QUYẾT ĐỊNH
Ban hành Quy định về công tác bàn giao các công trình giao thông trên địa bàn thành phố Đà Nẵng
__________________
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 06 năm 2014;
Căn cứ Nghị định 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ về Quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 42/2017/NĐ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng;
Căn cứ Thông tư số 74/2014/TT-BGTVT ngày 19/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Ban hành quy chế công tác lưu trữ của Bộ giao thông vận tải;
Căn cứ Thông tư số 26/2016/TT-BXD ngày 26 tháng 10 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về công tác bàn giao các công trình giao thông trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Điều 2. Giám đốc Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện Quy định này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 28 tháng 02 năm 2018.
Điều 4. Chánh Văn phòng UBND thành phố, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, phường, xã, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Huỳnh Đức Thơ
|
QUY ĐỊNH
Về công tác bàn giao các công trình
giao thông trên địa bàn thành phố Đà Nẵng
(Ban hành kèm theo Quyết định số 08 / 2018/QĐ-UBND
ngày 12 tháng 02 năm 2018 của UBND thành phố Đà Nẵng)
_____________
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh: Quy định này quy định về công tác bàn giao, tiếp nhận, quản lý đối với các công trình giao thông trên địa bàn thành phố Đà Nẵng được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn Nhà nước hoặc từ nguồn vốn khác được Ủy ban nhân dân (sau đây viết tắt là UBND) thành phố giao cho Sở Giao thông vận tải thành phố Đà Nẵng, UBND các quận, huyện tiếp nhận quản lý, khai thác, vận hành.
2. Đối tượng áp dụng: Các chủ đầu tư, đơn vị điều hành dự án nếu được ủy quyền (sau đây gọi chung là Chủ đầu tư) và các cơ quan, đơn vị liên quan.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Công trình giao thông:
a) Công trình đường bộ gồm: đường tầu điện ngầm (Metro), đường sắt đô thị, đường sắt trên cao, đường ô tô, đường trong đô thị, đường nông thôn, cầu đường bộ, cầu bộ hành, cầu treo dân sinh, hầm đường ô tô, hầm cho người đi bộ, nơi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ, bãi đỗ xe, đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, cọc tiêu, rào chắn, đảo giao thông, dải phân cách, cột kilômét, tường chắn bảo vệ nền đường, trạm kiểm tra tải trọng xe và các công trình, thiết bị phụ trợ đường bộ khác.
b) Công trình đường thủy nội địa gồm: đường thủy nội địa, hành lang bảo vệ luồng, cảng, bến thủy nội địa; khu beo đậu ngoài cảng; báo hiệu đường thủy nội địa và các công trình phụ trợ khác.
2. Hồ sơ hoàn thành công trình (còn được gọi là hồ sơ hoàn công) là tập hợp các hồ sơ, tài liệu có liên quan tới quá trình đầu tư xây dựng công trình cần được lưu lại khi đưa công trình vào sử dụng.
Điều 3. Nguyên tắc bàn giao
1. Đảm bảo các điều kiện an toàn giao thông trong vận hành, khai thác khi đưa công trình vào sử dụng.
2. Công tác bàn giao phải đảm bảo theo đúng trình tự pháp luật quy định, nhằm phục vụ tốt cho công tác quản lý, khai thác, vận hành đúng với khả năng thực tế của các công trình giao thông trên địa bàn thành phố.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Thời gian gửi hồ sơ và thành phần, quy cách hồ sơ hoàn thành công trình
1. Thời gian gửi hồ sơ, tài liệu hoàn thành công trình xây dựng về đơn vị quản lý, sử dụng tối thiểu 07 ngày làm việc trước khi tiến hành bàn giao.
2. Bản vẽ hoàn công được lập theo quy định tại Điều 11 Thông tư số 26/2016/TT-BXD ngày 26 tháng 10 năm 2016 của Bộ Xây dựng.
Tất cả các tài liệu được xếp theo trình tự của danh mục hồ sơ hoàn thành công trình tại Phụ lục III Thông tư số 26/2016/TT-BXD ngày 26 tháng 10 năm 2016 của Bộ Xây dựng. Ngoài ra, còn có hồ sơ các công trình ngầm lắp đặt trên tuyến trong đó phải thể hiện vị trí lắp đặt các công trình ngầm (theo phương ngang và chiều sâu lắp đặt).
3. Nộp hồ sơ hoàn thành công trình kèm file mềm (nội dung trong file mềm gồm thuyết minh hoàn công công trình, hạng mục công trình và các văn bản pháp lý định dạng file.pdf và phần bản vẽ định dạng file.dwg); Nội dung thuyết minh hồ sơ hoàn thành công trình lập theo mẫu tại Phụ lục số 2 của Quy định này. Danh mục hồ sơ hoàn thành công trình lập theo mẫu tại Phụ lục 3 của Quy định này.
4. Hồ sơ, tài liệu hoàn thành công trình xây dựng được đóng thành tập theo khổ giấy A4 (kể cả các bản vẽ có kích thước khác với khổ giấy A4), cho vào hộp cứng. Trường hợp bản vẽ khổ lớn nhiều có thể đóng thành tập riêng theo khổ giấy A3 (đặc biệt có thể đóng thành tập theo khổ giấy A2 hoặc A1).
5. Trên các bìa file phải dán nhãn, ghi tên tài liệu, kèm theo danh mục chi tiết, đánh số trang tài liệu chứa trong đó.
6. Hồ sơ giao nộp phải đảm bảo tính pháp lý, các chứng chỉ thí nghiệm là bản gốc hoặc bản phô tô có công chứng. Trường hợp đặc biệt như công trình xây dựng đã lâu bị thất lạc bản gốc, được UBND thành phố cho phép bàn giao theo hiện trạng hoặc các công trình duy tu sửa chữa có tính chất đơn giản, nhỏ lẻ, cho phép chủ đầu tư ký xác nhận và đóng dấu.
Điều 5. Về số lượng hồ sơ hoàn thành công trình
1. Đối với các công trình được xây dựng bằng nguồn vốn sự nghiệp kinh tế giao thông, vốn An toàn giao thông hoặc Quỹ bảo trì đường bộ: Hồ sơ, tài liệu hoàn thành công trình xây dựng được lập theo đúng quy định hiện hành và giao nộp 02 bộ (đơn vị chủ quản quản lý, sử dụng công trình 01 bộ, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng 01 bộ) và kèm theo file mềm theo số lượng hồ giao nộp (nội dung file mềm theo khoản 3 Điều 4 Quy định này) đối với công trình, hạng mục công trình sửa chữa lớn.
2. Đối với các công trình được xây dựng không phải bằng các nguồn vốn nêu tại khoản 1 Điều 8 Quy định này: Hồ sơ, tài liệu hoàn thành công trình xây dựng được lập theo đúng quy định hiện hành và giao nộp 03 bộ (đơn vị chủ quản quản lý, sử dụng công trình 01 bộ, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng 01 bộ và cơ quan lưu trữ Nhà nước theo phân cấp 01 bộ) và kèm theo file mềm theo số lượng hồ giao nộp (nội dung file mềm theo khoản 3 Điều 4 Quy định này).
Điều 6. Công tác nghiệm thu
1. Các công trình giao thông trên địa bàn thành phố (có quy mô bất kỳ) đều phải thực hiện công tác nghiệm thu theo Điều 27, 30 và 31 Nghị định 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ về Quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng.
2. Trường hợp chủ đầu tư không phải là chủ quản lý, chủ sử dụng công trình thì khi nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng đưa vào sử dụng, chủ đầu tư có thể mời chủ quản lý sử dụng công trình tham gia chứng kiến nghiệm thu.
Điều 7. Công tác bàn giao
1. Các công trình giao thông trên địa bàn thành phố (có quy mô bất kỳ) được bàn giao cho chủ quản lý sử dụng công trình theo quy định tại Điều 34 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP. Ngoài ra, phải bàn giao các mốc tọa độ, mốc cao độ đối với các công trình cầu; công trình cảng, bến thủy nội địa và công trình đòi hỏi phải quan trắc trong quá trình khai thác. Trường hợp chưa bàn giao được công trình cho chủ quản lý, chủ sử dụng thì chủ đầu tư có trách nhiệm tạm thời quản lý, vận hành và bảo trì công trình xây dựng. Chủ đầu tư có trách nhiệm bàn giao hồ sơ bảo trì công trình xây dựng cho chủ quản lý sử dụng công trình trước khi bàn giao công trình, hạng mục công trình đưa vào khai thác, sử dụng theo quy định tại Khoản 8 Điều 40 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP.
2. Trường hợp công trình, hạng mục công trình vẫn còn một số tồn tại khiếm khuyết nhỏ do khách quan mà không ảnh hưởng đến an toàn giao thông trong quá trình khai thác thì bên nhận bàn giao có thể xem xét quyết định chấp nhận bàn giao. Các tồn tại, khiếm khuyết được lập thành biên bản riêng và chủ đầu tư phải cam kết thời gian hoàn thành khắc phục khiếm khuyết.
3. Chủ đầu tư phải tổ chức cho chủ quản lý, chủ sử dụng công trình đi kiểm tra thực tế hiện trường khi tổ chức bàn giao. Hiện trường công trình đã được thi công xong; bổ sung, sửa chữa các hư hỏng thiếu sót (nếu có theo kết quả kiểm tra hiện trường được thực hiện trước khi bàn giao) và phải tổng dọn vệ sinh trước khi bàn giao. Đặc biệt lưu ý kiểm tra các vị trí lắp đặt các công trình ngầm, phải lập thành văn bản; thành phần theo khoản 4 Điều 7 Quy định này.
4. Thành phần tham gia bàn giao: Chủ đầu tư chỉ tiến hành công tác bàn giao công trình hoặc hạng mục công trình sau khi đã tổ chức nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng đưa vào sử dụng. Thành phần bàn giao gồm:
a) Bên giao: Chủ đầu tư (đại diện chủ đầu tư)
b) Bên nhận:
- Đơn vị chủ quản lý, chủ sử dụng công trình, hạng mục công trình hoặc đơn vị được giao trách nhiệm quản lý Nhà nước về đường bộ.
- Đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng công trình, hạng mục công trình.
(Biên bản được lập theo mẫu tại phụ lục số 1 của Quy định này).
5. Trường hợp UBND thành phố có chủ trương cho phép bàn giao công trình, hạng mục công trình giao thông theo hiện trạng thì công trình, hạng mục công trình giao thông phải đảm bảo có đầy đủ hệ thống an toàn giao thông hoặc đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép bổ sung hạng mục tổ chức giao thông (nếu chưa có) và sửa chữa các hư hỏng, tồn tại nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện khi lưu thông trước khi các bên tiến hành bàn giao.
Điều 8. Các yêu cầu khi bàn giao
1. Thực hiện đầy đủ các nội dung đã nêu tại Điều 4, 6 và 7 Quy định này.
2. Có đầy đủ hệ thống báo hiệu đường bộ theo đúng nội dung “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ” bao gồm: Biển báo hiệu các loại, vạch kẻ đường, tín hiệu đèn giao thông (nếu có) và các công trình phụ trợ khác nhằm tăng cường đảm bảo an toàn giao thông; ngoài những yêu cầu trên cần phải có:
- Cột Kilômét đối với đường Quốc lộ (QL), đường tỉnh (ĐT), đường huyện (ĐH);
- Mốc lộ giới đối với đường Quốc lộ (QL), đường tỉnh (ĐT), đường huyện (ĐH), đường xã (ĐX);
- Cọc tiêu, tường bảo vệ và hàng rào chắn đối với những đoạn đường nguy hiểm.
3. Hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng phải được chủ đầu tư tổ chức lập đầy đủ trước khi đưa hạng mục công trình hoặc công trình vào khai thác, vận hành theo đúng quy định tại Điều 33 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP.
3. Đối với các công trình, hạng mục công trình giao thông được áp dụng công nghệ mới để thi công thì phải bàn giao các tài liệu liên quan đến công nghệ và chuyển giao công nghệ thi công chủ đầu tư tổ chức đào tạo chuyển giao công nghệ cho bên nhận quản lý, sử dụng.
4. Chủ đầu tư tổ chức lập một bộ hồ sơ phục vụ quản lý, vận hành và bảo trì công trình theo quy định tại Phụ lục IV Thông tư 26/2016/TT-BXD, bàn giao cho chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình. Chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình có trách nhiệm lưu trữ hồ sơ này trong suốt quá trình khai thác, sử dụng công trình. Danh mục hồ sơ phục vụ quản lý, vận hành và bảo trì công trình lập theo Phụ lục 4 Quy định này.
Điều 9. Từ chối tiếp nhận công trình
Các công trình giao thông trên địa bàn thành phố đã hoàn thành nếu không thực hiện đúng các nội dung của Quy định này thì các bên liên quan lập thành Biên bản ghi rõ những tồn tại, thiếu sót và cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý, khai thác, vận hành có quyền phát văn bản từ chối tiếp nhận bàn giao các hạng mục công trình hoặc công trình và chủ đầu tư phải tự chịu trách nhiệm về quản lý, khai thác và bảo trì (nếu cần thiết).
Điều 10. Về bảo hành công trình hoặc hạng mục công trình
1. Sau khi bàn giao hạng mục công trình, công trình giao thông cho chủ quản lý sử dụng, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm bảo hành công trình theo đúng quy định tại Điều 35 và Điều 36 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP.
2. Sau thời gian kết thúc bảo hành công trình hoặc hạng mục công trình thì chủ đầu tư phải tiến hành tổ chức kiểm tra đánh giá kết quả thực hiện công tác bảo hành công trình hoặc hạng mục công trình và lập thành văn bản với thành phần tham gia gồm chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc đơn vị quản lý sử dụng công trình và nhà thầu thi công xây dựng. Căn cứ kết quả kiểm tra nếu được chấp thuận thì chủ đầu tư làm thủ tục thanh toán phần kinh phí đã được giữ lại trong thời gian bảo hành công trình hoặc hạng mục công trình.
3. Các công trình hoặc hạng mục công trình đã được bàn giao cho đơn vị quản lý sử dụng nếu trong thời gian bảo hành có phát sinh các hư hỏng, khiếm khuyết có thể sửa chữa được (hư hỏng, khiếm khuyết phát sinh do lỗi của nhà thầu) thì đơn vị quản lý sử dụng có văn bản gửi chủ đầu tư để chỉ đạo nhà thầu thi công xây dựng sửa chữa kịp thời. Trường hợp sau 15 ngày làm việc (sau 24 giờ đối với các công trình, hạng mục công trình ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn giao thông như đèn tín hiệu giao thông, camera, biển báo hiệu…) kể từ khi đơn vị trực tiếp quản lý sử dụng có ý kiến bằng văn bản mà đơn vị thi công vẫn chưa tiến hành sửa chữa thì đơn vị trực tiếp quản lý sử dụng mời chủ đầu tư và Sở Giao thông vận tải kiểm tra, xác nhận khối lượng, phương án sửa chữa và tổ chức thực hiện. Kinh phí sửa chữa được Sở Giao thông vận tải (đối với các công trình, hạng mục công trình do Sở Giao thông vận tải quản lý) hoặc UBND các quận, huyện (đối với các công trình, hạng mục công trình do UBND quận, huyện quản lý) thẩm định và được chủ đầu tư chi trả từ chi phí bảo hành công trình đã được giữ lại trong thời gian bảo hành.
4. Trường hợp phát hiện các hư hỏng nặng, khó khắc phục thì đơn vị trực tiếp quản lý sử dụng báo cáo Sở Giao thông vận tải xem xét, xử lý theo thẩm quyền.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 11. Khen thưởng
Tổ chức, các nhân thực hiện tốt trong việc thực hiện quy định Nhà nước về công tác bàn giao các công trình giao thông trên địa bàn thành phố và Quy định này sẽ được khen thưởng theo quy định chung.
Điều 12. Xử lý vi phạm
Tổ chức cá nhân có hành vi vi phạm về công tác bàn giao các công trình giao thông trên địa bàn thành phố tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp gây thiệt hại về vật chất thì phải bồi thường theo quy định.
Điều 13. Điều khoản thi hành
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các ngành, địa phương, tổ chức và cá nhân phản ánh về Sở Giao thông vận tải để nghiên cứu, tổng hợp, trình UBND thành phố xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp ./.
|
TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Huỳnh Đức Thơ
|
Phụ lục số 1
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Đà Nẵng, ngày……. tháng …… năm 20
BIÊN BẢN
BÀN GIAO HẠNG MỤC CÔNG TRÌNH HOẶC CÔNG TRÌNH
ĐỂ QUẢN LÝ SỬ DỤNG, VẬN HÀNH VÀ KHAI THÁC
Công trình: ……………………………………………………………………………….
Hạng mục công trình: ………………………………………………………………
Địa điểm xây dựng: …………………………………………..………………………
I. Thành phần tham gia bàn giao công trình hoặc hạng mục công trình:
1. Bên giao:
- Chủ đầu tư (đại diện chủ đầu tư):
2. Bên nhận:
- Đơn vị chủ quản lý, chủ sử dụng công trình hoặc hạng mục công trình [1] hoặc Đơn vị được giao trách nhiệm quản lý Nhà nước về đường bộ [2]: Sở Giao thông Vận tải.
- Đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng công trình hoặc hạng mục công trình: (đơn vị được giao theo phân cấp của UBND thành phố và cấp có thẩm quyền).
II. Thời gian tiến hành bàn giao:
Bắt đầu: ………….… ngày …………. tháng ……. năm …….…
Kết thúc: …………… ngày ………… tháng ……. năm ……….
III. Tiến hành bàn giao:
Các bên đã xem xét các hồ sơ tài liệu đã được nghiệm thu, kiểm tra thực tế hiện trường và thống nhất bàn giao gồm:
- Thuyết minh hồ sơ hoàn thành công trình (theo Phụ lục số 2 Quyết định số /2017/QĐ-UBND ngày của UBND thành phố Đà Nẵng);
- Hồ sơ chuẩn bị đầu tư xây dựng và hợp đồng (theo Phụ lục số 3 Quyết định số /2017/QĐ-UBND ngày của UBND thành phố Đà Nẵng);
- Hồ sơ khảo sát, thiết kế xây dựng công trình (theo Phụ lục số 3 Quyết định số /2017/QĐ-UBND ngày của UBND thành phố Đà Nẵng);
- Hồ sơ quản lý chất lượng thi công xây dựng công trình (theo Phụ lục số 3 Quyết định số /2017/QĐ-UBND ngày của UBND thành phố Đà Nẵng);
- Hồ sơ phục vụ quản lý, vận hành và bảo trì công trình (theo Phụ lục số 4 Quyết định số /2017/QĐ-UBND ngày của UBND thành phố Đà Nẵng);
- File mềm (nội dung gồm thuyết minh hoàn công công trình, hạng mục công trình và các văn bản pháp lý định dạng file.pdf và phần bản vẽ định dạng file.dwg);
- Khối lượng bàn giao quản lý, sử dụng:
Số
TT
|
Hạng mục
|
Đơn vị
|
Khối lượng
|
Theo thiết kế được phê duyệt
|
Theo thực tế được bàn giao
|
1
|
………………………………….
|
………..
|
………………..
|
……………….
|
2
|
………………………………….
|
………..
|
………………..
|
……………….
|
IV. Giá trị hạng mục công trình hoặc công trình bàn giao:
1. Giá trị dự toán công trình, hạng mục công trình được duyệt: cùng thời điểm bàn giao;
2. Giá trị quyết toán được cấp thẩm quyền thẩm tra và phê duyệt: bàn giao sau 10 ngày kể từ ngày có quyết định quyết toán hạng mục công trình hoặc công trình
V. Kiến nghị:
1. Chủ đầu tư (đơn vị điều hành dự án) phải tiến hành tổ chức phúc tra đánh giá kết quả thực hiện công tác bảo hành công trình hoặc hạng mục công trình và lập thành văn bản (thành phần gồm chủ đầu tư hoặc đơn vị điều hành dự án dự án, đơn vị quản lý sử dụng, vận hành, khai thác và đơn vị thi công);
2.…………………………………………………………………………………………………………..
VI. Kết luận:
1. Chấp nhận (hay không chấp nhận) bàn giao hạng mục công trình hoặc công trình để quản lý sử dụng và khai thác.
2. Yêu cầu và thời hạn phải sửa xong các khiếm khuyết mới chấp nhận hạng mục công trình hoặc công trình được bàn giao quản lý sử dụng và khai thác.
3. Bảo hành hạng mục công trình hoặc công trình theo quy định hiện hành của Nhà nước./.
Đại diện chủ đầu tư
(Ký tên, ghi rõ họ và tên và đóng dấu)
Đại diện đơn vị chủ quản lý, chủ sở hữu hoặc
Đại diện đơn vị được giao trách nhiệm quản lý Nhà nước về đường bộ
(Ký tên, ghi rõ họ và tên, chức vụ và đóng dấu)
Đại diện đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng
(Ký tên, ghi rõ họ và tên, chức vụ và đóng dấu)
Phụ lục số 2
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Đà Nẵng, ngày……. tháng …… năm 20
THUYẾT MINH HỒ SƠ HOÀN THÀNH CÔNG TRÌNH
1. Công trình: ……………………………………………………………………………………...
2. Hạng mục công trình: …………………………………………….………………………
3. Địa điểm xây dựng: …………………………………………………………………………
I. GIỚI THIỆU CHUNG:
Giới thiệu về công trình: ……………………………………………………………………….
Chủ đầu tư: …………………………………………………………………………………………...
Điều hành dự án:……………………………………………………………………………………
Cơ quan thẩm tra/ thẩm định: ………………………………………………………..............
Cơ quan phê duyệt: ………………………………………………………………………………
Tư vấn khảo sát, thiết kế: ……………………………………………………………………..
Tư vấn Giám sát (hoặc GSKTA): …………………………………………………………
Đơn vị thi công: …………………………………………………………………………………
Chỉ huy trưởng công trường: ………………………………………………………………
Phòng kỹ thuật của nhà thầu thi công xây dựng: ……………………………………
Đội trưởng thi công: ……………………………………………………………………………
Phụ trách kỹ thuật thi công trực tiếp: ……………………………………………………
Tổ trưởng thi công: ………………………………………………………………………………
II. QUI MÔ CÔNG TRÌNH:
……………………………………………………………………………………………………………
……………………………………………………………………………………………………………
III. CÁC CĂN CỨ ĐỂ THI CÔNG:
……………………………………………………………………………………………………………
……………………………………………………………………………………………………………
IV. NHỮNG THAY ĐỔI SO VỚI THIẾT KẾ ĐƯỢC DUYỆT:
……………………………………………………………………………………………………………
……………………………………………………………………………………………………………
V. CHỈ TIÊU KỸ THUẬT ÁP DỤNG TRONG THI CÔNG:
……………………………………………………………………………………………………………
……………………………………………………………………………………………………………
VI. THIẾT BỊ THI CÔNG CHỦ YẾU: Liệt kê các thiết bị về số lượng và năng suất của từng thiết bị
……………………………………………………………………………………………………………
……………………………………………………………………………………………………………
VII. VẬT LIỆU XÂY DỰNG:
……………………………………………………………………………………………………………
……………………………………………………………………………………………………………
VIII. BIỆN PHÁP THI CÔNG:
……………………………………………………………………………………………………………
……………………………………………………………………………………………………………
IX. THỜI GIAN THI CÔNG:
Khởi công ngày: …………………………………………………………………………………
Hoàn thành ngày: …………………………………………………………………………………
X. AN TOÀN LAO ĐỘNG VÀ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG:
……………………………………………………………………………………………………………
……………………………………………………………………………………………………………
Người viết thuyết minh ĐẠI DIỆN NHÀ THẦU XÂY LẮP
(Ký tên, ghi rõ họ và tên) (Ký tên, ghi rõ họ tên và đóng dấu)
[1] Đối với công trình hoặc hạng mục công trình do Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng quản lý
[2] Đối với công trình hoặc hạng mục công trình do UBND các quận, huyện quản lý hoặc các đơn vị khác theo chỉ định của UBND thành phố.