụ công tác thường xuyên, đột xuất. 

3. Xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính

a) Khi ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, lĩnh vực và địa bàn được giao.

Trường hợp vi phạm hành chính không thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, lĩnh vực và địa bàn được giao, thì phải chuyển vụ việc đó đến người có thẩm quyền xử phạt;

b) Đối với những vụ việc vi phạm hành chính xảy ra ở địa bàn giáp ranh, nếu không thuộc phạm vi địa bàn được phân công, thì tiến hành các biện pháp xử lý theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao. Sau đó thông báo và bàn giao cho các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật;

c) Trong trường hợp vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều người, thì việc xử phạt vi phạm hành chính do người thụ lý đầu tiên thực hiện.

Điều 4. Áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính

1. Hình thức xử phạt tiền

Khi quyết định hình thức xử phạt tiền, người có thẩm quyền phải căn cứ tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm, nhân thân người vi phạm và những tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng theo quy định tại Điều 9, Điều 10 Luật Xử lý vi phạm hành chính để quyết định mức tiền phạt cho phù hợp.

2. Trường hợp cá nhân, tổ chức nước ngoài được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự theo quy định của pháp luật thì thực hiện như sau:

a) Nếu là vi phạm nhỏ, đơn giản thì nhắc nhở, yêu cầu chấm dứt vi phạm;

b) Nếu vi phạm có tính chất phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng, thì báo cáo ngay lãnh đạo đơn vị xin ý kiến giải quyết;

c) Trường hợp không thuộc quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều này mà có hành vi vi phạm, thì tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.

3. Đối với vụ việc vi phạm hành chính phức tạp, nghiêm trọng, xét thấy có dấu hiệu của tội phạm thì đơn vị tiếp nhận, thụ lý vụ việc phải chủ động trao đổi với Cơ quan điều tra có thẩm quyền để thống nhất hướng xử lý vi phạm.

Điều 5. Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính

1. Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực liên quan an ninh, trật tự, an toàn xã hội thực hiện theo quy định tại Mục 1 Chương III Phần thứ hai Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 81/2013/NĐ-CP và Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực có liên quan.

2. Trường hợp tổ chức, cá nhân cùng một lúc thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính, thì người có thẩm quyền quyết định hình thức xử phạt đối với từng hành vi vi phạm; nếu hình thức xử phạt là phạt tiền thì phải cộng các mức tiền phạt của từng hành vi thành mức phạt chung và chỉ ra một quyết định xử phạt. Việc quyết định xử phạt được thực hiện như sau:

a) Nếu các hành vi vi phạm hành chính mà thuộc thẩm quyền được giao thì ra quyết định xử phạt;

b) Nếu một trong các hành vi vi phạm hành chính vượt quá thẩm quyền được giao, thì phải chuyển vụ việc đó đến cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt.

Điều 6. Thu, quản lý, sử dụng tiền xử phạt vi phạm hành chính

Việc thu tiền, quản lý, sử dụng tiền xử phạt vi phạm hành chính và quản lý biên lai thu tiền phạt thực hiện theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 81/2013/NĐ-CP, Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực có liên quan và quy định của Bộ Tài chính, Bộ Công an về thủ tục thu, nộp tiền phạt, biên lai thu tiền phạt và kinh phí từ ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính.

Điều 7. Chế độ hồ sơ, thống kê

1. Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực liên quan an ninh, trật tự, an toàn xã hội phải lập hồ sơ, có sổ theo dõi để phục vụ cho việc xem xét áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự và các hoạt động khác có liên quan. Việc lưu giữ hồ sơ vụ, việc thực hiện theo chế độ hồ sơ của Bộ Công an.

2. Công an các đơn vị, địa phương phải phân công cán bộ theo dõi, thống kê, tổng hợp tình hình vi phạm hành chính, xử phạt vi phạm hành chính theo từng điều trong các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực liên quan an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

3. Định kỳ vào các ngày 01, 10, 20 hàng tháng, Công an các đơn vị, địa phương phải đối chiếu với cơ quan tài chính, Kho bạc nhà nước về tình hình thi hành quyết định xử phạt, thống kê những quyết định xử phạt vi phạm hành chính chưa được thi hành, đề xuất biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt theo quy định của pháp luật.

Điều 8. Chế độ báo cáo

1. Hàng ngày, các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực liên quan an ninh, trật tự, an toàn xã hội phải tập hợp và báo cáo lãnh đạo đơn vị mình số vụ việc đã lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

2. Hàng tuần, Công an các đơn vị, địa phương báo cáo về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực liên quan an ninh, trật tự, an toàn xã hội lên cấp trên trực tiếp.

3. Hàng tháng, vào ngày cuối cùng của tháng, các Tổng cục, đơn vị trực thuộc Bộ, Công an, Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi báo cáo về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực liên quan an ninh, trật tự, an toàn xã hội theo lực lượng và về Bộ Công an (qua Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp).

4. Các Tổng cục, đơn vị trực thuộc Bộ, Công an, Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi báo cáo 06 tháng, 01 năm về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực liên quan an ninh, trật tự, an toàn xã hội theo lực lượng và về Bộ Công an (qua Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp). Thời gian gửi báo cáo thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 25 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP.

5. Nội dung báo cáo về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực liên quan an ninh, trật tự, an toàn xã hội thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 25 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP.

6. Hình thức báo cáo

a) Báo cáo bằng văn bản;

b) Báo cáo qua mạng máy tính nội bộ có bảo mật (qua cơ yếu);

c) Báo cáo qua cập nhập thông tin về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực liên quan an ninh, trật tự, an toàn xã hội vào cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính trong Công an nhân dân.

7. Việc thực hiện báo cáo quy định tại điểm c khoản 6 Điều này thực hiện theo quy định khác của Bộ Công an.

 

Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 4 năm 2015. Những quy định trước đây trái với quy định tại Thông tư này đều bị bãi bỏ.

Điều 10. Trách nhiệm thi hành

1. Tổng cục Cảnh sát có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.

2. Các Tổng cục trưởng, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Công an, Giám đốc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương, tổ chức, cá nhân có liên quan báo cáo về Bộ Công an (qua Tổng Cục Cảnh sát) để có hướng dẫn kịp thời.

Bộ Công an

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Đại tướng Trần Đại Quang